Chính trị

KHÔNG AI BỊ LÃNG QUÊN…

NỮ THI SĨ, NHÀ VĂN, NHÀ BÁO XÔVIẾT/NGA NỔI TIẾNG ÔNGA BÉCGÔN ĐÃ VIẾT CÂU BẤT HỦ “KHÔNG AI BỊ LÃNG QUÊN, KHÔNG CÓ GÌ BỊ LÃNG QUÊN” ĐỂ KHẲNG ĐỊNH TRÁCH NHIỆM CỦA NHỮNG THẾ HỆ TIẾP NỐI ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI ĐÃ DÂNG HIẾN MÁU XƯƠNG CHO SỰ NGHIỆP BẢO VỆ TỔ QUỐC.

Ở nước Nga, kể từ tháng 12 năm 2014 bắt đầu chính thức có Ngày Chiến sĩ vô danh. Đó là ngày 3 tháng 12.

Đạo luật ấn định Ngày Chiến sĩ vô danh được Tổng thống Nga V. Putin ký công bố vào ngày 5/11/2014 sau khi văn bản này được Đuma quốc gia thông qua ngày 24/10 và Hội đồng Liên bang chuẩn y ngày 29 tháng 10 cùng năm.

Đạo luật này thể chế hóa việc tôn vinh, đời đời ghi nhớ tinh thần quả cảm xả thân vì nước, vì dân, vì hòa bình và chiến công bất diệt của các chiến sĩ xôviết và Nga trong những cuộc chiến đấu trên lãnh thổ Nga và ở ngoài nước nhưng tên tuổi của họ vẫn không xác định được.

1

Sở dĩ ngày 3 tháng 12 được chọn làm Ngày Chiến sĩ vô danh là do gắn với một sự kiện quan trọng. Ngày 3/12/1966, trong một nghi lễ trang nghiêm, trọng thể, di hài của chiến sĩ vô danh được chuyển từ ngôi mộ tập thể các chiến sĩ xôviết tại kilômét số 41, quốc lộ Lêningrátxki, ngoại ô thủ đô Mátxcơva, về an táng tại vườn Alếchxanđrốpxki bên tường Điện Cremli, vào dịp kỷ niệm lần thứ 25 ngày đánh tan đạo quân phátxít ở ngoại ô Mátxcơva. Và tại vị trí an táng di hài, vào ngày 8/5/1967 đã khánh thành quần thể kiến trúc tưởng niệm “Mộ Chiến sĩ vô danh” và Ngọn lửa vĩnh cửu bắt đầu được thắp cháy. Đây là Mộ Chiến sĩ vô danh đầu tiên ở Liên Xô.

Lời mở đầu đạo luật nói trên nêu rõ: “Trên lãnh thổ Nga, tại những nơi diễn ra các trận đánh trong những năm Chiến tranh giữ nước vĩ đại có rất nhiều ngôi mộ chiến sĩ xôviết mà trên đó có bia tưởng niệm Chiến sĩ vô danh. Những địa điểm đó vô cùng thiêng liêng đối với toàn dân ta”.

Theo các tài liệu lịch sử, ở nước Nga, truyền thống chôn cất những người hy sinh vì sự nghiệp chung mà không xác định được danh tính đã có từ ngày 7/11/1919, khi tại Pêtrôgrát (nay là Xanh Pêtécbua) khánh thành đài tưởng niệm – mộ tập thể những công nhân và binh lính hy sinh trong cuộc Cách mạng Tháng hai và Cách mạng Tháng Mười năm 1917 cũng như trong cuộc nội chiến 1917-1922.

Đoàn đại biểu Hội Hữu nghị Việt - Nga bên Ngọn lửa vĩnh cữu ở Moskva.  Ảnh: ĐĂNG PHÁT

Đoàn đại biểu Hội Hữu nghị Việt - Nga bên Ngọn lửa vĩnh cữu ở Moskva. Ảnh: ĐĂNG PHÁT

Ngày 8/5/1965, ở Nôvgôrốt (nay là Đại Nôvgôrốt), tại vị trí chôn cất tập thể những chiến sĩ hy sinh trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại (1941-1945) mà không xác định được danh tính, quần thể công trình tưởng niệm chiến sĩ có ngọn lửa vĩnh cửu đầu tiên ở Liên Xô được khánh thành.

Nhưng riêng Ngọn lửa vĩnh cửu đầu tiên ở Liên Xô thì bắt đầu xuất hiện tại cánh đồng Marơxôvôe ở Xanh Pêtécbua vào tháng 10/1957, cạnh đài kỷ niệm “Các chiến sĩ cách mạng”. Và đây chính là “lửa nguồn” để thắp lên những ngọn lửa vĩnh cửu ở nhiều địa phương khác của Liên Xô, trong đó có Ngọn lửa vĩnh cửu ở Mộ Chiến sĩ vô danh bên tường Điện Cremli, Mátxcơva. Lửa thiêng từ cánh đồng Marơxôvôe được chuyển về thủ đô trên một chiếc xe bọc thép với sự hộ tống của đoàn xe cựu chiến binh. Đáng chú ý, trong đoàn cựu chiến binh có Anh hùng Liên Xô Alếchxây Marexép (1916-2001). Alếchxây Marexép là nhân vật đời thật, được nhà văn Bôrít Pôlêvôi khắc họa trong tác phẩm nổi tiếng “Truyện về con người chân chính”. Ông là một phi công, trong cuộc chiến tranh giữ nước ví đại đã bị thương, phải cắt cụt hai chân nhưng ông vẫn trở lại bay với đôi chân giả của mình và đã lập được nhiều chiến công. Tổng cộng, Alếchxây Marexép đã thực hiện 86 cuộc xuất kích, bắn rơi 11 máy bay địch, trong đó 7 chiếc sau khi ông đã cưa chân.

 Ở Mộ Chiến sĩ vô danh, trên nền đá phía trước ngọn lửa có dòng chữ “Tên Anh không xác định, chiến công của Anh bất tử” ("Имя твое неизвестно, подвиг твой бессмертен"). Hồi xây dựng công trình này, nhà văn Xécgây Xmirơnốp và các nhà thơ Cônxtantin Ximônốp, Xécgây Mikhancốp, Xécgây Natôvtratốp đã tham gia sáng tác để tuyển chọn văn bia. Theo hồi ức của nhà văn Xécgây Xmirơnốp, dòng chữ tôn vinh Chiến sĩ vô danh như ở trên là phương án của nhà thơ Xécgây Mikhancốp.

Từ ngày 12/12/1997, theo Sắc lệnh của Tổng thống Nga Bôrít Enxin, bên Ngọn lửa vĩnh cửu tại Mộ Chiến sĩ vô danh ở Mátxcơva bắt đầu tổ chức nghi thức  quân cảnh túc trực và đổi gác hằng giờ.

Ngày 17/11/2009, Tổng thống Nga Đmitơri Métvêđép ký Sắc lệnh về việc thành lập khu tưởng niệm quốc gia tôn vinh chiến sĩ, được ghi vào danh mục nhà nước những công trình di sản văn hóa đặc biệt quý báu của các dân tộc LB Nga. Khu tưởng niệm này bao gồm Mộ Chiến sĩ vô danh, các khuôn chứa đất của các thành phố Anh hùng và dãy tường cao gần 1 mét, dài khoảng 10 mét ghi tên những thành phố được tặng danh hiệu “Thành phố chiến sĩ vẻ vang”. Tháng 12 năm đó, khu tưởng niệm này tạm thời đóng cửa một thời gian để sửa chữa, nâng cấp. Và ngày 8/5/2010, khu tưởng niệm này chính thức mở cửa trở lại trong một buổi lễ long trọng có sự tham gia của các Tổng thống Nga, Bêlarút và Ucraina lúc đó.

Nhà nước và các tổ chức xã hội Nga hiện nay vẫn tiếp tục dành rất nhiều nguồn lực cho việc xác định danh tính, tìm kiếm hài cốt những sĩ quan, chiến sĩ hy sinh, mất tích. Theo số liệu của Bộ Quốc phòng Nga, có gần 2 triệu công dân xôviết và công dân Nga mất tích trong các cuộc chiến tranh và xung đột vũ trang trong Thế kỷ 20 – 21, trong đó phần đông là những chiến sĩ hy sinh trong Chiến tranh giữ nước vĩ đại, 130 người ở Ápganixtan, trên 50 người ở Triều Tiên, hơn 300 người ở khu vực Bắc Cápcadơ, 2 người tại khu vực xung đột giữa Grudia - Ôxetia hồi tháng 8/2008.

                                                                                                 THẢO TÙNG

Dòng sự kiện

Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn
Về khu tưởng niệm chiến tranh ở Kha-tưn, Cộng hòa Bê-la-rút.
THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI
Ngày Chiến thắng 9 tháng 5 rất đỗi thiêng liêng với mọi người dân Liên bang Nga.