Hữu nghị - Hợp tác

Hiệp định Paris 50 năm: cùng ôn lại quá khứ, hướng tới tương lai

Kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973 - 27/1/2023), chúng ta nhớ lại và tri ân sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế dành cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Sự ủng hộ mạnh mẽ và giúp đỡ chí tình của nhân dân Liên Xô vô cùng quan trọng, hiệu quả, rất quý báu đối với nhân dân ta. Riêng tôi, không thể nào quên một kỷ niệm thời học tập ở Liên Xô.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam (ngày 27/01/1973).

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam (ngày 27/01/1973).

Bị “dựng dậy” sớm ở Moskva…

Năm 1973, tôi là sinh viên năm thứ nhất Khoa Báo chí, Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva mang tên M.V. Lomonosov (trường MGU). Chúng tôi ở trong một toà nhà thuộc khu ký túc xá của trường trên đại lộ Lomonosov. Ngày 28 tháng 1 năm 1973 là Chủ nhật, mùa đông Nga rét đậm, nên tất cả chúng tôi đều “ngủ nướng”. Đang ngon giấc thì tôi và ba sinh viên Nga cùng phòng bỗng nghe tiếng đập cửa ầm ầm và tiếng bà lao công ở tầng 3 của chúng tôi la hét gì đó rất lạ. Vẫn ngái ngủ, chúng tôi tưởng bà chửi mắng về “tội” vứt rác bừa bãi hay làm vương vãi nước khắp sàn bếp, khắp hành lang khiến bà phải lau chùi, dọn dẹp vất vả. Chúng tôi định cứ tiếp tục trùm chăn, phớt lờ! Với lại, chúng tôi nghĩ, ngày Chủ nhật, bà lao công lẽ ra ở nhà, chẳng có phận sự gì ở ký túc xá cả. Nhưng bà không tha, cứ tiếp tục đập cửa ầm ầm, liên tục gọi “Việt Nam!”, “Mấy đứa Việt Nam ơi!”… Nghĩ là bà gọi tôi ra để “trút giận”, tuy hơi sợ nhưng biết không thể “trốn” mãi được nên tôi đành vùng dậy xem sự tình thế nào. Vừa hé cửa thì bà lập tức ôm lấy đầu tôi, miệng liến thoắng: “Con trai ơi, hoà bình rồi, hoà bình rồi đấy!”. Rồi bà tiếp tục nói rất to: “Ơn trời, ơn trời, mọi chuyện kết thúc rồi!”… Lúc đó tôi chưa hiểu ra chuyện gì, bởi mới năm thứ nhất đại học ở nước bạn thì trình độ tiếng Nga còn xoàng, mà bà lao công thì nói nhanh, tỏ ra rất xúc động. Trong khi tôi còn ngẩn tò te thì ba sinh viên Nga cùng phòng đã hiểu ra mọi chuyện, họ cũng bật dậy và mở rộng cửa cho bà lao công vào hẳn trong phòng. Bà hồi hộp kể, sáng sớm vừa nghe đài phát thanh đưa tin, tại Paris các bên đã ký kết Hiệp định, chiến tranh chấm dứt, hoà bình rồi, ở Việt Nam đã thanh bình. Bà ôm chặt tôi, luôn thốt lên mấy tiếng “con ơi, con ơi!...” (tiếng Nga: сынок, сынок), vỗ vỗ vào vai tôi, hả hê, sung sướng… Bà nói: “Ngày nghỉ nhưng vội vàng đến ký túc xá để chúc mừng chúng mày, chúc mừng các con!”. Các bạn sinh viên Nga cùng phòng, rồi cả những bạn từ nhiều phòng khác nghe ồn ào cũng chạy sang, nắm tay tôi nồng nhiệt chúc mừng chiến thắng, chúc mừng Việt Nam hoà bình… Một lát sau, bà lao công bước ra, đi dọc hành lang, đấm mạnh cửa những phòng mà bà biết có sinh viên Việt Nam, kêu rất to “Việt Nam hoà bình rồi, hoà bình rồi!”.

ky_tuc_xa2
Ký túc xá ở số nhà 31, đại lộ Lomonosov, Moskva, nơi chúng tôi ở khi học năm thứ nhất, thứ hai Khoa Báo chí MGU.

Ký túc xá ở số nhà 31, đại lộ Lomonosov, Moskva, nơi chúng tôi ở khi học năm thứ nhất, thứ hai Khoa Báo chí MGU.

Những giờ sau, những ngày sau đó của năm 1973 và sau này, ngày 30 tháng Tư, ngày 1 tháng Năm 1975, chúng tôi, những sinh viên Việt Nam trên đất nước Xô-viết vô cùng sung sướng, tự hào đón nhận những cái ôm, những cái bắt tay nồng chặt, muôn vàn lời chúc mừng của thầy, cô, bạn bè, của những người dân Xô-viết, Liên bang Nga về chiến thắng vĩ đại giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Người Xô-viết vui mừng, tự hào vì trong thắng lợi đó họ đã có đóng góp rất quan trọng bằng tấm lòng, trí tuệ, bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu của mình.

Và 50 năm sau ở Hà Nội

Đoàn khách quốc tế gồm 26 đại biểu từ 15 quốc gia trên thế giới đã được mời đến Việt Nam tham gia các hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris từ ngày 12 đến 18/1/2023. Họ là những người đã nhiệt tình hoạt động ủng hộ Việt Nam kháng chiến chống Mỹ và vẫn sát cánh với Việt Nam trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc từ sau chiến thắng 30 tháng Tư.

Trước dịp kỷ niệm 50 năm ký Hiệp định Paris, chúng ta đã kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (tháng 12/1972 – tháng 12/2022) - chiến thắng đã góp phần bảo đảm cho thắng lợi của cuộc đàm phán kéo dài gần 5 năm ở Paris.

Một trong những nhân tố làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là sự giúp đỡ quý báu, hiệu quả của các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là Liên Xô. Theo thống kê của các cơ quan chức năng Việt Nam, tiếp nhận từ năm 1965 đến năm 1972, các nước XHCN đã giúp Việt Nam khoảng hơn 7.000 quả đạn tên lửa SA-75 và 180 Hồng Kỳ, gần 5.000 khẩu pháo cao xạ các loại, gần 5 triệu viên đạn pháo cao xạ, hơn 400 máy bay chiến đấu MIG-17, 19, 21, K6, hàng trăm ra-đa tiên tiến, hiện đại; gần 4.000 chuyên gia quân sự phòng không của Liên Xô. Nhờ sự giúp đỡ hiệu quả của các nước anh em mà lực lượng phòng không miền Bắc được trang bị tương đối mạnh, huấn luyện thuần thục và tổ chức thành một mạng lưới phòng không có tầm thấp (ba thứ quân), tầm trung bình, tầm cao có pháo cao xạ được trang bị khí tài chiến đấu trong mọi thời tiết, ngày, đêm, chiếm 35% tổng số pháp; tên lửa phòng không và máy bay chiến đấu MIG-21 có tốc độ trên tốc độ âm thanh đang được cải tiến. Ra-đa trinh sát và ra-đa dẫn đường cho máy bay số lượng tăng nhiều và chất lượng cũng được cải tiến (P12, P35…), bảo đảm mạng lưới trên không tương đối vững chắc. (Nguồn: Báo Nhân Dân ngày 03/12/2012).

Trong số khách mời có ông Viktor Alexeevich Petrov – nguyên thành viên Uỷ ban Đoàn kết Á – Phi, Tổng thư ký Uỷ ban ủng hộ Việt Nam của Liên Xô trước đây. Ở thời điểm ký kết Hiệp định Paris năm 1973, ông V. A. Petrov 27 tuổi. Là cử nhân tiếng Pháp (tốt nghiêp Đại học Ngoại ngữ Moskva), ông được điều động làm việc tại Uỷ ban Đoàn kết Á – Phi của Liên Xô, là cán bộ thường trực của Uỷ ban Ủng hộ Việt Nam. Những nỗ lực của ông nhằm vận động, gây dựng, phát triển phong trào chống chiến tranh xâm lược của Mỹ, ủng hộ nhân dân Việt Nam, tại các nước châu Âu và trên thế giới.

Ông V.A. Petrov (thứ năm từ trái sang) cùng một số bạn bè quốc tế khác được tặng Kỷ niệm chương

Ông V.A. Petrov (thứ năm từ trái sang) cùng một số bạn bè quốc tế khác được tặng Kỷ niệm chương "Vì hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc" của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.

Cùng với nhiều đồng nghiệp khác, ông đã góp phần to lớn vào việc hình thành mặt trận quốc tế rộng rãi ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam, đòi Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc, chấm dứt chiến tranh, rút quân khỏi Việt Nam. Gặp chúng tôi ở Hà Nội 50 năm sau thắng lợi ở Paris, ông V. A. Petrov sôi nổi hồi tưởng những ngày hoạt động không mệt mỏi vì Việt Nam tại Liên Xô và trên các diễn đàn quốc tế. Ngày nay ông vẫn giữ trọn tình cảm chân thành, ấm áp với Việt Nam, dõi theo từng bước phát triển của Việt Nam trong hoà bình.

Ông V. A. Petrov (bìa trái) trồng cây Hoà bình tại công viên Hoà Bình ở Hà Nội.

Ông V. A. Petrov (bìa trái) trồng cây Hoà bình tại công viên Hoà Bình ở Hà Nội.

Tại Nga, ông V. A. Petrov thường tham dự các hoạt động của Hội Hữu nghị Nga - Việt, mặc dù ông khá bận bịu với công việc của Chủ tịch Hội Hữu nghị và hợp tác văn hoá của LB Nga với Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên.

Ông V.A. Petrov (thứ hai từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm với bà Nguyễn Thị Bình và các đại biểu tại Lễ kỷ niệm 50 năm Hiệp định Paris do Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức.

Ông V.A. Petrov (thứ hai từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm với bà Nguyễn Thị Bình và các đại biểu tại Lễ kỷ niệm 50 năm Hiệp định Paris do Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức.

Những ngày ở Việt Nam đầu năm 2023 đã để lại trong ông V. A. Petrov những ấn tượng rất sâu sắc. Cùng với đại biểu những nước khác, ông đã tham dự cuộc gặp gỡ hữu nghị "Hiệp định Paris 1973 – ôn lại quá khứ, hướng tới tương lai" do Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam tổ chức, tham gia trồng cây Hoà bình tại Công viên Hoà bình ở Hà Nội, thăm triển lãm “Khát vọng hoà bình” tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và thăm Bảo tàng Chiến thắng B-52, tham gia Lễ cầu nguyện vì hoà bình tại trụ sở trung ương các giáo hội, tham dự Lễ kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris do Bộ Ngoại giao tổ chức.

z4040297356007_c4ae1a8ff0e3d5ee0a84db225c2fbe20
Những ngày ở Hà Nội, ông V. A. Petrov hào hứng ôn lại với tác giả những kỷ niệm  trong hoạt động ủng hộ Việt Nam nửa Thế kỷ trước và chia sẻ những ấn tượng của ông về Việt Nam ngày nay.

Những ngày ở Hà Nội, ông V. A. Petrov hào hứng ôn lại với tác giả những kỷ niệm trong hoạt động ủng hộ Việt Nam nửa Thế kỷ trước và chia sẻ những ấn tượng của ông về Việt Nam ngày nay.

Ông V. A. Petrov rất ngạc nhiên nhưng hết sức vui mừng về những đổi thay tốt đẹp của Hà Nội, Việt Nam, cảm kích trước một Việt Nam đang nỗ lực mạnh mẽ cho hoà bình và hợp tác giữa các dân tộc trên thế giới.

                                                                        NGUYỄN ĐĂNG PHÁT

Dòng sự kiện

Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn
Về khu tưởng niệm chiến tranh ở Kha-tưn, Cộng hòa Bê-la-rút.
THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI
Ngày Chiến thắng 9 tháng 5 rất đỗi thiêng liêng với mọi người dân Liên bang Nga.