Lịch sử

VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH, PHÁT TRIỂN VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI HỮU NGHỊ VIỆT - XÔ/HỘI HỮU NGHỊ VIỆT - NGA

Phần I: CỘI NGUỒN CỦA TÌNH HỮU NGHỊ

 Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên Xô ra đời ngày 23/5/1950, gần 5 tháng sau khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Nhưng tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước có lịch sử lâu dài hơn thế.

 1.    Từ Cách mạng Tháng Mười

 Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 mở ra bước ngoặt, hướng cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam theo ánh sáng của cách mạng Nga. Cuộc cách mạng Tháng Mười Nga là lần đầu tiên trong lịch sử nhân dân bằng chính sức mạnh của mình đã lật đổ chế độ bóc lột của giai cấp địa chủ và tư sản, lập nên chính quyền của những người lao động nghèo khổ. Sau cuộc cách mạng đó, chính quyền Xô-viết đã thông qua Tuyên ngôn về quyền lợi của nhân dân lao động bị bóc lột, khẳng định nước Nga là nước Cộng hòa Xô-Viết, xóa bỏ chế độ người bóc lột người, xóa bỏ giai cấp bóc lột, vì lợi ích của nhân dân lao động. Sắc luật Ruộng đất và Sắc luật Hòa bình được công bố ngay sau Cách mạng Tháng Mười đã có tiếng vang mạnh mẽ đối với nhân dân toàn thế giới, đặc biệt là đối với các dân tộc bị áp bức. Sắc luật Ruộng đất đã tuyên bố tịch thu không bồi thường tất cả ruộng đất của giai cấp địa chủ - quý tộc, quốc hữu hóa ruộng đất và đem chia cho nông dân Nga. Sắc luật Hòa bình đã lên án cuộc chiến tranh đế quốc đang diễn ra là “một tội ác lớn nhất đối với nhân loại” và đề nghị các  nước tham chiến của cả hai bên hãy nhanh chóng chấm dứt chiến tranh và đàm phán ký kết một hòa ước dân chủ và công bằng, không thôn tính đất đai và bồi thường chiến tranh. Nước Nga đã quyết định rút khỏi cuộc chiến tranh đế quốc và đề nghị nước Đức đàm phán, ký kết hiệp ước hòa bình. Cách mạng Tháng Mười đem lại hòa bình cho nhân dân Nga và mong muốn thiết lập một nền hòa bình dân chủ, công bằng trên thế giới, chấm dứt mọi cuộc chiến tranh xâm lược. Lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười có sức sống thật kỳ diệu, lôi cuốn nhân dân Việt Nam hướng về nước Nga và Cách mạng Tháng Mười, không một sức mạnh nào ngăn cản nổi. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói khi đánh giá về ý nghĩa của cuộc Cách mạng Tháng Mười: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu, hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người, chưa có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”.

 2. Nguyễn Ái Quốc với nước Nga và Cách mạng Tháng Mười

 

Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh)

Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh)

Hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ủng hộ và bảo vệ Cách mạng Tháng Mười đã đặt nền móng xây dựng tình hữu nghị nhân dân Việt Nam - Liên bang Nga. Khi Cách mạng Tháng Mười nổ ra, người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc đang trên hành trình tìm đường cứu nước. Mặc dù chưa biết nước Nga ở đâu, V.I. Lê-nin là ai, nhưng anh đã được nghe nói rằng ở nước Nga, V.I. Lê-nin đã lãnh đạo nhân dân đánh đuổi bọn chủ bóc lột và nhân dân lao động đang tự quản lý đất nước; rằng Cách mạng Tháng Mười, sau khi giải phóng dân tộc mình còn giải phóng tất cả các dân tộc khác không kể da trắng, da đen hay da vàng. Những điều đó đã tác động rất mạnh đến Nguyễn Ái Quốc và bằng cảm tính, Nguyễn Ái Quốc đã ủng hộ Cách mạng Tháng Mười. Như sau này Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kể lại: “Lúc bấy giờ tôi ủng hộ Cách mạng Tháng Mười chỉ là theo cảm tính tự nhiên. Tôi chưa hiểu hết tầm quan trọng của nó”; “Khi Cách mạng Tháng Mười nổ ra ở nước Nga, tôi sống ở Pháp… Những người vô sản Pháp đã giúp tôi hiểu rõ ý nghĩa vĩ đại của những sự kiện lịch sử diễn ra ở Nga”. Bằng sự nhạy bén và tình cảm tha thiết của một người đang đi tìm đường giải phóng cho nhân dân Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã nắm bắt được giá trị đầu tiên và căn bản của Cách mạng Tháng Mười Nga. Đó chính là lý tưởng “giải phóng”. Người viết: “Lê-nin là một người yêu nước vĩ đại đã giải phóng đồng bào mình”. Cuối năm 1918, cùng với 13 nước đế quốc khác, Chính phủ Pháp đã quyết định chuyển từ việc tuyên truyền thù địch sang việc trực tiếp can thiệp vũ trang chống lại nước Nga cách mạng non trẻ. Trong tình hình đó, để tỏ tình đoàn kết với cách mạng Nga, tháng 5/1919, đảng Xã hội Pháp mà Nguyễn Ái Quốc là thành viên đã thành lập Ủy ban tham gia Quốc tế III trên cơ sở Ủy ban quốc tế của Đảng. Mục đích của Ủy ban này là vận động Đảng gia nhập Quốc tế III và bảo vệ cách mạng Nga đang bị các chính phủ tư sản, kể cả Chính phủ Clê-măng-xô của Pháp, tấn công. Nguyễn Ái Quốc đã tham gia tích cực hoạt động của tổ chức này, cùng một số đảng viên của đảng Xã hội Pháp đi quyên góp trong các khu phố ở Pa-ri giúp nhân dân Nga vượt qua nạn đói do hậu quả của việc Chính phủ Pháp và Chính phủ các nước đồng minh bao vây nước Nga Xô-viết. Cùng với việc tuyên truyền, Nguyễn Ái Quốc tham gia phân phát truyền đơn của đảng Xã hội Pháp lên án sự can thiệp vũ trang của Chính phủ Pháp vào nước Nga, hoan nghênh cách mạng Nga. Đặc biệt, tháng 6/1920, đảng Xã hội Pháp đã cử một số đại biểu đi Mát-xcơ-va để tìm hiểu những điều kiện gia nhập Quốc tế Cộng sản. Trong số các đại biểu đó có một người đồng chí rất thân thiết của Nguyễn Ái Quốc là Mác-xen Ca-sanh, Giám đốc báo Nhân đạo và là đại biểu Nghị viện Pháp. Trong chuyến đi này Mác-xen Ca-sanh đã được gặp V.I. Lê-nin, làm việc tại Quốc tế Cộng sản và tham dự Đại hội  lần thứ II của tổ chức này. Sự đón tiếp nồng nhiệt của đại biểu giai cấp công nhân Nga đã để lại ấn tượng rất sâu sắc đối với M. Ca-sanh về nước Nga cách mạng. Trở về sau chuyến đi đó, ngày 13/8/1920 đảng Xã hội đã tổ chức một cuộc mít-tinh lớn tại Pa-ri để nghe M. Ca-sanh nói chuyện về nước Nga, về Quốc tế Cộng sản. Nguyễn Ái Quốc rất vui sướng tham gia cuộc mít tinh này. Anh cùng với các đại biểu dự mít tinh hát Quốc tế ca, hô vang các khẩu hiệu “Lê-nin muôn năm!”; “Các Xô-viết muôn năm!”. Cùng với hàng chục ngàn người, Nguyễn Ái Quốc đã say sưa nghe M. Ca-sanh kể về tình hình thực tế ở nước Nga Xô-viết, nơi nhân dân đã nắm chính quyền. “Trăm nghe không bằng một thấy”, Nguyễn Ái Quốc rất muốn đến nước Nga để trực tiếp khảo sát tình hình, quyết định con đường giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Hạnh phúc thay, thời cơ đó đã đến. Những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ủng hộ Cách mạng Tháng Mười đã được Trung ương Đảng Cộng sản Pháp rất quan tâm và chính Đảng Cộng sản Pháp đã tổ chức để Nguyễn Ái Quốc đến nước Nga. Sau này, nhớ lại niềm khao khát được đến nước Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kể lại với các chiến sỹ của mình: “Cách mạng Tháng Mười vĩ đại có một sức lôi cuốn kỳ diệu vô cùng. Từ khi nghe tin cách mạng XHCN thành công, Bác liền có ý định đi Nga, mặc dù lúc đó chưa hiểu hết ý nghĩa cực kỳ to lớn của cuộc cách mạng ấy”; “Quanh quẩn mấy tháng, kế hoạch chưa xong, thì một hôm Đảng Cộng sản Pháp gọi đến và báo: Đồng chí sẽ được đi dự Đại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản với danh nghĩa là đại biểu nhân dân các nước thuộc địa. Tin đó làm cho Bác sung sướng ngất trời”. Trong hoàn cảnh bị mật thám Pháp theo dõi rất gắt gao, hơn nữa chính quyền Pháp cấm không cho phép bất kỳ ai đi từ Pháp sang Nga lúc đó, Nguyễn Ái Quốc đã phải chuẩn bị rất kỹ cho chuyến đi bí mật này. Ngày 13/6/1923, Nguyễn Ái Quốc bí mật rời Pa-ri, qua nước Đức để sang Nga. Ở Đức, Nguyễn Ái Quốc được cấp giấy phép để qua các đồn biên phòng. Giấy phép ghi rõ mục đích chuyến đi là: ra nước ngoài, về nhà không thời hạn. Ngày 27/6/1923, Nguyễn Ái Quốc rời cảng Hăm-buốc trên con tàu mang tên nhà cách mạng Đức Các Líp-nếch. Ngày 30/6/1923, Nguyễn Ái Quốc đặt chân tới cảng Pê-tơ-rô-grát - cái nôi của Cách mạng Tháng Mười. Trả lời câu hỏi của người lính biên phòng Nga khi nhập cảnh Nga, Nguyễn Ái Quốc nói: “Tôi đến nước Nga, trước hết là để được gặp Lê-nin”. Pê-tơ-rô-grat đêm trắng tháng 6/1923 trong không khí rạo rực của Cách mạng Tháng Mười đã chào đón Nguyễn Ái Quốc, người con ưu tú của nhân dân Việt nam. Sau một thời gian lưu lại Pê-tơ-rô-grat, Nguyễn Ái Quốc được về Mat-xcơ-va, nơi làm việc của bộ chỉ huy của công cuộc xây dựng CNXH và bộ tham mưu tối cao của phong trào cách mạng thế giới do Lê-nin lãnh đạo. Trong những ngày ở Nga, Nguyễn Ái Quốc được chứng kiến cảnh nhân dân đang phấn đấu thực hiện chính sách kinh tế mới. Tình cảm nồng nhiệt của Nguyễn Ái Quốc đối với nước Nga đã được nhân lên gấp bội qua thực tiễn đang diễn ra trước mắt. Anh chính là người Việt Nam đầu tiên có mặt ở nước Nga, nơi nhân dân đã và đang thực hiện ước mơ về một cuộc sống ấm no và hạnh phúc. Hơn bao giờ hết, Nguyễn Ái Quốc tin tưởng vào một ngày không xa, trên đất nước thân yêu của mình nhân dân cũng sẽ tiến hành sự nghiệp xây dựng cuộc sống mới. Niềm tin đó đã trở thành nguồn động viên to lớn để Nguyễn Ái Quốc tiếp tục con đường đấu tranh đưa cách mạng Việt Nam tới thắng lợi. Đối với mỗi người dân Việt Nam, ngày 30/6/1923 mãi mãi là một kỷ niệm không thể phai mờ. Ngày đó không chỉ là dấu ấn trong cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, mà còn là sự khẳng định niềm tin của toàn thể nhân dân Việt Nam vào lý tưởng của cuộc cách mạng đã chỉ ra con đường giải phóng cho mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người bạn lớn của nhân dân Nga và là vị kiến trúc sư đã đặt nền móng vững chắc cho quan hệ hữu nghị nhân dân hai nước Việt Nam- Liên bang Nga.

 Phần II: RA ĐỜI HỘI HỮU NGHỊ VIỆT - XÔ

Nhờ những hoạt động tích cực của Nguyễn Ái Quốc và các nhà cách mạng Việt Nam, tư tưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga đã đến với nhân dân Việt Nam. Nhiều sách, báo được bí mật chuyển về Việt Nam. Đặc biệt cuốn sách  “Đường kách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc in năm 1927 được bí mật đưa về Việt Nam, có một phần riêng nói về lịch sử cuộc Cách mạng Tháng Mười. Nhờ đó nhân dân Việt Nam hiểu được nhân dân Nga cũng đã trải qua nhiều cuộc đấu tranh chống áp bức và bóc lột, nhưng chỉ tới khi cuộc Cách mạng Tháng Mười năm 1917 thắng lợi, nhân dân Nga mới hoàn toàn được giải phóng. Nguyễn Ái Quốc viết: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc, tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam. Cách mệnh Nga đã đuổi được vua tư bản, địa chủ, rồi lại ra sức cho công, nông các nước và dân tộc bị áp bức các thuộc địa làm cách mệnh để lật đổ tất cả chủ nghĩa đế quốc và tư bản trong thế giới”. Đi theo con đường của Cách mạng tháng Mười Nga, nhân dân Việt Nam đã làm cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 thắng lợi. Cũng như cuộc Cách mạng Tháng Mười đã mở ra thời kỳ mới cho nhân dân lao động Nga, Cách mạng Tháng Tám - cuộc cách mạng vĩ đại nhất của nhân dân Việt Nam - đã đem lại độc lập dân tộc, hạnh phúc, tự do, để nhân dân tự quyết định vận mệnh của mình. Với kỷ nguyên hoàn toàn mới do Cách mạng Tháng Tám mở ra, hoạt động đối ngoại nhân dân Việt Nam chính thức trở thành một bộ phận, một binh chủng đắc lực của hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Lịch sử Việt Nam đã ghi nhận vai trò to lớn của hoạt động đối ngoại nói chung và hoạt động đối ngoại nhân dân nói riêng sau Cách mạng tháng Tám 1945. Trong tình hình cực kỳ khó khăn do âm mưu của các thế lực thù địch, chính quyền dân chủ nhân dân như “ngàn cân treo sợi tóc”, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động, sáng tạo, bày tỏ thái độ hữu nghị với các nước coi trọng nền độc lập của Việt Nam, tăng cường hữu nghị và hợp tác trên cơ sở bình đẳng với các nước trong đồng minh, tranh thủ sự giúp đỡ của nhân dân các nước thuộc địa.

Ngày 23/9/1945, cuộc kháng chiến của nhân dân ta ở Nam Bộ bắt đầu. Trước tình hình đó, hoạt động đối ngoại nhân dân đã góp phần thực hiện chủ trương tập trung ngọn lửa đấu tranh vào kẻ thù chính lúc đó là thực dân Pháp xâm lược, tránh xung đột với quân Tưởng, hòa hoãn, nhân nhượng có nguyên tắc nhằm làm thất bại âm mưu lật đổ chính quyền dân chủ nhân dân. Đối với Pháp, nhân dân ta anh dũng chiến đấu chống cuộc tiến công xâm lấn của chúng ở Nam Bộ; đồng thời tỏ thái độ đối xử đúng đắn với kiều dân Pháp lương thiện tôn trọng nền độc lập của Việt Nam, quán triệt chính sách của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh phân rõ bạn thù, phân biệt rõ nhân dân Pháp với thực dân Pháp. Nhiều cuộc mít-tinh và diễu hành diễn ra nhằm ủng hộ Chính phủ ta đàm phán với Pháp và ký Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946 để đẩy nhanh quân Tưởng về nước, làm thất bại âm mưu phá hoại, lật đổ của họ, có thời gian hòa hoãn để xây dựng lực lượng cách mạng. Sau cuộc đàm phán Phông-ten-nơ-blô thất bại, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký với Chính phủ Pháp Tạm ước 14/9/1946 để có thêm thời gian chuẩn bị kháng chiến toàn quốc. Những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, công tác vận động quốc tế của ta tập trung vào các nội dung sau:

Một là: Nêu cao tính chất chính nghĩa, nhân đạo và triển vọng nhất định thắng lợi của cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, vạch rõ tính chất phi nghĩa, tàn bạo và sự thất bại không thể tránh khỏi của cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Pháp.

Hai là: Làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ nhân dân Việt Nam giữ vững đường lối độc lập tự chủ, tự lực tự cường, đồng thời rất coi trọng đoàn kết quốc tế.

Ba là: Khẳng định cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược để bảo vệ độc lập, tự do và giành lại hòa bình là một bộ phận của cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Thực dân Pháp gây chiến tranh xâm lược không chỉ Việt Nam mà cả Lào và Cam-pu-chia, xâm phạm lợi ích của nhân dân tiến bộ Pháp và nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới. Vì vậy nhân dân Việt Nam chung sức với nhân dân Lào và nhân dân Cam-pu-chia trong kháng chiến; nhân dân Việt Nam và nhân dân Pháp, nhân dân các nước thuộc địa Pháp và nhân dân thế giới ủng hộ lẫn nhau và đoàn kết với nhau. Để vượt qua sự bao vây, cấm vận, cô lập với thế giới bên ngoài, tháng 4/1947, chúng ta đã vận động lập được cơ quan đại diện tại Băng-cốc (Thái Lan). Tháng 2/1948 lập cơ quan đại diện ở Răng-gun (Mi-an-ma). Cùng với đó là một số phái viên được cử đi một số nước châu Á, châu Âu và 11 phòng thông tin được đặt ở một số nước châu Á và phương Tây trong những năm 1947 - 1949. Đó là các phòng thông tin ở Băng-cốc, Răng-gun, Xinh-ga-po, Hồng Công, Tân đảo, Niu Đê-li, Pa-ri, Luân-đôn, Pra-ha, Niu Yoóc. Một số cán bộ cũng đã được cử đi vận động quốc tế ở Liên Xô, các nước dân chủ nhân dân ở Đông Âu, ở Trung Quốc, lập quan hệ với một số tổ chức quần chúng quốc tế và ở một số nước. Cùng thời gian đó, đại biểu của nhân dân ta đã đi dự một số hội nghị quốc tế như: Hội nghị Liên Á ở Niu Đê-li, Ấn Độ, tháng 3/1947; Hội nghị thanh niên dân chủ thế giới ở Pra-ha, Tiệp Khắc tháng 2/1948; Hội nghị nhân dân thế giới đấu tranh cho hòa bình ở Pa-ri, Pháp tháng 4/1949: Hội nghị Liên hiệp công đoàn thế giới ở Mi-lan, I-ta-li-a tháng 6/1949… Đặc biệt, để tăng cường công tác đối ngoại nhân dân, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã phân công đồng chí Hoàng Quốc Việt, Ủy viên thường vụ Trung ương, phụ trách công tác dân vận và mặt trận; và đồng chí Xuân Thủy, phụ trách Ban mặt trận, làm nhiệm vụ chỉ đạo hoạt động đối ngoại nhân dân.

Ngày 14/1/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã công bố  Tuyên bố của Chính phủ nước Việt Nam DCCH gửi Chính phủ các nước trên thế giới: “Trải qua mấy năm kháng chiến, nước Việt Nam từng được nhân dân toàn thế giới đồng tình, ủng hộ. Chính phủ Việt Nam DCCH tuyên bố với Chính phủ các nước trên thế giới rằng, Chính phủ Việt Nam DCCH là chính phủ hợp pháp duy nhất của toàn thể nhân dân Việt Nam. Căn cứ trên quyền lợi chung, Chính phủ Việt Nam DCCH sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ nước nào tôn trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nước Việt Nam để cùng nhau bảo vệ hòa bình và xây đắp dân chủ thế giới. Ngay sau đó, một loạt nước đã công nhận nước ta: Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (18-1-1950); Liên Xô (30-1-1950); Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (31-1-1950); Cộng hòa XHCN Tiệp Khắc và Cộng hòa Dân chủ Đức (2-2-1950); Cộng hòa XHCN Ru-ma-ni (3-2-1950); Ba-lan và Hung-ga-ri (4-2-1950); Bun-ga-ri (8-2-1950); An-ba-ni (13-3-1950). Thắng lợi ngoại giao của Nhà nước đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho họat động ngoại giao nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Ta đã đứng hẳn về phe dân chủ và nhập vào khối 800 triệu nhân dân chống đế quốc, chắc chắn rằng thắng lợi chính trị ấy sẽ là cái đà cho những thắng lợi về sau này”. Đầu năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm Liên Xô. Trong chuyến đi này, nước bạn Liên Xô đã hiểu thêm về tình hình cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam và đồng ý chi viện cho ta cả về vật chất và tinh thần.  Thắng lợi ngoại giao năm 1950 đã chấm dứt tình trạng Việt Nam chiến đấu trong vòng vây và đánh dấu bước chuyển biến mới, đưa cuộc kháng chiến của ta bước vào giai đoạn tổng phản công. Sau chiến dịch Biên giới Thu Đông năm 1950, biên giới Việt - Trung được giải phóng, đảm bảo mối liên hệ ngày càng chặt chẽ giữa Việt Nam và các nước đồng minh của mình, giữa Việt Nam và loài người tiến bộ. Ngày 9/2/1950, Ban thường vụ Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị về việc Liên Xô, Trung Quốc và các nước dân chủ nhân dân thừa nhận Chính phủ ta, nêu rõ thắng lợi ngoại giao của nhân dân ta đã nâng cao địa vị và nhiệm vụ của chúng ta trong phong trào dân chủ thế giới, đồng thời cũng chống xu hướng ỷ lại, lạc quan tếu. Chỉ thị khẳng định thắng lợi của ta trước hết là do nhân dân ta đoàn kết và kiên quyết kháng chiến đến cùng. Đồng thời ngay trong thời gian đó, để tỏ lòng biết ơn nhân dân các nước bạn, chúng ta đã tổ chức trong toàn quốc “Ngày hữu nghị Việt-Trung-Xô” vào ngày 18/2/1950 để nhân dịp đó giới thiệu mọi mặt của Liên Xô, Trung Quốc và các nước bạn tới toàn thể nhân dân Việt Nam. Trên tinh thần đó, chỉ thị về việc tổ chức “Ngày hữu nghị Việt – Trung - Xô” nêu rõ: Dùng mọi hình thức tuyên truyền, cổ động thật rầm rộ như ra các sách báo đặc biệt, tổ chức các buổi phát thanh riêng và các cuộc mít tinh v.v… Vận động quân và dân mừng thắng lợi ngoại giao bằng những hoạt động thiết thực như: đánh giặc trừ gian, bán thóc theo giá quy định, nộp quân lương…Tổ chức các trận đánh, các buổi tăng gia sản xuất đặc biệt để mừng thắng lợi về ngoại giao mới…”

Trong bối cảnh đó, ngày 23/5/1950, Hội hữu nghị Việt Nam - Liên Xô ra đời, đánh dấu một sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị của nhân dân Việt Nam và trong quan hệ hữu nghị Việt - Xô. Chủ tịch Hội  là cụ Tôn Đức Thắng, người đã có công lớn trong việc hình thành và xây dựng nên truyền thống quý báu của tình hữu nghị Việt- Xô.

Ông Tôn Đức Thắng, Chủ tịch đầu tiên của Hội Hữu nghị Việt-Xô

Ông Tôn Đức Thắng, Chủ tịch đầu tiên của Hội Hữu nghị Việt-Xô

Sau này, trong lễ khai mạc một hoạt động lớn của Hội hữu nghị Việt - Xô là Tháng Hữu nghị Việt – Trung - Xô (từ 18-1 đến 18-2-1954), Chủ tịch Hội Tôn Đức Thắng nêu rõ: “Từ sau Cách mạng Tháng Tám thành công đến nay, tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Liên Xô đã ngày càng phát triển và củng cố. Nhân dân Liên Xô luôn luôn đồng tình và ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa chống ngoại xâm giành độc lập của nhân dân Việt Nam. Chính phủ Liên Xô từ sau khi công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã luôn luôn lên tiếng bênh vực chúng ta, tố cáo bộ mặt xâm lược phi nghĩa của đế quốc Pháp - Mỹ, đòi chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, để cho nhân dân Việt Nam được tự do, độc lập và nhân dân Việt Nam được sống trong hạnh phúc, hòa bình”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Phó Chủ tịch Tôn Đức Thắng

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Phó Chủ tịch Tôn Đức Thắng

Nói đến cội nguồn tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và Liên Xô/Nga không thể không nhắc tới sự kiện người thanh niên Việt Nam Tôn Đức Thắng đã dũng cảm tham gia bảo vệ nước Nga Xô-viết năm 1919. Tôn Đức Thắng sau này là vị Chủ tịch đầu tiên của Hội Hữu nghị Việt - Xô từ ngày Hội thành lập năm 1950 đến tháng 10/1969.

Năm 1916, Tôn Đức Thắng bị chính quyền Pháp ở Đông Dương động viên cho chiến tranh sang Pháp. Sau đó Tôn Đức Thắng nhận lệnh xuống làm thợ máy ở chiến hạm Pháp "France". Khi Cách mạng Tháng Mười thắng lợi, thủ tướng Pháp Clê-măng-xô, nhân danh Chủ tịch hội đồng quốc phòng kiêm Bộ trưởng chiến tranh, ban hành mật lệnh tiến hành chiến tranh với Nga. Ngày 27/10/1918,  mật lệnh của thủ tướng Pháp được ban hành. Nước Pháp đã cùng với 13 nước đế quốc khác liên minh với nhau can thiệp vào nước Nga Xô-viết, âm mưu lật đổ chính quyền do những người Bôn-sê-vích lãnh đạo.

Ngày 15/4/1919, hạm đội Pháp được lệnh tiến vào Xê-va-xtô-pôn. Về thời gian, địa điểm, tên con tàu, nơi Tôn Đức Thắng kéo cờ ủng hộ Cách mạng Nga, đã có nhiều tài liệu nói khác nhau. Nhưng theo cuốn sách “Cuộc nổi dậy ở Biển Đen” (La Revolte de la Mer Noire), tập 2, của André Marty - một kỹ sư người Pháp - thì trong hai ngày 17 và 18/4, pháo từ chiến hạm France và các chiến hạm khác của Pháp bắn vào nhà cửa, phố xá của Nga. Binh lính và công nhân biểu thị sự phẫn nộ đối với bọn chỉ huy. Có người đòi bắt bọn sỹ quan ném xuống biển. Bọn sỹ quan thẳng tay đối phó và xô xát đã xảy ra. Anh em binh lính hô to “Trở về Tu-lông tức khắc”, “Không chiến tranh với Nga”. Cũng theo cuốn sách trên, 8 giờ sáng ngày 20/4/1919, binh lính và công nhân trên chiến hạm France và các chiến hạm khác cùng nhau tổ chức cuộc biểu tình trên bãi biển ngay trước mũi chiến hạm. Tôn Đức Thắng đã cùng với những binh lính, công nhân còn lại ở trên tàu đã hạ cờ ba sắc của Pháp xuống và kéo lá cờ đỏ lên trên nóc chiến hạm France. Mọi người cùng hướng về lá cờ đỏ và hát vang quốc tế ca chào mừng nước Nga Xô-viết. Trong không khí đấu tranh sôi nổi đó, một lá cờ đỏ nữa lại được kéo lên trên một chiến hạm khác của Pháp. Trước tình hình phản chiến quá nhanh và mạnh, bọn chỉ huy hạm đội nhận được lệnh cho đoàn tàu quay mũi, rút về Pháp, chịu thất bại. Về đến Pháp, bọn quân phiệt ra lệnh bắt hàng loạt người phản đối chiến tranh trên các chiến hạm, đưa ra tòa xử tù. Tôn Đức Thắng không bị bắt, nhưng bị kỷ luật, đuổi khỏi quân ngũ. Cũng như Nguyễn Ái Quốc, lúc đầu Tôn Đức Thắng ủng hộ và bảo vệ Cách mạng Tháng Mười chỉ theo cảm tính tự nhiên. Nhưng với sự nhạy bén và tình cảm của những người yêu nước thiết tha, thương nhân dân của mình, họ đã nắm bắt được giá trị căn bản của Cách mạng Tháng Mười Nga. Đó chính là sự giải phóng; họ hiểu được rằng Cách mạng Tháng Mười là một sự mở đầu thời đại mới trong lịch sử toàn thế giới, trong lịch sử cách mạng của mỗi một dân tộc. Đúng như sau này Bác Tôn đã viết: “Cũng như tôi, người dân mỗi dân tộc chỉ bằng cảm tình của mình cũng đủ thấy rằng chống lại Cách mạng Tháng Mười tức là chống lại quyền lợi của chính dân tộc họ, chống lại quyền lợi của giai cấp và bản thân họ”; “Tôi tin rằng, bất cứ một người Việt Nam yêu nước nào, nhất là một công nhân, có mặt trong những giờ phút lịch sử ở Hắc Hải, cũng không thể có hành động khác với tôi, vì đã yêu nước, ghét đế quốc, tất nhiên là yêu Cách mạng Tháng Mười”. Những câu nói thật là khiêm tốn, bình dị nhưng mang ý nghĩa thật sâu sắc. Đó cũng chính là suy nghĩ và tình cảm của mọi người Việt Nam hướng về Cách mạng Tháng Mười và nhân dân Nga đã làm nên cuộc cách mạng vĩ đại.

TÔN ĐỨC THẮNG - CHỦ TỊCH ĐẦU TIÊN CỦA HỘI HỮU NGHỊ VIỆT – XÔ

 Cụ Tôn Đức Thắng sinh ngày 20 tháng 8 năm 1888 tại Cù lao Ông Hổ, làng Mỹ Hoà Hưng, tổng Định Thành, hạt Long Xuyên (nay thuộc xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang). Cụ làm Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1960-1969), Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1969-1976) và sau này là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (1976-1980). Cụ qua đời ngày 30-3-1980 tại Hà Nội. Nhà nước ta đã tặng thưởng Chủ tịch Tôn Đức Thắng Huân chương Sao vàng. Vì những đóng góp to lớn cho sự nghiệp bảo vệ hòa bình và tình hữu nghị giữa các dân tộc, nhất là việc củng cố và phát triển tình Hữu nghị Việt - Xô, năm 1955 Chủ tịch Tôn Đức Thắng được trao Giải thưởng “Vì hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc” do Ủy ban giải thưởng Hòa bình quốc tế Lê-nin tặng. Năm 1967, Đoàn Chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô tặng Chủ tịch Tôn Đức Thắng Huân chương Lê-nin.

 

Ngày 23/8/1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Thông tri về  Hội Việt - Xô, Hội Việt - Trung gửi tới các Liên khu ủy, các Ban, các Đảng đoàn trực thuộc Trung ương, lãnh đạo các báo nêu rõ mục đích cũng như tổ chức hoạt động của các hội hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Liên Xô, nhân dân Trung Quốc. Thông tri nêu rõ: “Sau những thắng lợi ngoại giao, Đảng chủ trương thành lập các hội Việt - Xô, Việt - Hoa hữu nghị”. Mục đích của các hội này là: “Thắt chặt tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Liên Xô, Việt Nam và Trung Hoa, làm cho nhân dân Việt Nam hiểu biết Liên Xô và Trung Hoa về các mặt: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, làm cho Liên Xô và Trung hoa hiểu rõ tình hình Việt Nam; Tăng cường sự đoàn kết mật thiết giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Liên Xô, Việt Nam - Trung Hoa để đấu tranh cho dân chủ và hòa bình lâu dài của thế giới. Những hội đó còn có tác dụng giáo dục tinh thần quốc tế vô sản cho giai cấp công nhân, cho nhân dân và cho cả các đảng viên và giúp quần chúng cũng như đảng viên học lấy những kinh nghiệm thiết thực của các nước bạn”. Về tổ chức và hoạt động của các Hội, Thông tri nêu rõ: “Cần nhận rõ, về tổ chức và hoạt động của các Hội này có khác với các tổ chức công, nông, thanh, phụ. Về tổ chức, Hội không tổ chức thành hệ thống xuống các xã, các huyện. Hội lấy đơn vị tổ chức là tỉnh và nhằm những xí nghiệp, cơ quan, nhà trường, đường phố, nơi quần chúng tập trung mà thành lập phân hội. Về hoạt động, Hội thiên về tuyên truyền, hoạt động văn hóa, giáo dục, xã hội nhằm thực hiện tôn chỉ, mục đích ghi trong Điều lệ. Về tổ chức cũng như hoạt động Hội cần có sự phối hợp công tác, phương tiện với mặt trận và các đoàn thể bạn, với ngành thông tin, giáo dục của chính quyền”. Những nội dung, mục đích, tổ chức và hoạt động của Hội Hữu nghị Việt - Xô nêu trong thông tri từ ngày thành lập, đến nay vẫn là mục tiêu, tổ chức và hoạt động của Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga.

KỶ NIỆM 5 NĂM ĐẦU HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI HỮU NGHỊ VIỆT – XÔ

Ngày 23-5-1955, tại thủ đô Hà Nội, lần đầu tiên sau hòa bình lập lại trên miền Bắc, Hội Hữu nghị Việt-Xô đã trọng thể kỷ niệm 5 năm ngày thành lập Hội (23-5-1950 - 23-5-1955). Buổi lễ được tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội với sự tham dự của cụ Tôn Đức Thắng, Chủ tịch Hội Việt - Xô hữu nghị; đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Đảng Lao động Việt Nam; Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp; các vị đại diện Ban thường trực Quốc hội; một số vị Bộ trưởng, Thứ trưởng, Ủy ban Liên Việt toàn quốc, Đảng Dân chủ, Đảng Xã hội, Hội Việt - Xô hữu nghị, các đoàn thể ở Trung ương và thủ đô, một số nhà văn hóa, các vị trong đoàn đại biểu Hội Việt-Xô hữu nghị đi thăm Liên Xô cuối năm 1954 và đại biểu các cơ quan, thông tấn, báo chí. Đại sứ Liên Xô La-vơ-rít-sép, Đại sứ Trung Quốc La Quý Ba, các vị đại sứ, nhân viên sứ quán các nước bạn tại Hà Nội và vị đại diện Hội liên lạc văn hóa của Liên Xô với các nước bạn đã đến dự lễ kỷ niệm. Cụ Tôn Đức Thắng, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Xô, đọc diễn văn nói về hoạt động của Hội hữu nghị Việt-Xô trong 5 năm đầu, tình cảm thắm thiết và lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân Việt Nam đối với nhân dân Liên Xô. Diễn văn của Cụ Tôn Đức Thắng nêu rõ: “5 năm trước đây, Hội Việt-Xô hữu nghị được thành lập nhằm mục đích thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị sẵn có giữa nhân dân hai nước Việt-Xô. Từ đấy, mặc dầu trong hoàn cảnh kháng chiến khó khăn, Hội đã cố gắng hoạt động để làm nhiệm vụ nặng nề nhưng vẻ vang của mình. Hội đã phối hợp với các cơ quan, các đoàn thể, các ngành, các giới tiến hành việc giới thiệu rộng rãi Liên Xô với nhân dân Việt Nam bằng mọi hình thức: tổ chức nói chuyện, xuất bản sách báo, triển lãm, chiếu phim, cử đoàn đại biểu sang thăm Liên Xô, tổ chức kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười tại Việt Nam… Đầu năm 1954, trong hoàn cảnh chiến sự rất gay go của giai đoạn đầu Chiến dịch Điện Biên Phủ, Hội Việt-Xô hữu nghị đã cùng Hội Việt-Hoa hữu nghị tổ chức trong toàn quốc “Tháng hữu nghị Việt-Xô-Trung” và đã được những thành tích đáng kể, tiến thêm một bước quan trọng trong việc giới thiệu Liên Xô, Trung Quốc, các nước dân chủ nhân dân với các tầng lớp nhân dân Việt Nam rộng rãi và đông đảo, tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân Liên Xô, Trung Quốc và các nước bạn khác, động viên nhân dân Việt Nam học tập tinh thần chiến đấu và xây dựng của Liên Xô, Trung Quốc và tất cả các nước anh em để đẩy mạnh kháng chiến, góp phần vào chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ và dẫn tới việc giành lại hòa bình tháng 7-1954. Gần đây, Hội Việt-Xô hữu nghị lại tăng cường mọi mặt hoạt động như phổ biến sách báo, tranh, ảnh giới thiệu Liên Xô trong nhân dân Việt Nam, nhất là nhân dân các vùng nông thôn mới giải phóng và đã thu được kết quả tốt. Tất cả những hoạt động trong 5 năm qua của Hội Việt-Xô hữu nghị được sự phối hợp của tất cả các ngành, các giới trong nước, sự giúp đỡ của Hội văn hóa đối ngoại Liên Xô và sự hưởng ứng của toàn thể nhân dân Việt Nam, đã góp phần vào việc củng cố và phát triển tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Liên Xô và các nước anh em. Và đó là một trong những nhân tố quan trọng đưa đến thắng lợi ngày nay của nhân dân Việt Nam”. Bày tỏ tình cảm của nhân dân Việt Nam đối với Liên Xô, cụ Tôn Đức Thắng nhấn mạnh: “Kỷ niệm ngày thành lập Hội Việt-Xô hữu nghị năm nay, chúng ta nhớ lại công ơn to lớn của Liên Xô đối với cách mạng Việt Nam và nhân dân Việt Nam. Cách mạng tháng Mười Nga thành công đã soi sáng cho con đường cách mạng của các nước trên thế giới, trong đó có cách mạng Việt Nam. Trong đại chiến thế giới lần thứ hai, Liên Xô chiến thắng phát-xít Đức, Ý, Nhật đã cứu toàn nhân loại thoát tai họa phát-xít đồng thời đã tạo điều kiện thuận lợi cho Cách mạng Tháng Tám của nhân dân Việt Nam thành công. Trong 8, 9 năm qua, Chính phủ và nhân dân Liên Xô luôn đồng tình và ủng hộ cuộc chiến đấu vì độc lập, tự do, hòa bình của nhân dân Việt Nam. Nhân dân Liên Xô đã truyền cho nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước những kinh nghiệm quý báu và khuyến khích nhân dân Việt Nam bền bỉ phấn đấu. Nhờ sự ủng hộ hết lòng của Liên Xô, hội nghị Giơ-ne-vơ đã họp được và đã thành công, cuộc chiến tranh tàn khốc ở Đông Dương do thực dân xâm lược gây nên đã được dập tắt, hòa bình đã trở lại. Ngay sau đấy, Chính phủ Liên Xô đã cử Đại sứ sang Việt Nam, đã giúp Việt Nam tàu để chở cán bộ và bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc, đồng thời đã cùng các nước bạn khác giúp nhân dân Việt Nam hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, củng cố hòa bình. Nhân dịp kỷ niệm này, chúng ta xin bày tỏ cùng đồng chí Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên Xô và nhờ đồng chí chuyển tới Chính phủ và nhân dân Liên Xô lời cảm tạ chân thành và lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân Việt Nam về sự giúp đỡ vô tư, khảng khái của Chính phủ và nhân dân Liên Xô vĩ đại”.

  Phần III: HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI HỮU NGHỊ VIỆT - XÔ GIAI ĐOẠN 1950 - 1975

Đảng và Nhà nước ta coi hoạt động đối ngoại nhân dân  là một bộ phận quan trọng trong chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp chỉ đạo hoạt động đối ngoại nhân dân.

Đối với Hội Hữu nghị Việt - Xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành sự quan tâm rất đặc biệt. Sau ngày Hội thành lập, tháng 4/1951, khi tiếp ông Nguyễn Lương Bằng trước lúc lên đường sang Liên Xô làm Đại sứ, Bác nói: “Nhiệm vụ chủ yếu là làm sao để các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước Liên Xô hiểu được cuộc kháng chiến của chúng ta, tạo điều kiện để hai Đảng, hai nước đoàn kết với nhau hơn trong cuộc chiến đấu; đồng thời tuyên truyền cuộc kháng chiến của nhân dân ta để nhân dân Liên Xô hiểu rõ”. Tháng 10/1952, Bác bí mật sang Liên Xô. Khi gặp Đại sứ Nguyễn Lương Bằng và các cán bộ Đại sứ quán nước ta ở Liên Xô, Bác nói: Nhiệm vụ của cán bộ ngoại giao lúc này là làm thế nào để tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới đối với cuộc kháng chiến của ta. Ngoại giao là một mặt trận mà các đối thủ không dùng súng đạn, tuy nhiên nó lại có vai trò to lớn góp vào chiến thắng chung. Đây là công việc hết sức mới mẻ, nên phương châm là vừa làm việc, vừa học, vừa rút kinh nghiệm. Với tinh thần đó, từ khi ra đời, Hội Hữu nghị Việt - Xô đã luôn cố gắng làm tròn sứ mạng lịch sử tăng cường tình hữu nghị và đoàn kết giữa nhân dân hai nước. Sự nghiệp củng cố và phát triển tình hữu nghị Việt - Xô có quy mô và phạm vi hoạt động rộng lớn, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, mọi cấp, mọi ngành hết sức quan tâm, coi đó là hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại của Đảng ta. Với vai trò là một tổ chức chính trị - xã hội, Hội Hữu nghị Việt - Xô luôn được xác định là tổ chức quần chúng rộng rãi của nhân dân Việt Nam. Mục đích của Hội là củng cố và phát triển không ngừng tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Liên Xô; tăng cường tình đoàn kết chặt chẽ giữa nhân dân hai nước Việt-Xô trong sự nghiệp đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội và bảo vệ hòa bình thế giới (Điều lệ Hội thông qua ngày 11-11-1960). Hai nhiệm vụ quan trọng của Hội Việt -Xô là: (1) Tuyên truyền giới thiệu với nhân dân Việt Nam về lịch sử, văn hóa, đời sống và những thành tích, kinh nghiệm xây dựng CNXH, CNCS và đấu tranh bảo vệ hòa bình thế giới của nhân dân Liên Xô. Thúc đẩy việc học tập và áp dụng những kinh nghiệm tiên tiến về mọi mặt của nhân dân Liên Xô, để phấn đấu cho một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. (2) Giới thiệu với nhân dân Liên Xô về lịch sử, văn hóa, đời sống và cuộc đấu tranh xây dựng CNXH, đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà của nhân dân Việt Nam. Để thực hiện mục đích và nhiệm vụ cao cả nói trên, Hội Hữu nghị Việt - Xô xác định một số công tác trọng tâm của Hội giai đoạn này là:

- Đặt quan hệ thường xuyên và chặt chẽ với Hội Hữu nghi Xô - Việt và các Hội hữu nghị và liên lạc văn hóa với nước ngoài của các nước cộng hòa Liên bang Xô-viết trong Liên Xô để trao đổi kinh nghiệm công tác nhằm đẩy mạnh hoạt động của nhau.

- Khuyến khích và giúp đỡ các cơ quan đoàn thể, tổ chức văn hóa, khoa học, giáo dục, thể dục thể thao, các nhà máy, xí nghiệp, nông trường, hợp tác xã và các nhà hoạt động văn hóa, khoa học, giáo dục, nghệ thuật Việt Nam đặt quan hệ hữu nghị, trao đổi thư từ, sách báo, tài liệu và kinh nghiệm với các tổ chức của nhà máy, xí nghiệp, nông trường và các cá nhân tương tự ở Liên Xô.

- Tổ chức kỷ niệm những ngày lễ, những ngày kỷ niệm lớn, những dịp kỷ niệm của các nhà văn hóa, khoa học, nghệ thuật nhân dân Liên Xô.

- Tổ chức, khuyến khích và giúp đỡ mở những lớp tiếng Nga trong nhân dân Việt Nam.

- Xuất bản sách báo, tài liệu, tranh, ảnh giới thiệu Liên Xô, phổ biến rộng rãi những tác phẩm chính trị, văn hóa, khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật, tranh ảnh của Liên Xô trong các cơ quan đoàn thể và các tổ chức quần chúng nhân dân Việt Nam.

- Tổ chức những cuộc nói chuyện, báo cáo, triển lãm, chiếu phim, hòa nhạc, biểu diễn nghệ thuật giới thiệu Liên Xô.

- Tổ chức các đoàn đại biểu sang thăm Liên Xô và các đoàn đại biểu Liên Xô sang thăm Việt Nam.

Căn cứ tôn chỉ, mục đích và những nhiệm vụ được Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Hữu nghị Việt - Xô xác định, hoạt động của Hội Hữu nghị Việt - Xô được tiến hành dưới rất nhiều hình thức phong phú và đa dạng, ngày càng trở thành phong trào quần chúng rộng rãi và đã có những đóng góp thiết thực vào việc củng cố và phát triển tình hữu nghị, vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Công tác tuyên truyền của Trung ương Hội cũng như các tổ chức của Hội đã được tiến hành với những biện pháp linh hoạt, nhẹ nhàng, phù hợp với đối tượng, đạt hiệu quả cao. Trong những năm đầu mới ra đời và những năm 60, 70 của thế kỷ 20, hình thức tuyên truyền miệng là rất phổ biến trong công tác tuyên truyền của Hội Việt - Xô. Các tổ chức của Hội đã chủ động tổ chức các cuộc tọa đàm trao đổi ý kiến, giải đáp các câu hỏi của quần chúng; tổ chức cho những người đã đi thăm Liên Xô về nói chuyện, phát biểu trên đài phát thanh, đài truyền hình, viết trên các báo… Nhiều phân hội ở các tỉnh biên giới, hải đảo đã có nhiều sáng kiến trong việc thực hiện công tác tuyên truyền như tổ chức các đội tuyên truyền lưu động đi đến các vùng xa, các đơn vị ở vùng biên giới, hải đảo, mang theo sách báo, phim ảnh, triển lãm kết hợp với các cuộc nói chuyện bổ ích. Sách báo, những cuộc triển lãm về đất nước, nhân dân Liên xô, đặc biệt là phim ảnh Liên Xô đã được nhân dân Việt Nam đón nhận rất nhiệt tình. Với sự giúp đỡ của Hội Hữu nghị Xô - Việt và các cơ quan thông tấn của Liên xô, hàng năm Hội đã nhận và phân phối hàng trăm tấn sách báo về Liên xô đi khắp cả nước. Các phân hội ở các địa phương hàng năm đều tổ chức các cuộc triển lãm về Liên Xô, trưng bày ảnh thường xuyên ở các nhà hữu nghị, các phòng thông tin, các nhà máy, xí nghiệp. Để giúp nhân dân ta tìm hiểu những kinh nghiệm của Liên Xô, Hội đã phối hợp Ủy ban Khoa học Kỹ thuật tổ chức những cuộc triển lãm chuyên đề về địa chất, về nghề cá, về khoa học kỹ thuật, về năng lượng, về ngành dạy nghề và các đồ dùng học tập, triển lãm thành tựu của các nước cộng hòa. Những cuộc triển lãm này đã có hàng chục vạn người đến xem và được hoan nghênh. Ở các phân hội đều có máy chiếu phim, được cung cấp thường xuyên phim ảnh và thường xuyên tổ chức các buổi chiếu phim trong các kỳ sinh hoạt Hội. Các cuộc thi tìm hiểu về Liên Xô là hình thức sinh động, hấp dẫn được nhiều người tham gia. Các bài thi tìm hiểu đều nói lên tình cảm rất tốt đẹp về tình hữu nghị Việt - Xô và cũng nói lên  nguyện vọng tha thiết của nhân dân Việt Nam muốn được hiểu biết sâu sắc thêm về đất nước, con người, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh bảo vệ hòa bình của nhân dân Liên Xô. Ngoài việc tổ chức thi tìm hiểu về Liên xô, nhiều phân hội còn tổ chức các cuộc thi sáng tác thơ, ca, nhạc ca ngợi tình hữu nghị Việt - Xô. Nhiều bài thơ, bài hát về tình hữu nghị Việt - Xô đã được đăng các tạp chí văn nghệ và phổ biến trong nhân dân. Năm 1962, Hội Hữu nghị Việt - Xô đã phối hợp với Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam (nay là Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh) phát động trong toàn thanh niên đọc tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy”. Qua đó thanh niên Việt Nam đã được tìm hiểu và học tập tấm gương chiến đấu và lao động dũng cảm của người thanh niên Xô-viết. Hội cũng phối hợp với Tổng công đoàn Việt Nam phát động trong công nhân học tập tấm gương của nữ anh hùng Ga-ga-nô-va “Người với người là bạn”. Nhân dân Việt Nam rất hâm mộ nền văn hóa nghệ thuật Xô-viết. Hàng năm các đoàn nghệ thuật của Liên Xô sang biểu diễn ở nước ta đã thu hút hàng chục vạn người xem. Nền văn hóa Liên Xô vô cùng phong phú, mỗi dân tộc đều có sắc thái riêng. Các đoàn nghệ thuật Liên bang Nga, Ucraina, Bêlôruxia, Adécbaidan, Udơbêkixtan, Kadắcxtan, Latvia…đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong nhân dân ta. Ở các địa phương, các phân hội còn tổ chức biên soạn và xuất bản nhiều sách báo và tài liệu giới thiệu về Liên Xô, các bài hát Liên Xô…

Công tác tuyên truyền của Hội tập trung vào những ngày lễ lớn như Cách mạng Tháng Mười, kỷ niệm ngày sinh V.I. Lê-nin, ngày chiến thắng phát-xít, ngày thành lập Hội, ngày thành lập Liên bang Xô-viết… Đối với nhân dân Việt Nam những ngày kỷ niệm đó cũng được ghi nhớ như chính những ngày trọng đại của mình. Đó cũng là dịp để mỗi người Việt Nam ta từ thế hệ này đến thế hệ khác biểu hiện tình hữu nghị không gì phá vỡ nổi với nhân dân Liên xô. Những tháng, những tuần, những ngày hữu nghị Việt - Xô được tổ chức hàng năm trong cả nước. Hội còn có sáng kiến tổ chức những ngày các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô tại Việt Nam nhằm làm cho nhân dân ta có điều kiện tìm hiểu những thành tựu của các nước cộng hòa, các dân tộc anh em. Và cũng nhân dịp đó, các đoàn đại biểu của các nước cộng hòa, các đoàn nghệ sỹ ưu tú của các dân tộc Liên Xô đã sang tham dự và biểu diễn. Ngược lại, tại các nước cộng hòa ở Liên  Xô cũng lần lượt tổ chức “Những ngày Việt Nam” giới thiệu đất nước, con người, những thành tựu về mọi mặt của nhân dân ta. Việc đó đã làm cho tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước càng trở nên sâu sắc và bền chặt hơn.

Hội còn tổ chức phát động nhiều phong trào thi đua hữu nghị Việt - Xô như phong trào thi đua Phương Đông I, Phương Đông 2. Năm 1962, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào thi đua đạt danh hiệu “Anh hùng Ghéc-man Ti-tốp” đã diễn ra rất sôi nổi trong nhân dân ta, đặc biệt là trong thanh niên. Những phong trào thi đua hữu nghị Việt - Xô đã có ý nghĩa chính trị  sâu sắc, đồng thời phong trào cũng đưa đến những hiệu quả kinh tế to lớn. Tình đoàn kết giữa chuyên gia Liên Xô và công nhân Việt Nam được tăng cường và đã có ảnh hưởng tích cực đến năng xuất lao động và chất lượng công việc. Trong những năm 60-70 của thế kỷ trước, phong trào học tiếng Nga đã trở thành phong trào rộng lớn của cả nước. Do đó, Hội đã nhiều năm mở các lớp tiếng Nga buổi tối, hàng nghìn người đã theo học. Trong những năm đó, Hội đã tiến hành mở các lớp tập trung từng khóa 4 tháng nhằm nâng cao trình độ và hoàn thiện khả năng nói và viết cho những người đã biết tiếng Nga. Trong khi làm việc này, Hội đã tận dụng được những khả năng của mình như chuyên gia, phương tiện, máy móc, phim ảnh, sách báo mà Hội có.

Một trong những hoạt động quan trọng của Hội là trao đổi các đoàn đại biểu nhằm tìm hiểu thành tựu và kinh nghiệm của nhau, tăng cường quan hệ giữa nhân dân hai nước. Theo đó hàng năm Hội đã có hàng trăm lượt người sang thăm Liên Xô, dự các hoạt động hữu nghị, tham dự các cuộc gặp gỡ. Các đoàn sang Liên Xô đều được nhân dân Liên Xô đón tiếp nồng nhiệt, đã góp phần tăng cường tình hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước. Hàng năm Hội đã cử các đoàn đi dự các cuộc gặp gỡ các Hội hữu nghị các nước XHCN và dự các cuộc hội thảo ở Liên Xô về các đề tài khác nhau. Liên Xô cũng đã cử mỗi năm hàng trăm đại biểu tham dự các hoạt động hữu nghị, tham quan làm quen với sinh hoạt và lao động của nhân dân ta, các đoàn nghệ sỹ ưu tú sang tham gia hoạt động “Những ngày các nước cộng hòa” ở Việt Nam. Các đoàn sang đều có ấn tượng sâu sắc về tình cảm của nhân dân Việt Nam đối với Liên Xô, thông cảm với những khó khăn của nhân dân ta, khâm phục tinh thần cần cù lao động và chiến đấu dũng cảm của con người Việt Nam. Hội Hữu nghị Việt - Xô còn tích cực tổ chức các mối quan hệ kết nghĩa giữa các cơ quan, xí nghiệp, các tổ chức văn hóa xã hội của hai nước. Vì thế nhiều đơn vị của Việt Nam có quan hệ kết nghĩa với các cơ sở cùng ngành, nghề của Liên Xô. Các cơ sở kết nghĩa đó thường xuyên thông báo cho nhau về tình hình, trao đổi kinh nghiệm, có điều kiện thăm viếng lẫn nhau và giúp đỡ nhau theo khả năng của mình. Hội Hữu nghị Việt - Xô không ngừng phát triển về mặt tổ chức, để cho Hội thực sự là một tổ chức tiêu biểu cho tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Nhiều phân hội đã được thành lập ở các tỉnh, thành phố. Một tập quán đã rất phổ biến là mỗi khi thành lập các phân hội hữu nghị Việt - Xô, các tỉnh đều tổ chức các đợt tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về tình hữu nghị Việt - Xô, nói chuyện, triển lãm, chiếu phim, xuất bản báo chí, tổ chức thi tìm hiểu về Liên Xô. Nhờ đó nhân dân ta càng hiểu sâu rộng về đất nước Liên Xô. Hội Hữu nghị Việt - Xô cũng như Hội Hữu nghị Xô - Việt có vinh dự là người đề xướng và tổ chức các phong trào hữu nghị Việt - Xô. Đáp lại những tình cảm thân thiết của nhân dân Liên Xô đối với Việt Nam, nhân dân ta có tình cảm sâu sắc và quý mến Liên Xô, coi sự nghiệp cách mạng của nhân dân Liên Xô gắn bó mật thiết với sự nghiệp cách mạng của mình.

ÔNG NGUYỄN VĂN KỈNH, CHỦ TỊCH HỘI HỮU NGHỊ VIỆT - XÔ

Ông Nguyễn Văn Kỉnh - nguyên đại biểu Quốc hội khóa I, II, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa II, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa III, Phó Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, Phó Ban tuyên huấn Trung ương, Đại sứ Việt Nam tại Liên Xô, Phó Ban đối ngoại Trung ương Đảng.

Ông Nguyễn Văn Kỉnh

Ông Nguyễn Văn Kỉnh

Ông Nguyễn Văn Kỉnh sinh ra tại Chợ Lớn (theo giấy khai sinh bản gốc) và lớn lên tại thành phố Sài Gòn trong một gia đình trí thức, tham gia cách mạng từ năm 1932, được kết nạp vào Đảng năm 1938. Ông đã tham gia Ban lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, bị địch bắt tháng 8-1941 (bị bắt lần thứ tư và bị kết án tử hình, sau được giảm án xuống tù chung thân). Tháng 3-1945, Nhật đảo chính Pháp, Nguyễn Văn Kỉnh thoát khỏi nhà tù trở về Sài Gòn hoạt động, được bổ sung vào Xứ ủy Nam Kỳ kiêm Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Sau ngày Nam Bộ kháng chiến 23-9-1945, Nguyễn Văn Kỉnh hoạt động ở Nam Bộ, chủ yếu về công tác tuyên huấn. Năm 1947, ông được bầu làm Phó Bí thư Xứ ủy Nam bộ. Tại Đại hội lần thứ II của Đảng năm 1951, ông được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, là một thành viên tham gia Trung ương Cục Miền Nam. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, làm phó Ban tuyên huấn Trung ương. Tại Đại hội lần thứ III của Đảng năm 1960, ông Nguyễn Văn Kỉnh được bầu làm Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Thời gian 10 năm từ 1957 đến 1967, ông làm Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên Xô (kiêm nhiệm Đại sứ Việt Nam tại Rumani và Anbani). Trong những năm 1969 -1980, ông Nguyễn Văn Kỉnh là Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Xô.

Ông Nguyễn Văn Kỉnh từ trần ngày 26-10-1981 tại Hà Nội.

Ông được Nhà nước tặng thưởng và truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao Vàng.

 

 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG NỔI BẬT CỦA HỘI HỮU NGHỊ VIỆT - XÔ GIAI ĐOẠN 1950-1975

 * Tổ chức Tháng Hữu nghị Việt - Trung - Xô (từ 18/1 đến 18/2/1954)

Trong những năm đầu thập kỷ 50, cũng là những năm đầu thành lập, Hội Hữu nghị Việt - Xô  đóng vai trò nòng cốt trong việc tranh thủ sự ủng hộ, đồng tình của nhân dân thế giới để đưa cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam đến thắng lợi hoàn toàn. Hội Hữu nghị Việt – Xô đã đóng góp tích cực vào những thắng lợi to lớn về đối ngoại và phục vụ cho mặt trận chính trị và mặt trận quân sự đảm bảo kháng chiến thành công. Bên cạnh sự ủng hộ mạnh mẽ về tinh thần, nhân dân Liên Xô đã dành cho nhân dân Việt Nam sự giúp đỡ to lớn và quý báu về vật chất. Tháng 1/1954, giữa lúc tiếng súng chiến thắng đang rền vang khắp các chiến trường, theo đề nghị của hai Hội Hữu nghị Việt - Xô và Việt - Trung, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ và Mặt trận Liên Việt toàn quốc đã quyết định tổ chức trong toàn quốc một tháng hữu nghị với Liên Xô và Trung Quốc, lấy tên là “Tháng Hữu nghị Việt - Trung - Xô”, bắt đầu ngày 18/1 và kết thúc vào ngày 18/2/1954.

* Kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười tại Việt Nam

Đối với nhân dân Việt Nam, hoạt động kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười luôn luôn là ngày hội lớn. Trong những năm đất nước còn chưa giành được độc lập cũng như sau ngày cách mạng tháng Tám thành công, những năm kháng chiến gian khổ, cũng như sau này trong điều kiện hòa bình, năm nào cũng vậy cứ đến dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười là nhân dân Việt Nam lại hướng về nước Nga với tình cảm biết ơn sâu sắc. Tinh thần của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga luôn là niềm cổ vũ lớn lao đối với nhân dân Việt Nam.

Năm 1954 kỷ niệm 37 năm Cách mạng Tháng Mười. Đó là lần đầu tiên nhân dân Việt Nam được tổ chức kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười  trong hoàn cảnh miền Bắc được hoàn toàn giải phóng. Cuộc mít tinh trọng thể đã được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào tối ngày 6/11/1954. Tham dự mít-tinh có Tổng Bí thư Trường Chinh, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng, Đại tướng Tổng tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp, các đồng chí trong Ban chấp hành Trung ương, các vị Bộ trưởng, Ban thường trực Quốc hội; các vị đại biểu ủy ban Liên Việt toàn quốc, Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam; các vị đại biểu Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam; Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Liên đoàn thanh niên Việt Nam; đại biểu ủy ban quân, chính cùng các cơ quan quân, dân, chính, đảng Hà Nội; đại biểu công nhân, nông dân ngoại thành, trí thức, công thương nghiệp, đại biểu Việt kiều, các gia đình cách mạng, các anh hùng, chiến sỹ thi đua toàn quốc và các cán bộ, chiến sỹ miền Nam tập kết ra Bắc.

Cụ Tôn Đức Thắng, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Xô, đọc diễn văn chào mừng kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười, nêu rõ: “Toàn thể nhân dân Việt Nam ta đang say sưa đem tinh thần dũng cảm trong kháng chiến trước đây vào công cuộc phục hồi sản xuất và phấn đấu để thực hiện đình chiến, củng cố hòa bình. Chính phủ và nhân dân ta vừa được chào đón vị Đại sứ đầu tiên của Liên Xô vĩ đại cử sang Việt Nam để phát triển và củng cố tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Liên Xô… Nhân dân Việt Nam ghi ơn Liên Xô sâu sắc. Từ khi có phong trào công nhân Việt Nam và từ khi thành lập Đảng cộng sản Đông Dương năm 1930, nhân dân lao động Việt Nam luôn luôn hướng về Liên Xô. Mấy chục năm qua trên đất Việt Nam, ngay cả trong hoàn cảnh bị đế quốc Pháp cấm đoán, đàn áp cực kỳ dã man, không năm nào không có kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười. Nhiều khi những cuộc kỷ niệm này tiến hành trong những nhà tù của đế quốc. Lòng tin tưởng của nhân dân Việt Nam vào Liên Xô thật là sắt đá, trong những lúc khó khăn hiểm nghèo nhất cũng vẫn không nao núng. Từ sau ngày cách mạng Tháng Tám thành công, nhân dân Việt Nam được dịp học tập, tìm hiểu Liên Xô sâu rộng hơn, nhất là từ đầu năm 1950, sau khi Chính phủ Liên xô công nhận nước Việt Nam DCCH và Hội Hữu nghị Việt - Xô được thành lập. Tháng 1/1954, trong hoàn cảnh kháng chiến khẩn trương, toàn thể nhân dân Việt Nam đã nhiệt liệt hưởng ứng Tháng hữu nghị Việt - Trung - Xô”.

Năm 1957, cùng với nhân dân Liên Xô, nhân dân Việt Nam kỷ niệm 40 năm Cách mạng Tháng Mười rất trọng thể. Nhân dịp này, theo đề nghị của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Liên xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Cách mạng Tháng Mười và sự nghiệp giải phóng các dân tộc phương Đông”. Bài viết của vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam - người đã đặt nền móng xây dựng tình hữu nghị Việt – Xô - trong dịp lễ trọng thể đã giúp nhân dân Việt Nam hiểu sâu sắc thêm những thành tựu của nhân dân Liên Xô dưới ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười  và ý nghĩa của nó đối với nhân dân Việt Nam. Người viết: “Những người cách mạng Việt Nam đã được tiếp thu ảnh hưởng đầy sức sống của Cách mạng Tháng Mười. Điều đó tựa như người đi đường đang khát mà có nước uống, đang đói mà có cơm ăn”. Tự hào về cuộc cách mạng vĩ đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Nhìn lại con đường 40 năm mà nhân dân Liên Xô đã đi qua… chúng tôi lấy làm sung sướng cho người bạn của mình. Những thành công của Liên Xô đã làm cho chúng tôi càng tin tưởng con đường mình đã chọn là rất đúng đắn… Đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười, nhân dân Việt Nam tin tưởng vững chắc vào thắng lợi của mình, quyết tâm đi tới một tương lai hạnh phúc”.

Năm 1967 kỷ niệm nửa Thế kỷ cuộc Cách mạng Tháng Mười vĩ đại, tháng 3 năm đó Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao Động Việt Nam đã ra Nghị quyết về việc kỷ niệm cuộc Cách mạng Tháng Mười. Nghị quyết nêu rõ: Từ ngày Cách mạng Tháng Mười thành công, cách mạng trên thế giới và cách mạng trong nước ta đã giành nhiều thắng lợi rực rỡ. Bộ Chính trị Trung ương đảng Lao động Việt Nam quyết định toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta sẽ kỷ niệm lần thứ 50 cuộc Cách mạng Tháng Mười xứng đáng với ý nghĩa to lớn của ngày lịch sử vẻ vang đó. Nghị quyết cũng nêu rõ, nhân dịp này toàn Đảng, toàn dân không ngừng tăng cường đoàn kết với Liên Xô, với nhân dân thế giới trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, vì hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Để thực hiện Nghị quyết trên, một Ban tổ chức Lễ kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười đã được thành lập, do cụ Tôn Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Việt Nam DCCH, Chủ tịch Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Xô, làm trưởng ban.

Cũng trong dịp kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Mười, Hội hữu nghị Việt - Xô đã mời và đón tiếp trọng thể đoàn đại biểu Hội Hữu nghị Xô - Việt do ông V. Lô-mô-nô-xốp, Ủy viên Trung ương Đảng cộng sản Liên Xô, đại biểu Xô-viết tối cao Liên Xô, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Xô - Việt, sang thăm Việt Nam và dự Lễ kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Mười. Một vinh dự to lớn đối với nhân dân Việt Nam là trong dịp kỷ niệm 50 năm Cách mạng tháng Mười vĩ đại, Đoàn chủ tịch Xô-viết tối cao Liên Xô quyết định tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh Huân chương Lê-nin. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất xúc động và vinh dự được tặng thưởng Huân chương cao quý. Nhưng Người đã bày tỏ ý nguyện của mình là: Trong lúc nhân dân Việt Nam đang hy sinh xương máu để đánh đuổi đế quốc Mỹ giành độc lập dân tộc, trong lúc đồng bào Việt Nam ở cả hai miền Nam Bắc còn bị kẻ thù giết hại dã man, Người không yên lòng đón nhận vinh quang. Người đã viết trong bức điện gửi Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Liên Xô: “Vì lẽ đó, tôi vô cùng cảm ơn các đồng chí, nhưng các đồng chí hãy tạm hoãn việc trao tặng phần thưởng cực kỳ cao quý ấy. Đến ngày nhân dân chúng tôi đánh đuổi bọn đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn đất nước Việt Nam, tôi sẽ đại biểu cho toàn thể đồng bào tôi, trân trọng và vui mừng lãnh lấy Huân chương mang tên Lê-nin vĩ đại”. Cùng vui chung với niềm vui của nhân dân Liên Xô anh em trong dịp lễ trọng thể, nhân dân Việt Nam càng biết ơn Cách mạng Tháng Mười. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trong bài: “Cách mạng Tháng Mười vĩ đại mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc” trong dịp kỷ niệm trọng thể này: “Việt Nam có câu tục ngữ “uống nước nhớ nguồn”. Càng nhớ lại những ngày tủi nhục mất nước, nhớ lại mỗi bước đường đấu tranh cách mạng đầy hy sinh gian khổ mà cũng đầy thắng lợi vẻ vang thì giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam càng thấm thía công ơn to lớn của Lê-nin và Cách mạng T háng Mười”. (Hồ Chí Minh. Cách mạng tháng Mười vĩ đại mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc. NXB Chính trị quốc gia - ST, H.1996, t.12, tr.305).

Trong những năm 1969, 1970, 1971, 1972, 1973, 1974, Hội Hữu nghị Việt - Xô đều tổ chức kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười bằng nhiều hình thức: Mít tinh; tổ chức nói chuyện về đất nước Liên Xô; tổ chức chiếu phim Liên xô; tổ chức “Tuần hữu nghị Việt - Xô”, “Những ngày văn hóa Nga”; Tổ chức các đoàn thăm hữu nghị giữa hai Hội hữu nghị Việt- Xô và Xô- Việt; tổ chức họp mặt nhân dịp cách mạng tháng Mười; tổ chức triển lãm về những thành tựu của Liên Xô trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước dưới ánh sáng của cách mạng tháng mười… Đặc biệt năm 1970 là năm kỷ niệm 100 năm ngày sinh Lênin, vị lãnh tụ thiên tài đã lãnh đạo nhân dân Nga làm cuộc Cách mạng tháng Mười thắng lợi, đã có rất nhiều hoạt động kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga tại Việt Nam. Cùng với những hoạt động như trên, trong dịp này Hội đã phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Liên lạc văn hóa với nước ngoài tổ chức mít tinh trọng thể kỷ niệm 53 năm Cách mạng tháng Mười tại Hà Nội. Sau Diễn văn khai mạc của Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Xô Nguyễn Văn Kỉnh, phó Chủ tịch Hội Nguyễn Khánh Toàn đọc diễn văn nhiệt liệt chào mừng ngày lịch sử vẻ vang của nhân dân Liên xô anh em. Đồng chí Nguyễn Khánh Toàn đã đánh giá cao tình hữu nghị thắm thiết giữa nhân dân ta và nhân dân Liên Xô cùng những hoạt động của Hội hữu nghị Xô- Việt và phong trào ủng hộ Việt Nam ngày càng phát triển rộng rãi dưới nhiều hình thức phong phú ở Liên Xô. Đó là biểu hiện rực rỡ của tình hữu nghị và đoàn kết chiến đấu của nhân dân hai nước Việt Nam- Liên Xô, thể hiện ý chí của nhân dân Liên Xô quyết tâm ủng hộ và giúp đỡ mọi mặt nhân dân ta để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược và xây dựng thành công CNXH. Đặc biệt tại cuộc mít tinh này còn có sự tham gia của đoàn Hội hữu nghị Xô - Việt do ông A.G. Lê-bê-đép, dẫn đầu sang thăm Việt Nam, có Anh hùng vũ trụ Liên xô, Anh hùng Lao động Việt Nam P.R.Pô-pô-vích, cũng tham gia cuộc mít tinh. Tại cuộc mít tinh này, thay mặt Hội hữu nghị Xô -Việt, ông A.G.Lê-bê-đép nói: Chủ nghĩa quốc tế của nhân dân Liên xô đã được thể hiện rõ trong mối quan hệ anh em giữa Liên Xô và nước Việt Nam anh hùng. Mối quan hệ anh em đó đã được thời gian thử thách và được thử nghiệm trong cuộc đấu tranh gian khó của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược.

 * Kỷ niệm ngày sinh V.I. Lê-nin

Tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày sinh Lênin tại Việt Nam cũng là một hoạt động rất đậm nét của Hội hữu nghị Việt- Xô/Nga. Hoạt động này của Hội  được tiến hành dưới nhiều hình thức như: tổ chức nói chuyện, triển lãm về cuộc đời và sự nghiệp của VI. Lê-nin; chiếu phim về Lênin, về đất nước và con người Xô viết nhân dịp ngày sinh của Người…Những hoạt động đó đã góp phần rất thiết thực làm cho nhân dân ta càng thêm thấm thía những lời dạy của Lê-nin, quyết tâm học tập tinh thần cách mạng triệt để và noi theo tấm gương sáng ngời của Lênin, đưa sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta tới thắng lợi. Năm 1970, kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Lênin. Đây là một sự kiện trong 4 sự kiện lịch sử quan trọng của Việt Nam năm đó: Kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng cộng sản Việt Nam), 80 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 25 năm ngày thành lập nước Việt Nam DCCH, 100 năm ngày sinh của Lênin.

Chào mừng 100 năm ngày sinh của Lênin, ngày 18/3/1970 Liên Xô đã phóng thành công vệ tinh nhân tạo “Vũ trụ 327” để tiếp tục nghiên cứu vũ trụ theo chương trình đã được thông báo. Ở Việt Nam, tối 20/3/1970 Hội hữu nghị Việt - Xô đã tổ chức chiếu phim nhân kỷ niệm lần thứ 100 năm ngày sinh Lênin. Tối 14/4/1970, Đại sứ quán Liên xô tại Hà Nội lại tổ chức chiếu phim nhân kỷ niệm ngày sinh Lênin. Tới dự có các vị Chủ tịch Hội Nguyễn Văn Kỉnh, Phó Chủ tịch Hội Nguyễn Khánh Toàn.

Năm 1970 còn có nhiều hoạt động đáng nhớ về tình hữu nghị Việt - Xô, đó là: đoàn đại biểu Hội hữu nghị Việt - Xô do ông Nguyễn Văn Kỉnh, Ủy viên Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Chủ tịch hội hữu nghị Việt - Xô dẫn đầu đã tham dự cuộc gặp gỡ quốc tế các Hội hữu nghị với Liên xô, họp từ ngày 22 đến 24/6/1970 tại Mátxcơva; Ngày 21/8/1970, Đoàn đại biểu Hội hữu nghị Việt - Xô do ông Trần Hữu Dực, ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Phủ thủ tướng, Ủy viên Ban chấp hành Hội hữu nghị Việt - Xô dẫn đầu sang thăm Liên xô, dự các hoạt động kỷ niệm lần thứ 25 quốc khánh nước ta và “Tháng hữu nghị Xô- Việt và đoàn kết với nhân dân Việt nam”;

Ngày 8/9/1970 tại Mát-xcơ-va kết thúc kỳ họp thứ 9 của Ủy ban hợp tác khoa học kỹ thuật Việt - Xô. Kỳ họp đã tổng kết kết quả to lớn của sự hợp tác trong 10 năm và thỏa thuận tăng cường trao đổi các chuyên gia để học tập kinh nghiệm sản xuất tiên tiến và những thành tựu khoa học, việc trao đổi các tài liệu kỹ thuật và các mặt sẽ ngày càng tăng. Các tổ chức Liên Xô sẽ tăng cường sự giúp đỡ kỹ thuật cho Việt Nam trong việc phát triển kinh tế;

Ngày 17/11/1970, tại Hà Nội Ủy ban liên lạc văn hóa với nước ngoài và Hội hữu nghị Việt - Xô tổ chức triển lãm ảnh “Liên Xô tiến theo con đường của Lênin”. Phó thủ tướng Nguyễn Duy Trinh, Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng, đã tới dự. Đối với nhân dân và cách mạng Việt Nam, Lê-nin và chủ nghĩa Lê-nin là bất diệt. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trong bài viết kỷ niệm lần thứ 90 ngày sinh Lênin: “Chủ nghĩa Lê-nin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”. (Hồ Chí Minh. Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lê-nin. tt. NXB.Chính trị quốc gia. H. 1996, t. 10, tr.128). Khi trả lời một nhà báo nước ngoài ngày 15/7/1969, Người nói: “Về phần chúng tôi, chính là do cố gắng vận dụng những lời dạy của Lênin, nhưng vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp với thực tế Việt Nam ngày nay, mà chúng tôi đã chiến đấu và giành được những thắng lợi to lớn như đồng chí đã biết. Chúng tôi giành được thắng lợi đó là do nhiều nhân tố, nhưng cần phải nhấn mạnh rằng - mà không phải chỉ nhân dịp kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh Lênin - chúng tôi giành được những thắng lợi đó trước hết là nhờ cái vũ khí không gì thay thế được là chủ nghĩa Mác - Lê-nin. (Hồ Chí Minh. Trả lời phỏng vấn của Sáclơ Phuốcniô, phóng viên báo Nhân Đạo, Pháp. Hồ Chí Minh, tt. NXB Chính trị quốc gia, H. 1996, tr. 476.)

 *Kỷ niệm ngày thành lập Hội 23/5

Cuộc mít-tinh trọng thể kỷ niệm năm thứ năm ngày thành lập Hội Hữu nghị Việt - Xô diễn ra tối 23/5/1955 tại Nhà hát Lớn Hà Nội với sự tham gia của Tổng Bí thư Trường Chinh, Đại tướng Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp, Đại sứ Liên Xô tại Việt Nam La-vơ-rít-sép. Diễn văn của Chủ tịch Hội Tôn Đức Thắng nêu rõ những thành tích của Hội trong 5 năm từ 1950 đến 1955. Với niềm tự hào về Hội, Chủ tịch Tôn Đức Thắng nói: “Hôm nay, giữa thủ đô hòa bình của nước Việt Nam DCCH và sau khi miền Bắc Việt Nam đã hoàn toàn giải phóng, chúng ta tổ chức lễ kỷ niệm 5 năm ngày thành lập Hội Việt - Xô hữu nghị”. Chủ tịch Tôn Đức Thắng khẳng định: “Nhân dân Việt Nam sẽ đem hết sức mình vun đắp cho tình hữu nghị đó ngày càng lớn mạnh. Mỗi hội viên Hội Hữu nghị Việt - Xô cảm thấy vô cùng vinh dự được đem hết khả năng của mình để phát triển và củng cố không ngừng tình hữu nghị Việt - Xô vĩ đại. Trong giai đoạn hiện nay, phát triển và củng cố tình hữu nghị Việt - Xô cũng là một cách thiết thực để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước Việt Nam”.

Năm 1970, nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập, Hội Hữu nghị Việt - Xô đã tổ chức chiếu phim Liên Xô với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo Hội và đại diện nhiều cơ quan, đoàn thể Trung ương và Hà Nội. Nhân dịp này, Hội Hữu nghị Xô - Việt  và Hội hữu nghị và liên lạc văn hóa với nước ngoài của Liên Xô đã mời đoàn đại biểu Hội Hữu nghị Việt - Xô sang dự cuộc gặp gỡ quốc tế các hội hữu nghị với Liên Xô. Cũng trong năm kỷ niệm này, nhiều đoàn đại biểu của Hội Việt - Xô và Xô - Việt đã tổ chức các đoàn thăm hữu nghị tới hai nước. Năm 1975, trong không khí tưng bừng chào mừng chiến thắng vĩ đại cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước 30/4, Hội đã tổ chức trọng thể mít-tinh kỷ niệm 25 năm ngày thành lập. Cũng trong năm 1975, nhiều đoàn đại biểu của Hội đã sang Liên Xô và đoàn đại biểu Hội Xô - Việt hữu nghị đã đến Việt Nam, chia vui với chiến thắng trọn vẹn của nhân dân Việt Nam, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Năm 1975 là tròn 25 năm Hội Hữu nghị Việt - Xô. Trải qua hai cuộc kháng chiến, tình hữu nghị của nhân dân hai nước Việt Nam - Liên Xô đã vượt qua thử thách, ngày càng bền chặt. Trong kết quả đó có sự đóng góp xứng đáng của Hội Hữu nghị Việt - Xô. Hoạt động nói chung và hoạt động tuyên truyền của Hội nói riêng đã góp phần thiết thực làm cho nhân dân hai nước hiểu biết và yêu mến lẫn nhau. Tình hữu nghị đó đã thấm sâu vào tư tưởng và tình cảm của mỗi người dân Việt Nam. Hình ảnh của nhân dân Liên Xô xây dựng CNXH đã góp phần giáo dục niềm tin của nhân dân Việt Nam vào sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, động viên phong trào cách mạng trong nhân dân, khắc phục khó khăn, xây dựng và bảo vệ đất nước.

 

Phần IV: HỘI HỮU NGHỊ VIỆT - XÔ GIAI ĐOẠN 1975-1991

 NHỮNG THAY ĐỔI LỊCH SỬ

Giai đoạn 1975-1991 ở Việt Nam và Liên Xô diễn ra những chuyển biến vô cùng to lớn mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc, tạo ra những điều kiện phát triển hoàn toàn mới cho cả hai nước, không chỉ tác động đến vận mệnh của dân tộc mà còn ảnh hưởng đến tình hình khu vực và thế giới. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta giành được thắng lợi trọn vẹn ngày 30 tháng 4 năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, cả nước bước vào giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Thắng lợi vĩ đại đó giành được là nhờ nhiều nhân tố, trong đó có sự ủng hộ và giúp đỡ chí tình, hiệu quả của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác. Sau ngày thắng lợi, Đảng và Nhà nước ta đã cử các đoàn đại biểu đi thăm, cảm ơn Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em, các nước bạn bè trên thế giới đã sát cánh với chúng ta trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm vì độc lập và tự do; khẳng định quyết tâm của chúng ta củng cố tình hữu nghị, tăng cường hợp tác với các nước xã hội chủ nghĩa và thúc đẩy quan hệ với các nước khác trong giai đoạn mới của cách mạng Việt Nam.

Ngay trong năm 1975, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 30 ngày Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tại Liên Xô đã tổ chức Tháng hữu nghị Xô - Việt với rất nhiều hoạt động nhằm giúp nhân dân Liên Xô hiểu biết sâu sắc về Việt Nam, tăng cường quan hệ hữu nghị, ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam khôi phục, xây dựng đất nước sau chiến tranh. Cũng trong năm đó, Đoàn Chủ tịch xô-viết Tối cao Liên Xô đã quyết định tặng Huân chương Hữu nghị giữa các dân tộc cho Hội Hữu nghị Việt - Xô. Từ giữa những năm 70 của Thế kỷ 20, chúng ta đã xác định mục tiêu liên minh chiến lược toàn diện với Liên Xô để bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Một sự kiện rất quan trọng trong thời kỳ này là vào ngày 3-11-1978, tại Mát-xcơ-va, các nhà lãnh đạo Việt Nam và  Liên Xô ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa hai nước. Với việc ký kết Hiệp ước này, quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Liên Xô được nâng lên tầm cao  mới, phát triển mạnh mẽ, rất hiệu quả cho đến cuối những năm 90 của thế kỷ 20, khi Liên Xô rơi vào vòng xoáy khủng hoảng và sụp đổ vào năm 1991.

Tổng Bí thư BCH TƯ ĐCS Việt Nam Lê Duẩn và TBT BCH TƯ ĐCS LX Leonid Brezhnev ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa VN và LX.

Tổng Bí thư BCH TƯ ĐCS Việt Nam Lê Duẩn và TBT BCH TƯ ĐCS LX Leonid Brezhnev ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa VN và LX.

Trong những năm quan hệ Xô - Việt phát triển rực rỡ, với sự giúp đỡ của Liên Xô, ở Việt Nam đã xây dựng gần 300 công trình, trong đó có những nhà máy, xí nghiệp quan trọng như thủy điện Hòa Bình, nhiệt điện Phả Lại, xi-măng Bỉm Sơn, cầu Thăng Long, liên doanh dầu khí Vietsovpetro... Liên Xô trở thành bạn hàng lớn nhất của Việt Nam: năm 1985, Liên Xô chiếm hơn 60% kim ngạch ngoại thương của nước ta. Liên Xô giữ vai trò hàng đầu trong việc đào tạo cán bộ, chuyên gia cho Việt Nam: các trường đại học, học viện của Liên Xô đã đào tạo hơn 50 nghìn chuyên gia cho Việt Nam, trong đó có hơn 3 nghìn tiến sĩ, hơn 250 tiến sĩ khoa học. Năm 1980, chuyến bay vũ trụ quốc tế Xô - Việt được thực hiện: Anh hùng phi công vũ trụ Phạm Tuân cùng nhà du hành vũ trụ Vích-to Go-rơ-bát-cô bay trên tàu “Liên hợp 37” lên làm việc trên trạm nghiên cứu khoa học vũ trụ “Chào mừng 6”. Đến giữa những năm 80 của thế kỷ 20, Hội Hữu nghị Xô - Việt đã trở thành một trong những tổ chức xã hội lớn nhất ở Liên Xô với 7 Hội Hữu nghị nước cộng hòa liên bang, hơn 40 Hội Hữu nghị tỉnh và thành phố, hơn 3 nghìn tổ chức hội cơ sở. Hội Hữu nghị Xô - Việt đã thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động, góp phần làm sâu sắc quan hệ hữu nghị, hợp tác anh em giữa nhân dân hai nước. Hội cũng  có nhiều biện pháp giúp đỡ Hội Hữu nghị Việt - Xô và tăng cường sự phối hợp hoạt động giữa hai Hội.

Trên đất nước Liên Xô, từ giữa thập niên 80 của thế kỷ 20, ĐCS Liên Xô tiến hành đường lối cải tổ. Trong lĩnh vực chính trị đã có rất nhiều thay đổi, nhưng thực trạng kinh tế ngày càng khó khăn, xã hội Xô-viết bị phân hóa sâu sắc, rất phức tạp; Đảng cộng sản Liên Xô dần dần để mất vai trò lãnh đạo toàn diện đất nước; thể chế nhà nước Liên bang Xô-viết bị lung lay. Cuối năm 1991, Đảng cộng sản Liên Xô bị giải thể, Liên bang Xô-viết sụp đổ, 15 nước cộng hòa Xô-viết trở thành các quốc gia độc lập, trong đó nước Nga là người thừa kế của Liên Xô. Ngày 27-12-1991, Việt Nam tuyên bố công nhận Nga là quốc gia kế tục Liên Xô. Trong những năm đầu độc lập, nước Nga lâm vào khủng hoảng toàn diện, vị thế quốc tế bị suy yếu nghiêm trọng. Trên lĩnh vực đối ngoại, nước Nga hậu Xô-viết không xác định được định hướng rõ ràng và nhất quán; quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa của Liên Xô trước đây cũng như với các nước láng giềng trên không gian hậu xô-viết bị phá vỡ, trong khi quan hệ với Mỹ và các nước phương Tây không được xác lập một cách bình đẳng. Có thể nói, nước Nga thời kỳ đó đã để mất những bạn bè cũ mà vẫn chưa tìm được bạn bè mới. Một số năm đầu dưới thời chính quyền Tổng thống Bô-rít En-xin, quan hệ giữa Nga và Việt Nam có phần bị nguội lạnh. Tuy nhiên, dần dần, mối quan hệ song phương Nga - Việt được phục hồi và ngày 16-6-1994, Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị được ký kết, xác lập nền tảng mới để hai nước phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác trong giai đoạn mới. Về phía Hội Hữu nghị của nước bạn, sau khi Liên Xô tan rã, trên cơ sở Hội Hữu nghị Xô - Việt (OSVD), vào tháng 12-1991 Hội Hữu nghị với Việt Nam (ODV) của Liên bang Nga đã được thành lập, kế thừa OSVD. Tại đại hội thành lập ODV, ông E. Gla-du-nốp được bầu làm Chủ tịch Trung ương Hội; nguyên Chủ tịch OSVD Ghéc-man Ti-tốp trở thành Chủ tịch danh dự của ODV.

                   ÔNG XUÂN THỦY, CHỦ TỊCH HỘI HỮU NGHỊ VIỆT – XÔ (1980- 1983)

 Ông Xuân Thủy là Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Xô từ năm 1980 đến năm 1983.

Ông Xuân Thủy tên thật là Nguyễn Trọng Nhâm, sinh ngày 2-9-1912 tại xã Xuân Phương, thuộc Từ Liêm, Hà Nội; tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1932, gia nhập Đảng năm 1941. Từ năm 1938 đến năm 1943 bị thực dân Pháp bắt nhiều lần. Thời gian bị tù ở Sơn La ông phụ trách tờ báo bí mật của các đảng viên cộng sản có tên là “Suối Reo”.

Ông Xuân Thủy tham gia làm báo Cứu Quốc, tờ báo của Tổng bộ Việt Minh từ thời kỳ bí mật cho đến nhiều năm sau này (1944-1955). Ông là người có công trong việc đào tạo lớp nhà báo đầu tiên cho kháng chiến (năm 1949), là Chủ tịch Hội những người viết báo Việt Nam khóa I (1950), khóa II (1960).

Ông Xuân Thùy

Ông Xuân Thùy

Ông Xuân Thủy giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao từ tháng 4-1963 đến tháng 4-1965. Là trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa từ năm 1968 cho đến khi Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết năm 1973. Ông liên tục là đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VIII; là Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Nhà nước năm 1981-1982. Năm 1955, ông được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam và là ủy viên chính thức từ năm 1960 đến năm 1982. Từ năm 1968 đến năm 1982 ông là Bí thư Trung ương Đảng.

Ông Xuân Thủy qua đời ngày 18 tháng 6 năm 1985 tại Hà Nội.

 

 MỞ RỘNG HOẠT ĐỘNG GIAO LƯU, HỢP TÁC

Những năm còn tồn tại Liên bang Xô-viết, nước Việt Nam hòa bình, thống nhất tiếp tục giành được sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô, tạo điều kiện cho Hội Hữu nghị Việt - Xô đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, hợp tác với Hội Hữu nghị Xô - Việt cũng như các đoàn thể, các địa phương của Liên Xô. Với sự hỗ trợ về tài chính và nhiều điều kiện khác của phía bạn, Hội Hữu nghị Việt - Xô hàng năm cử nhiều đoàn đại biểu đi Liên Xô tham dự các hoạt động hữu nghị, hợp tác ở nhiều cấp và dưới nhiều hình thức khác nhau, đi tham quan các cơ sở kinh tế, văn hóa, các địa phương của Liên bang Xô-viết rộng lớn. Ở trong nước đã thường xuyên có những hoạt động gắn bó với Liên Xô, như tuần phim, tháng hữu nghị, kỷ niệm ngày lễ Cách mạng Tháng Mười, Chiến thắng phát-xít, Ngày sinh V. I. Lê-nin… Những hoạt động này thu hút sự  tham gia đông đảo của hội viên, của các tầng lớp nhân dân yêu quý đất nước của Lê-nin và cũng có sự tham dự của đông đảo chuyên gia Liên Xô mà những năm đó hiện diện tại nhiều công trình xây dựng quan trọng và trong nhiều lĩnh vực, ban ngành của nước ta. Lãnh đạo cấp cao của Hội Hữu nghị Việt - Xô và Hội Hữu nghị Xô - Việt thường xuyên gặp gỡ, bàn bạc, hoạch định các chương trình hợp tác nhằm góp phần làm cho các tầng lớp nhân dân Việt Nam và Liên Xô ngày càng hiểu biết lẫn nhau, thắt chặt tình hữu nghị và mở rộng sự hợp tác toàn diện giữa hai nước. Hội Hữu nghị Việt - Xô, cũng như nhiều đoàn thể, tổ chức khác của Việt Nam, đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ, kiên quyết đối với Liên Xô trong những sự kiện mà phương Tây đã ra sức công kích, tẩy chay Liên Xô như việc Liên Xô đưa quân tình nguyện vào giúp đỡ Chính phủ Áp-ga-ni-xtan, tổ chức Đại hội Ô-lim-pích mùa Hè năm 1980. Hội Hữu nghị Việt - Xô đã đăng cai tổ chức cuộc gặp gỡ quốc tế đại diện các Hội Hữu nghị với Liên Xô của các nước xã hội chủ nghĩa tại Hà Nội (29-30 tháng 10 năm 1980). Cuộc gặp này nhất trí thông qua Thông cáo khẳng định tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác chặt chẽ về mọi mặt, nhất là với Liên Xô. Hội Hữu nghị Việt - Xô đã có những hoạt động phối hợp với Hội Hữu nghị Xô - Việt rất độc đáo và thiết  thực, như năm 1984 đã phát động phong trào thi đua trong các xí nghiệp, công trường, nông trường, hợp tác xã, trường học và các cơ sở khác là hội viên tập thể của hai Hội nhằm góp phần thực hiện các kế hoạch kinh tế - xã hội theo nghị quyết Đại hội lần thứ năm Đảng Cộng sản Việt Nam và Đại hội lần thứ 26 Đảng Cộng sản Liên Xô.

        TỔ CHỨC HỘI PHÁT TRIỂN

Về tổ chức và nhân sự của Hội Hữu nghị Việt - Xô, trong giai đoạn này đã có một số thay đổi đáng chú ý. Tháng 4-1983, tại hội nghị Ban chấp hành trung ương Hội, ông Nguyễn Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Viện trưởng Viện Mác - Lê-nin, được cử làm Chủ tịch Hội thay ông Xuân Thủy.

ÔNG NGUYỄN VỊNH, CHỦ TỊCH HỘI HỮU NGHỊ VIỆT – XÔ (1983-1988)

 Ông Nguyễn Vịnh tên thật là Vũ Vinh Thiệu, sinh ngày 19/10/1926 tại xã Đồn Thư, Thanh Oai, Hà Đông, nay là Hà Nội.

Từ năm 18 tuổi ông đã tham gia Thanh niên Cứu quốc tại thị xã Hà Đông. Tháng 6 năm 1945 được kết nạp vào Đảng. Ngay tháng 12 năm đó ông được phân công làm Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên. Năm 1946 ông là Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Hà Đông. Tháng 3 năm 1947 được phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông; năm 1948 được cử làm Trưởng ban Huấn học Khu ủy Khu II; năm 1950 được bầu vào Liên ủy Khu III, là Khu ủy viên phụ trách Tuyên huấn. Tháng 4/1955, Nguyễn Vịnh là Chánh Văn phòng Ban Tuyên huấn Trung ương, tháng 6/1956 là Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền. Năm 1960 ông được cử đi học lý luận cao cấp tại Trường Đảng Cao cấp. Từ năm 1961 đến năm 1979 là Phó giám đốc Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc Trung ương. Từ tháng 1/1980 đến tháng 7/1982 ông là Giám đốc Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc Trung ương. Từ 7/1982 đến tháng 10/ 1989, Nguyễn Vịnh là Viện trưởng Viện Mác - Lênin.

nguyenvinh.psd

Ông là Ủy viên Trung ương Đảng Khóa IV và Khóa V.

Ông Nguyễn Vịnh làm Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Xô từ tháng 4 năm 1983 đến tháng 4 năm 1988.

Ông Nguyễn Vịnh từ trần ngày 23/7/1989.

 

Đến Đại hội đại biểu Hội Hữu nghị Việt - Xô lần thứ ba (22-5-1985), ông Nguyễn Vịnh tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Trung ương Hội. Đại hội thông qua Điều lệ Hội sửa đổi, theo đó, tên gọi trước đây “Hội Việt - Xô hữu nghị” như trong Điều lệ do Đại hội lần thứ hai thông qua năm 1960 được sửa thành “Hội Hữu nghị Việt - Xô”. Ba năm sau Đại hội lần thứ ba, vào năm 1988, do điều kiện sức khỏe, ông Nguyễn Vịnh nghỉ và Giáo sư Đặng Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Môi trường, được cử làm Chủ tịch Hội. Tháng 2 năm 1986, trong cuộc họp tại Hà Nội, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Hữu nghị Việt - Xô nhất trí đánh giá: hoạt động của Hội đã có quy mô rộng lớn trong cả nước; 35 trong số 40 tỉnh, thành phố, đặc khu đã thành  lập phân hội Hữu nghị Việt - Xô và hơn 700 chi hội ở các cơ quan, xí nghiệp, trường học, hợp tác xã…; hàng nghìn cán bộ lãnh đạo các cấp Đảng, chính quyền, đoàn thể, quân đội, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ đã tham gia hoạt động trong các cấp hội; Hội Hữu nghị Việt - Xô đã hướng công tác của mình vào việc góp phần thúc đẩy sự hợp tác toàn diện Việt - Xô, Hội đã lấy phong trào thi đua hữu nghị giữa cán bộ, chuyên gia Liên Xô và cán bộ, người lao động Việt Nam trên các công trình làm đòn bẩy cho các hoạt động kinh tế - xã hội. Đến tháng 5-1987, mạng lưới hoạt động của Hội Hữu nghị Việt - Xô đã lan tỏa rộng khắp 36 tỉnh, thành phố trong cả nước với hơn 1 nghìn chi hội ở các cơ quan, xí nghiệp, trường học, hợp tác xã. Trong cả nước đã có 10 Nhà Hữu nghị Việt - Xô tại các trung tâm dân cư lớn. Với sự kết nối của Hội Hữu nghị Việt - Xô, 15 tỉnh, thành phố của nước ta và hơn 70 chi hội hữu nghị đã có quan hệ kết nghĩa trực tiếp với các đơn vị hành chính tương ứng ở Liên Xô hoặc các đơn vị theo ngành nghề. Tháng 3-1988, Hội Hữu nghị Việt - Xô tổng kết cuộc thi tìm hiểu “Liên Xô - Tổ quốc của Lê-nin, quê hương Cách mạng Tháng Mười, thành trì của chủ nghĩa xã hội và hòa bình” do Hội phát động từ ngày 20/3/1987 nhân dịp kỷ niệm lần thứ 70 Cách mạng XHCN Tháng Mười vĩ đại. Cuộc thi này có 277.291 người gửi bài tham dự; tất cả 40 tỉnh, thành phố trong cả nước đều có người tham gia. Có 4 người đoạt giải đặc biệt, được đi tham quan Liên Xô trong năm 1988; ngoài ra còn có nhiều phần giải khác dành cho các cá nhân và tập thể.

 HOẠT ĐỘNG HỘI CHUYỂN BIẾN MẠNH SAU ĐẠI HỘI III

Đại hội lần thứ ba Hội hữu nghị Việt - Xô (tháng 5 năm 1985) là sự kiện quan trọng trong sinh hoạt của Hội và quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Liên Xô. Sau Đại hội, hoạt động của Hội có những chuyển biến mạnh mẽ. Các phân hội, Chi hội hoạt động đều khắp; các hoạt động  hữu nghị Việt - Xô đã trở thành phong trào tự giác của quần chúng và đi sâu xuống cơ sở. Một trong những nhiệm vụ chủ yếu của Hội là tuyên truyền giới thiệu với nhân dân ta về đất nước và con người Xô-viết, những thành tựu mọi mặt của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô, chính sách đối nội, đối ngoại của Đảng, Nhà nước Liên Xô, quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện  giữa Việt Nam và Liên Xô. Năm 1985 công tác tuyên truyền tập trung vào những ngày lễ lớn: Kỷ niệm 115 năm ngày sinh V.I. Lê- nin, 40 năm Chiến thắng chủ nghĩa phát-xít, 10 ngày hữu nghị Việt - Xô nhân kỷ niệm 68 năm Cách mạng Tháng Mười. Tại Hà Nội và Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh và hầu hết các phân hội ở các tỉnh, thành phố đều tổ chức các hoạt động có ý nghĩa như mít-tinh, triển lãm, tuyên truyền giới thiệu trong nhân dân ta về ý nghĩa chiến thắng chủ nghĩa phát-xít. Viện Mác - Lê-nin, Ủy ban Khoa học xã hội, các trường đại học đã tổ chức hội thảo về ý nghĩa thời đại của chiến thắng vĩ đại, về tư tưởng của Lê-nin và Chủ tịch Hồ Chí Minh với cách mạng Việt Nam. Cuộc thi tìm hiểu 40 năm Chiến thắng chủ nghĩa phát-xít do Hội tổ chức chỉ trong một tháng đã có hơn 30 nghìn người tham dự gửi bài thi, hầu hết các tỉnh đều có người tham dự, riêng Hà Nội có hơn 20 nghìn người. Cuộc thi đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị sôi nổi ở mỗi gia đình và cơ quan. Nhiều người gửi thư về Hội hoan nghênh việc tổ chức cuộc thi. Các phân hội Hà Nội, Hải Phòng, Phú Khánh, Đồng Nai, Đà Nẵng, Hà Sơn Bình và nhiều phân hội khác đã mời báo cáo viên Liên Xô, chuyên gia, cán bộ Đại sứ quán và Tổng lãnh sự Liên Xô đến nói chuyện về thành tựu của Liên Xô, về 40 năm Chiến thắng chủ nghĩa phát-xít, tổ chức thường xuyên các buổi chiếu phim, triển lãm, tổ chức các phòng đọc sách báo Liên Xô. Phân hội Quảng Ninh đã mời 300 chuyên gia Liên Xô công tác tại Quảng Ninh đến nghe nói chuyện về tình hình Việt Nam, chính sách đối nội, đối ngoại của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Các chuyên gia Liên Xô rất hoan nghênh việc tổ chức các buổi nói chuyện như vậy. Các phong trào thi đua hữu nghị Việt - Xô được các Phân hội, Chi hội hưởng ứng mạnh mẽ. Trên các công trình hữu nghị Việt - Xô như Nhà máy nhiệt điện Phả Lại, thủy điện Hòa Bình, Trị An, Liên doanh Dầu khí Vũng Tàu, cầu Thăng Long, Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô, cảng Hải Phòng, Đà Nẵng, Quy Nhơn, TP. Hồ Chí Minh và các đơn vị có chuyên gia Liên Xô như đoàn Địa chất Quảng Ninh, đoàn thăm dò Dầu khí Thái Bình và hàng chục đơn vị khác, chuyên gia Liên Xô và công nhân Việt Nam đã ký kết giao ước thi đua hoàn thành kế hoạch và tăng cường giúp đỡ lẫn nhau. Phong trào thi đua hữu nghị Việt - Xô đã góp phần giáo dục tinh thần yêu nước và tinh thần quốc tế vô sản, phát huy tình cảm hữu nghị của nhân dân ta đối với nhân dân Liên Xô, tình đoàn kết giữa hai dân tộc ngày càng tăng lên. Phong trào thi đua thực sự là phong trào của quần chúng đưa công tác hữu nghị Việt - Xô xuống cơ sở. Những nơi có phong trào thi đua hoạt động của phân hội, chi hội năng động hẳn lên. Phong trào thi đua mang lại hiệu quả thiết thực, thúc đẩy hợp tác Việt - Xô, đẩy mạnh phong trào hành động cách mạng của quần chúng hoàn thành kế hoạch của đơn vị.

  Phần V: HỘI VIỆT – NGA KẾ TIẾP TRUYỀN THỐNG VÀ NHIỆM VỤ CỦA HỘI HỮU NGHỊ VIỆT - XÔ

 QUAN HỆ VIỆT - NGA TỪ ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC (2001) ĐẾN ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC TOÀN DIỆN (2012)

Sau năm 1991, quan hệ hợp tác Việt Nam - Nga luôn giữ vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.

Ngày 16/6/1994, Việt Nam và Liên bang Nga ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga, đặt nền móng và cơ sở pháp lý cho quan hệ trong giai đoạn phát triển mới.

Ngày 1/3/2001, nhân dịp Tổng thống Nga Vladimir Putin lần đầu tiên thăm Việt Nam (28/2 - 2/3/2001), hai bên ra Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và LB Nga. Đây là cột mốc cực kỳ quan trọng trong đời sống chính trị, ngoại giao của của Việt Nam và Liên bang Nga, nước thừa kế pháp lý của Liên xô, nước lớn đầu tiên trên thế giới thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. 

Tháng 7 năm 2012, trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại LB Nga, Việt Nam và Nga nhất trí nâng tầm quan hệ hai nước lên  quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.  

                                      HỘI HỮU NGHỊ VIỆT - NGA KẾ THỪA TRUYỀN THỐNG HỘI HỮU NGHỊ VIỆT - XÔ

Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, Hội Hữu nghị Xô - Việt không còn, tại các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây thành lập các hội hữu nghị với Việt Nam của từng nước. Trên cơ sở quan hệ vốn có, Hội Việt - Xô đã chủ động, tích cực và kịp thời vận động thành lập hội Hữu nghị  Việt Nam - Liên bang Nga, Việt Nam - Ucraina, Việt Nam - Bêlarút, Việt Nam – Uzơbêkixtan...

Kế thừa hình thức tổ chức, phương thức và kinh nghiệm hoạt động của Hội Hữu nghị Việt - Xô, các hội trên đã hoạt động tích cực, góp phần vào việc duy trì và cũng cố tình hữu nghị truyền thống và hợp tác giữa nhân dan ta và nhân dân các nước thuộc Liên Xô cũ.

Trong hoàn cảnh mới, Hội Hữu nghị Việt - Xô vẫn tích cực tổ chức nhiều hoạt động đối ngoại và hữu nghị nhân dân. Hội và tổ chức của những người Việt Nam được đào tạo tại Liên Xô (Vinacorvuz) từ năm 1989 đã tham gia sáng lập Incorvuz (tổ chức quốc tế của những người được đào tạo tại Liên Xô). Năm 1998 Vinacorvuz đã tổ chức thành công Hội nghị thường niên của Incorvuz tại Việt Nam. Việt Nam luôn được đánh giá cao về những đóng góp tích cực và hiệu quả trong Incorvuz. Hàng năm Hội Việt –Xô và Vinacorvuz đều tổ chức cuộc gặp mặt những người đã học tập công tác tại Liên Xô cũ, thu hút hàng nghìn người tham gia, góp phần duy trì tình cảm truyền thống của hai dân tộc.

Như vậy, tuy tình hình chính trị thay đổi nhưng hoạt động của Hội Việt - Xô và quan hệ với các hội hữu nghị với Việt Nam của các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô vẫn được duy trì. Hội Hữu nghị Việt - Xô đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ vật chất và tinh thần của nhân dân Xô Viêt đối với nhân dân ta trong đấu tranh cứu nước và công cuộc xây dựng Tổ quốc.

              ĐẠI HỘI I: RA MĂT HỘI HỮU NGHỊ VIỆT NGA

 Chiều 19/12/1994, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh diễn ra Lễ ra mắt Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga. Tới dự có các ông Nguyễn Văn Tư, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam; Nguyễn Văn Son, Phó trưởng Ban Đối ngoại Trung ương; Nguyễn Dy Niên, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Đoàn đại biểu Hội Hữu nghị Nga - Việt do Anh hùng G. Ti-tốp, Chủ tịch danh dự, và ông E. Gla-du-nốp, Chủ tịch Hội, dẫn đầu đã đến dự buổi lễ.

Trong diễn văn khai mạc, ông Đặng Hữu, Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghê và Môi trường, khẳng định: sự ra đời của Hội Hữu nghị Việt - Nga là nhằm đáp ứng mong muốn của nhân dân Việt Nam tiếp tục duy trì và phát triển tình hữu nghị truyền thống lâu đời giữa Việt Nam và Liên Bang Nga.

Trong lời chào mừng, ông E. Gla-du-nốpkhẳng định, những sự kiện lớn trong năm 1995 như kỷ niệm 50 năm Ngày chiến thắng phát-xít, 50 năm Ngày thành lập nước Việt Nam, 20 năm Ngày giải phóng miền Nam … sẽ là dịp để Hội Hữu nghị hai nước mở rộng hoạt động nhằm khắc phục sự gián đoạn trong quan hệ giữa hai nước trong thời gian vừa qua.

 Cũng tại buổi lễ, danh sách các cơ quan thường trực của Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga được giới thiệu. Ban chấp hành Trung ương Hội do ông Đặng Hữu làm Chủ tịch, ông Trịnh Trang làm Tổng thư ký. Ban Thường vụ gồm 15 người. Nhiệm kỳ của Ban chấp hành là 4 năm.

Tại cuộc gặp mặt ngày 24/12/1995 nhân dịp kỷ niệm một năm Ngày thành lập Hội do Chủ tịch Đặng Hữu chủ trì, Hội đã quyết định triển khai cấp Thẻ Hội viên và thu hội phí.

Đến năm 1997, Ban chấp hành Trung ương Hội có 43 ủy viên, phần lớn là những người đã học tập hoặc công tác tại Liên bang Nga. Ông Đặng Hữu, lúc này là Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương, làm Chủ tịch; GS.TS Đào Trọng Thi, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, và bà Trần Thị Tâm Đan, Chủ nhiệm Ủy ban giáo dục, thanh thiếu niên của Quốc hội, ông Trần Xuân Thu, Giám đốc Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga, là Phó chủ tịch. Khoảng 500 hội viên đăng ký tại Trung ương Hội. Tại các tỉnh, thành phố trước đây có Hội Hữu nghị Việt - Xô đến lúc này vẫn giữ nguyên tên gọi, một số đổi thành Hội Hữu nghị Việt Nam – Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG). Một số địa phương đã thành lập Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga như Nghệ An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng. Các hội này là thành viên trực thuộc Trung ương Hội Việt - Nga đồng thời là thành viên tập thể của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị địa phương. Năm 1997 đã thành lập Chi hội cựu sinh viên Trường Đại học mỏ Lêningrat.

ĐẠI HỘI II (Nhiệm kỳ 1999 – 2003)

Ngày 6 tháng 12 năm 1998, tại Hà Nội diễn ra Đại hội đại biểu lần thứ II Hội Hữu nghị Việt – Nga.

Đại hội tổng kết công tác Hội giai đoạn 1994 -1998; kiện toàn tổ chức Hội; thông qua phương hướng hoạt động giai đoạn 1999 – 2003. Đại bầu Ban chấp hành mới gồm 35 ủy viên do GS. Đặng Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương, làm Chủ tịch.

Đến năm 1998, Hội phát triển thêm 200 hội viên; thành lập thêm một số hội tại Khánh  Hòa, Đồng Tháp, Cần Thơ... và 2 chi hội tại Hà Nội.

Đến năm 2002, phát triển thêm 5 hội thành viên, nâng tổng số lên thành 20, cụ thể là: Hội Việt - Nga thành phố Hà Nội, Phú Thọ, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Bắc Giang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Phú Yên, thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Tiền Giang, Đồng Tháp.

                                                                                                                                   

GIÁO SƯ ĐẶNG HỮU – CHỦ TỊCH HỘI HỮU NGHỊ VIỆT – XÔ VÀ VIỆT – NGA

Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hữu là vị Chủ tịch có một không hai trong lịch sử Hội Hữu nghị Việt – Xô/Việt – Nga: ông làm Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Xô từ năm 1988 và sau khi Liên Xô tan rã, ông là Chủ tịch đầu tiên của Hội Hữu nghị Việt – Nga.

Ông Đặng Hữu sinh ngày 2 tháng 1 năm 1930 tại xã Mỹ Tài, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Ông giảng dạy tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội từ năm 1958 đến năm 1963, làm nghiên cứu sinh tại trường Đại học Cầu Đường Mát-xcơ-va (MADI) Liên Xô từ năm 1963 đến 1966. Sau khi bảo vệ luận án Tiến sĩ tại MADI với đề tài “Cấu tạo và tính toán nền và mặt bằng đường ô-tô”, ông về nước, giảng dạy tại trường Đại học Xây dựng Hà Nội (1965-1975). Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông Đặng Hữu làm Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, sau đó được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (1976-1982). Từ năm 1982 đến năm 1996, ông là Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật nhà nước, Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Từ năm 1966 đến năm 2002, ông là Trưởng ban Khoa giáo Trung ương Đảng.

Gs. Đặng Hữu

Gs. Đặng Hữu

Ông Đặng Hữu được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khóa V, VI, VII, VIII (từ năm 1981 đến 2001), là đại biểu Quốc hội các khóa VIII, IX, X (từ năm 1987 đến năm 2002).

Năm 1988, ông Đặng Hữu, lúc đó là Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, được cử làm Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Xô.

Sau khi Liên Xô tan rã, vào ngày 19-12-1994, Hội Hữu nghị Việt – Nga chính thức ra mắt tại Hà Nội, ông Đặng Hữu được bầu làm Chủ tịch Trung ương Hội.

Tại Đại hội lần thứ hai Hội Hữu nghị Việt – Nga (ngày 6-12-1998), ông Đặng Hữu, lúc này là Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Khoa giáo Trung ương, được bầu lại làm Chủ tịch Hội. Ông giữ chức Chủ tịch Hội cho đến Đại hội lần thứ ba của Hội Hữu nghị Việt – Nga (tháng 11-2006).

Ông Đặng Hữu cho biết, trong những năm lãnh đạo Hội Hữu nghị Việt – Xô và Hội Hữu nghị Việt – Nga, ông đã có mối quan hệ thắm tình đồng chí, anh em trong sáng với các vị lãnh đạo Hội Hữu nghị với Việt Nam của nước bạn, như Anh hùng phi công vũ trụ Ghéc-man Ti-tốp và ông Ép-ghe-ni Gla-du-nốp cũng như nhiều vị khác trong Hội Hữu nghị và trong các bộ, ngành của Liên Xô, Nga. Ông cũng chia sẻ rằng, Hội Hữu nghị Việt – Xô những năm đó hoạt động rất thuận lợi, bởi vì Liên Xô nói chung và Hội Hữu nghị Xô – Việt nói riêng đã hết lòng ủng hộ, giúp đỡ Hội Hữu nghị Việt – Xô về mọi mặt, đồng thời, tình cảm mà nhân dân hai nước dành cho nhau hết sức nồng ấm, chân thành. Theo ông Đặng Hữu, thời gian đầu sau khi Liên Xô sụp đổ, tình hình ở các nước cộng hòa xô-viết cũ chưa thật sự sáng tỏ, chúng ta đã có dự định để VINACORVUZ, một tổ chức tập hợp những người đã học tập, nghiên cứu tại các trường đại học Liên Xô trước đây, hoạt động như là hội hữu nghị “chung” với các nước trên không gian hậu xô-viết; nhưng sau đó, với những nỗ lực của chúng ta và phía các bạn Nga, Hội Hữu nghị Việt – Nga được thành lập. Là người lãnh đạo Hội Hữu nghị Việt – Nga ngay từ đầu, ông Đặng Hữu đã có đóng góp to lớn vào việc phát triển tổ chức của Hội và khôi phục, củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với Hội Hữu nghị với Việt Nam của LB Nga, về sau là Hội Hữu nghị Nga – Việt.

                                                                                                 

ĐẠI HỘI III (Nhiệm kỳ 2006 – 2011)

 Tháng 11 năm 2006, tại Hà Nội  tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Hội Hữu nghị Việt - Nga.  Đoàn 20 đại biểu và nghệ sĩ Hội Hữu nghị Nga - Việt và Quỹ Hoà bình Mát-xcơ-va đã sang Việt Nam tham dự Đại hội. Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa ba gồm 52 ủy viên. GS. Đào Trọng Thi được bầu làm Chủ tịch Hội.

Ngay sau Đại hội, do yêu cầu của công tác đối ngoại nhân dân và để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động Hội phù hợp tình hình mới, Ban chấp hành Trung ương Hội được bổ sung và đến năm 2011 có 61 ủỷ viên.

Nghị quyết  Đại hội III nhiệm kỳ 2006 - 2011 đã nêu ra phương hướng hoạt động của Hội tập trung vào các mặt chủ yếu sau đây:

1.     Tăng cường và phát triển quan hệ với LB Nga trong hoạt động đối ngoại nhân dân thông qua việc chủ trì, phối hợp chủ trì tổ chức nhiều hoạt động nhân các sự kiện lớn và mốc kỷ niệm ở hai nước và của mỗi nước liên quan  quan hệ Việt Nam - LB Nga.

2.       Củng cố, phát triển tổ chức, bổ sung, kiện toàn cơ quan lãnh đạo Hội từ Trung ương đến cơ sở.

3.       Đổi mới phương thức hoạt động của Hội, đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo của Hội địa phương và cơ sở, đồng thời khắc phục sự hạn hẹp về kinh phí và sự thiếu hụt nguồn nhân lực hoạt động chuyên trách.

4.       Đẩy mạnh hoạt động thông tin tuyên truyền giới thiệu tình hình hai nước , phối hợp chặt chẽ với các phương tiện thông tin đại chúng nhằm phục vụ giới thiệu về hoạt động của Hội.

Phối hợp chặt chẽ hoạt động giữa Hội Việt - Nga và Hội Hữu nghị Nga - Việt với Đại sứ quán LB Nga tại Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga, cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại LB Nga và Hiệp hội những người Việt Nam được đào tạo tại Nga/Liên Xô (VINACORVUZ).

Ngày 3/8/2007, Điều lệ Hội Hữu nghị  Việt Nam - LB Nga (sửa đổi) được Bộ Nội vụ phê duyệt theo quyết đinh số 1009/QĐ-BNV. Theo đó, Hội Việt - Nga là một tổ chức xã hội, hoạt động vì mục đích góp phần củng cố và phát triển tình đoàn kết hữu nghị truyền thống, sự hiểu biết lẫn nhau và hợp tác hiệu quả trên tinh thần đối tác chiến lược và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga.

                                                             ÔNG ĐÀO TRỌNG THI, CHỦ TỊCH HỘI HỮU NGHỊ VIỆT - NGA
Ông Đào Trọng Thi sinh ngày 23 tháng 3 năm 1951 tại xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng.
Năm 1969-1977: Sinh viên và Nghiên cứu sinh tại Đại học Tổng hợp quốc gia Mátxcơva mang tên Lômônôxốp; bảo vệ Tiến sĩ năm 1977.
Năm 1978-1982: Cán bộ giảng dạy, Chủ nhiệm Bộ môn, Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Năm 1982-1984: Thực tập sinh cao cấp tại Đại học Tổng hợp Lômônôxốp; bảo vệ Tiến sĩ Khoa học năm 1984.
Năm 1985-1988: Cán bộ giảng dạy, Chủ nhiệm Khoa Sau Đại học, Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Năm 1988-1990: Giáo sư thỉnh giảng, Viện Toán Max - Planck, Cộng hòa Liên bang Đức; Ủy viên Ban Chấp hành Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (1989-1998).
Năm 1990-1992: Cán bộ giảng dạy, Giáo sư (năm 1991); Phó Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam (1990-1999).
Năm 1992-1997: Hiệu trưởng trường Đại học Tổng họp Hà Nội.
Năm 1994-2001: ủy viên Trung ương Đảng khóa VIII; Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; Bí thư Đảng ủy Đại học Quốc gia Hà Nội (từ 1998).
Năm 2001-2007: Ủy viên Trung ương Đảng khóa IX; Giám đốc kiêm Bí thư Đảng ủy Đại học Quốc gia Hà Nội; Trưởng Ban chỉ đạo Công nghệ thông tin của cơ quan Đảng; Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học thế giới thứ ba (từ năm 2006).
Năm 2007 - 2016: Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, XI.
Ông Đào Trọng Thi tại Đại hội V Hội Hữu nghị Việt - Nga (ngày 10/12/2016)

Ông Đào Trọng Thi tại Đại hội V Hội Hữu nghị Việt - Nga (ngày 10/12/2016)


Ông Đào Trọng Thi là Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa XII, XIII.
Ông Đào Trọng Thi làm Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga từ năm 2006 đến 2016.

 

                                                                                          ĐẠI HỘI IV (NHIỆM KỲ 2011 – 2016)

 Trong hai ngày 24 - 25/12/2011 tại Hà Nội tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Hội.          

Đại hội đã đề ra mục tiêu  tổng quát giai đoạn 2011- 2016:

1. Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội Hữu nghị Việt – Nga; tuyên truyền giới thiệu đường lối, chính sách đối nội, đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, những thành tựu trong công cuộc đổi mới của Việt Nam để nhân dân hai nước hiểu rõ về đất nước, con người, truyền thống văn hoá - lịch sử và mối quan hệ hữu nghị Việt - Nga; đấu tranh chống lại những âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch; làm sâu sắc hơn mối quan hệ hữu nghị hợp tác nhân dân Việt - Nga vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

2. Xây dựng, củng cố tổ chức Hội Việt - Nga ngày càng vững mạnh; phát triển thêm các đối tác mới, làm cơ sở để thúc đẩy các hoạt động hoà bình, đoàn kết, hữu nghị và hợp tác nhân dân, tranh thủ sự ủng hộ của của LB Nga và các đối tác đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng Việt Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Tại ĐH IV, Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga - Việt Vladimir Buyanov trao quà kỷ niệm cho ông Đào Trọng Thi tặng Hội Hữu nghị Việt - Nga.

Tại ĐH IV, Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga - Việt Vladimir Buyanov trao quà kỷ niệm cho ông Đào Trọng Thi tặng Hội Hữu nghị Việt - Nga.

Những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể được đề ra  như sau:

1.       Bám sát định hướng về công tác đối ngoại nhân dân của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, hướng dẫn của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI về công tác đối ngoại nhân dân, Hội Việt - Nga cần tiếp tục đổi mới cả về tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động, duy trì, củng cố, mở rộng và phát triển hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện Việt - Nga, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu, mở rộng quan hệ hợp tác, đối tác và  làm cầu nối cho việc hợp tác giữa giữa các tổ chức và địa phương hai nước qua kênh hữu nghị nhân dân. 

2.       Triển khai thực hiện thoả thuận hợp tác giữa Hội Hữu nghị Việt - Nga và Hội Hữu nghị Nga - Việt giai đoạn 2011 - 2015 ký ngày 31/10/2010 bằng các kế hoạch, chương trình cụ thể, phù hợp. Đổi mới và gắn các hoạt động  hoà bình, đoàn kết, hữu nghị với giao lưu văn hoá nghệ thuật, làm cầu nối để các địa phương, doanh nghiệp của hai nước thiết lập quan hệ, trao đổi các đoàn,  củng cố và đẩy mạnh hợp tác kinh tế thương mại, khoa học giáo dục, văn hoá du lịch v.v. qua kênh Hội Việt - Nga và Nga - Việt.

3.     Tăng cư­ờng giao lưu trao đổi giữa thế hệ trẻ hai nước để họ chủ động phát huy, kế thừa những công việc mà hai Hội đã và đang làm. Tập trung vào các trường học, các địa phương có quan hệ kết nghĩa, các cơ sở liên doanh Việt - Nga trong các lĩnh vực bao gồm cả trong các lực lượng vũ trang.

4.      Tiếp tục công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, tham mưu đề xuất tặng Huân/Huy chương Hữu nghị của Việt Nam, Kỷ niệm chương “Vì hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc” của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cho các bạn Nga/Liên Xô có nhiều đóng góp cho Việt Nam và phối hợp với Hội hữu nghị Nga - Việt đề xuất tặng các phần thưởng của LB Nga cho các thành viên xuất sắc của Hội Việt - Nga.    

5.     Tiếp tục củng cố và có phương thức hoạt động phù hợp với đặc điểm tình hình của các Hội địa phương, các Chi hội hiện có, đẩy mạnh việc thành lập mới ở các địa phương có đủ điều kiện, khuyến khích các quận, huyện, các đơn vị, doanh nghiệp, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật, giáo dục đào tạo, thành lập các Chi hội trực thuộc Trung ương Hội hoặc cấp Hội địa phương theo điều lệ chung và quy chế của từng nơi. Tăng cường kết nạp các hội viên mới nhất là lớp trẻ tạo nguồn cho hoạt động của Hội trong tương lai. Tập trung phát triển hội viên trong cộng đồng người Việt Nam sống và làm việc tại LB Nga.

6.     Kiên trì nhất quán chủ trư­ơng xã hội hoá hoạt động của Hội để khắc phục sự hạn hẹp về kinh phí, kết hợp chặt chẽ giữa sự chỉ đạo định hướng của Trung ương Hội với sự nhiệt tình, sáng tạo của các Hội địa phương, của Chi hội. Duy trì giao ban toàn quốc hàng năm tại các địa phương, tranh thủ sự giúp đỡ, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền và các Sở, Ban, Ngành, sự tài trợ, giúp đỡ của các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân đối với hoạt động của toàn Hội từ Trung ương đến cơ sở. Nghiên cứu thành lập các Ban chuyên môn: Ban giáo dục, khoa học và công nghệ; Ban văn hoá nghệ thuật, thể thao và du lịch; các Trung tâm tư vấn hoặc sản xuất kinh doanh phù hợp nhằm mở rộng hoạt động của Hội tạo nguồn kinh phí cho Hội hoạt động. Các tổ chức này hoạt động dưới sự bảo trợ của TƯ Hội theo nguyên tắc tự hoạch toán, tuân thủ pháp luật. Tăng cường vận động tài trợ để quỹ hoạt động của Hội được chủ động và có kế hoạch tiến tới lập Quỹ của Hội.

7.     Quyết tâm duy trì xuất bản Đặc san “Bạch Dư­ơng”, xem xét khả năng phối hợp với Hội Nga - Việt và Hội người Việt Nam tại LB Nga xuất bản Đặc san tại LB Nga dư­ới hình thức song ngữ Việt - Nga.

8.     Để góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ tiến tới kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống của Hội, trong nhiệm kỳ 2011 - 2016 biên soạn và xuất bản cuốn sách “Biên niên sự kiện Hội Hữu nghị Việt - Xô/ Việt - Nga”. Xúc tiến xây dựng “Ngân hàng dữ liệu những người đã học tập tại Liên Xô/Nga”: sinh viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh; sáng tác logo Hội Việt-Nga.

9. Phấn đấu để xây dựng t­ượng đài Anh hùng Ghéc-man Ti-tốp tại Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh.

            …

Ra mắt BCH Trung ương Hội khóa IV tại Đh đại biểu lần thứ IV của Hội Hữu nghị Việt - Nga.

Ra mắt BCH Trung ương Hội khóa IV tại Đh đại biểu lần thứ IV của Hội Hữu nghị Việt - Nga.

Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2011- 2016 có 75 người, trong đó có 30 người lần đầu tiên tham gia Ban Chấp hành, do ông Đào Trọng Thi, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, làm Chủ tịch. Phó Chủ tịch thường trực là ông Trịnh Quốc Khánh, Tổng Giám đốc Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, Bộ Quốc phòng; Tổng thư ký là bà Nguyễn Thị Minh Hiền, Chuyên viên chính, Ban Châu Âu, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.

                                                           ĐẠI HỘI LẦN THỨ NĂM HỘI HỮU NGHỊ VIỆT – NGA (NHIỆM KỲ 2016-2021)

Đại hội đại biểu lần thứ năm Hội Hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga nhiệm kỳ 2016-2021 diễn ra tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội) ngày 10 tháng 12 năm 2016.

Tham gia Đại hội có đại biểu của các Hội địa phương và Chi hội, các ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội khóa IV, các đại biểu được BCH TƯ Hội khóa IV giới thiệu tham gia BCH TƯ Hội khóa mới.

Khách mời tham dự Đại hội có ông Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Phân ban Việt Nam trong Ủy ban liên chính phủ Việt – Nga về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học – kỹ thuật; ông Đôn Tuấn Phong, Phó Chủ tịch phụ trách, Tổng thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; ông Bùi Khắc Sơn, Phó Chủ tịch Liên hiệp các TCHNVN; đại diện nhiều bộ, ngành, liên hiệp các tổ chức hữu nghị ở địa phương, đại diện lãnh đạo các hội hữu nghị giữa Việt Nam với một số nước thuộc Liên Xô trước đây, một số doanh nghiệp… Về phía Liên bang Nga có Đại sứ Nga tại Việt Nam K.V. Vnucốp; đoàn đại biểu Hội Hữu nghị Nga – Việt do GS V.P. Buianốp, Chủ tịch Hội, dẫn đầu.

Quang cảnh Đại hội

Quang cảnh Đại hội

Sau bài phát biểu khai mạc Đại hội của GS Đào Trọng Thi, Chủ tịch Hội khóa IV, ông Trịnh Quốc Khánh, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội, trình bày báo cáo tổng hợp về việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ tư của Hội trong nhiệm kỳ vừa qua và phương hướng công tác của Hội nhiệm kỳ 2016-2021; kiểm điểm công tác của Ban chấp hành Trung ương Hội khóa IV; công tác của Ban Kiểm tra Hội nhiệm kỳ 2011-2016.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Đại hội V

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Đại hội V

Báo cáo của ông Trịnh Quốc Khánh nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ vừa qua (2011 – 2016), hoạt động của Hội hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga đã bám sát định hướng lớn đề ra tại Đại hội IV là tiếp tục phát huy những thành tựu và kinh nghiệm của các nhiệm kỳ trước, không ngừng đổi mới về nội dung, hình thức và nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm duy trì, củng cố, mở rộng, phát triển hơn nữa mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện Việt Nam – Liên bang Nga, tạo điều kiện cho việc giao lưu, mở rộng và phát triển quan hệ hợp tác, đối tác và là cầu nối hợp tác cho các tổ chức, địa phương hai nước qua kênh đối ngoại nhân dân.

Ông Trịnh Quốc Khánh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Hữu nghị Việt - Nga

Ông Trịnh Quốc Khánh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Hữu nghị Việt - Nga

Ông Bùi Khắc Sơn, Phó CT Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (bên phải), trao tặng Hội HN Việt-Nga bức trướng ghi nhận sự

Ông Bùi Khắc Sơn, Phó CT Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (bên phải), trao tặng Hội HN Việt-Nga bức trướng ghi nhận sự "chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả" của Hội HN Việt-Nga

Trong 5 năm qua, trong bối cảnh quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Liên bang Nga tiếp tục có những bước phát triển quan trọng, hoạt động đối ngoại nhân dân với Liên bang Nga cũng phát triển, ngày càng đi vào chiều sâu, Hội hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga và Hội hữu nghị Liên bang Nga – Việt Nam đã tăng cường hợp tác, mở rộng giao lưu, thường xuyên tổ chức các hoạt động trao đổi đoàn nhằm chia sẻ kinh nghiệm và tìm hiểu tình hình hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục với Nga; phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội những người Việt Nam được đào tạo tại Nga/Liên Xô (Vinacorvuz) tổ chức thành công nhiều cuộc gặp truyền thống hàng năm những người Việt Nam đã học tập công tác tại Nga/Liên Xô; phối hợp với các cơ quan hữu quan và các tổ chức thành viên ở các tỉnh, thành phố tổ chức nhiều hoạt động hòa bình, đoàn kết hữu nghị với các đối tác của Liên bang Nga, trong đó có hơn 200 hoạt động lớn như Hội thảo khoa học với chủ đề “Hồ Chí Minh với nước Nga” và Triển lãm “Chủ tịch Hồ Chí Minh với nước Nga” nhân kỷ niệm 90 năm lần đầu tiên Bác Hồ đến nước Nga, Mít tinh kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Liên bang Nga (30/1/2015), ký thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2016 – 2020 giữa Hội hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga và Hội hữu nghị Liên bang Nga – Việt Nam, Mít tinh kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Hội hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Nhà nước trao tặng Hội (23/5/2015), Mít tinh kỷ niệm 35 năm Chuyến bay Vũ trụ Việt – Xô, Lễ khánh thành Tượng đài Anh hùng phi công vũ trụ Ghécman Titốp tại đảo Titốp, vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) vào thàng 9/2015… Bên cạnh các hoạt động hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, hoạt động Hội ở cả Trung ương và địa phương, cơ sở đều từng bước hướng trọng tâm sang thúc đẩy sự hợp tác toàn diện giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, văn hóa xã hội, kinh tế - thương mại, giáo dục đào tạo...; thường xuyên củng cố và kiện toàn tổ chức Hội, tạo điều kiện phát huy năng lực, tính chủ động và trách nhiệm của từng thành viên, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ trong nhiệm kỳ vừa qua; tích cực đổi mới phương thức hoạt động Hội, đẩy mạnh và phát triển công tác thông tin tuyên truyền; tăng cường phối hợp với Hội hữu nghị Liên bang Nga – Việt Nam và cộng đồng người Việt Nam tại Liên bang Nga…

Đại hội biểu quyết thông qua Nghị quyết

Đại hội biểu quyết thông qua Nghị quyết

Ban chấp hành Trung ương Hội khóa V ra mắt tại Đại hội

Ban chấp hành Trung ương Hội khóa V ra mắt tại Đại hội

Về phương hướng và nhiệm vụ, trong nhiệm kỳ 2016 – 2021 sẽ diễn ra nhiều dịp kỷ niệm quan trọng đối với quan hệ Việt Nam – Liên Xô/Liên bang Nga như kỷ niệm 100 năm Ngày Cách mạng tháng Mười Nga (7/11/1917 – 7/11/2017), 60 năm Ngày thành lập Hội hữu nghị Liên bang Nga – Việt Nam (31/7/1858 – 31/7/2018), 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Liên Xô/Nga (30/1/1950 – 30/1/2020), 70 năm Ngày thành lập Hội hữu nghị Việt – Xô, ngày truyền thống của Hội hữu nghị Việt – Nga (23/5/1950 – 23/5/2020)… Trong bối cảnh đó, phát huy những kết quả đã đạt được, Hội hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động thích ứng với những điều kiện mới để làm cho hoạt động của Hội ngày càng thêm phong phú, đa dạng, thiết thực và hiệu quả, góp phần vào việc củng cố và phát triển quan hệ đoàn kết hữu nghị truyền thống Việt Nam – Liên bang Nga.

Chủ tịch Hội HN Việt-Nga khóa V Trần Bình Minh (bên trái) và Chủ tịch Hội khóa IV Đào Trọng Thi

Chủ tịch Hội HN Việt-Nga khóa V Trần Bình Minh (bên trái) và Chủ tịch Hội khóa IV Đào Trọng Thi

Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga-Việt Vladimir Buyanov (bên phải) tặng hoa chúc mừng ông Trần Bình Minh được bầu làm Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Nga

Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga-Việt Vladimir Buyanov (bên phải) tặng hoa chúc mừng ông Trần Bình Minh được bầu làm Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Nga

Tại Đại hội, ông Nguyễn Đăng Phát, Ủy viên thường vụ, Phó Tổng thư ký Hội, trình bày báo cáo về việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội.

Đại hội cũng nghe tham luận của lãnh đạo Hội Hữu nghị Việt – Nga các tỉnh Quảng Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hà Tĩnh và Chi hội Hữu nghị Việt – Nga khối Báo chí – Tuyên truyền.

Phát biểu tại Đại hội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng việc tiếp tục củng cố và không ngừng phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga, phát huy truyền thống tương trợ và luôn ủng hộ lẫn nhau trong bất cứ hoàn cảnh nào là nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân hai nước, góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên toàn thế giới.

 “Nhân dân Việt Nam sẽ mãi ghi nhớ và biết ơn sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của những người anh em Liên Xô trước đây và LB Nga ngày nay trong những năm tháng đấu tranh gian khổ giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển ngày nay” -  Phó Thủ tướng nói. 

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Hội Hữu nghị Việt Nam - LB Nga được thành lập trên cơ sở kế thừa tổ chức và kinh nghiệm hoạt động của Hội Hữu nghị Việt - Xô - một tổ chức đoàn kết của Việt Nam với nhân dân Liên Xô anh em do Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập từ những năm 50 của Thế kỷ trước. Trong 66 năm qua, hoạt động Hội luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ thường xuyên của lãnh đạo cấp cao hai nước; sự hưởng ứng, tham gia tích cực của hội viên - với lực lượng nòng cốt là các thế hệ nhà khoa học, chuyên gia, lưu học sinh, người lao động từng học tập, nghiên cứu, làm việc, công tác tại Liên Xô trước đây và LB Nga ngày nay. Hoạt động của các cấp Hội đã góp phần quan trọng để tiếp tục phát triển và làm sâu sắc tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước, góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - LB Nga.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ: Thời gian qua, quan hệ chính trị Việt - Nga có độ tin cậy cao và không ngừng được củng cố. Trao đổi đoàn cấp cao diễn ra thường xuyên, tạo động lực mạnh mẽ cho việc phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Hợp tác kinh tế - thương mại phát triển khá năng động, đóng góp tích cực vào phát triển chung của mỗi nước. Năm 2015, kim ngạch thương mại song phương đạt 2,2 tỷ USD. Hiện Nga đứng thứ 23/116 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 113 dự án và tổng vốn đăng ký 1,1 tỷ USD. Đầu tư của Việt Nam sang Nga trong vài năm trở lại đây tăng nhanh, hiện đạt khoảng 2,93 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực dầu khí, thương mại, nông nghiệp. Nga tiếp tục là một trong 10 thị trường tăng trưởng hàng đầu về du lịch ở Việt Nam. Năm 2015, Việt Nam đón 340.000 lượt khách du lịch Nga; 6 tháng đầu năm 2016 đón 200.000 lượt. Hiện có khoảng hơn 5.000 sinh viên Việt Nam du học tại Nga… Các hoạt động giao lưu văn hoá được tổ chức thường xuyên, góp phần củng cố và phát triển tình đoàn kết hữu nghị truyền thống, sự hiểu biết lẫn nhau và hợp tác hiệu quả vì lợi ích của nhân dân mỗi nước và hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, “bên cạnh những đóng góp nổi bật để phát triển quan hệ giữa hai nước, hoạt động của Hội Hữu nghị Việt - Nga vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Ở một số lĩnh vực, phạm vi quan hệ, mạng lưới đối tác còn hạn chế, mối liên hệ chưa thường xuyên. Khả năng triển khai công tác đối ngoại chưa đồng đều, phương pháp tiếp cận một số vấn đề mới còn chưa phù hợp. Hội chưa phát huy tối đa kinh nghiệm, kiến thức của các hội viên là chuyên gia, các nhà khoa học lớn, những hạt nhân của công tác đối ngoại nhân dân Việt- Nga”.

 Nhất trí với mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp của Hội hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga đưa ra tại Đại hội đồng thời chỉ ra một số tồn tại và hạn chế trong hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ vừa qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị trong thời gian tới, các hoạt động của Hội hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga cần đặc biệt chú trọng đến nội dung chính trị và tính hiệu quả, đa dạng hóa hình thức hoạt động, góp phần làm cho bạn bè và các đối tác Nga hiểu đúng về tình hình Việt Nam, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các tổ chức và cá nhân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước của nhân dân Việt Nam; cần chủ động tìm kiếm, mở rộng bạn bè,đối tác, tập trung đẩy mạnh, phát huy các loại hình và lĩnh vực hoạt động Hội, gắn hoạt động Hội với việc cụ thể hóa quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại, giáo dục - đào tạo, khoa học - kỹ thuật, văn hóa - nghệ thuật, du lịch và giao lưu nhân dân; chú trọng công tác phát triển Hội viên, trong đó cần tiếp tục tập hợp, vận động nhiều tổ chức, cá nhân tham gia công tác và hoạt động Hội; phải xây dựng được một lực lượng cán bộ chuyên trách tinh thông nghiệp vụ, giỏi tiếng Nga, am hiểu đất nước và con người Nga, có trình độ, kinh nghiệm trong hoạt động ngoại giao nhân dân; tiếp tục làm tốt công tác xã hội hoá trong thực hiện các hoạt động, huy động các nguồn lực phục vụ hoạt động Hội. “Đặc biệt, các hoạt động cần hướng trọng tâm vào việc thực hiện có hiệu quả thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, trong có bao gồm các nội dung được thống nhất trong các khóa họp Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - LB Nga về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật” -  Phó Thủ tướng nhấn mạnh. “Hội cũng cần chủ động tìm kiếm, mở rộng bạn bè và đối tác; tập trung đẩy mạnh, phát huy các loại hình và lĩnh vực hoạt động Hội, gắn hoạt động Hội với việc cụ thể hóa quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại, giáo dục - đào tạo, khoa học - kỹ thuật, văn hóa - nghệ thuật, du lịch và giao lưu nhân dân. Phải xem việc đa dạng hóa đối tác cả về chiều rộng và chiều sâu là nhiệm vụ trọng tâm của Hội hữu nghị Việt-Nga trong nhiệm kỳ này” - Phó Thủ tướng yêu cầu.

Phó Thủ tướng đề nghị Hội cần chú trọng công tác phát triển hội viên, trong đó cần tiếp tục tập hợp, vận động nhiều tổ chức, cá nhân tham gia công tác và hoạt động Hội. Đặc biệt cần quan tâm, đầu tư nhiều hơn cho việc thu hút giới trẻ của hai nước Việt - Nga đến với Hội.

“Thanh niên hai nước sẽ là đối ngũ kế cận, gánh vác sứ mệnh lịch sử, tiếp tục duy trì và phát triển quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt - Nga. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, cần quan tâm mở rộng hoạt động Hội qua cộng đồng người Việt Nam tại Nga” - Phó Thủ tướng nói.

Một yêu cầu đặc biệt mà Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu ra với các cấp Hội là từ thực tiễn hoạt động phải có những đóng góp thiết thực vào việc phân tích, nghiên cứu, dự báo, xây dựng chiến lược, chính sách về hoạt động đối ngoại, trong đó có việc làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Nga và các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Hội Hữu nghị Việt - Nga để Hội thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, phát huy tối đa vai trò trong hoạt động ngoại giao nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của công tác đối ngoại.

Thay mặt Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Phó Chủ tịch Liên hiệp Bùi Khắc Sơn ghi nhận và đánh giá cao những thành tích của Hội hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga trong nhiệm kỳ vừa qua; đồng thời cho rằng, các hoạt động đa dạng và thường xuyên của Hội hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga thể hiện tình cảm thủy chung của nhân dân Việt Nam đối với nhân dân Liên Xô, nhân dân Nga và mong muốn gìn giữ, tăng cường quan hệ hữu nghị bền chặt, sự hợp tác hiệu quả giữa hai nước Việt - Nga. Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tin tưởng, với sự lãnh đạo của Ban Chấp hành khóa mới và các nhiệm vụ mà Đại hội đề ra, Hội hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga sẽ đạt được những thành tựu mới, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp tăng cường, thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Liên bang Nga.

Đại sứ LB Nga tại Việt Nam K. Vnucốp phát biểu chào mừng Đại hội

Đại sứ LB Nga tại Việt Nam K. Vnucốp phát biểu chào mừng Đại hội

Đánh giá cao các hoạt động của Hội hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga trong thời gian qua, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam K.V. Vnucốp và Chủ tịch Hội hữu nghị Liên bang Nga – Việt Nam V.P. Buianốp khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp, hợp tác với Hội hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga xây dựng và triển khai nhiều hoạt động hơn nữa, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân,  góp phần vào việc củng cố và phát triển quan hệ đoàn kết hữu nghị truyền thống Liên bang Nga – Việt Nam.

Đại hội đã bầu Ban chấp hành Trung ương Hội khóa V gồm 86 ủy viên. Tại hội nghị toàn thể lần thứ nhất, Ban chấp hành Trung ương Hội nhất trí bầu ông Trần Bình Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, làm Chủ tịch Hội. Ban chấp hành Trung ương Hội cũng nhất trí bầu Ban Thường vụ gồm 28 ủy viên, trong đó có 9 Phó Chủ tịch Hội và Tổng thư ký Hội. Ban Kiểm tra Hội khóa V cũng đã được bầu do bà Nguyễn Thị Tình, Ủy viên Thường vụ, làm Chủ tịch Ban Kiểm tra.

Đại hội đã nhất trí thông qua Nghị quyết ghi nhận những kết quả hoạt động trong nhiệm kỳ 2011-2016 và nêu ra phương hướng cơ bản của công tác Hội nhiệm kỳ 2016-2021. Đại hội cũng nhất trí thông qua dự thảo Điều lệ Hội sửa đổi, bổ sung, sẽ được trình lên Bộ Nội vụ xem xét, phê duyệt.

Nhiều cá nhân và tập thể Hội địa phương, Chi hội được tặng Bằng khen của Trung ương Hội

Nhiều cá nhân và tập thể Hội địa phương, Chi hội được tặng Bằng khen của Trung ương Hội

Các cá nhân được tặng Kỷ niệm chương của Hội Hữu nghị Nga - Việt

Các cá nhân được tặng Kỷ niệm chương của Hội Hữu nghị Nga - Việt

 

DSC02553

Đại hội đã tri ân, đánh giá cao công lao của GS Đào Trọng Thi, Chủ tịch Hội khóa IV, trong toàn bộ hoạt động của Hội Hữu nghị Việt – Nga, góp phần quan trọng tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân hai nước Việt Nam – LB Nga, mở rộng sự phối hợp hành động giữa hai Hội Hữu nghị của hai nước.

Tại Đại hội cũng đã tiến hành công tác khen thưởng các tập thể và cá nhân Hội Hữu nghị Việt – Nga đã có nhiều thành tích trong hoạt động Hội những năm qua. Đó là các phần thưởng của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Trung ương Hội Hữu nghị Việt – Nga và Hội Hữu nghị Nga – Việt.

                                                 ĐẠI HỘI VI (NHIỆM KỲ 2023 - 2028)

Trong hai ngày 29 - 30/9/2023, tại Hà Nội, Hội Hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, nhiệm kỳ 2023-2028.

Tham dự Đại hội có trên 170 đại biểu thay mặt hàng nghìn hội viên Hội Hữu nghị Việt - Nga tại 32 tỉnh, thành phố trong cả nước và 15 Chi hội Hữu nghị Việt - Nga tại các cơ quan, đơn vị, trường học và các ban liên lạc những người đã học tập, làm việc tại Liên bang Nga.

Ông Trần Hồng Hà, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Phân ban Việt Nam trong Uỷ ban liên chính phủ Việt Nam – LB Nga về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học – kỹ thuật, đã đến dự và phát biểu chỉ đạo phương hướng hoạt động của Hội Hữu nghị Việt – Nga trong giai đoạn mới. Tham dự Đại hội có đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Việt Nam; Đại sứ LB Nga tại Việt Nam G.S. Bezdetko; đoàn đại biểu Hội Hữu nghị Nga – Việt (ORVD) do Phó Chủ tịch thứ nhất ORVD P. Tsvetov dẫn đầu; lãnh đạo một số tổ chức Nga tại Việt Nam.

Các báo cáo và tham luận tại Đại hội cho biết, trong nhiệm kỳ 2016-2023 (nhiệm kỳ được kéo dài do tình hình đại dịch covid-19 nên Đại hội VI không được tổ chức đúng thời hạn như kế hoạch ban đầu), Hội Hữu nghị Việt – Nga từ cấp trung ương đến cơ sở đã có nhiều hoạt động đa dạng, thiết thực trong lĩnh vực đối ngoại nhân dân, củng cố sự hợp tác với Hội Hữu nghị Nga – Việt và nhiều đối tác khác tại Nga, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước; gìn giữ, củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống, góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác chiến lược Việt – Nga. Hội Hữu nghị Việt – Nga đã có những hình thức hoạt động đáng chú ý, như: tổ chức hội nghị giao ban toàn quốc của Hội luân phiên tại các địa phương; phối hợp với Hội Hữu nghị Nga – Việt và một số đơn vị tổ chức ở hai nước các cuộc thi vẽ tranh “Em vẽ Việt Nam – Em vẽ nước Nga”; dịch từ tiếng Nga ra tiếng Việt và xuất bản một số đầu sách, như “Người Nga nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh”, tuyển tập thơ “Đợi anh về” của các tác giả Liên Xô, LB Nga viết về cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại 1941-1945, sách về vai trò của đối ngoại nhân dân trong việc phát triển quan hệ Việt – Nga. Hội Hữu nghị Việt – Nga cũng phát huy vai trò kết nối quan hệ giữa các doanh nghiệp, trường học, địa phương hai nước Việt Nam và Nga nhằm tìm kiếm thị trường, hợp tác về giáo dục – đào tạo, du lịch, trao đổi văn hoá… Trong những năm bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, Hội Hữu nghị Việt – Nga và các đối tác ở Nga vẫn duy trì tiếp xúc, liên lạc với hình thức thích hợp để chia sẻ thông tin cho nhau, giữ mạch phối hợp hành động. Sau khi Việt Nam và Nga “mở cửa” trở lại sau đại dịch, mối quan hệ hợp tác tiếp tục được thúc đẩy. Từ cuối năm 2022, giao lưu trực tiếp được nối lại, Hội Hữu nghị Việt – Nga phối hợp đón tiếp các đoàn doanh nghiệp Nga sang tìm hiểu thị trường và đối tác, đồng thời cũng cử đoàn sang Nga tham gia các hoạt động nổi bật trong quan hệ hai nước, như kỷ niệm 100 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên đến Nga và khánh thành tượng đài Bác Hồ ở thành phố Saint Petersburg (30/6/1923-30/6/2023).Về tổ chức, trong nhiệm kỳ qua, Hội Hữu nghị Việt – Nga có thêm 7 đơn vị thành viên mới là Hội Hữu nghị Việt – Nga tỉnh Thái Nguyên và 6 Chi hội Hữu nghị Việt – Nga trực thuộc Trung ương Hội (Chi hội Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội; Binh chủng Tăng – Thiết giáp; Quân chủng Phòng không - Không quân; Bộ Công an; Đại học Quốc gia Hà Nội; Cựu học viên Đại học quốc gia Moskva mang tên M. V. Lomonosov).

Phát biểu tại Đại hội, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà biểu dương những hoạt động sôi nổi, thường xuyên và thiết thực của Hội Hữu nghị Việt – Nga. Phó Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam xác định phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với LB Nga là một trong những ưu tiên quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại; hoạt động đối ngoại nhân dân của Hội Hữu nghị Việt – Nga góp phần  cùng với đối ngoại đảng và ngoại giao nhà nước triển khai thực hiện ưu tiên quan trọng đó; Hội Hữu nghị Việt – Nga có sứ mệnh quan trọng là làm cho những tình cảm tốt đẹp giữa nhân dân hai nước liên tục phát triển và ngày càng gắn bó bền chặt, trở thành tổ chức đối ngoại nhân dân vững mạnh, thực sự là cầu nối hữu nghị vững vàng, tin cậy. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng sự kiện Đại hội lần thứ VI của Hội Hữu nghị Việt - Nga càng có ý nghĩa đặc biệt khi diễn ra đúng vào dịp 100 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam, đặt chân đến nước Nga. Chính quê hương của Cách mạng tháng Mười đã truyền cho Người nhiệt huyết để tìm ra con đường cách mạng cứu nước, giải phóng dân tộc. Thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Phó Thủ tướng gửi lời chào đoàn kết, hữu nghị tới nhân dân liên bang Nga anh em. 

Những biểu tượng cao đẹp, ngời sáng của "mối tình" Việt - Nga

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Liên Xô trước đây, Liên bang Nga ngày nay, đã có bề dày lịch sử, được thử thách qua thời gian, được nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp. Đây là di sản vô cùng quý giá của hai dân tộc.

Trong những năm tháng khó khăn nhất, ở những thời điểm, tình thế ngàn cân treo sợi tóc, nhân dân Việt Nam luôn nhận được sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa, anh em của nhân dân Nga trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.

Phó Thủ tướng cùng với các đại biểu cùng tưởng nhớ tới những chiến sỹ, chuyên gia Liên Xô đã chiến đấu, có những người hy sinh xương máu và tuổi thanh xuân vì nền độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; cũng như những người con ưu tú của Việt Nam chiến đấu hy sinh trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô vào những ngày tháng khốc liệt nhất trong mùa Đông năm 1941.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, trong công cuộc xây dựng đất nước của nhân dân Việt Nam cũng mang dấu ấn đậm nét của tình hữu nghị Nga - Việt. Chỉ trong thời gian ngắn, Việt Nam, với sự hỗ trợ của chuyên gia Nga, từ một nước nông nghiệp lạc hậu đã xây dựng, phát triển nhiều ngành kinh tế hiện đại như thủy điện, dầu khí, công nghiệp, khai khoáng. Dấu chân của các nhà khoa học Nga, các học trò của các thầy giáo Nga, đã in đậm trên khắp mọi miền đất nước, từ vùng núi hiểm trở đến biển, đảo xa xôi, để sớm giúp Việt nam khắc phục hậu quả chiến tranh. Thủy điện Hòa Bình, cùng với nhiều công trình do Liên Xô, sau này là Liên bang Nga, giúp đỡ đã trở thành biểu tượng cao đẹp, ngời sáng của "mối tình" Việt - Nga.

Hợp tác kinh tế giữa hai nước không ngừng phát triển, đầu tư tiếp tục được mở rộng, với nhiều dự án quy mô, hiện đại được triển khai tại cả Việt Nam và Nga, trong đó không thể không kể đến các dự án hợp tác dầu khí mang lại lợi ích to lớn cho cả hai nước. Hợp tác giữa hai nền kinh tế ngày càng đi vào chiều sâu, toàn diện trên mọi lĩnh vực, tiép tục hỗ trợ nhau để cùng phát triển.

Sự đồng điệu trong tâm hồn hai dân tộc

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, hiếm có một đất nước nào có được tình cảm sâu đậm trong lòng người Việt Nam như nước Nga. Tình cảm đó xuất phát không chỉ từ sự ủng hộ, hợp tác chính trị và kinh tế Nga đã dành cho Việt Nam, mà còn từ sự đồng điệu trong tâm hồn, tình cảm giữa nhân dân, kết nối văn hóa.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại Đại hội VI

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại Đại hội VI

Nền văn hóa Nga rực rỡ, huy hoàng đã trở thành cầu nối giữa hai dân tộc. Những tác phẩm văn học có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao của những tên tuổi lớn như Dostoevsky, Puskin, Chekhov, Lev Tolstoi, Maksim Gorky, Sholokhov, Mayakovsky… đã đi vào tiềm thức, trở nên hết sức quen thuộc đối với người Việt Nam. Những giai điệu ngọt ngào của "Triệu đóa hồng", "Kachiusa", "Cây thùy dương", "Đôi bờ", "Chiều Matxcova"… được cất lên trên những khu phố, làng xóm, thôn quê ở Việt Nam.

Cũng chính Nga đã đào tạo, chắp cánh cho nhiều thế hệ các nhà khoa học, lãnh đạo, nhà quản lý, chuyên gia, giúp cho Việt Nam có nền tảng khoa học kỹ thuật - công nghệ.

Cầu nối hữu nghị vững vàng, tin cậy

Hơn 7 thập kỷ qua, với sự ra đời của Hội Hữu nghị Việt - Xô, nay là Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga, quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống, chân thành giữa nhân dân hai nước không ngừng được bồi đắp. Điều đó, góp phần quan trọng tạo lòng tin chiến lược trong quan hệ "Đối tác chiến lược toàn diện", khuôn khổ quan hệ cao nhất của Việt Nam vào năm 2012, đánh dấu bước phát triển mới vượt bậc trong quan hệ giữa hai nước.

Trong nhiệm kỳ qua, Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga đã bám sát định hướng của Đảng và Nhà nước trong công tác đối ngoại nhân dân, có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức hoạt động và chú trọng nâng cao tính thiết thực, hiệu quả làm cầu nối hợp tác cho các tổ chức, địa phương của hai nước.

"Hội đã tập hợp được lực lượng hết sức đông đảo, với tình cảm, nhiệt huyết đối với nước Nga được truyền lửa qua các thế hệ" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng, với thành phần, mạng lưới đối tác, lĩnh vực, nội dung và hình thức hợp tác đa dạng, phong phú, hoạt động của Hội góp phần làm sâu sắc thêm tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống, sự gắn bó, thủy chung giữa nhân dân hai nước; Đồng thời, góp phần mở ra những cơ hội hợp tác, phát triển giữa các tổ chức, doanh nghiệp và địa phương, thúc đẩy sự hợp tác trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - kỹ thuật… trong giai đoạn mới.

Phó Thủ tướng ghi nhận và đánh giá cao những kết quả quan trọng mà Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua. Cùng với đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân làm sâu sắc thêm tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Liên bang Nga. Đây là thực tiễn sinh động khẳng định vị trí và vai trò rất quan trọng của đối ngoại nhân dân.

Đa dạng hóa đối tác cả về chiều rộng và chiều sâu

Đánh giá cao chương trình hành động trong nhiệm kỳ mới của Hội Hữu nghị Việt - Nga, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Hội cần chủ động hơn nữa để vừa củng cố quan hệ bạn bè với các đối tác hiện có, vừa xây dựng, mở rộng quan hệ với các đối tác mới để tạo dựng được một mạng lưới đối tác đa dạng; tranh thủ cao nhất sự ủng hộ và phối hợp, hợp tác từ phía các tổ chức nhân dân của Liên bang Nga để mở rộng quan hệ quốc tế, chú trọng tới lớp trẻ, giới báo chí truyền thông, giới học giả và giới doanh nhân… 

Các đại biểu biểu quyết tại Đại hội

Các đại biểu biểu quyết tại Đại hội

"Chúng ta cần nhân rộng hơn nữa các hoạt động giao lưu, kết nối giữa các trường phổ thông, đại học Việt Nam và Nga, để mỗi em học sinh, sinh viên là những sứ giả của hoạt động đối ngoại nhân dân" - Phó Thủ tướng gợi mở.

"Đa dạng hóa đối tác cả về chiều rộng và chiều sâu là nhiệm vụ trọng tâm của Hội để mang lại những giá trị, hiệu quả thực chất trong kinh tế, thương mại, giáo dục, văn hoá, khoa học…, từ đó làm sâu sắc hơn nữa, nâng cao chất lượng các hoạt động hợp tác, cùng kết hợp, bổ sung lợi thế của nhau đều Việt Nam, Liên bang Nga bắt nhịp được sự phát triển mới của thời đại" - Phó Thủ tướng trao đổi.

Hội cần mở rộng và phát triển về tổ chức, thu hút hội viên nhất là lực lượng  thanh niên, sinh viên, trí thức, doanh nhân và cả các cháu học sinh tham gia vào các hoạt động giao lưu, kết nối, hợp tác cụ thể… Cùng với việc chú trọng đổi mới nội dung, hình thức cũng như nâng cao chất lượng hoạt động, Phó Thủ tướng mong muốn sẽ có thêm nhiều trung tâm hợp tác nghiên cứu của Việt Nam và Nga trên nhiều lĩnh vực khác nhau trong xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số… để mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác đặc biệt giữa hai nước mang lại kết quả thực chất. Phó Thủ tướng đề nghị Hội Hữu nghị Việt - Nga tiếp tục tập hợp được lực lượng cán bộ nòng cốt tâm huyết với hoạt động đối ngoại nhân dân, giỏi ngoại ngữ, hiểu rõ tình hình đất nước và quốc tế, am hiểu đất nước, con người Nga, có kỹ năng nghiên cứu, phân tích.

"Hai nước Việt Nam và Liên bang Nga có lịch sử quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống lâu đời, vượt qua mọi thách thức của không gian và thời gian, đang đứng trước những triển vọng phát triển rất tốt đẹp. Đó là tài sản chung, vô giá của hai đất nước, hai dân tộc Việt - Nga. Tình cảm chân thành, son sắt, thủy chung giữa nhân dân hai nước cần không ngừng được nuôi dưỡng, tiếp nối và trao truyền trong các thế hệ hôm nay và mai sau" - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ.

Đánh giá cao hoạt động của Hội Hữu nghị Việt – Nga

Phát biểu tại Đại hội, ông Phan Anh Sơn, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, đánh giá: Trong nhiệm kỳ 2016-2023, Hội hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga đã đạt nhiều kết quả tích cực như: phát triển hội viên; đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại. Hội cũng đã phối hợp với Hội hữu nghị Liên bang Nga - Việt Nam, cộng đồng người Việt Nam tại Liên bang Nga thực hiện nhiều hoạt động có ý nghĩa sâu sắc như: giới thiệu doanh nghiệp kết nối địa phương, đối tác hai nước, chủ trì hội thảo và diễn đàn quốc tế...

Ông Phan Anh Sơn, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, phát biểu tại Đại hội VI

Ông Phan Anh Sơn, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, phát biểu tại Đại hội VI

Kết quả hoạt động của Hội đã góp phần phát triển, làm sâu sắc thêm tình cảm hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Liên bang Nga, góp phần quan trọng vào thực hiện đường lối chính sách và nhiệm vụ đối ngoại của Đảng, Nhà nước, củng cố quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Chủ tịch Phan Anh Sơn tin tưởng, trong nhiệm kỳ tới, hoạt động của Hội sẽ đạt được nhiều hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển tình hữu nghị giữa hai đất nước, hai dân tộc Việt-Nga, thực hiện thắng lợi mục tiêu và nhiệm vụ của đối ngoại nhân dân, góp phần xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại.

Niềm vui của các bạn Nga

Phát biểu tại Đại hội, Đại sứ Nga tại Việt Nam G.S.Bezdetko đánh giá cao vai trò của Hội trong việc góp phần thúc đẩy quan hệ song phương Việt Nam – Liên bang Nga. Đại sứ cho biết: Năm 2024, hai nước sẽ kỷ niệm 30 năm ký kết “Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga” (16/6/1994 - 16/6/2024), 70 năm kể từ ngày nhóm sinh viên Việt Nam đông đảo lần đầu tới Liên Xô, 70 năm khai trương Đại sứ quán Liên Xô tại Việt Nam. Đại sứ mong muốn Hội sẽ phối hợp với Đại sứ quán Nga tại Việt Nam tổ chức thành công những sự kiện này.

Đại sứ Nga G. Bezdetko phát biểu chào mừng Đại hội VI

Đại sứ Nga G. Bezdetko phát biểu chào mừng Đại hội VI

+ Nhận lời mời của Trung ương Hội Hữu nghị Việt – Nga, đoàn đại biểu Hội Hữu nghị Nga – Việt do Phó Chủ tịch thứ nhất P. Yu. Tsvetov dẫn đầu, đã sang Việt nam từ 27/9 đến 2/10/2023 dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Hội Hữu nghị Việt – Nga. Tham gia đoàn có bà N. N. Nikokosheva, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Hội Hữu nghị Nga – Việt.

Sáng 30/9, phát biểu chào mừng Đại hội VI bằng tiếng Việt, ông P. Yu. Tsvetov bày tỏ vui mừng được trở lại Việt Nam tham dự sự kiện quan trọng của Hội Hữu nghị Việt – Nga, được gặp gỡ đông đảo bạn bè của nước Nga tại Việt Nam. Ông bày tỏ ấn tượng sâu sắc về những thay đổi tốt đẹp ở Việt Nam và xúc động trước tình cảm chân thành, nồng nhiệt của người Việt Nam dành cho Hội Hữu nghị Nga – Việt nói riêng, nước Nga nói chung.

Ông P. Yu. Tsvetov phát biểu chào mừng Đại hội VI

Ông P. Yu. Tsvetov phát biểu chào mừng Đại hội VI

Ông P. Yu. Tsvetov đã chuyển Thư chào mừng Đại hội của Hội Hữu nghị Nga – Việt cho ông Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Nga nhiệm kỳ 2023 – 2028 và trao tặng Hội Hữu nghị Việt – Nga bức tranh Mùa Thu Nga. Tại Đại hội, ông P. Yu. Tsvetov và bà  N. N. Nikokosheva đã trao Kỷ niệm chương của Hội Hữu nghị Nga – Việt tặng 6 cán bộ Hội Hữu nghị Việt – Nga có đóng góp to lớn vào việc gìn giữ, củng cố quan hệ hữu nghị, hợp tác với Hội Hữu nghị Nga -  Việt.

Trước đó, đoàn đại biểu Hội Hữu nghị Nga – Việt đã gặp gỡ ông Trần Bình Minh, nguyên Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, nguyên Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Nga nhiệm kỳ 2016 - 2023. Ông P. Yu. Tsvetov và bà  N. N. Nikokosheva cảm ơn, đánh giá cao đóng góp của ông Trần Bình Minh vào sự phối hợp hành động giữa hai Hội Hữu nghị, vào việc thúc đẩy, tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – LB Nga. Ông P. Yu. Tsvetov đã đi thăm vịnh Hạ Long, thăm tượng đài G. Titov trên hòn đảo Titov được khánh thành tháng 9/2015.

Ông P. Yu. Tsvetov trao Kỷ niệm chương Hội Hữu nghị Nga - Việt tặng các cán bộ Hội Hữu nghị Việt - Nga

Ông P. Yu. Tsvetov trao Kỷ niệm chương Hội Hữu nghị Nga - Việt tặng các cán bộ Hội Hữu nghị Việt - Nga

Là học giả nghiên cứu về Việt Nam hàng đầu ở Nga, trong thời gian ở Việt Nam, ông P. Yu. Tsvetov đã cùng bà  N. N. Nikokosheva đã thăm Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, làm việc với Tiến sĩ Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Nga. Hai bên  chia sẻ thông tin về hoạt động của Viện Hàn lâm, của giới chuyên gia về Việt Nam ở Nga; khẳng định giới nghiên cứu về Việt Nam ỏ Nga và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam sẵn sàng có những biện pháp cụ thể thúc đẩy hợp tác song phương. Ông P. Yu. Tsvetov cũng đã đến thăm, làm việc với Phân viện tiếng Nga mang tên A. Pushkin tại Hà Nội.

Tiến sĩ Phan Chí Hiếu được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Nga khóa VI 

Đại hội VI đã bầu Ban chấp hành Trung ương Hội khoá VI gồm 95 uỷ viên, Ban Kiểm tra Hội gồm 5 người.

Tại hội nghị toàn thể lần thứ nhất chiều 29/9/2023, Ban chấp hành Trung ương Hội bầu Ban Thường vụ gồm 25 ủy viên. Tiến sĩ Phan Chí Hiếu, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, được bầu làm Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Nga nhiệm kỳ 2023-2028

Ông Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Nga khoá VI

Ông Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Nga khoá VI

Ông Phan Chí Hiếu sinh ngày 6 tháng 10 năm 1969; Dân tộc Kinh; Quê quán xã Yên Mạc, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình;

Học vị: Tiến sĩ Luật học (ông sang Nga học tại khoa Luật, Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva mang tên M. V. Lomonosov từ 1986. Sau đó làm nghiên cứu sinh cũng tại khoa này).

Trước khi được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tháng 1 năm 2023, ông Phan Chí Hiếu đã đảm nhiệm các chức vụ: Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp, Giám đốc Học viện Tư pháp; Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội; 8 năm làm Thứ trưởng Bộ Tư pháp.

 

Tám Phó Chủ tịch Hội do Ban chấp hành Trung ương bầu là các ông: Bùi Đình Dĩnh, Ngô Chí Dũng, Đỗ Xuân Hoàng, Trịnh Quốc Khánh, Vũ Việt Kiều, Nguyễn Đăng Phát, Phạm Thư, Võ Văn Tuấn. Ông Nguyễn Đăng Phát, Phó Chủ tịch, được Ban chấp hành bầu giữ chức vụ Tổng thư ký Hội.

Ban Kiểm tra Hội bầu ông Lê Xuân Sơn, Ủy viên Thường vụ Hội, làm Trưởng ban. 

Khen thưởng cán bộ, hội viên 

Tại Đại hội, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Phan Anh Sơn đã trao Kỷ niệm chương "Vì hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc" và Bằng khen của Liên hiệp  hữu nghị  tặng một số cán bộ lão thành của Hội đã nhiều năm bền bỉ đóng góp sức lực, trí tuệ cho hoạt động hội nhưng không tiếp tục tham gia Ban Chấp hành Hội khoá VI.

Nhân dịp Đại hội VI, Chủ tịch Hội hữu nghị Nga - Việt (ORVD) cũng ký quyết định tặng sáu cá nhân thuộc Hội Hữu nghị Việt – Nga Kỷ niệm chương của ORVD.

Chương trình hành động nhiệm kỳ 2023-2028 góp phần làm sâu sắc quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI đã thông qua Nghị quyết, xác định phương hướng hoạt động của Hội Hữu nghị Việt – Nga giai đoạn 2023-2028. Đây là hương trình hành động, gồm nhiều biện pháp, được kỳ vọng sẽ mở rộng sự đóng góp của Hội trên lĩnh vực đối ngoại nhân dân vào việc làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược Việt - Nga.

Nghị quyết của Đại hội VI nêu bật quyết tâm của tất cả các tổ chức hội trong cả nước và trong cộng đồng người Việt Nam tại Liên bang Nga đoàn kết, tích cực hoạt động, gìn giữ, phát triển quan hệ thủy chung, trong sáng giữa nhân dân hai nước Việt Nam, Nga; trao truyền cho thế hệ trẻ truyền thống tốt đẹp, quý báu đã bảo đảm cho quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai dân tộc vượt qua thử thách thời gian, ngày càng mở rộng và  tăng cường./.

 

Dòng sự kiện

Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn
Về khu tưởng niệm chiến tranh ở Kha-tưn, Cộng hòa Bê-la-rút.
THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI
Ngày Chiến thắng 9 tháng 5 rất đỗi thiêng liêng với mọi người dân Liên bang Nga.

Liên kết website