Hữu nghị - Hợp tác

Người cán bộ Hội Hà Tĩnh tâm huyết nối nhịp cầu hữu nghị Việt - Nga

Những kỷ vật từ nước Nga cách đây gần 40 năm, những câu chuyện đẹp đẽ về tình người khi sang Nga học tập, nghiên cứu đã trở thành quãng ký ức đặc biệt đối với ông Lê Quang Úy - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga tỉnh Hà Tĩnh.

Mỗi năm, cứ đến dịp Cách mạng tháng Mười Nga (7/11), những cảm xúc, dòng ký ức về nước Nga lại dội về da diết trong lòng ông Lê Quang Úy, hiện đang sinh sống ở phường Nam Hà (TP Hà Tĩnh).

Ông Lê Quang Úy (SN 1944), thời kỳ 1976 - 2007 là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Nghệ Tĩnh; quyền Trưởng ban Kinh tế Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh; Giám đốc Nhà máy dệt kim Hoàng Thị Loan; Giám đốc Sở Công nghiệp Hà Tĩnh; Chủ tịch các Hội Liên hiệp Khoa học kỹ thuật tỉnh; Giám đốc Dự án bảo tồn đa dạng sinh học Bắc Trường Sơn.

Ông Lê Quang Uý  Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Ông Lê Quang Uý Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Từ năm 2007 đến nay, ông là Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga thành phố Hà Tĩnh; Phó Chủ tịch Thường trực Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga tỉnh Hà Tĩnh.

Những công việc ông làm, vị trí công tác ông trải qua đã mang đến cơ duyên để ông sang Liên bang Nga công tác, học tập, nghiên cứu và bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ khoa học kinh tế (nay học vị này gọi là Tiến sĩ - PV).

Ông Úy nhớ lại: “Năm 1982, khi đang là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Nghệ Tĩnh, tôi được Đảng và Nhà nước cử đi học tại Học viện quản lý kinh tế Matxcơva (Liên Xô). Tôi đã có 3 năm học tập, nghiên cứu ở đây và bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ với đề tài “Tự động hóa trong quản lý kinh tế”. Quãng thời gian học tập không phải quá dài nhưng đã để lại trong tôi những ký ức không thể nào quên về sự giúp đỡ, hỗ trợ của nước Nga và tấm thịnh tình của những con người ở đất nước xinh đẹp này. Với tôi, bố mẹ cho con người, Đảng cho lí tưởng, nước Nga cho trí tuệ để tôi cất cánh cống hiến”.

Bộ búp-bê gỗ Nga Matrioshka được cô giáo Nga tặng là kỷ vật thiêng liêng trong gia đình ông Lê Quang Uý

Bộ búp-bê gỗ Nga Matrioshka được cô giáo Nga tặng là kỷ vật thiêng liêng trong gia đình ông Lê Quang Uý

Những ngày đầu bỡ ngỡ đến đất nước xa lạ, chàng trai trẻ Lê Quang Úy gặp phải không ít khó khăn khi vừa tập thích nghi với cuộc sống mới, vừa mày mò học tiếng Nga. Lúc đó, những người thầy, cô giáo và bạn học nước Nga đã trở thành người thân vừa động viên tinh thần, vừa sẻ chia vật chất giúp đỡ ông Úy và những người bạn học Việt Nam.

Trong dòng suy nghĩ, ông Úy dừng lại thật lâu khi nhắc đến cô giáo Natasha - người mẹ hiền thứ hai đã chăm lo cho ông suốt 3 năm ở Nga. Không chỉ ân cần, tận tình trong từng tiết học ở lớp, sau mỗi giờ học, ông Úy lại được cô Natasha cho phép đến nhà cô để học thêm tiếng Nga, cách phát âm chuẩn; được nghe cô giảng dạy về văn hóa, lịch sử đất nước Nga.

“Người nước Nga rất yêu quý và luôn hết lòng, hết sức giúp đỡ người Việt Nam. Có lần khi đang đi trên đường tôi không may bị ngã, những em nhỏ nước Nga đã cùng nhau dìu tôi vào bệnh viện. Trong 3 ngày tôi ở viện, các em đều thay nhau đến chăm sóc và chơi đùa để tôi vui vẻ, mau chóng khỏi... Chính những điều như thế đã nuôi dưỡng tình yêu nước Nga trong tôi, là động lực thúc đẩy tôi nỗ lực học tập tốt và sau này tôi trở thành một sợi dây kết nối người Hà Tĩnh ở Nga” - ông Úy tâm sự.

Sau chuyến đi Nga năm 1982 - 1985, liên tiếp từ năm 1990 - 1993, ông Úy có thêm cơ hội sang nước Nga thêm 3 lần nữa để học tập kinh nghiệm. Mỗi một chuyến đi đều trở thành một kỷ niệm đáng nhớ, một bài học ý nghĩa giúp ông rất nhiều trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình.

135d6220418t4985l5-129d6195259t23373l0
Ông Lê Quang Uý đã được Hội Hữu nghị Nga - Việt (Liên bang Nga) tặng Kỷ niệm chương

Ông Lê Quang Uý đã được Hội Hữu nghị Nga - Việt (Liên bang Nga) tặng Kỷ niệm chương "Hữu nghị" nhân dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (1917 - 2017)

Ông Úy tự hào: “Nước Nga không chỉ cho tôi những kiến thức đáng quý về quản lý kinh tế, phát triển kinh tế mà còn là nơi tạo đà để tôi vay vốn phát triển nhà máy (ông Úy từng được Ngân hàng MIB của Nga cho vay vốn nhằm phát triển Nhà máy dệt kim Hoàng Thị Loan - PV). Những chuyến đi Nga cũng tích lũy cho tôi rất nhiều nguồn thông tin, từ đó thúc đẩy tôi cùng các nhà khoa học ở Đại học Quốc gia Hà Nội viết nên dự án “Bảo tồn đa dạng sinh học Bắc Trường Sơn”. Dự án này sau đó được Chính phủ Đan Mạch tài trợ 14 triệu USD (năm 1997), góp phần nâng cao năng lực quản lý bảo vệ môi trường cho người dân, cán bộ từ trung ương đến địa phương; đồng thời, góp phần bảo vệ hàng trăm ha rừng sinh thái, tu bổ và trồng mới hàng nghìn ha rừng từ đèo Hải Vân (Đà Nẵng) đến Phù Mát (Nghệ An)”.

Yêu nước Nga, ông Úy cũng là người hoạt động tích cực trong gắn kết, phát huy mối quan hệ hữu nghị Việt - Nga. Năm 2007, ông Úy được bầu giữ chức vụ là Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga thành phố Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga tỉnh Hà Tĩnh. Đây là tổ chức hội nhằm kết nối những người Hà Tĩnh từng học tập, sinh sống ở Nga. Hiện nay, hội thành phố Hà Tĩnh có 230 hội viên, tỉnh hội có 970 hội viên.

Với vai trò là người lãnh đạo hội, ông Úy đã có nhiều đóng góp tích cực nhằm kết nối thông tin những người Hà Tĩnh đang sinh sống ở Nga và những người Hà Tĩnh từng ở nước Nga trở về. Qua đó, xây dựng kế hoạch hợp tác giáo dục, văn hóa giữa hai quốc gia; quảng bá hình ảnh con người, văn hóa Hà Tĩnh nói riêng, Việt Nam nói chung đến đất nước Nga; góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đối ngoại nhân dân.

Đặc biệt, từ hơn 10 năm nay, ông Úy là người đã dày công tâm huyết và giữ vai trò vô cùng lớn trong xây dựng đề án Festival Nguyễn Du - Puskin. Trong những năm qua, Festival Nguyễn Du - Puskin đã được triển khai với chuỗi các sự kiện giao lưu văn hóa, du lịch như: lễ khai mạc; triển lãm thân thế, sự nghiệp của hai đại thi hào; đất nước Việt Nam - Nga xưa và nay; hội thảo quốc tế; kêu gọi xã hội hóa kinh phí dịch Truyện Kiều sang tiếng Nga...

Ông Lê Quang Uý (thứ ba từ trái sang) cùng lãnh đạo Hội Việt - Nga Hà Tĩnh làm việc với đại diện lãnh đạo Trung ương Hội Hữu nghị Việt - Nga (TP Hà Tĩnh, chiều 9/11/2022)

Ông Lê Quang Uý (thứ ba từ trái sang) cùng lãnh đạo Hội Việt - Nga Hà Tĩnh làm việc với đại diện lãnh đạo Trung ương Hội Hữu nghị Việt - Nga (TP Hà Tĩnh, chiều 9/11/2022)

Hiện nay, đề án đang tiếp tục được xây dựng hoàn thiện để đi vào triển khai với nội dung “Festival từ Nguyễn Du đến Puskin - điểm hẹn của chữ Tình” nhằm giới thiệu văn học, văn hóa của Việt Nam ra thế giới thông qua hai vị đại thi hào.

Không chỉ vậy, từ năm 2012, với sự kết nối của Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga Hà Tĩnh, trong đó có vai trò lớn của ông Lê Quang Úy, một văn bản về hợp tác đào tạo nguồn nhân lực giữa Trường Đại học Hà Tĩnh và Học viện Kinh tế - Pháp luật Matxcova đã được ký kết.

Là người cán bộ hội, ông Úy cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ hội và hội viên đã tích cực là cầu nối để tỉnh Hà Tĩnh kết nghĩa với tỉnh Tula (Nga); kêu gọi cộng đồng người Hà Tĩnh ở Nga quyên góp ủng hộ địa phương trong thiên tai, dịch bệnh; hỗ trợ xác minh thông tin về chiến sĩ Hồng quân Liên Xô người Việt Nam tham gia chiến đấu bảo vệ Matxcova...

Với những thành tích xuất sắc đó, năm 2018, ông Lê Quang Úy được Hội Hữu nghị Nga - Việt trao tặng kỷ niệm chương "Hữu nghị", ghi nhận công tlao của ông rong sự nghiệp xây dựng mối quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Liên bang Nga.

Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Xuân Tình cho biết: “Đồng chí Lê Quang Úy là người rất tích cực, tâm huyết và trách nhiệm trong các hoạt động hội. Những đóng góp của đồng chí Úy đã giúp hội ngày càng phát triển lớn mạnh, đặc biệt là góp phần quan trọng trong việc củng cố tình hữu nghị truyền thống giữa hai dân tộc Việt - Nga; phát triển mối quan hệ giữa hội và cộng đồng người Việt tại Liên bang Nga. Từ đó, tạo thuận lợi cho việc vận động, kêu gọi kiều bào hướng về quê hương, góp sức xây dựng tỉnh nhà".

                                         THU HÀ (Báo Hà Tĩnh)

Dòng sự kiện

Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn
Về khu tưởng niệm chiến tranh ở Kha-tưn, Cộng hòa Bê-la-rút.
THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI
Ngày Chiến thắng 9 tháng 5 rất đỗi thiêng liêng với mọi người dân Liên bang Nga.