Hữu nghị - Hợp tác

Các học giả Nga đánh giá cao thành công của Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam

Sau khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam bế mạc, một số nhà Việt Nam học tại LB Nga đã gửi đến tạp chí Bạch Dương bài viết chia sẻ những đánh giá của mình về kết quả Đại hội và triển vọng phát triển quan hệ Nga – Việt.

Tiến sĩ Tsvetov Petr Yurevich, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội Hữu nghị Nga – Việt, nhận xét về việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo của Việt Nam: “Những chuyên gia về Việt Nam như chúng tôi rất vui mừng khi đồng chí Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được bầu giữ chức Tổng Bí thư. Ở Nga biết rõ đồng chí Nguyễn Phú Trọng, coi đồng chí như một người đã “tốt nghiệp đại học ở Liên Xô”. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng giữ cương vị lãnh đạo cao nhất là chúng tôi tin tưởng Việt Nam tiếp tục phát triển ổn định, vững vàng và quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga - Việt được thúc đẩy. Ở Nga cũng biết rõ về đồng chí Nguyễn Xuân Phúc. Trên cương vị Thủ tướng, đồng chí đã có những chuyến thăm Nga, chúng tôi nghĩ đồng chí Nguyễn Xuân Phúc đã là ứng cử viên sáng giá nhất cho chức vụ Chủ tịch nước”.

Tiến sĩ P. Yu. Tsvetov thẳng thắn đề cập một số kết quả chưa được như kỳ vọng, “chưa xứng tầm” trong sự hợp tác Nga – Việt. Ông viết:  “Những tồn tại trong quan hệ giữa hai nước chúng ta không phải do các nhà lãnh đạo cao nhất mà là liên quan cấp thấp hơn. Như người ta thường nói, có tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Vì sao kim ngạch thương mại song phương không tăng được, mặc dù các nhà lãnh đạo hai nước mỗi lần gặp nhau đều khẳng định phấn đấu nâng lên con số 10 tỷ USD? Tại sao cấp dưới lại đưa những chỉ tiêu đó vào các bài phát biểu của lãnh đạo khi không hề có các nghiên cứu khoa học về phương thức đạt tới mục tiêu đó? Chúng tôi thấy các bộ, ngành của chúng ta không làm việc đó”.

Tsvetov Petr Yurevich, sinh năm 1951, là Tiến sĩ Sử học; thông thạo tiếng Việt; từng làm giảng viên Đại học Quan hệ quốc tế Moskva những năm 1973-1980; phóng viên báo “Pravda” ở các nước Đông Dương thời kỳ 1989-1993; đại diện của Cơ quan liên bang Nga về hợp tác với nước ngoài tại Việt Nam trong các năm 1993-2002; bình luận viên tạp chí “Liên bang Nga ngày nay” từ 2003-2009; Cố vấn Cục Quan hệ đối ngoại của Văn phòng Thượng nghị viện Nga thời kỳ 2010-2016; hiện ông là giảng viên Học viện Ngoại giao của Bộ Ngoại giao Nga (từ 2018).

Tiến sĩ P. Yu. Tsvetov (người đứng) phát biểu trong một cuộc hội thảo khoa học về quan hệ Nga - Việt

Tiến sĩ P. Yu. Tsvetov (người đứng) phát biểu trong một cuộc hội thảo khoa học về quan hệ Nga - Việt

Tiến sĩ P. Yu. Tsvetov cho rằng, “…hiện nay chúng ta đang ở ngưỡng cửa của một giai đoạn mới trong quan hệ hai nước. Giai đoạn đó sẽ như thế nào, chúng ta chưa rõ. Nhưng một điều chắc chắn là tất cả chúng ta, từ người lãnh đạo cao nhất đến các bộ trưởng, các nhà ngoại giao, các nhà doanh nghiệp, các hội viên của hội hữu nghị… đều phải hành động vì mục tiêu chung”.

Tiến sĩ Sử học Evgeni Vasilevich Kobelev, chuyên gia cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho biết: “Phản ánh kết quả Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam, truyền thông Nga chú ý đến những mục tiêu, nhiệm vụ dài hạn mà ĐCS Việt Nam đặt ra. Chẳng hạn, mục tiêu đến năm 2045 - kỷ niệm 100 năm Quốc khánh - Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Nhìn vào những thành tựu ấn tượng của Việt Nam trên mọi lĩnh vực thời gian qua, dư luận Nga cho rằng những mục tiêu, nhiệm vụ do Đại hội XIII đặt ra trong Nghị quyết là hoàn toàn khả thi”.

Về việc kiện toàn nhân sự lãnh đạo ở Việt Nam, Tiến sĩ E. V. Kobelev viết: “Dư luận Nga vui mừng về việc đồng chí Nguyễn Phú Trọng được bầu lại giữ chức Tổng Bí thư nhiệm kỳ mới. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam đã giành được những thành tựu to lớn về đối nội và đối ngoại. Riêng về đối ngoại, mặc dù tình hình quốc tế và khu vực diễn biến rất phức tạp, Việt Nam đã hoàn thành tốt trọng trách Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, trong đó, vào tháng 4/2021 là Chủ tịch HĐBA. Việt Nam cũng đã tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của tổ chức quốc tế hàng đầu này”.

Tiến sĩ E. V. Kobelev chia sẻ ý kiến của các nhà quan sát cho rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng để đồng chí Nguyễn Phú Trọng được bầu lại giữ chức Tổng Bí thư là quyết tâm đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí. Tiến sĩ E. V. Kobelev đã trích dẫn đoạn sau đây trong Nghị quyết Đại hội XIII: “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước. Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình; kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tội phạm và tệ nạn xã hội”.

Tiến sĩ E. V. Kobelev, tác giả nhiều cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được dịch ra nhiều thứ tiếng.  Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG PHÁT

Tiến sĩ E. V. Kobelev, tác giả nhiều cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được dịch ra nhiều thứ tiếng. Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG PHÁT

Tiến sĩ E. V. Kobelev viết: “Trong ban lãnh đạo Việt Nam hiện nay không thể không chú ý đến Thủ tướng Phạm Minh Chính, người đã lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh trong nhiệm kỳ 2011-2016. Đồng chí Phạm Minh Chính đã đưa Quảng Ninh trở thành một trong những tỉnh mạnh nhất Việt Nam về kinh tế - thương mại: thúc đẩy phát triển kinh doanh, thu hút đầu tư nước ngoài và du lịch. Về xây dựng, kiện toàn thể chế thì Quảng Ninh đã tập trung phát triển chính phủ điện tử, xây dựng trung tâm dịch vụ công đầu tiên ở Việt Nam và mạnh mẽ cải cách quản lý. Hiện nay, trên cương vị mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng xử lý nhiều vấn đề tương tự, nhưng ở quy mô của một đất nước đang phát triển nhanh.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có một nhiệm kỳ Thủ tướng rất thành công. Những thành tựu kinh tế của Việt Nam nhiệm kỳ vừa qua có vai trò quan trọng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Dư luận Nga biết về đồng chí Nguyễn Xuân Phúc như một người bạn lớn”.

Tiến sĩ E. V. Kobelev sinh năm 1938, thông thạo tiếng Việt; từng làm phóng viên TASS tại Việt Nam những năm 1964-1967; Trưởng Phân xã báo “Pravda” tại Đông Dương hai năm 1967-1968; từng công tác tại Ban Đối ngoại Trung ương Đảng cộng sản Liên Xô; từng là Phó Chủ tịch thứ nhất Hội Hữu nghị Nga-Việt, hiện nay là Cố vấn của Chủ tịch Hội.

Về quan hệ Nga-Việt, Tiến sĩ E. V. Kobelev viết: “Năm 2020 hai nước đã kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, trong năm 2021 kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược mà vào năm 2012 được nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Cần phải nêu rõ, Nga là quốc gia đầu tiên mà Việt Nam xác lập dạng quan hệ mới về nguyên tắc trong thực tiễn ngoại giao Việt Nam. Việt Nam là nước duy nhất ở Đông Nam Á mà Nga có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Việc tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam là một trong những phương hướng then chốt trong chính sách đối ngoại của Nga khi Nga “hướng Đông” mạnh trong thập niên gần đây. Định hướng này trong chính sách đối ngoại của Nga không phải theo xu thời ngắn hạn. Đây là vấn đề căn bản, lâu dài và chắc chắn sẽ quyết định tính chất, phương hướng, quy mô, phương châm hành động của quan hệ Nga - Việt cho tương lai lâu dài.

Như mọi người đã biết, sau khi Liên Xô tan rã, các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa tự do của nước Nga đã phạm sai lầm về nguyên tắc khi triển khai đường lối đối ngoại theo Phương Tây. Họ đã hy vọng Mỹ và Liên minh Châu Âu sẽ là những  đồng minh chính trị chủ chốt, những nhà tài trợ kinh tế quan trọng nhất, coi Mỹ và Liên minh Châu Âu là hình mẫu cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng cuộc sống đã nhanh chóng cho thấy, những hy vọng đó chỉ là ảo mộng không hơn không kém và điều đó đã buộc họ dần dần phải quay sang khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Khi Tổng thống Vladimir Putin lên cầm quyền, nền tảng cho chính sách đối ngoại của nước Nga là ý niệm “Âu Á”, phù hợp hơn với lịch sử và địa lý của nước Nga. Ngoài ra, vào đầu Thế kỷ 21 người ta bỗng nhận ra rằng, không chỉ ở Mỹ và Châu Âu mà ở Châu Á cũng có thể có được những khoản tín dụng cần thiết và những công nghệ tiên tiến. Hai nhân tố nói trên cho phép đưa ra một kết luận logic: trong việc hiện đại hóa các khu vực phía Đông nước Nga đang lạc hậu nhưng rất giàu tài nguyên không thể không có sự tham gia của các nước láng giềng Châu Á. Từ đó, hướng Châu Á – Thái Bình Dương đã bắt đầu từng bước chiếm lĩnh vai trò một trong những phương hướng chủ yếu của chính sách đối ngoại Nga.

Có hai nhân tố khác hỗ trợ điều đó: sự lớn mạnh rất nhanh của Trung Quốc và tốc độ tăng trưởng kinh tế của nhiều nước Đông Á. Trong số đó có Việt Nam, với chính sách Đổi mới, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Năm 1995 Việt Nam trở thành thành viên ASEAN – một hiệp hội khu vực thành công. Quy chế thành viên của một tổ chức có uy tín quốc tế cao và tiềm năng kinh tế lớn như ASEAN đã giúp Việt Nam có được những đòn bẩy chính trị - kinh tế hết sức quan trọng để đẩy mạnh hội nhập quốc tế và tăng cường vị thế của mình trong khu vực và trên thế giới”.

Tiến sĩ E. V. Kobelev viết tiếp: “Trên trường quốc tế, Nga và Việt Nam có lập trường nhất trí về nhiều vấn đề quốc tế và khu vực. Hai nước phối hợp hành động và ủng hộ lẫn nhau tại LHQ, APEC, ASEAN, Diễn đàn an ninh khu vực ARF. Sắc lệnh số 605 ngày 7/5/2012 của Tổng thống Nga “Về những biện pháp thực hiện đường lối đối ngoại của Liên bang Nga” nêu Việt Nam là một trong 3 đối tác chiến lược quan trọng nhất của Nga ở Châu Á (cùng với Trung Quốc và Ấn Độ).

Mặc dù kim ngạch thương mại giữa hai nước hiện chưa cao, nhưng chiến lược thực hiện các liên doanh đang phát triển tốt đẹp, đặc biệt trong lĩnh vực dầu khí. Đó là Vietsovpetro, Rusvietpetro. Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga đã hoạt động thành công hơn một phần tư Thế kỷ nay, đây là nơi tiến hành những nghiên cứu độc đáo về hệ sinh thái nhiệt đới, đa dạng sinh học nhiệt đới, về hậu quả môi trường và sức khỏe của cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam.

Không thể không nêu bật quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng. Năm 2008 đã ký Nghị định thư giữa hai Chính phủ về chiến lược hợp tác kỹ thuật quân sự Nga-Việt. Năm 2009 Việt Nam mua 3,5 tỷ USD vũ khí của Nga, trong đó có 6 tàu ngầm. Năm 2010 là 4,5 tỷ USD. Trong các năm 2017-2018 đã ký kết các hợp đồng xuất cho Việt Nam xe tăng mới T-90S và T-90SK và máy bay Su-27, Su-27MK. Một hình thức hợp tác mới có triển vọng phát triển hai bên cùng có lợi tốt đẹp là cấp phép chế tạo tại Việt Nam một loạt vũ khí quan trọng của Nga.

Về địa lý, Việt Nam khá gần vùng Viễn Đông của Nga, do vậy, nhiều chuyên gia Nga cho rằng nên ký kết Hiệp định hợp tác giữa vùng Viễn Đông Nga với Việt Nam, mở đường cho các công ty Việt Nam thực hiện các dự án ở Viễn Đông về năng lượng, công nghiệp nhẹ, nông nghiệp, xây dựng hạ tầng sản xuất, vận tải và hạ tầng xã hội tại các địa phương vùng Viễn Đông, cũng như đẩy mạnh trao đổi du lịch giữa hai bên. Đây là vấn đề có tính thời sự vì chính quyền vùng Viễn Đông có kế hoạch thành lập ở khu Primorie 12 khu “tăng tốc phát triển” với nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Những vấn đề này đã được thảo luận trong chuyến thăm Việt Nam năm 2017 của Đại diện toàn quyền của Tổng thống Nga ở vùng Viễn Đông, ông Yuri Trutnev. Điều quan trọng là phía Việt Nam đã khẳng định sự quan tâm của mình tăng cường hợp tác với vùng Viễn Đông Nga. Trong cuộc hội đàm với Yuri Trutnev, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu các Bộ hữu quan tăng cường phối hợp với vùng Viễn Đông Nga. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm trước hết đến ngành đóng tàu, khai thác khoáng sản, chế biến gỗ và chế biến hải sản. Rất tiếc là đại dịch covid-19 đã gây khó khăn cho những nỗ lực của cả hai bên”.

Đề cập một số vấn đề tồn tại trong quan hệ hợp tác Nga – Việt, Tiến sĩ E. V. Kobelev nhận xét: “…Nhiều sáng kiến và dự án chung (giữa Nga và Việt Nam) khó triển khai thực hiện, thậm chí nhiều lúc đã hoàn toàn thất bại. Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN cũng như cá nhân tôi nhiều năm qua liên tục lưu ý các nhà lãnh đạo Nga là phía Việt Nam đã từ lâu đơn phương quyết định miễn thị thực nhập cảnh cho công dân Nga vào Việt Nam tới 15 ngày. Quyết định đó đã làm tăng mạnh số lượng khách du lịch Nga đến Việt Nam. Chúng tôi cho rằng lãnh đạo Nga phải có hành động đáp lại theo tinh thần quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Bước đầu, tại sao lại không cho phép những người Việt Nam đã học tập tại các trường đại học Liên Xô/Nga được miễn thị thực nhập cảnh Nga trong chuyến đi kéo dài 2 tuần hay 1 tháng? Một quyết định như thế của chính quyền Nga, đặc biệt trong bối cảnh tình hình quốc tế phức tạp hiện nay, có thể có tiếng vang chính trị to lớn và giúp gìn giữ truyền thống hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Các học giả Nga cho rằng, trong điều kiện Mỹ và EU thực hiện chính sách xiết chặt trừng phạt Nga, ban lãnh đạo Nga cần đặc biệt quan tâm tăng cường hợp tác với đối tác truyền thống của Nga ở Đông Á là Cộng hòa XHCN Việt Nam. Chúng tôi biết các nhà lãnh đạo Việt Nam hiểu rất rõ, với tư cách một nước lớn trên thế giới và ở Châu Á, lại có tiềm lực quân sự hùng mạnh và là Ủy viên thường trực HĐBA LHQ, Liên bang Nga đã và vẫn là nhân tố quan trọng trong việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực”.

Tiến sĩ E. V. Kobelev nhấn mạnh: “Nhìn chung, trong quan hệ giữa Nga và Việt Nam không có những vấn đề gai góc có thể kìm hãm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Và cũng không có những lực lượng chính trị đáng kể chống lại việc phát triển và tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước”.

Dòng sự kiện

Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn
Về khu tưởng niệm chiến tranh ở Kha-tưn, Cộng hòa Bê-la-rút.
THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI
Ngày Chiến thắng 9 tháng 5 rất đỗi thiêng liêng với mọi người dân Liên bang Nga.