Tin tức - Hoạt động

"ÔNG ẤY KHÔNG BAO GIỜ NGẠI KHÓ KHĂN, KHÔNG NGẠI ĐƯA RA NHỮNG QUYẾT ĐỊNH TÁO BẠO"

Lãnh đạo Hội Hữu nghị Nga - Việt, những người đã có nhiều năm công tác tại Việt Nam, vừa gửi đến Hội Hữu nghị Việt - Nga bài viết với đầu đề trên để chia sẻ một số kỷ niệm về cố Tổng Bí thư, cố Thủ tướng Đỗ Mười

Đồng chí Đỗ Mười không còn nữa. Những ai đã từng có dịp gặp ông trước đây thật khó tin vào tai mình khi nghe tin đau buồn này. Bởi mọi người vẫn nhớ ông là người luôn niềm nở, khiêm tốn, trò chuyện rất hấp dẫn. Ông là người bạn lớn của nhân dân Nga.

Khi một người sống trên 101 tuổi thì chắc chắn có rất nhiều điều có thể nói về người đó. Nhưng hôm nay chúng tôi chỉ nhắc lại một vài chuyện về cuộc đời hoạt động của ông mà chúng tôi được tận mắt biết rõ vào cuối những năm 1980 – đầu những năm 1990, khi đồng chí Đỗ Mười giữ cương vị Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong chuyến thăm Liên Xô (5/1991), Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười hội đàm với Thủ tướng Liên Xô Valentin Pavlov (người đeo kính đứng bên phải Chủ tịch Đỗ Mười)

Trong chuyến thăm Liên Xô (5/1991), Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười hội đàm với Thủ tướng Liên Xô Valentin Pavlov (người đeo kính đứng bên phải Chủ tịch Đỗ Mười)

Đường lối cải cách, đổi mới ở Việt Nam được cho là khởi đầu từ Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam hồi tháng 12/1986. Nhưng mọi người đều biết rằng khi còn là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam thì từ năm 1984 đồng chí Đỗ Mười đã đề xuất phương án cải cách giá lương tiền và bỏ chế độ trợ cấp cho các xí nghiệp quốc doanh. Chính vì vậy, có thể nói đồng chí Đỗ Mười là một trong những ông tổ của đường lối đổi mới.

Trở thành Thủ tướng Chính phủ Việt Nam năm 1988, đồng chí Đỗ Mười là người lãnh đạo trên thực tế việc triển khai thực hiện chính sách cải cách. Từ đó, Việt Nam đã thay đổi  nhanh chóng. Sản xuất lương thực tăng mạnh, chế độ tem phiếu được bãi bỏ, thương nghiệp tư nhân được hợp thức hóa, mua bán vàng cũng được tự do, tỷ giá trao đổi giữa đồng Việt Nam và ngoại tệ được điều tiết theo thị trường. Chúng tôi hồi đó đã thấy rõ tâm trạng xã hội ở Việt Nam được cải thiện, đời sống người dân tốt lên.

Ngày 30/8/1985, tại sân bay Nội Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười nồng nhiệt đón tiếp ông Vitaly Vorotnikov, Ủy viên Bộ chính trị TƯ ĐCS Liên Xô, Chủ tịch HĐ Bộ trưởng LB CH XHCN xô-viết Nga, trưởng đoàn đại biểu Đảng và Nhà nước Liên Xô, sang tham dự lễ kỷ niệm 40 năm Quốc khánh Việt Nam

Ngày 30/8/1985, tại sân bay Nội Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười nồng nhiệt đón tiếp ông Vitaly Vorotnikov, Ủy viên Bộ chính trị TƯ ĐCS Liên Xô, Chủ tịch HĐ Bộ trưởng LB CH XHCN xô-viết Nga, trưởng đoàn đại biểu Đảng và Nhà nước Liên Xô, sang tham dự lễ kỷ niệm 40 năm Quốc khánh Việt Nam

Tháng 6/1991, tại Đại hội VII Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Đỗ Mười được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Chúng tôi, hai người, đã có mặt tại Đại hội này, còn nhớ rõ bài phát biểu của tân Tổng Bí thư. Ngắn gọn nhưng súc tích, trong bài phát biểu của mình Tổng Bí thư Đỗ Mười đã điểm qua chặng đường kháng chiến anh dũng của Việt Nam và kêu gọi toàn Đảng, toàn dân tiếp tục tiến lên trên con đường đổi mới. Suốt 6 năm sau đó, trên cương vị người lãnh đạo cao nhất của Đảng và đất nước, đồng chí Đỗ Mười đã vững vàng dẫn dắt Việt Nam tiến bước trên con đường cải cách, đổi mới. Việt Nam đã giành được những thành tựu rất to lớn bước đầu: lần đầu tiên các chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 1991-1995 được hoàn thành, tỷ giá đồng tiền ổn định, hầu như không biến động trong suốt 5 năm, nguồn vốn đầu tư nước ngoài tăng rõ rệt. Tại Đại hội VIII, đồng chí Đỗ Mười đã có thể tự hào tuyên bố: “Tình trạng trì trệ trong sản xuất và hỗn loạn trong phân phối, lưu thông đã được ngăn chặn”.

Ngày 31/10/1983, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười và Ủy viên Bộ chính trị Trung ương ĐCS Liên Xô, Geidar Aliev, trong cuộc mít tinh mừng sự kiện đưa tổ máy số 1 nhà máy nhiệt điện Phả Lại vào hoạt động

Ngày 31/10/1983, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười và Ủy viên Bộ chính trị Trung ương ĐCS Liên Xô, Geidar Aliev, trong cuộc mít tinh mừng sự kiện đưa tổ máy số 1 nhà máy nhiệt điện Phả Lại vào hoạt động

Về tình cảm, quan hệ của đồng chí Đỗ Mười với nước Nga cũng có những điều đặc biệt đáng nhớ. Cần nhắc lại rằng, chính dưới thời Tổng Bí thư Đỗ Mười, nưm 1994 Việt Nam và Nga đã ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của  quan hệ hữu  nghị giữa hai nước. Nhưng đối với chúng tôi – những chuyên gia đã làm việc tại Việt Nam – thì đáng nhớ nhất vẫn là những chuyến thăm làm việc của đồng chí Đỗ Mười tại các công trình hợp tác Việt – Xô,  như công trình xây dựng thủy điện Hòa Bình, và những cuộc nói chuyện thân tình, cởi mở của đồng chí với cán bộ, chuyên gia, công nhân tại công trình. Một trang đặc biệt rất đẹp trong tiểu sử đồng chí Đỗ Mười và cả trong quan hệ giữa hai nước chúng ta là việc xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội. Đồng chí Đỗ Mười hồi đó được Đảng và Nhà nước Việt Nam giao phụ trách công trình này và ở cương vị đó đồng chí đã có nhiều dịp làm việc sâu sát với các chuyên gia Liên Xô.

Ngày 9/5/1985, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười và Đại sứ Liên Xô tại Việt Nam Boris Chaplin cắt băng khánh thành cầu Thăng Long - công trình do Liên Xô giúp Việt Nam xây dựng

Ngày 9/5/1985, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười và Đại sứ Liên Xô tại Việt Nam Boris Chaplin cắt băng khánh thành cầu Thăng Long - công trình do Liên Xô giúp Việt Nam xây dựng

Thay mặt Ban chấp hành Hội Hữu nghị Nga – Việt, chúng tôi xin bày tỏ lời chia buồn sâu sắc với các bạn Việt Nam trước sự ra đi của đồng chí Đỗ Mười, người bạn lớn của LB Nga. Chúng tôi cũng xin được chia buồn với gia quyến đồng chí Đỗ Mười về mất mát to lớn này.

Vladimir Buyanov, Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga – Việt

Evgheni Glazunov, Chủ tịch danh dự Hội Hữu nghị Nga – Việt

Petr Tsvetov, Ủy viên thường vụ Hội Hữu nghị Nga – Việt

Dòng sự kiện

Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn
Về khu tưởng niệm chiến tranh ở Kha-tưn, Cộng hòa Bê-la-rút.
THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI
Ngày Chiến thắng 9 tháng 5 rất đỗi thiêng liêng với mọi người dân Liên bang Nga.