Hữu nghị - Hợp tác

Người bạn Nga và “những năm tháng không thể quên” ở Việt Nam

Người bạn Nga cho biết đã đến nhiều nước trên thế giới, nhưng không ở đâu lại bị cuốn hút, bị "thu phục" như ở Việt Nam. Đó là Victor Konstantinovich Nhezdoly, đồng nghiệp Việt Nam thường gọi ông một cách thân mật, ngắn gọn là “Vichia”.

Mùa Hè năm 2006, tôi được Bộ Quốc phòng điều động vào Chi nhánh ven biển Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga làm Giám đốc. Đồng giám đốc Phía Nga là TS Nhezdoly. Tên đệm đầy đủ của ông là Victor Konstantinovich nhưng chúng tôi thường gọi ông bằng cái tên ngắn gọn mà thân mật “Vichia”, còn ông và các bạn Nga thì luôn gọi tôi bằng cái tên Nga rất trịnh trọng mà vui vui là “Huan Ivanovich”. Tôi cho rằng rằng mình đã may mắn có gần 4 năm làm việc cùng TS Nhezdoly. Mọi người đều nhận xét hai chúng tôi “hợp tính, hợp nết”, là một “cặp đôi hoàn hảo”, còn tôi luôn coi ông như một người anh.

Một người Nga làm việc vì Việt Nam   

TS Nhezdoly sinh năm 1947, là một chuyên gia về “Tập tính di cư của các loài cá”. Ở Việt Nam, những kết quả nghiên cứu của ông về quy luật di chuyển của cá từ biển vào sông và từ sông ra biển không chỉ làm sáng tỏ những hiện tượng tự nhiên lý thú, mà xa hơn, đã chỉ ra sự ảnh hưởng của các công trình ngăn sông, như đập thủy điện, đập tràn...tới dòng di cư tự nhiên của các loài cá. Từ đó TS Nhezdoly đề xuất các giải pháp khắc phục để bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho Việt Nam. Đó là ý nghĩa thực tiễn các công trình khoa học của ông. Trong nghiên cứu khoa học, ông say sưa, quyết liệt. Ông đã đặt chân đến hầu hết những nguồn chảy, sông suối xa xôi trên đất Việt Nam. Ông thường dẫn theo các cán bộ khoa học trẻ Việt Nam với chủ ý hướng dẫn, dìu dắt, “truyền nghề” cho họ. Ông thường gọi các bạn ấy là “các con” một cách trìu mến và cầm tay chỉ bảo tận tình mọi việc. “Các con” đó của ông nhiều người đã trưởng thành, một trong số đó là TS Nguyễn Thị Hải Thanh, nay là trưởng phòng Sinh thái nước, Chi nhánh ven biển. Ông nói “Nhà khoa học mà không có học trò là một thất bại”.

TS Nhezdoly và tác giả, Đại tá Trần Công Huấn - hai đồng Giám đốc Chi nhánh ven biển, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga

TS Nhezdoly và tác giả, Đại tá Trần Công Huấn - hai đồng Giám đốc Chi nhánh ven biển, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga

Những năm làm giám đốc phía Nga Chi nhánh ven biển, TS Nhezdoly bằng kinh nghiệm và nhiệt huyết của mình đã góp phần nâng cao vị thế khoa học, mở rộng mối quan hệ hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu, làm cho Chi nhánh ven biển trở thành một đơn vị khoa học có uy tín trên địa bàn. Những cống hiến của ông cả về công tác quản lý và phát triển năng lực khoa học đối với Chi nhánh ven biển là rất đáng trân trọng, tất cả vì lợi ích của cả hai phía Việt Nam và LB Nga.

Người bạn Nga mang tính cách Việt nam

Điều làm cho mọi người gần gũi, quý mến TS Nhezdoly chính là tình cảm chân thành của ông với đất nước và con người Việt Nam. Ông thật lòng yêu quý, thấu hiểu, tôn trọng văn hóa và con người Việt Nam. Ông nói rằng, đã đi qua nhiều nước nhưng không ở đâu ông bị cuốn hút, thu phục như ở Việt Nam. Trong một lần trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình Khánh Hòa, ông chia sẻ: “Mọi người dân Nha Trang đều rất thân thiện với chúng tôi, từ bác xích lô, chị bán cá ở chợ đến anh cảnh sát. Khi biết chúng tôi là người Nga ai cũng vui vẻ chào hỏi, chỉ đường cẩn thận, thậm chí còn “ưu đãi” giảm giá. Tôi rất ấn tượng và trân trọng nếp văn hóa thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và “kính già, yêu trẻ” của các bạn mà không phải nơi nào cũng có. Tôi vui và xúc động khi nhìn thấy các trẻ nhỏ Việt Nam ngày ngày mặc đồng phục, quàng khăn đỏ đến trường. Chuyện đó ở nước Nga chỉ có thời Xô-viết. Chúng tôi luôn cảm thấy yên lòng và ấm áp trên đất Việt Nam. Mỗi năm có hai tháng nghỉ phép về nước nhưng vừa xa Việt Nam một thời gian, vợ chồng tôi đã thấy nhớ, mong ngày trở lại. Thật kỳ lạ là mỗi lần xách vali lên máy bay lại có cảm giác là mình đang đi “từ nhà về nhà”. Việt Nam là quê hương thứ hai của chúng tôi”.

Về ngoại hình, TS Nhezdoly có một kiểu tóc và bộ râu “không giống ai”, được cắt tỉa vuông thành sắc cạnh. Ông nói đùa; “Mỗi khi đi dọc đường Trần Phú ở thành phố Nha Trang, ngắm dãy phi lao vừa được xén lá, tôi lại liên tưởng là các nhà làm cây cảnh ở đây đã lấy cảm hứng từ mái tóc của mình chăng?”. Khi cần tìm ông, một số đồng nghiệp Nga vui tính thường hỏi tôi: “Anh có biết đồng chí có mái tóc phi lao bờ biển đang ở đâu không?”. Nghe mọi người luận bàn về kiểu tóc Nhezdoly và hàng phi lao bờ biển Nha Trang, ông cười khoái chí.

Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga tại Hà Nội (Ảnh: VŨ HUYẾN)

Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga tại Hà Nội (Ảnh: VŨ HUYẾN)

Năm 2006, khi vào nhận công tác chỉ huy ở Chi nhánh ven biển, tôi cho tổ chức đều đặn nghi lễ chào cờ đầu tháng của cán bộ nhân viên phía Việt Nam. Trên sân, bộ đội quân phục trang nghiêm, hàng ngũ chỉnh tề, hát Quốc ca và đọc 10 lời thề danh dự. TS Nhezdoly rất hứng thú với việc này, hôm nào có lễ chào cờ là đến sớm hơn để xem, chụp ảnh và cũng đứng nghiêm mỗi khi Quốc ca Việt Nam cất lên. Tôi nói với ông: “Ở Việt Nam, lễ chào cờ là một nghi thức thiêng liêng, không chỉ các đơn vị quân đội mà các trường phổ thông đều thực hiện, thậm chí các cháu khiếm thị, khiếm thính cũng thực hành nghi lễ chào cờ theo cách riêng của mình”. Ông tâm đắc và rất đồng cảm.   

Sâu nặng nghĩa tình Nga-Việt

Tuy dáng vẻ bề ngoài cường tráng và khỏe mạnh nhưng từ lâu ông đã mang trong mình một chứng bệnh khó chữa, đó là bệnh viêm tai giữa mãn tính Cholesteatoma. Ông nói, do trước đây ông thường lặn sâu và lâu dưới nước trong các chuyến đi nghiên cứu nên bị nhiễm trùng tai giữa. Có thể nói ngắn gọn về bệnh này như sau: Do nhiễm trùng tái phát nhiều lần, các lớp da của tai giữa bị bong, cuộn thành từng búi, tích tụ rồi tạo thành khối u nang (Cholesteatoma). Các khối u nang tăng dần kích thước theo thời gian, ăn mòn, tiêu hủy bao tai, xương và các tổ chức lân cận dẫn tới mất thính lực, rối loạn tiền đình, trầm trọng hơn có thể làm thoát vị não, viêm màng não… Bệnh không thể tự khỏi nếu không được phẩu thuật kịp thời.

Là nhà khoa học, từ lâu ông đã tự tìm hiểu bệnh của mình và bắt đầu lo lắng. Ông cảm nhận được vách xương giữa não và khoang tai đã bị ăn mòn, chỉ còn rất mỏng và nguy cơ thoát vị não có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Biết vậy nhưng mỗi khi về nước, khám xong ông không dám mổ. Đơn giản là ông không tin lắm vào tay nghề các bác sĩ, chỉ một sơ suất nhỏ của phẩu thuật viên là chạm vào não. Điều thứ hai làm ông ngần ngại là chi phí phẩu thuật ở Nga rất cao. Ông buồn rầu nói với tôi: “Nói chung, sống ở Nga bây giờ không nên mắc bệnh, tốn kém lắm”.

Nắm được bệnh tình và những lo lắng của vợ chồng ông, tôi gọi điện xin tư vấn của PGS Nguyễn Hồng Dinh, giám đốc Bệnh viện Tai - Mũi - Họng Trung ương, nguyên là bạn đồng nghiệp của tôi thời ở Học viện Quân y. Chị  đồng ý và khuyên  ông ra Hà Nội khám để quyết định. Biết ông bà vẫn còn băn khoăn, tôi gọi điện trao đổi với Tổng Giám đốc Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga Trịnh Quốc Khánh. Anh Khánh thuyết phục ông bằng câu chuyện các đồng nghiệp của ông như  Poznhekov, Sunxev đã được bác sĩ Việt Nam chữa khỏi bệnh hiểm nghèo và khuyên ông nên ra Hà Nội điều trị. Vốn rất kính trọng và tin tưởng anh Khánh, hai ông bà đồng ý và ba chúng tôi “khăn gói lên đường”. 

Tại Bệnh viện Tai - Mũi - Họng Trung ương, PGS Nguyễn Hồng Dinh cho gọi BS Đoàn Thị Hồng Hoa vào giao nhiệm vụ. Chị Dinh nói với ông: “Bác sĩ Hoa là chuyên gia phẫu thuật Cholesteatoma giỏi của bệnh viện chúng tôi, em ấy vừa nhận bằng Tiến sĩ ở Anh Quốc. Vậy ông cứ yên tâm, mọi việc sẽ tốt đẹp”. Bác sĩ Hoa khoảng 40 tuổi, trông khỏe trẻ và luôn tươi cười. Khi biết bệnh nhân của mình là một người Nga thì cúi chào “Khơ-ra-sô” vui vẻ. Bác sĩ mời vợ chồng ông vào phòng bệnh,  trao đổi với nhau bằng tiếng Anh. Tôi ngồi chờ bên ngoài, không biết bác sĩ Hoa đã làm gì, nói gì mà khi ông bà bước ra, mọi vẻ lo lắng không còn, thay vào đó là sự thoải mái tự tin. Ông cho tôi biết, bác sĩ đã soi khám cẩn thận, giảng giải tỉ mỉ về bệnh tình và hứa sẽ mổ thành công mỹ mãn cho ông. “Có lẽ lời nói nhẹ nhàng, bàn tay khéo léo, ấm áp của bác sĩ Hoa đã truyền sang tôi cảm giác tin cậy, yên tâm” - ông nói.

TS Nhezdoly và tác giả, Đại tá Trần Công Huấn, đến thăm gia đình bác sĩ Đoàn Thị Hồng Hoa tại nhà riêng, chụp ảnh kỷ niệm với vợ chồng bác sĩ (đứng ở hàng sau)

TS Nhezdoly và tác giả, Đại tá Trần Công Huấn, đến thăm gia đình bác sĩ Đoàn Thị Hồng Hoa tại nhà riêng, chụp ảnh kỷ niệm với vợ chồng bác sĩ (đứng ở hàng sau)

Bác sĩ Hoa trực tiếp mổ cho ông. Đây là một ca phẩu thuật đòi hỏi sự khéo tay và cẩn trọng vì vách xương não của ông chỉ còn rất mỏng. Kíp mổ đã gọt bỏ khối u nang, sau đó “gia cố” thêm vách xương bằng vật liệu chuyên biệt. Ca phẩu thuật thành công an toàn, ông chỉ phải nằm viện theo dõi một tuần rồi chuyển về Nhà khách của Trung tâm nghỉ dưỡng. Hôm xuất viện, ông cảm động nói với các y bác sĩ: “Tôi vô cùng cảm ơn các bác sĩ Việt Nam. Tôi đúng là từ cõi chết trở về. Bác sĩ Hoa nay là mẹ của tôi, sinh ra tôi lần thứ hai”. Bác sĩ Hoa tươi cười đáp lại: “Ông thực sự là một chiến binh Nga kiên cường. Lòng tin và sự lạc quan của ông giúp chúng ta cùng thành công”.

Tôi vui, lòng cảm thấy tự hào vì cho đến thời điểm đó thường chỉ có bác sĩ “Tây” chữa bệnh cho người Việt, còn ở đây các bác sĩ Việt Nam đã thực hiện thành công ca mổ cho một người nước ngoài.

Một góc Phòng truyền thống của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga

Một góc Phòng truyền thống của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga

Từ đó giữa hai gia đình “bác sĩ - bệnh nhân” hình thành một mối quan hệ tình cảm đặc biệt. Hàng năm sau mỗi kỳ về nghỉ phép sang, ông bà lại nhờ tôi đưa đến đến gặp bác sĩ Hoa. Quà của ông bà là những vật lưu niệm và hộp kẹo sô-cô-la mang từ Nga sang kèm theo một bó hoa tươi mua trên đường đi. Còn bác sĩ Hoa sau khi tái khám cẩn thận cho ông thì lấy từ ngăn tủ mấy mét lụa Hà Đông vừa mua sẵn tặng bà may áo. Ông bà Nhezdoly lại càng bất ngờ khi Ban Giám đốc Trung tâm quyết định hỗ trợ ông bà toàn bộ viện phí. Ông cảm động nói: “Tôi đã thoát bệnh hiểm nghèo nhờ có các bạn Việt Nam”.

Năm 2017, khi đã 70 tuổi, TS Nhezdoly xin nghỉ hẳn, cùng vợ là bà Lyda về nước an dưỡng tuổi già, từ đó đến nay chưa có dịp trở lại Việt Nam. Cách đây không lâu, tôi làm video “Nha trang - Những tháng năm không quên” trên nền các giai điệu trữ tình Nga và Việt rồi gửi cho ông. Ông viết thư trả lời: “Thật xúc động được nhìn lại những hình ảnh chúng ta bên nhau một thời. Tôi và Lyda xem đi xem lại nhiều lần, vừa xem vừa khóc. Nhớ Việt Nam, nhớ Trung tâm, nhớ các bạn vô cùng”.

                                                                Trần Công Huấn

                               Nguyên Viện trưởng Viện Sinh Thái Nhiệt đới, Trung tâm NĐ Việt-Nga, 

                                Nguyên  Chủ tịch Hội Hữu Nghị Việt-Nga tỉnh Khánh Hòa (2006-2009)

Dòng sự kiện

Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn
Về khu tưởng niệm chiến tranh ở Kha-tưn, Cộng hòa Bê-la-rút.
THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI
Ngày Chiến thắng 9 tháng 5 rất đỗi thiêng liêng với mọi người dân Liên bang Nga.