Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: "Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp!"
Đã có rất nhiều áng thơ, văn, rất nhiều bài báo, cuốn sách ở Việt Nam và ở nước ngoài, viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng huyền thoại, vị tướng của lòng dân Việt Nam.
“…Hoan hô chiến sĩ Điện Biên
Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp!
Sét đánh ngày đêm xuống đầu giặc Pháp!
Vinh quang Tổ quốc chúng ta
Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa
Vinh quang Hồ Chí Minh,
Cha của chúng ta ngàn năm sống mãi
Quyết chiến quyết thắng, cờ đỏ sao vàng vĩ đại
Kháng chiến ba nghìn ngày
Không đêm nào vui bằng đêm nay
Đêm lịch sử Điện Biên sáng rực
Trên đất nước, như Huân chương trên ngực
Dân tộc ta dân tộc anh hùng!...”
(Trích bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”, Tố Hữu, tháng 5-1954)
Đã có rất nhiều áng thơ, văn, rất nhiều bài báo, cuốn sách ở Việt Nam và ở nước ngoài, viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng huyền thoại, vị tướng của lòng dân Việt Nam.
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 – 2024), chúng ta hãy đọc lại một ấn phẩm đặc biệt về Đại tướng. Đó là cuốn sách “103 câu chuyện sau những tấm ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp” do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 2021.
Tác giả cuốn sách là phóng viên, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Tuấn, người có cơ duyên được tháp tùng Đại tướng suốt 35 năm.
103 câu chuyện gắn liền 103 bức ảnh. Lần giở những trang sách, ngắm những tấm ảnh, người đọc như được đi bên Đại tướng đến nhiều nơi, cùng ông tham gia nhiều hoạt động, trong nhiều thời điểm cuộc đời Đại tướng, từ đó hiểu thêm về vị tướng oai hùng tên tuổi lẫy lừng khắp năm châu nhưng cũng rất bình dị, gần gũi với mọi người.
“Là một phóng viên ảnh theo chân Đại tướng nhiều năm, tôi đã có một lượng ảnh khá lớn chụp Đại tướng trong cuộc sống đời thường. Được sự đồng ý của Đại tướng, tôi đã tổ chức triển lãm ảnh dưới nhan đề “101 khoảnh khắc về vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp” ở thủ đô Hà Nội, tiếp đó, mang triển lãm này vào trưng bày tại phòng khánh tiết lớn của Dinh Độc lập, TP Hồ Chí Minh. Triển lãm tại TP Hồ Chí Minh xong, tôi còn tổ chức triển lãm ở Đà Nẵng, Quảng Bình và Điện Biên Phủ. Cuối cùng, toàn bộ số ảnh triển lãm đều được tặng cho Tỉnh ủy, UBND và đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên” – Trần Tuấn chia sẻ trong cuốn sách của mình.
103 tấm ảnh – 103 câu chuyện. Ở phần cuối cuốn sách là những bức ảnh về lễ tang Đại tướng, tại căn nhà 30 phố Hoàng Diệu (Hà Nội) cũng như tại nơi yên nghỉ cuối cùng của Đại tướng ở Vũng Chùa – Đảo Yến, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình quê hương ông.
Như lời tự sự của tác giả Trần Tuấn, ông đã từng đội mũ tai bèo, mặc quần áo lính với chiếc máy ảnh trong tay, có mặt ở nhiều nơi, cả trên chiến trường. Hòa bình lập lại, ông vẫn “kết bạn” với chiếc máy ảnh, làm việc tại Thông tấn xã Việt Nam và đã có nhiều dịp ở bên cạnh Đại tướng, ghi lại những hình ảnh mà nhân vật chính là Đại tướng.
Những bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp do phóng viên, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Tuấn chụp chính là những trang sử, lưu giữ cho các thế hệ người Việt Nam và những người yêu chuộng hòa bình, yêu mến Việt Nam trên thế giới.
ĐỨC HÀ