ĐẤT NƯỚC CỦA CỜ VUA VÀ TÌNH YÊU VIỆT NAM
Nằm ở rìa Đông châu Âu có một vùng lãnh thổ của Phật giáo và là nơi sinh sống của tộc người châu Á thuần chủng với mái tóc đen, mắt đen và gò má cao. Đó là nước CH Canmưkia thuộc LB Nga.
Canmưkia là một vùng thảo nguyên mênh mông rộng hơn 76.000 km2 chỉ vỏn vẹn trên 300.000 dân là hậu duệ đội quân du mục của Thành Cát Tư Hãn. Họ rời quê hương đi chinh chiến, dừng chân ở đây rồi không trở về Mông Cổ nữa.
Đất nước của cờ vua...
Đã hơn một chục năm đã trôi qua kể từ ngày tôi lần đầu đặt chân đến Canmưkia nhưng ấn tượng về đất nước của thảo nguyên mênh mông vẫn rất sâu đậm.
Nếu như như Braxin coi bóng đá là “quốc hồn, quốc túy” thì ở Canmưkia cờ vua là môn thể thao số một, gần như là "quốc đạo". Đi đâu cũng thấy biểu tượng của cờ vua. Tượng đài cờ vua, cánh cổng đắp hình quân cờ, sân cờ với các quân cờ to gần bằng người thật ở quảng trường trung tâm... Thủ đô Elixta của Canmưkia có một khu biệt thự mới xây trông khá hiện đại, xinh xắn cũng được gọi là "Thành phố cờ vua". Tại một buổi biểu diễn thời trang tôi còn thấy các cô người mẫu thon thả, dong dỏng cao khoác trên người những bộ váy in hình... quân cờ!
Cờ vua không chỉ là niềm yêu thích. Nó còn là một môn học bắt buộc trong các trường học phổ thông ở Canmưkia, ngang hàng với môn văn, môn toán. Có học thì ắt có thi, rất nghiêm túc. Và không chỉ thực hành mà cũng học lý thuyết, khá bài bản. Chúng tôi đã tới dự buổi học học cờ ở một trường tiểu học tại Elixta. Trong lớp học bên cạnh chiếc bảng đen là một bàn cờ rất lớn được treo trên tường. Cứ hai em học sinh có một bàn cờ riêng, vừa nghe thầy giáo giảng vừa đi các nước cờ. Các vị khách Việt Nam lớn tuổi đều phải khâm phục khi nghe những bé gái đang học lớp 1, lớp 2 phân tích rạch ròi các nước cờ hiểm và giải thích liên hồi thế nào là chiến lược, thế nào là chiến thuật trong một ván cờ.
Trong lớp học treo nhiều ảnh của các vận động viên vô địch thế giời về cờ vua. Hỏi một bé trai khoảng 7 tuổi về mơ ước của mình. Chớp chớp cặp mắt trong veo sau đôi kính cận, cậu bé trả lời đĩnh đạc: "Cháu muốn giật giải vô địch cờ vua Canmưkia và LB Nga ở lứa tuổi dưới 10 và sau này trở thành nhà vô địch cờ vua thế giới!". Thầy giáo dạy cờ có nét mặt hao hao người Việt xác nhận rằng đây cũng là mơ ước của hầu hết học sinh trong trường. Trên thực tế nhiều học sinh của trường đã đạt danh hiệu kiện tướng cờ. Người lớn cũng rất mê cờ vua, hầu như ai cũng biết chơi và nhiều người chơi rất giỏi. Tình yêu cờ vua của người Canmưkia còn hơn sự cuồng nhiệt của người Việt Nam dành cho trái bóng tròn.
Lần ấy đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến Elixta đúng dịp tại đây đang chuẩn bị cho trận đấu giành chức Vô địch thế giới về cờ vua giữa hai kỳ phùng địch thủ là V.Topalốp (Bungari) và V. Cramních (Nga). Đoàn được mời đến xem bàn cờ nơi sắp diễn ra trận đấu lịch sử kéo dài nhiều ngày. Còn buổi lễ khai mạc tôn vinh cờ vua được tổ chức hết sức hoành tráng và đầy ấn tượng. Có vẻ như người Canmưkia đã chờ đợi sự kiện này hàng tháng trời rồi.
Tại Đại hội đồng FIDE ở Na Uy trong các ngày 11-14/8/2014, ông Kiaxan Iliumginốp, 52 tuổi, được bầu lại làm Chủ tịch FIDE với 110 phiếu ủng hộ. Đối thủ của ông, tay cờ Gari Caxparốp, người gốc Adécbaigian, cựu vô địch thế giới, chỉ được 61 phiếu ủng hộ.
Phát biểu trong một cuộc họp báo sau khi tái đắc cử, ông Kiaxan Iliumginốp cho biết nhiệm vụ chính của ông trên cương vị Chủ tịch FIDE là làm sao để trên thế giới có một tỷ người chơi cờ vua.
Ông Iliumginốp nói: “Hiện nay có 600 triệu người chơi cờ, chúng tôi phấn đấu để 4 năm nữa con số đó tăng lên 1 tỷ”.
Trên các đường phố của thủ đô Elixta tràn ngập các biểu tượng của Liên đoàn cờ vua thế giới (FIDE). Điều này chẳng có gì lạ. Thành phố này có trụ sở chính của FIDE và Chủ tịch FIDE trong nhiều nhiệm kỳ liên tiếp (kể từ tháng 11/1995) là Tổng thống CH Canmưkia, ông Kiaxan Iliumginốp.
... và tình yêu Việt Nam
Khi đến Canmưkia chúng ta sẽ có cảm giác mình đang ở Việt Nam, tại một mảnh đất châu Á chứ không phải đang đứng trên vùng lãnh thổ châu Âu. Là vì người Canmưkia thoáng nhìn rất giống người Việt, nhất là trẻ em và đặc biệt các cô gái, mảnh mai, dịu hiền.
Hồi tôi may mắn được đến Canmưkia là vì được tháp tùng một đoàn đại biểu cấp cao của ta. Bất cứ nơi nào đoàn Việt Nam đặt chân tới, dù ở sân bay thủ đô, trường học phổ thông hay ở huyện, dù ở trại chăn nuôi tư nhân hay trên cánh đồng lúa nước của nông trường Kalinka... đều có một đoàn thiếu nữ trong trang phục truyền thống rực rỡ chờ đón. Họ trân trọng quàng vào cổ các vị khách tấm khăn lụa màu trắng in hình bông sen, biểu tượng của Canmưkia. Họ dâng bát sữa ngựa ấm nồng pha muối, những thứ bánh của địa phương. Rồi những điệu nhạc, bài ca du mục trầm bổng vang lên. Khách lên xe đi rồi, họ còn nhìn theo, lưu luyến vẫy chào mãi...
Tổng thống Canmưkia hồi đó là ông Kiaxan Iliumginốp, đúng dịp rất bận rộn trên cương vị Chủ tịch FIDE nhưng vẫn dành nhiều thời gian cho đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam. Trả lời phỏng vấn báo chí, ông nói: "Tình cảm sâu đậm của người Canmưkia với đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt nguồn từ những năm tháng chiến tranh chống Mỹ. Khi đó người dân Canmưkia đã tổ chức các cuộc diễu hành, míttinh chống đế quốc, ủng hộ Việt Nam. Rồi vào những năm 60 của thế kỷ trước, các cán bộ nông nghiệp của Việt Nam đã sang đây giúp người dân Canmưkia làm thủy lợi để trồng lúa nước. Tôi rất yêu mến và kính phục người Việt Nam. Hồi còn là sinh viên của Trường Đại học Quan hệ quốc tế Mátxcơva (MGIMO) tôi chơi thân với các bạn Việt Nam, ở cùng phòng với một sinh viên Việt. Tôi thích các món ăn của các bạn, thích tính cách của các bạn và quyết làm hết sức mình để tình hữu nghị Canmưkia - Việt Nam đâm hoa kết trái. Trước mắt giữa Canmưkia - Việt Nam có sự hợp tác về nông nghiệp và thể thao. Việt Nam giúp chúng tôi trồng lúa nước còn chúng tôi giúp Việt Nam đào tạo vận động viên cờ vua, cấp một số học bổng cho sinh viên Việt Nam".
Sau lần đó, ông Kiaxan Iliumginốp đã nhiều dịp sang thăm Việt Nam, có khi trong tư cách Chủ tịch FIDE và vẫn đương chức Tổng thống Canmưkia. Tháng 4/2014, ông dẫn đầu phái đoàn của FIDE thăm Việt Nam và tại Hà Nội đã có buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên. Trong buổi làm việc này, Chủ tịch Iliumginốp khẳng định FIDE sẽ hỗ trợ cờ vua Việt Nam trong chương trình của FIDE quảng bá và phát triển cờ vua trên toàn thế giới, trong đó sẽ đưa môn cờ vua vào trường phổ thông; cung cấp các phương pháp huấn luyện tiên tiến, trang thiết bị thi đấu; tài liệu giảng dạy trong các trường học cho phía Việt Nam; đồng thời, nghiên cứu để mở chi nhánh Học viện Cờ vua thế giới tại Việt Nam.
TRẦN QUANG VINH