Hữu nghị - Hợp tác

NGƯỜI ĐƯA QUỐC KỲ VIỆT NAM LÊN ĐỈNH CAO CHÂU ÂU

Người nước ngoài đầu tiên đưa quốc kỳ Việt Nam lên đỉnh núi Enbrút là giáo sư, tiến sĩ Vlađimia Buianốp, Giám đốc Học viện Kinh tế và Luật Mátxcơva, Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga – Việt, người được tặng danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô Hà Nội năm 2014.

Giáo sư V. Buianốp sinh ngày 7 tháng 11 năm 1951 tại môt vùng quê ở Cộng hòa Bêlarút, trong gia đình công nhân. Cha ông đã đứng trong hàng ngũ Hồng quân Liên Xô tham gia Cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại. Bản thân ông, sau một thời gian phục vụ trong quân ngũ, đã học tại trường đại học kỹ thuật Bauman Mátxcơva, tốt nghiệp khoa động cơ điện. Đầu những năm 80 của Thế kỷ 20, V. Buianốp được cử sang Việt Nam làm chuyên gia tại nhà máy nhiệt điện Phả Lại, làm Bí thư Đảng ủy Đảng bộ Đảng Cộng sản Liên Xô trong tập thể chuyên gia Liên Xô tại đây khi nhà máy khởi công xây dựng. Với sự giúp đỡ của Liên Xô, trong đó có đóng góp to lớn của tập thể chuyên gia lao động đêm ngày trên công trình, nhà máy đã đi vào hoạt động trước thời hạn kế hoạch 6 tháng. Đây là một trong những công trình  quan trọng hàng đầu do Liên Xô giúp nước ta nhằm khôi phục nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá. Cho đến hôm nay các cán bộ, công nhân kỳ cựu của nhà máy vẫn nhớ như in những chuyên gia Liên Xô cần cù, hăng say làm việc trên công trường do V. Buianốp dẫn đầu. Sau này, mỗi lần sang Việt Nam với cương vị Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga – Việt, trên đường đi Hạ Long, bao giờ V. Buianốp cũng đề nghị được ghé vào thăm lại nhà máy “ruột thịt” – như ông nói. Đã có nhiều lần, chúng tôi, những người cùng đi với đoàn Hội Hữu nghị Nga – Việt, được chứng kiến cuộc đón tiếp hết sức nồng hậu mà nhà máy điện Phả Lại dành cho giáo sư V. Buianốp. Và câu chuyện giữa chủ và khách phương xa hầu như không thể dứt được, bởi bao nhiêu kỷ niệm cứ ùa về. Giáo sư V. Buianốp không chỉ một lần kể lại: “Hồi nhà máy đang xây dựng, đời sống người dân Việt Nam còn khó khăn, thiếu thốn lắm. Nhưng các bạn đã dành mọi thứ tốt nhất cho chúng tôi… Lao động không biết mệt mỏi của anh em chúng tôi cũng chỉ để đền đáp phần nào sự chăm lo, săn sóc của các bạn thôi”.

GS Vladimir Buyanov với cuốn sách về tình hữu nghị Nga - Việt. Ảnh: ĐĂNG PHÁT

GS Vladimir Buyanov với cuốn sách về tình hữu nghị Nga - Việt. Ảnh: ĐĂNG PHÁT

Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà sau này, rời Việt Nam về nước và được bầu làm Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga – Việt, dù bận bịu với trăm công nghìn việc của người đứng đầu một cơ sở đào tạo đại học,  V. Buianốp vẫn dành trọn tâm lực, lòng nhiệt thành của mình cho hoạt động của Hội Hữu nghị Nga – Việt. Sau khi Liên Xô tan rã, Hội Hữu nghị Xô – Việt (bao gồm cả các Hội hữu nghị với Việt Nam ở các nước cộng hòa xô-viết trước đây) đã rơi vào tình trạng hết sức khó khăn, nhân lực bị phân tán, kinh phí hoạt động không có, trụ sở làm việc cũng  không giữ được… Chỉ còn lại một số cán bộ nòng cốt hết sức tâm huyết với sự nghiệp khôi phục, phát triển mối quan hệ hữu nghị với Việt Nam. Ở LB Nga, nơi Hội Hữu nghị Xô – Việt có trụ cột vững chắc nhất, cũng phải oằn mình trước những thử thách nặng nề trong thời điểm nước Nga chìm sâu vào khủng hoảng. Hoạt động hữu nghị với Việt Nam, cũng như với hầu hết các nước khác trên thế giới, không được tổ chức nữa. Nhưng sau một thời gian, Hội Hữu nghị Nga – Việt đã hình thành, đứng dậy bằng chính đôi chân của mình, với sự xuất hiện một nhân vật mới – đó là V. Buianốp.

Có lẽ điều quan trọng nhất ở thời điểm lịch sử đó là V. Buianốp biết vận động, tập hợp, quy tụ hàng loạt cán bộ cũ, hầu hết đã nghỉ hưu và đang hoạt động trong các tổ chức xã hội khác nhau, có tâm huyết, nặng tình với Việt Nam, như nhóm cựu chiến binh là chuyên gia quân sự giúp Việt Nam cũng như các nhà ngoại giao, nhà báo một thời làm việc ở Việt Nam, các văn nghệ sĩ hoạt động trong Quỹ Hòa bình v.v… Những con người tận tâm, toàn ý vì Việt Nam, vì một nước Nga có đông đảo bạn bè đó đã trở thành hạt nhân vô cùng quý báu, là “xương sống” cho Hội Hữu nghị với Việt Nam của xứ sở Bạch Dương. Chính Tổng thống V. Putin ra Sắc lệnh cho phép Hội được hoạt động trên toàn lãnh thổ LB Nga, một bước ngoặt chưa từng có trong lịch sử của Hội.

GS V. Buyanov và Thiếu tướng F. Pozdeev, Phó CT Hội Hữu nghị Nga - Việt, với lá cờ hiệu của Hội.  Ảnh: ĐĂNG PHÁT

GS V. Buyanov và Thiếu tướng F. Pozdeev, Phó CT Hội Hữu nghị Nga - Việt, với lá cờ hiệu của Hội. Ảnh: ĐĂNG PHÁT

Với tình cảm chân thành của mình, với lòng nhiệt thành vô hạn đối với công tác của Hội, giáo sư  V. Buianốp đã tranh thủ được sự ủng hộ nhiệt tình của toàn Học viện Kinh tế và Luật, từ các phó giám đốc, đội ngũ giảng viên đến sinh viên, đến bộ máy của Học viện. Từ khi giáo sư V. Buianốp làm Chủ tịch Hội thì Hội mới có văn phòng làm việc riêng, là một “góc Việt Nam” trong khuôn viên Học viện Kinh tế và Luật. Đây là một địa chỉ thân thương, ấm cúng, luôn luôn có không khí làm việc để các cán bộ của Hội, những người luôn đau đáu với mọi tình hình liên quan Việt Nam, thường xuyên đến gặp gỡ, chia sẻ thông tin, trao đổi ý kiến về hoạt động của Hội.

Nhiều năm trước, một lần sang thăm Quảng Ninh, thăm Vịnh Hạ Long, V. Buianốp đề xuất ý tưởng tôn tạo đảo Titốp. Rồi cơ hội đã đến. Bằng những nỗ lực đặc biệt, có thể nói là sức mạnh tổng hợp của hai Hội Hữu nghị Việt – Nga, Nga – Việt, có sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp hai nước, sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu lãnh đạo Trung ương và tỉnh Quảng Ninh, Tượng đài Anh hùng phi công vũ trụ Ghécman Titốp, cố Chủ tịch Hội Hữu nghị Xô – Việt và Nga –Việt, đã hiện diện hoành tráng trên hòn đảo. Công trình của tình hữu nghị này có dấu ấn rất rõ của V. Buianốp.

Trả lời câu hỏi của nhà báo: “Ông có cảm nghĩ gì trước hết về Tượng đài này?”, V. Buianốp nói: “Tôi có rất nhiều ấn tượng, rất nhiều cảm nghĩ. Nhưng chỉ xin nói một điều: trong Vịnh Hạ Long có hàng nghìn đảo lớn, nhỏ nhưng không có một đảo nào được mang tên  người, đúng vậy không? Chỉ có đảo Titốp – người đó là công dân Liên Xô, công dân Nga, là Anh hùng Lao động Việt Nam. Tôi và những người Nga khác vô cùng tự hào về điều này”.

Năm 2009, từ ngày 1 đến 11 tháng 8, V. Buianốp cùng một số người bạn trong Hội Hữu nghị Nga – Việt đã thực hiện chuyến thám hiểm leo núi, đưa lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam lên cắm trên đỉnh Enbrút  (Elbrus; tiếng Nga: Эльбрус) phủ đầy băng tuyết. Đây là đỉnh núi nằm ở miền Tây dãy núi Cápcadơ, tại nước cộng hòa tự trị Kabardino-Balkaria thuộc Liên bang Nga, là đỉnh núi cao nhất trong dãy Cápcadơ, phần thuộc châu Âu . Đỉnh phía tây của Enbrút có độ cao 5.642 m, có thể coi là đỉnh núi cao nhất tại châu Âu. Đoàn thám hiểm này cũng mang lên đỉnh cao này một số vật biểu tượng khác nữa, trong đó có cờ hiệu của Hội Hữu nghị Nga – Việt.

(Ảnh đầu bài: Lá cờ hiệu của Hội Hữu nghị Nga - Việt đã được đưa lên đỉnh núi Enbrúc)

       TRỊNH TRANG

Dòng sự kiện

Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn
Về khu tưởng niệm chiến tranh ở Kha-tưn, Cộng hòa Bê-la-rút.
THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI
Ngày Chiến thắng 9 tháng 5 rất đỗi thiêng liêng với mọi người dân Liên bang Nga.