Kỷ niệm 80 năm chiến thắng phá vỡ vòng vây của phát-xít Đức tại Leningrad
Ngày 27/1/2024, tại thành phố Saint Petersburg, Liên bang Nga, tổ chức nhiều hoạt động nhân kỷ niệm 80 năm chiến thắng phá vỡ vòng vây, phong toả của phát-xít Đức (27/1/1944 - 27/1/2024).
Các hoạt động kỷ niệm có sự tham gia của 59 đại biểu lão thành từ 12 nước mà hơn 80 năm trước đã tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu phá vòng vây phát-xít. Cùng với họ, các đoàn đại biểu 37 quốc gia trên thế giới và 50 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương Liên bang Nga cũng đến Saint Petersburg tham dự.
Hai sự kiện chính trong chương trình kỷ niệm là lễ đặt hoa tại nghĩa trang Piskarevskoe tưởng niệm các chiến sĩ Hồng quân Xô-viết và người dân ngã xuống trong cuộc chiến đấu kéo dài 872 ngày đêm và cuộc mít-tinh kỷ niệm trên sân vận động Gazprom Arena ở Saint Petersburg. Kết thúc ngày kỷ niệm là màn bắn pháo hoa chào mừng Chiến thắng tại pháo đài Petropavlovsk.
872 ngày đêm khói lửa
Trận chiến đấu của quân và dân Liên Xô để phá tan cuộc bao vây thành phố Leningrad (1944-2019) của phát-xít Đức không chỉ là cuộc phòng thủ dài ngày nhất của quân đội Liên Xô trước đây mà còn là một trong những trang sử bi thương, anh hùng nhất trong lịch sử Chiến tranh thế giới thứ hai.
Leningrad (thành phố Leningrad nay đã đổi tên thành Saint Petersburg, nhưng vùng ngoại ô vẫn là tỉnh Leningrad), được quân đội phát-xít Đức xác định là mục tiêu chiến lược trong chiến tranh thế giới thứ hai. Như dự kiến của Kế hoạch Barbarossa của phát-xít Đức, nếu chiếm được Leningrad, Đức Quốc xã sẽ làm giảm sút đáng kể khả năng phòng thủ của Liên Xô, mở đường tiến tới Arkhangelsk. Chiếm Leningrad không đơn thuẩn là chiếm đóng một thành phố bình thường mà còn là việc chiếm đóng thành phố mang tên Lê-nin, nơi nổ ra cuộc Cách mạng Xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga năm 1917 - một biểu tượng chính trị quan trọng của Liên Xô. Đồng thời, chiếm Leningrad cũng là chiếm được một căn cứ hải quân quan trọng để phục vụ cuộc đối đầu trên biển giữa hải quân Đức Quốc xã và Hải quân Anh trên biển Baltic.
Cuộc tiến công của quân đội Đức vào Leningrad bắt đầu từ tháng 7-1941. Trong tháng 8-1941, giao tranh ác liệt giữa quân đội hai bên diễn ra liên tục tại ngoại ô thành phố. Quân Đức cắt đứt nhiều tuyến đường sắt nối Leningrad với các địa phương khác. Phát-xít Đức chính thức cô lập Leningrad sau khi chiếm Shlisselburg. Sau đó, cuộc phong tỏa Leningrad của quân phát-xít Đức và quân đồng minh Phần Lan kéo dài 872 ngày, từ 8-9-1941 đến 27-1-1944.
Trong cuộc vây hãm, khoảng ba triệu người dân Leningrad đã hứng chịu vô số cuộc bắn phá, pháo kích, ném bom liên tục của phát-xít Đức. Lương thực, thực phẩm cho người dân trở nên khan hiếm, mỗi người chỉ còn khẩu phần 250 gr bánh mì mỗi ngày. Phát-xít Đức cô lập Leningrad với chủ ý đập tan sự kháng cự của người dân cùng lực lượng bảo vệ thành phố bằng nạn đói và dịch bệnh. Theo nhiều thống kê, trong 28 tháng bị phong tỏa, khoảng 650.000 - 1.500.000 người đã chết vì đói, lạnh, bị thương và bệnh tật.
"Con đường sống" - hồ Ladoga
Trong điều kiện Leningrad bị phong toả gắt gao, tuyến đường vận tải trên băng qua hồ Ladoga ở vào mùa đông, hay tuyến đường thủy trên chính mặt hồ này vào mùa hè, là lối đi duy nhất ra vào thành phố. Cho nên, đây được gọi là “Con đường sống”. Những chiếc xe tải và xà-lan thường xuyên là mục tiêu pháo kích của phát-xít Đức.
Vì thế, giải vây cho Leningrad là ưu tiên hàng đầu của Bộ Chỉ huy quân đội Liên Xô. Ngày 18-1-1943, các chiến sĩ thuộc phương diện quân Leningrad và phương diện quan Volkhov tiến hành chiến dịch “Iskra” (Tia lửa) gần bờ phía nam hồ Ladoga. Mục đích của chiến dịch là mở một hành lang giải cứu thành phố đang rơi vào tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”. Chiến sự ác liệt kéo dài nhiều ngày, vòng vây phong toả của kẻ thù bị suy yếu phần nào, nhưng thành phố chưa hoàn toàn được giải thoát. Sau khi Hồng quân Liên Xô mở được một hành lang đủ lớn, các đơn vị công binh lập tức xây dựng một tuyến đường sắt dài hơn 30 km. Dưới hỏa lực của kẻ thù, vận chuyển hàng hóa và công tác cứu hộ người dân vẫn được thực hiện trên chính con đường này.
Phá vòng vây
Nhận thấy tình hình thay đổi theo hướng không có lợi, phát-xít Đức tăng cường pháo kích Leningrad, sử dụng cả các loại đại pháo tầm xa, khiến cho hàng trăm nghìn dân thường thiệt mạng, các tòa nhà trong thành phố sụp đổ.
Trước tình cảnh trên, Bộ Chỉ huy quân sự Liên Xô quyết định chuẩn bị một đòn cuối cùng nhằm vào quân Đức trong trận chiến phá vỡ vòng vây Leningrad.
Ngày 14-1-1944, các phương diện quân Leningrad, Volkhov và phương diện quân Baltic thứ hai tiến hành chiến dịch tiến công chiến lược Leningrad - Novgorod. Trong khuôn khổ chiến dịch này, đợt phản công mang tên “Sấm tháng Giêng” đã đánh bại quân đội phát-xít Đức trong khu vực Krasnoe Selo và Ropsha. Một tuần sau, cuộc vây hãm của quân phát-xít Đức đối với thành phố Leningrad chính thức tan vỡ. Khoảng 100.000 binh sĩ Đức bị tiêu diệt và bị bắt, hơn 30 sư đoàn quân phát-xít Đức bị đánh bại.
Trang sử vẻ vang
Tối 27-1-1944, thành phố Leningrad đã tổ chức bắn 24 loạt đạn đại bác chào mừng chiến thắng. Đó là màn bắn pháo chào mừng duy nhất của Hồng quân Liên Xô diễn ra tại một địa điểm khác ngoài Thủ đô Moskva trong những năm tháng của cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại.
Chiến thắng phá tan vòng vây Leningrad có ảnh hưởng lớn đến hoạt động quân sự tại các mặt trận khác. Bộ Chỉ huy quân đội Đức không thể điều quân từ khu vực gần Leningrad sang các hướng khác. Tinh thần chiên đấu anh dũng ngoan cường của Leningrad trở thành biểu tượng về lòng dũng cảm của nhân dân Liên Xô. Hàng trăm nghìn binh sĩ tham gia chiến dịch này đã được tặng Huân, Huy chương kháng chiến, gần 500 quân nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô.
Chiến dịch giải phóng Leningrad là cuộc phòng thủ dài ngày nhất của Hồng quân Liên Xô và cũng là trận đánh có thương vong lớn nhất trong toàn bộ cuộc đụng đầu giữa Hồng quân và quân đội phát-xít Đức. Đây không chỉ là biểu tượng của cuộc đọ sức cả về quân sự và sức chịu đựng của con người giữa chính quyền Xô viết và phát-xít Đức, mà còn là một trong những trang sử bi thương và hào hùng nhất trong lịch sử cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai.
THẢO TÙNG