DẢI LỤA MÀU ĐỂ NGƯỜI ĐƯƠNG THỜI GHI NHỚ VÀ TỰ HÀO
Ngày 9/5 là ngày lễ thiêng liêng bậc nhất của người Nga. Có rất nhiều hoạt động để tưởng nhớ những người ngã xuống vì hòa bình, để những thế hệ kế tiếp tự hào về họ, về vai trò quyết định của Liên Xô, Nga trong việc cứu loài người khỏi tai họa diệt vong.
Nạn kẹt xe ở Mátxcơva từ lâu đã là chuyện cơm bữa, nhưng những ngày đầu tháng 5 việc đi lại trong thành phố này càng nan giải hơn bởi vì nhiều tuyến phố thường xuyên bị cấm để tổ chức đua xe đạp, chạy maratông hoặc trang trí chuẩn bị cho duyệt binh, tuần hành ngày 9-5. Cũng lắm khi xe cộ ùn lại cả đoàn vì các tình nguyện viên tham gia chiến dịch phân phát “dải lụa Georgi” vẫy xe và người dừng lại để họ thắt dải lụa màu ở cần ăngten, ở tay nắm cửa xe hoặc ngoắc vào xắc, đính lên ve áo. Dải lụa rộng 3,5 cm, có sọc đen và da cam, dài ngắn tùy loại, có thể từ 30 đến 80 cm, đã là một hình ảnh quen thuộc trên phố phường ngập tràn màu sắc và rất sôi động trong những ngày kỷ niệm Chiến thắng phátxít. “Georgievskaya lentochka”, tiếng Nga có nghĩa là “dải lụa Georgievskaya nhỏ”, xuất phát từ chữ “georgi”, là tên Thánh Georgi. Xin cứ được gọi là “dải lụa Georgi”, hoặc “dải lụa Chiến thắng” cho gọn! Lần đầu tiên dải lụa này xuất hiện nhiều trên đường phố Nga mùa Xuân năm 2005, vào dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng phát-xít. Từ một sáng kiến tự phát liên quan đến dự án truyền thông trên mạng Internet mang tên “Chiến thắng của chúng ta”, ý tưởng sử dụng dải lụa Georgi làm một biểu hiệu của ngày lễ Chiến thắng đã ra đời. Và hãng thông tấn RIA-Novosti cùng “Cộng đồng sinh viên” khởi xướng một chiến dịch phân phát dải lụa màu này, ban đầu cũng chỉ dự kiến làm ở khu vực Mátxcơva, nhưng nó được hưởng ứng rầm rộ, hàng ngàn dải lụa nhanh chóng tỏa đi nhiều địa phương Nga, tới nhiều thành phố trên thế giới. Dải lụa Georgi đã luôn luôn song hành với mọi hoạt động kỷ niệm chiến thắng phátxít, tại các cuộc mít-tinh, tuần hành, trong các buổi gặp gỡ của cựu chiến binh, ở những điểm liên hoan văn nghệ, khắp mọi nẻo đường, góc phố. Với màu đen và da cam thể hiện khói và lửa, dải lụa Georgi là biểu tượng về ký ức chiến tranh, lòng quả cảm của người lính, về sợi giây liên hệ giữa các thế hệ người Nga.
Khi phát động chiến dịch “Dải lụa Georgi”, những người tổ chức đề ra mục đích chính là “làm cho thế hệ trẻ quan tâm và hiểu thấu ý nghĩa của ngày lễ Chiến thắng, bởi vì họ có thể đã không được gặp ông, bà mình – những người đã chiến đấu trên các mặt trận năm xưa -, bởi vì họ chỉ được biết Ngày chiến thắng vĩ đại của đất nước qua trang sách giáo khoa lịch sử”. Những người tổ chức cũng thông qua cả “Bộ luật ứng xử” gồm 10 điều liên quan đến dải lụa Georgi, cấm mua, bán vật phẩm này, cấm lợi dụng dải lụa Georgi vào mục đích thương mại... Năm nay, nhân kỷ niệm 61 năm Chiến thắng, chiến dịch “Dải lụa Georgi 2006” được triển khai từ ngày 24-4 đến 12-5, có quy mô rộng lớn hơn, với các khẩu hiệu “Chiến thắng của ông tôi chính là chiến thắng của tôi”, “Nếu nhớ, bạn hãy thắt dải lụa!”, “Tôi nhớ! Tôi tự hào!”, “Chúng tôi là thế hệ kế thừa Chiến thắng Vĩ đại !”. Từ nhiều tháng trước, các cộng động người Nga, người xôviết ở khắp thế giới đã triển khai quảng bá, phân phát dải lụa biểu tượng này. Từ tháng Tư, dải lụa Georgi đã xuất hiện ở Mỹ, Canađa, Tây Ban Nha, Đức, Anh, Pháp, tại các nước vùng Vịnh Pécxích. “Dải lụa Georgi” là một phần truyền thống lịch sử quân đội Nga. Huân chương Thánh Georgi được chính thức lập ra ở Nga năm 1769 để tặng thưởng các binh sĩ lập được những chiến công cụ thể. Huân chương Thánh Georgi có bốn hạng. Riêng Huân chương hạng nhất gồm 3 chi tiết: chữ thập, ngôi sao và dải lụa có sọc đen và da cam để đeo chéo qua vai phải (hạng nhì, ba, tư không có dải lụa này). Những năm sau đó, chính quyền phong kiến Nga đã ban hành nhiều quyết định liên quan việc tặng thưởng và vinh danh quân đội. Dải lụa Georgi, hoặc gam màu đen - da cam luôn luôn được coi là biểu tượng của lòng dũng cảm và vinh quang dành cho người lính. Trong cuộc Chiến tranh Giữ nước Vĩ đại, với một số thay đổi không đáng kể, dải lụa Georgi đã trở thành một bộ phận trong hệ thống những tặng phẩm xôviết dưới tên gọi “Dải lụa cận vệ”. Ngày 8-9-1943, Nhà nước xôviết quyết định ban hành Huân chương Vẻ vang gồm ba hạng. Cuống Huân chương cũng là một dải lụa ngắn phối màu theo dải lụa Georgi, thể hiện sự tiếp nối truyền thống của quân đội Nga. Về sau, dải luạ Georgi đã trở thành một chi tiết gắn liền với nhiều Huy chương và Huy hiệu khác của quân đội Nga.
Ngày 2-3-1992, Đoàn Chủ tịch Xôviết Tối cao Liên bang Nga ra sắc lệnh khôi phục Huân chương quân công Thánh Georgi và Huy hiệu Chữ thập Georgi. Hai năm sau, một Sắc lệnh của Tổng thống Nga xác định: trong hệ thống các phần thưởng nhà nước Nga có Huân chương quân công Thánh Georgi và Huy hiệu Chữ thập Georgi.
Không phải tất cả mọi người Nga đều hiểu căn cơ các cứ liệu lịch sử, nhưng hầu như tất cả đều tán đồng việc khôi phục, phát huy những truyền thống mang đậm bản sắc Nga mà có thời đã bị quên lãng ... Nói chuyện với chúng tôi, anh Misa, một lái xe taxi trạc 40 tuổi, chỉ tay vào dải lụa buộc ở ăngten phía trước xe và bộc bạch: “Tôi không rõ lai lịch dải lụa thế nào, chỉ biết nó liên quan đến các phần thưởng mà trước đây triều đình ban tặng những binh sĩ xả thân nơi chiến trận. Ngày nay, vào dịp kỷ niệm Chiến thắng, mang những biểu tượng này là rất xác đáng, ngày lễ càng vui hơn”.
Khác với Misa, ông Víchto Cômacốp, tuổi ngoài 60, nhân viên bảo vệ một hiệu sách gần nơi chúng tôi ở, thì lại tỏ ra am tường. Ông kể vanh vách, giải thích chi tiết các loại Huân chương, Huy chương, quân kỳ của Nga thời trước và nhận xét dải lụa Georgi là một biểu tượng rất đạt vì “đơn giản nhưng bắt mắt, thắt buộc, đính vào đâu cũng dễ”. Theo ông, “Nhà nước Nga trước đây đã dùng dải lụa Georgi để ghi công binh sĩ thì không có lý do gì mà xã hội hiện nay lại không sử dụng”.
Nhìn chung, người Nga có xu hướng muốn khôi phục những truyền thống, biểu tượng gắn liền với những năm tháng không thể nào quên trong lịch sử đất nước, thể hiện sự hùng cường của quốc gia, khơi dậy lòng tự hào về những người đã làm nên kỳ tích cho Tổ quốc. Họ kỷ niệm Ngày Chiến thắng trong tinh thần đó.
ĐĂNG PHÁT