75 năm xây đắp tình hữu nghị vững bền

Gần 4 tháng sau khi Việt Nam và Liên Xô thiết lập quan hệ ngoại giao (30/1/1950), theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội Hữu nghị Việt - Xô được thành lập ngày 23 tháng 5 năm 1950.
Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, Hội Hữu nghị Việt – Xô vẫn tiếp tục hoạt động, thúc đẩy những nỗ lực giữ gìn quan hệ hữu nghị với nhân dân các nước trên không gian Xô-viết trước đây. Ngày 19/12/1994, Hội Hữu nghị Việt - Nga ra đời, kế thừa cơ cấu tổ chức và kinh nghiệm hoạt động của Hội Hữu nghị Việt - Xô trong việc phát triển, tăng cường quan hệ với nhân dân LB Nga trong giai đoạn mới. Hội Hữu nghị Việt - Nga xác định ngày 23 tháng 5 là Ngày truyền thống của mình.
Suốt 75 năm qua, hoạt động của Hội Hữu nghị Việt - Xô/Hội Hữu nghị Việt - Nga luôn được lãnh đạo Đảng và Nhà nước quan tâm, được nhân dân quan tâm, ủng hộ. Cùng với sự chỉ đạo sát sao, cụ thể hoạt động hội, các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã trực tiếp tham dự nhiều sự kiện quan trọng của Hội Hữu nghị Việt - Xô.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Phó Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng
Chủ tịch đầu tiên của Hội khi thành lập là ông Tôn Đức Thắng - thời điểm đó ông là Quyền Trưởng ban thường trực Quốc hội Việt Nam. Những nhiệm kỳ sau, nhiều cán bộ cấp cao, như các ông Nguyễn Văn Kỉnh, Xuân Thủy… đã giữ cương vị lãnh đạo Hội Hữu nghị Việt - Xô. Hội Hữu nghị Việt - Xô lớn mạnh nhanh chóng, mở rộng khắp miền Bắc trước đây và trong cả nước sau ngày chiến thắng 30 Tháng Tư giải phóng miền Nam, thống nhất hai miền; hàng nghìn cán bộ lãnh đạo đảng, chính quyền, đoàn thể, quân đội ở các cấp và các nhà khoa học, văn nghệ sĩ, cựu lưu học sinh tại Liên Xô… đã nhiệt tình tham gia hoạt động hội.
Tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ chí tình của Liên Xô
Trong sự nghiệp kháng chiến, cứu nước của nhân dân ta, Hội Hữu nghị Việt - Xô đã làm tốt công tác vận động dư luận, tranh thủ sự ủng hộ và viện trợ của nhân dân Liên Xô. Hội Hữu nghị Việt – Xô phối hợp chặt chẽ với Hội Hữu nghị Xô - Việt (thành lập ngày 31/7/1958) trong việc tổ chức các phong trào đoàn kết, ủng hộ Việt Nam ở Liên Xô, tại các nước xã hội chủ nghĩa và trên thế giới. Thông qua Ủy ban đoàn kết Á - Phi - Mỹ La-tinh, Ủy ban Hòa bình toàn Liên Xô, Ủy ban Hòa bình toàn Nga, Quỹ Hòa bình Mát-xcơ-va và nhiều đoàn thể nhân dân khác, Hội Hữu nghị Việt - Xô tổ chức nhiều hoạt động hòa bình, đoàn kết, kêu gọi nhân dân các nước quyên góp thuốc men, lương thực, nhu yếu phẩm… giúp đỡ Việt Nam.
Sau năm 1975, Hội Hữu nghị Việt - Xô tiếp tục làm cầu nối tiếp nhận sự giúp đỡ của Liên Xô dành cho công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng và phát triển đất nước trong những điều kiện mới.
Hội Hữu nghị Việt – Xô đã có nhiều đóng góp vào công tác thông tin, tuyên truyền, giới thiệu về Liên Xô, khơi dậy, bồi đắp tình cảm của người dân Việt Nam với quê hương Lê-nin và Cách mạng Tháng Mười thông qua những cuộc triển lãm tranh ảnh, sách báo, cuộc thi tìm hiểu về đất nước Xô – Viết, các phong trào thi đua hữu nghị trên các công trình mang đậm dấu ấn hữu nghị Việt - Xô như thủy điện Sông Đà, Trị An, Liên doanh Vietsovpetro.
Đoàn kết, hợp tác trong điều kiện mới
Trong giai đoạn mới của quan hệ Việt - Nga sau khi hai nước ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị (16/6/1994), Hội Hữu nghị Việt - Nga đổi mới trong phương thức hoạt động, sát cánh cùng Hội Hữu nghị với Việt Nam của LB Nga, từ năm 2007 là Hội Hữu nghị Nga - Việt, tổ chức những hoạt động phong phú và hiệu quả, góp phần phát triển, nâng tầm quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa nhân dân hai nước.

Ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Nga (16/6/1994)
Hoạt động của Hội Hữu nghị Việt – Nga được triển khai theo những định hướng lớn là củng cố, phát triển tổ chức hội ở các địa phương và các cơ quan, đơn vị; đẩy mạnh xã hội hóa, tạo nguồn lực cần cho hoạt động hội; thực hiện những chương trình hành động thiết thực, đặc biệt là những hoạt động góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại, du lịch, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ giữa Việt Nam và LB Nga ; thu hút giới trẻ quan tâm và tham gia hoạt động hội, nâng cao hiểu biết về truyền thống và tiềm năng quan hệ Việt - Nga.
Từ nguồn kinh phí xã hội hóa, Hội Hữu nghị Việt - Nga đã thực hiện nhiều dự án có ý nghĩa lớn, như phối hợp Hội Hữu nghị Nga - Việt và các địa phương, tổ chức của Việt Nam, của Nga xây dựng Tượng đài nhà du hành vũ trụ Ghéc-man Ti-tốp, cố Chủ tịch Hội Hữu nghị Xô - Việt và Nga - Việt, trên đảo mang tên ông ở Vịnh Hạ Long; tổ chức các cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi quốc tế “Em vẽ Việt Nam – Em vẽ nước Nga” có nhiều họa sĩ nhỏ tuổi Nga và Việt Nam tham gia; dịch và xuất bản bằng tiếng Việt sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về Cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của nhân dân Liên Xô; biên tập, xuất bản sách về Việt Nam tại Nga ; phối hợp Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc gặp gỡ «Thầy trò Xô - Việt », các chương trình nghệ thuật kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga, Ngày Chiến thắng, Quốc khánh Nga và nhân những sự kiện đáng nhớ trong quan hệ hữu nghị Việt – Nga.

Khai mạc triển lãm tranh thiếu nhi đạt giải cuộc thi «Em vẽ Việt Nam – Em vẽ nước Nga» ở Hà Nội năm 2016. Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG PHÁT
Đến tháng 5-2025, Hội Hữu nghị Việt – Nga tại 31 tỉnh, thành phố đã thành lập Hội Hữu nghị Việt - Nga. Tại các trường đại học, doanh nghiệp, ban liên lạc cựu lưu học sinh Liên Xô/Nga, cựu quân nhân các quân, binh chủng… đã thành lập 18 Chi hội trực thuộc Trung ương Hội. Hội Hữu nghị Việt - Nga địa phương và các Chi hội triển khai những hoạt động sáng tạo, góp phần gìn giữ, tăng cường tình hữu nghị truyền thống và các chương trình hợp tác hiệu quả giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Nga.

Năm 2020, Hội Hữu nghị Việt - Nga được tặng Huân chương Lao động Hạng Nhì. Ảnh: PHẠM TIẾN DŨNG
Đổi mới tổ chức, mở rộng mạng lưới đối tác
Tháng 2-2025, Trung tâm Hợp tác Việt – Nga trực thuộc Hội Hữu nghị Việt – Nga được thành lập. Mục đích hoạt động của Trung tâm là thu hút, tạo lập các nguồn vốn trong và ngoài nước để hỗ trợ công tác đối ngoại nhân dân và tăng cường giao lưu văn hóa, hợp tác quốc tế của Hội Hữu nghị Việt - Nga; làm cầu nối, góp phần tăng cường và mở rộng quan hệ đoàn kết, hữu nghị; củng cố và phát triển quan hệ hợp tác kinh tế - văn hóa; làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước vì lợi ích của nhân dân Việt Nam và Liên bang Nga, vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Khánh thành Tượng đài Anh hùng, phi công vũ trụ G. Ti-tốp, nguyên Chủ tịch Hội Hữu nghị Xô-Việt/Nga-Việt, trên đảo Ti-tốp, Vịnh Hạ Long (ngày 14/9/2015). Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG PHÁT
Hội Hữu nghị Việt - Nga và Hội Hữu nghị Nga – Việt luôn sát cánh, giúp đỡ nhau trên tinh thần anh em. Hai Hội ký kết Thỏa thuận hợp tác từng giai đoạn 5 năm, làm khuôn khổ cho sự phối hợp hoạt động đoàn kết, hữu nghị. Hai bên cũng chủ động đề ra những biện pháp phù hợp tình hình mới để bảo đảm cho mọi hoạt động lan tỏa rộng, mang lại hiệu quả thiết thực. Thoà thuận hợp tác giữa Hội Hữu nghị Việt - Nga và Hội Hữu nghị Nga – Việt giai đoạn 2025 - 2030 dự kiến được ký kết tại Moskva trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư BCH TƯ Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm đến Nga và tham dự lễ kỷ niệm 80 năm Chiến thắng trong Cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của nhân dân Liên Xô ngày 9/5/2025.
Cùng với đó, Hội Hữu nghị Việt – Nga thiết lập quan hệ đối tác với một số địa phương, cơ sở giáo dục – đào tạo tại Nga. Đặc biệt, Hội đã mở rộng, tăng cường quan hệ với thành phố Saint Petersburg. Chính quyền thành phố này công nhận Hội Hữu nghị Việt – Nga là đối tác chính của Uỷ ban đối ngoại thành phố tại Việt Nam để kết nối, mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Saint Petersburg với các tổ chức, địa phương Việt Nam.

Bốn thiếu nhi Nga đạt Giải Lớn cuộc thi «Em vẽ Việt Nam – Em vẽ nước Nga» năm 2018 thăm làng gốm Bát Tràng, Hà Nội. Ảnh: VŨ HUYẾN
Năm 2024, Hội Hữu nghị Việt – Nga đã ký kết Thoả thuận hợp tác với trường Đại học Sư phạm quốc gia liên bang Nga mang tên Herzen đặt tại thành phố Saint Petersburg. Theo Thoả thuận, hai bên triển khai nhiều biện pháp phối hợp hành động, như kỷ niệm các ngày lễ của hai nước; đặc biệt, hai bên hỗ trợ nhau quảng bá tiếng Việt, văn hoá Việt Nam tại Nga và tiếng Nga, văn hoá Nga tại Việt Nam.

Hội Hữu nghị Việt – Nga tổ chức cuộc gặp giữa đoàn doanh nghiệp tỉnh Amur, vùng Viễn Đông Nga, với các nhà doanh nghiệp Việt Nam.
Hội Hữu nghị Việt – Nga cũng thiết lập quan hệ trực tiếp với một số tổ chức là thành viên tập thể của Hội Nga – Việt, như Hội Hữu nghị Nga – Việt mang tên “Baikal” tỉnh Irkutsk. Đây là địa phương mà trước đây Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần ghé thăm trong những chuyến thăm của Người đến Liên Xô.
ĐỨC HÀ