Hữu nghị - Hợp tác

Hợp tác giữa Vinacomin và các doanh nghiệp LB Nga: Dấu ấn đậm nét, tương lai hứa hẹn

Trong suốt quá trình hình thành và phát triển của Vinacomin, mối quan hệ hợp tác sâu rộng và có hiệu quả với các tổ chức và doanh nghiệp Liên bang Xô-viết trước đây, Liên bang Nga ngày nay đã góp phần vào sự tăng trưởng bền vững của Tập đoàn.

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) là một trong những Tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước, là một trong 3 trụ cột đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Hoạt động sản xuất kinh doanh của Vinacomin hiện nay trải rộng trên 43 tỉnh thành trong cả nước với trên 99 nghìn cán bộ, công nhân viên; tập trung vào các lĩnh vực: khai thác, chế biến, kinh doanh than, khoáng sản; công nghiệp điện, vật liệu nổ công nghiệp, cơ khí... Trong suốt quá trình hình thành và phát triển của Vinacomin, mối quan hệ hợp tác sâu rộng và có hiệu quả với các tổ chức và doanh nghiệp của Liên bang Xô-viết trước đây, Liên bang Nga ngày nay, đã góp phần vào sự tăng trưởng bền vững của Tập đoàn. Mối quan hệ này trải dài trên nhiều lĩnh vực, từ hợp tác khoa học - kỹ thuật, đào tạo, phát triển các dự án than – khoáng sản đến nhập khẩu than, nhập khẩu trang thiết bị mỏ...

Từ tình hữu nghị Việt Nam - Liên Xô…

Trong những năm tháng khó khăn nhất của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, Việt Nam nói chung, vùng mỏ và ngành than nói riêng đã nhận được sự ủng hộ chí tình của Liên bang Xô-viết và nhân dân Liên Xô trước đây. Tại Quảng Ninh, nhiều công trình do Liên Xô giúp đỡ xây dựng đã gắn bó với bao thế hệ người dân vùng mỏ, đến nay vẫn phát huy hiệu quả tích cực.

Có lẽ dấu ấn hợp tác, gắn bó sâu nặng, lâu dài với những người bạn Liên Xô chính là các đơn vị ngành than. Hầu khắp các mỏ than, các đơn vị vận tải, cơ khí của Tập đoàn đều in dấu sự hỗ trợ, hợp tác của những người bạn đến từ Liên Xô. Đơn cử như mỏ Mông Dương (nay là Công ty CP Than Mông Dương); Mỏ than Núi Béo (nay là Công ty CP Than Núi Béo); Nhà máy cơ khí Trung tâm Cẩm Phả…

Mỏ Núi Béo được thành lập ngày 7/11/1988 trên cơ sở thoả thuận giữa hai Chính phủ Việt Nam và Liên Xô, do Viện Ghiprôsat thiết kế năm 1983. Trong quá trình phát triển cơ bản Mỏ Núi Béo vẫn giữ theo thiết kế do Viện Ghiprôsat thiết kế năm 1983. Sau này, khi khởi công Dự án khai thác hầm lò Mỏ Núi Béo, việc xây dựng hầm lò Mỏ Núi Béo tiếp tục được Tập đoàn giao cho Công ty Xây dựng mỏ hầm lò 1 hợp tác với Công ty TNHH Gomvina (Ukraina) thi công cặp giếng đứng của dự án.

Những người thợ lò - phút giao ca

Những người thợ lò - phút giao ca

Một công trình khác ghi dấu ấn đậm nét quan hệ hợp tác giữa ngành than và Liên Xô là nhà máy Cơ khí trung tâm Cẩm Phả được thành lập (nay là Công ty CP Chế tạo máy - Vinacomin). Nhà máy được Liên Xô thiết kế và trang bị dây chuyền công nghệ đồng bộ, chính thức bắt đầu xây dựng năm 1964 với nhiệm vụ chế tạo phụ tùng thay thế, chế tạo các thiết bị bổ sung và sửa chữa hệ thống thiết bị - xe máy của vùng mỏ. Được sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô, nhà máy Cơ khí trung tâm khi đó là một trong những đơn vị có quy mô lớn trong các nhà máy cơ khí của Việt Nam, đáp ứng nhu cầu cấp thiết cho sự phát triển của ngành than, cũng như phục vụ công tác quốc phòng trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ.

Hiện nay, Công ty CP Chế tạo máy - Vinacomin vẫn là đơn vị cơ khí hàng đầu của Vinacomin, khẳng định năng lực, uy tín và trách nhiệm cao trong việc cung cấp các sản phẩm cơ khí cho các công trình công nghiệp và dân dụng trong nước và quốc tế; góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Không thể kể hết được những ân tình mà những người bạn Liên Xô trước đây, Liên bang Nga ngày nay, đã dành cho Việt Nam. Những công trình được xây dựng từ tình hữu nghị Việt Nam - Liên Xô hiện vẫn phát huy được giá trị, không ngừng phát triển.

 Nhân lên hợp tác bền chặt giữa Vinacomin và các doanh nghiệp LB Nga

Nhân lên mối quan hệ hợp tác bền chặt giữa hai nước Việt Nam và Liên bang Nga, giữa các doanh nghiệp Liên bang Nga với Tập đoàn, từ năm 2004, Vinacomin đã triển khai hợp tác với Công ty CP Kamaz để lắp ráp, sản xuất các loại xe tải, xe chuyên dụng Kamaz tại Công ty Công nghiệp ôtô – Vinacomin (VMIC). Kết quả đã lắp ráp và tiêu thụ hơn 2.000 xe ôtô Kamaz các model.

Thông qua Công ty CP XNK Than - Vinacomin (Coalimex), từ năm 2006 đến nay, phía Nga đã cung cấp các loại máy xúc (EKG-5A, EKG-10) cho các đơn vị của Vinacomin như Công ty Than Cọc Sáu, Cao Sơn, Tổng Công ty Khoáng sản.

Năm 2009, Công ty CP GIPROSHAKHT hợp tác cùng Viện KHCN Mỏ - Vinacomin nghiên cứu lập dự án đầu tư và thiết kế xây dựng mỏ mới. Các dự án đã triển khai hợp tác với Viện KHCN Mỏ - Vinacomin bao gồm: Lập dự án đầu tư TEOI (FS) mỏ Khe Chàm 2-4 (năm 2009); Thiết kế xây dựng mỏ hầm lò Núi Béo (năm 2011) với công suất thiết kế mỏ là 2,0 triệu tấn/năm; Thiết kế xây dựng mỏ hầm lò Khe Chàm II-IV (năm 2012) - Công suất thiết kế mỏ là 3,5 triệu tấn/năm.

Lễ ký văn bản hợp tác giữa Vinacomin và Viện GIPROSHAKHT (LB Nga) về dự án xây mỏ hầm lò Khe Chàm 2-4

Lễ ký văn bản hợp tác giữa Vinacomin và Viện GIPROSHAKHT (LB Nga) về dự án xây mỏ hầm lò Khe Chàm 2-4

Các dự án hợp tác này đã góp phần nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ, chuyên gia Viện KHCN Mỏ - Vinacomin thông qua việc học hỏi, tiếp thu và chuyển giao kiến thức, kinh nghiệm thiết kế mỏ từ các chuyên gia hàng đầu của Liên bang Nga, qua đó phục vụ hữu ích các dự án mỏ sau này của Vinacomin.

Về hợp tác đào tạo, thực hiện hợp tác giữa Trường ĐH mỏ Saint Petersburg và Vinacomin, từ năm 2011, Vinacomin đã cử các cán bộ, công nhân viên tham gia chương trình đào tạo Tiến sĩ và sinh viên theo chương trình học bổng của trường. Tính đến nay đã có tổng cộng hơn 50 tiến sỹ là cán bộ, chuyên gia của Vinacomin đã học tập và tốt nghiệp tại Trường ĐH mỏ Saint Petersburg và các Trường Đại học khác của LB Nga.

Về hợp tác nhập khẩu than, từ năm 2015, Vinacomin đã hợp tác với các đối tác lớn trên thế giới để nhập khẩu than từ Liên bang Nga về Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế. Tổng khối lượng than nhập khẩu từ Nga tính đến hết năm 2018 là hơn 1,3 triệu tấn với giá trị gần 100 triệu USD.

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) kế thừa và phát huy truyền thống ngành than tại Việt Nam có gần 180 năm trước (tính từ năm 1840 - theo chiếu chỉ của Vua Minh Mạng cho phép khai thác than tại Yên Lãng - Đông Triều - Quảng Ninh).

 Đến năm 1994, Việt Nam thực hiện quá trình đổi mới, với chủ trương tách chức năng quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh ra khỏi chức năng quản lý nhà nước, Tổng Công ty Than Việt Nam (TVN) được thành lập (Quyết định số 563/QĐ-TTg ngày 10/10/1994). Sau đó, đến năm 2005, thực hiện chủ trương thí điểm mô hình Tập đoàn kinh tế nhà nước, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 345/2005/QĐ-TTg thành lập Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (VINACOMIN).

 Quan điểm phát triển:

"Từ tài nguyên khoáng sản và nguồn nhân lực đi lên giàu mạnh trên cơ sở phát triển thân thiện với môi trường; hài hòa với địa phương, cộng đồng; hài hòa với mọi đối tác, bạn hàng; hài hòa với mọi thành viên trong Tập đoàn".

 Sứ mệnh:

(1) Phát triển công nghiệp than, công nghiệp khoáng sản, công nghiệp điện, vật liệu nổ công nghiệp và các ngành, nghề khác một cách bền vững;

(2) Kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư tại Tập đoàn;

(3) Bảo đảm an toàn lao động và bảo vệ môi trường sinh thái;

Alumina - mũi nhọn mới trong cơ cấu sản phẩm của Vinacomin

Alumina - mũi nhọn mới trong cơ cấu sản phẩm của Vinacomin

(4) Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương và phát triển cộng đồng;

(5) Không ngừng nâng cao trình độ nghề nghiệp, đời sống vật chất, tinh thần của công nhân viên chức và người lao động;

(6) Đáp ứng nhu cầu than của nền kinh tế; đóng góp ngày càng nhiều vào việc thực hiện mục tiêu “Dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

 Mục tiêu các lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính:

• Sản xuất và kinh doanh than với sản lượng than trên 40 triệu tấn/năm kết hợp với than nhập khẩu đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường trong nước vào năm 2020 góp phần đảm bảo an ninh năng lượng.

• Khai thác, chế biến và kinh doanh các sản phẩm quặng bôxít, đồng, sắt, titan và một số khoáng sản khác (thiếc, kẽm, chì, chromite, đất hiếm,...) một cách hiệu quả trên thị trường trong nước và thế giới.

• Sản xuất điện với tổng công suất phát điện đến năm 2020 dự kiến là khoảng 3.000 MW với giá thành và dịch vụ có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường.

• Sản xuất, kinh doanh và cung ứng vật liệu nổ công nghiệp và nguyên liệu sản xuất vật liệu nổ công nghiệp trên thị trường nước và quốc tế.

• Phát triển lĩnh vực công nghiệp phụ trợ với các sản phẩm và dịch vụ đáp ứng yêu cầu trong Tập đoàn và từng bước xây dựng và phát triển thương hiệu có giá trị trên thị trường.

Là một trong những Tập đoàn kinh tế nhà nước chủ lực Vinacomin luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng, đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước. Năm 2018, doanh thu toàn Tập đoàn đạt 121,7 nghìn tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước 16 nghìn tỷ đồng, tăng 1,2 nghìn tỷ đồng so với thực hiện năm 2017. Lợi nhuận toàn Tập đoàn đạt trên 4000 tỷ đồng, tăng 2000 tỷ đồng so với kế hoạch và tăng 1000 tỷ so với thực hiện 2017.

Toàn cảnh Nhà máy Alumin Nhân Cơ

Toàn cảnh Nhà máy Alumin Nhân Cơ

Có thể nói sự phát triển của Vinacomin có sự đóng góp đáng kể của mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Liên bang Nga và sự hợp tác này đang được tiếp tục thắt chặt và phát triển, góp phần không nhỏ giúp Vinacomin thực hiện chiến lược phát triển của Tập đoàn “Từ tài nguyên và nguồn nhân lực đi lên giàu mạnh” với phương châm phát triển hài hòa thân thiện với môi trường, địa phương, cộng đồng, đối tác - bạn hàng và hài hòa trong nội bộ.

Với tiềm năng thế mạnh của Vinacomin và trên cơ sở những kết quả hết sức tốt đẹp hai bên đã đạt được trong những năm qua, thời gian tới, Vinacomin và các đối tác Liên bang Nga sẽ tiếp tục ưu tiên hợp tác trong các lĩnh vực đào tạo, chuyển giao khoa học - công nghệ, cung cấp trang thiết bị khai thác mỏ, nhập khẩu than… nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững của Tập đoàn Vinacomin.

                           (Ảnh đầu bài: Toàn cảnh cảng than Cửa Ông)

Dòng sự kiện

Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn
Về khu tưởng niệm chiến tranh ở Kha-tưn, Cộng hòa Bê-la-rút.
THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI
Ngày Chiến thắng 9 tháng 5 rất đỗi thiêng liêng với mọi người dân Liên bang Nga.