Bốn giảng viên Việt Nam sẽ sang Nga tập huấn đào tạo theo chương trình "Đại học mùa hè" (Obninsk Tech: train-the-trainers)

Từ ngày 23 tháng 6 đến ngày 5 tháng 7 năm 2025, bốn giáo viên Việt Nam từ Trường Đại học Kinh tế - kỹ thuật công nghiệp thuộc Bộ Công thương và Đại học Đà Lạt sẽ tham gia chương trình Đại học mùa hè do Bộ Khoa học và Đại học Liên bang Nga khởi xướng.
Các thành viên khóa học sẽ được đào tạo theo Chương Trình «Obninsk Tech: train-the-trainers» (tạm dịch: Công nghệ Obninsk - Tập huấn cho người làm công tác đào tạo) tại сác trường đại học đối tác của «Obninsk Tech».
Quỹ thúc đẩy phát triển hợp tác Nga-Việt “Truyền thống và hữu nghị” là đơn vị hỗ trợ, kết nối các trường của Việt Nam tham gia chương trình này.
Chương trình nhằm mục đích giúp giáo viên các trường đại học nước ngoài làm quen với tiềm năng công nghệ và giáo dục của các trường đại học và các công ty đối tác của Trung tâm khoa học và giáo dục quốc tế về Công nghệ nguyên tử và các công nghệ liên quan "Obninsk Tech", nâng cao trình độ của những người tham gia trong lĩnh vực tạo ra các loại sản phẩm công nghệ cao mới nhất, cũng như trao đổi kinh nghiệm của đại diện từ các trường khoa học - giáo dục từ các nước khác nhau.

Nhóm giảng viên đại học một số nước tập huấn tại Đại học Kỹ thuật Điện quốc gia St. Petersburg "LETI" (St. Petersburg)
Các đơn vị đồng thực hiện chương trình là các trường đại học hàng đầu của Nga, cụ thể là: Đại học Kỹ thuật Điện quốc gia St. Petersburg "LETI" (St. Petersburg), Đại học nghiên cứu hạt nhân quốc gia "MEPhI" (Obninsk), Học viện kỹ thuật Rosatom, Đại học Bách khoa Saint Petersburg mang tên Pi-e Đại đế. Mục tiêu chính của chương trình là trao đổi kinh nghiệm giữa các trường phái khoa học và giáo dục của các quốc gia khác nhau, cũng như tăng cường kiến thức trong lĩnh vực công nghệ hiện đại và giáo dục kỹ thuật. Chương trình bao gồm hai chuyên ngành: "Điện tử và tự động hóa", "Công nghệ hạt nhân".
Ngoài nội dung giáo dục – đào tạo, dự án sẽ bao gồm một chương trình văn hóa, cụ thể là thăm Bảo tàng Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trên thế giới (thành phố Obninsk), Công viên dân tộc học và Bảo tàng "Ethnomir" (thành phố Obninsk), Bảo tàng Nguyên tử, Triển lãm thành tựu quốc dân toàn Nga (VDNKh), chuyến tham quan bằng xe buýt quanh thành phố Moskva, đi thuyền dọc theo Sông Neva, St. Petersburg, Bảo tàng Hermitage.
Những giảng viên Việt Nam tham gia chương trình sẽ có cơ hội tăng cường kiến thức của mình trong lĩnh vực điện tử, kỹ thuật điện và công nghệ hạt nhân; Làm quen với những thành tựu tiên tiến và đổi mới sáng tạo của Nga trong các lĩnh vực này; Nắm vững các phương pháp giảng dạy hiện đại; Trao đổi kinh nghiệm với các đồng nghiệp Nga và thiết lập các quan hệ nghề nghiệp mới.
Dự kiến các chương trình "train-the-trainers" sẽ diễn ra hàng năm và sẽ có tác động đáng kể đến chất lượng đào tạo nhân sự kỹ thuật tại Việt Nam, đồng thời cũng sẽ góp phần phát triển hơn nữa hợp tác Việt-Nga trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo và khoa học.
P,V