Hội Việt – Nga tham gia buổi làm việc của đoàn đại biểu Nga tại Trường ĐH KT - KT Công nghiệp
Chiều 14/1/2025, Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp đón tiếp đoàn đại biểu Bộ Giáo dục và Bộ Đại học và Khoa học Nga thăm, làm việc tại cơ sở 218 Lĩnh Nam, Quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Đoàn đại biểu Bộ Giáo dục và Bộ Đại học và Khoa học Liên bang Nga, trong đó có đại diện lãnh đạo Trường đại học Sư phạm quốc gia Liên bang Nga mang tên A.I. Herzen ở thành phố Saint Petersburg, sang thăm làm việc tại Việt Nam nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin trong hai ngày 14 - 15/1/2025.
Năm 2023, Trung ương Hội Hữu nghị Việt – Nga đã ký Thỏa thuận hợp tác với Trường đại học Sư phạm quốc gia Liên bang Nga mang tên A.I. Herzen (Trường Herzen). Trong số các chương trình hợp tác giữa hai bên có việc Hội Hữu nghị Việt – Nga tham gia kết nối, hỗ trợ Trường Herzen triển khai Trung tâm Giáo dục mở quảng bá tiếng Nga, văn hóa Nga tại Việt Nam và giảng dạy tiếng Việt, quảng bá văn hóa Việt Nam ở LB Nga. Tại Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp, Trung tâm Giáo dục mở của Trường Herzen đã hoạt động có kết quả từ năm 2023.
Tham gia buổi làm việc tại Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp có: PGS. TS Phạm Thị Thu Hoài – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; PGS. TS Nguyễn Hữu Quang – Phó Hiệu trưởng, và một số giáo viên, chuyên gia của nhà trường; ông Usman Abdul Azievich Rasukhanov - Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế Bộ giáo dục Nga; ông Sergei Maluwsev – Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế Bộ Đại học và Khoa học Nga; ông Sergei Valentinovich Tarasov – Hiệu trưởng; bà Tatiana Genadeevna – Hiệu phó phụ trách chung và ông Sergei Alecxandrovich – Hiệu phó phụ trách đối ngoại của Trường Herzen. Về phía Hội Hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga có Thiếu tướng Trịnh Quốc Khánh- Phó chủ tịch thường trực; nhà báo Nguyễn Đăng Phát – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội, Tổng biên tập tạp chí Bạch Dương. Về phía Quỹ thúc đẩy hợp tác “Truyền thống và Hữu nghị” đăng ký hoạt động tại Nga có ông Nguyễn Quốc Hùng – Giám đốc, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội Hữu nghị Việt – Nga.
Tại buổi làm việc, PGS.TS Phạm Thị Thu Hoài – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp, chào mừng đoàn đại biểu Bộ Giáo dục và Bộ Đại học & Khoa học Liên bang Nga sang thăm, làm việc tại Trường; trân trọng cảm ơn đoàn đại biểu đã quan tâm đến các chương trình hợp tác giữa Việt Nam – Liên bang Nga nói chung và hợp tác Việt Nam – Liên bang Nga trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo nói riêng. Từ mối quan hệ hợp tác chiến lược và các dự án giáo dục mở giữa hai nước, PGS.TS Phạm Thị Thu Hoài bày tỏ niềm vinh dự khi trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp được chọn là một trong những trường thành viên trong dự án giáo dục mở này. Các chương trình hợp tác trong thời gian qua đã mang đến nhiều trải nghiệm văn hóa, ngôn ngữ và xã hội cho giảng viên, sinh viên nhà trường, đặc biệt là sinh viên khoa Du lịch – Khách sạn.
PGS.TS Phạm Thị Thu Hoài hy vọng các chương trình hợp tác sẽ mở rộng ra nhiều cơ hội, lĩnh vực mới trong tương lai. Đặc biệt, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp chân thành cảm ơn ông Sergei Valentinovich Tarasov – Hiệu trưởng Trường ĐHSP Quốc gia Liên bang Nga mang tên A.I. Herzen, đã tạo mọi điều kiện thuận lợi và nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa hai trường trong thời gian qua.
Đồng thời, để báo cáo thành quả hợp tác của hai năm học vừa qua, PGS.TS Phạm Thị Thu Hoài đã mời các đại biểu và giáo viên của trường cùng xem videoclip tổng kết hoạt động của hai khóa học tiếng Nga chuyên ngành Du lịch trong các năm học 2023 – 2024, 2024 – 2025.
Ông Usman Abdul Azievich Rasukhanov - Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế Bộ giáo dục Nga, thể hiện niềm vui và chúc mừng sự khởi đầu hợp tác giữa hai nhà trường trong thời gian qua đã đạt được những kết quả rất đáng tự hào. Việc giảng viên, sinh viên trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Cộng nghiệp quan tâm đến tiếng Nga, đến nền giáo dục Liên bang Nga đã thực sự mang đến nhiều động lực phát triển hơn nữa cho mối quan hệ hợp tác chiến lược về giáo dục đào tạo giữa hai nước.
Hiệu trưởng Trường ĐHSP Quốc gia Liên bang Nga mang tên A.I. Herzen, Sergei Valentinovich Tarasov chia sẻ: ngày đầu tiên đến thăm và làm việc tại Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp năm 2022, ông đã rất ấn tượng về chương trình đào tạo, ngành nghề đào tạo, hoạt động sáng tạo khởi nghiệp, cơ sở vật chất khang trang mang tầm quốc tế, đội ngũ nhân sự làm việc chuyên nghiệp và các em sinh viên lịch sự, có ý thức tốt, hào hứng đón tiếp các giáo viên Trường Herzen đến thăm và làm việc với nhà trường, do đó, ngay trong những ngày đầu tiên, ông thực sự mong muốn được hợp tác với Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp để mở rộng chương trình giảng dạy ngôn ngữ Nga, phát triển dự án giáo dục mở – một dự án đồ sộ đã được hai chính phủ chính phủ thỏa thuận.
Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp là trường công lập, được thành lập theo Quyết định số 1206/QĐ-TTg ngày 11/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở nâng cấp trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp I, tiền thân là trường Trung cấp kỹ thuật III thành lập năm 1956. Hiện nay nhà trường được xác định là cơ sở đào tạo trọng điểm của Bộ Công thương và là địa chỉ đào tạo có uy tín trong cả nước.
Trường có 2 cơ sở đào tại: tại Hà Nội và Nam Định.
Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm của nhà trường sau 6 tháng đến 1 năm đạt 90%, một số ngành đạt trên 95%.
PGS.TS Phạm Thị Thu Hoài nhấn mạnh Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp là một trong những trường trọng điểm của Bộ Công thương, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển các nguồn lực phục vụ các lĩnh vực của Bộ, trong đó có lĩnh vực năng lượng điện hạt nhân. PGS.TS Phạm Thị Thu Hoài đề xuất các lĩnh vực hợp tác trong giai đoạn tiếp theo như sau: thứ nhất, nhà trường hoàn toàn nhất trí và khẳng định tiếp tục triển khai dự án giáo dục mở, khai giảng các lớp học ngôn ngữ Nga, giao lưu văn hóa Việt Nam – Liên bang Nga, đào tạo ngôn ngữ Nga cho đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng điện hạt nhân; thứ hai, nhà trường sẵn sàng hợp tác với các viện, trường đối tác của Liên bang Nga, các viện, trường của Việt Nam để triển khai mở mới các chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực năng lượng điện hạt nhân như: Kỹ thuật điện hạt nhân, hệ thống đo lường hạt nhân, quản trị hệ thống điện hạt nhân, trí tuệ nhân tạo… PGS.TS Phạm Thị Thu Hoài cũng nhấn mạnh sự hỗ trợ, chỉ đạo và phối hợp của các bộ thuộc Liên bang Nga như Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và Khoa học, của Hội Hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga, Quỹ thúc đẩy hợp tác “Truyền thống và Hữu nghị” trong quá trình triển khai các hoạt động hợp tác tại trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp.
Phát biểu tại buổi làm việc, thiếu tướng Trịnh Quốc Khánh- Phó chủ tịch thường trực Hội Hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga, đã giới thiệu vài nét về Hội Hữu nghị Việt - Nga, về các chương trình hoạt động của Hội, trong đó có việc làm trung gian, kết nối sự hợp tác giữa các đối tác Nga và Việt Nam. Thiếu tướng Trịnh Quốc Khánh bày tỏ quan điểm ủng hộ hỗ trợ thúc đẩy các chương trình hợp tác giữa hai nhà trường, giới thiệu mở rộng việc hợp tác với các đối tác viện, trường của Liên bang Nga trong lĩnh vực điện hạt nhân theo đề xuất của PGS.TS Phạm Thị Thu Hoài.
Các đại biểu đã tham quan Trung tâm Giáo dục mở cùng một số địa điểm của Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp.
P.V