Chính trị

LB Nga: Tổng thống đọc Thông điệp liên bang năm 2019

Ngày 20/2/2019, tại Gostiny Dvor (Гостиный двор) - một trung tâm thương mại lâu đời gần Điện Kremli, Moskva, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trình bày Thông điệp liên bang năm 2019 trước hai Viện của Quốc hội liên bang và các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các địa phương, các tôn giáo và nhiều đoàn thể của Liên bang Nga.

Mở đầu bản Thông điệp liên bang, Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh: “Thông điệp liên bang hôm nay trước hết tập trung vào các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội trong nước và tôi muốn dành sự quan tâm đặc biệt cho những nhiệm vụ đã được nêu trong Sắc lệnh tháng 5, đã được triển khai trong các Dự án quốc gia. Nội dung và những định hướng trong đó phản ánh những đòi hỏi và mong đợi của nhân dân. Các Dự án quốc gia được xây dựng phục vụ con người, nhằm hướng tới một chất lượng sống mới cho tất cả các thế hệ. Chất lượng đó chỉ có thể được bảo đảm với sự phát triển năng động của nước Nga".

Tổng thống Vladimir Putin đề cập cụ thể một loạt nhiệm vụ, trong đó “nhiệm vụ then chốt là an dân, tức là phải bằng mọi cách giúp đỡ các gia đình Nga”.  Tổng thống Putin nhấn mạnh: “Gia đình, sinh đẻ con cái, duy trì nòi giống, kính trọng các thế hệ đi trước đã và vẫn luôn luôn là sức mạnh tinh thần to lớn của xã hội chúng ta, của nhân dân gồm nhiều dân tộc chúng ta. Chúng ta đã và sẽ làm tất cả mọi việc để củng cố các giá trị gia đình. Đó là vấn đề quyết định tương lai của chúng ta. Đó là nhiệm vụ chung của Nhà nước, của xã hội dân sự, của các tổ chức tôn giáo, các chính đảng và của các phương tiện truyền thông đại chúng”. Tổng thống V.Putin nêu rõ, “nước Nga đã bước vào một giai đoạn rất phức tạp về dân số, mức sinh giảm, cũng bởi những nguyên nhân khách quan như mất rất nhiều người trong Thế kỷ 20 trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại và trong những năm khó khăn sau khi Liên Xô tan rã; nhưng không có nghĩa là phải chấp nhận thực trạng đó”.

Tổng thống Vladimir Putin trình bày Thông điệp liên bang ngày 20/2/2019

Tổng thống Vladimir Putin trình bày Thông điệp liên bang ngày 20/2/2019

Tổng thống V. Putin đã nêu ra một loạt biện pháp nhằm giúp đỡ các gia đình Nga, như tiếp tục áp dụng và tăng cường chính sách hỗ trợ tài chính cho các gia đình sinh con; hỗ trợ tài chính chăm sóc trẻ em khuyết tật; có biện pháp tăng thu nhập thực tế cho các gia đình, trong đó có việc giảm nhẹ gánh nặng thuế, càng đông con càng được giảm thuế; hạ lãi suất các khoản vay thế chấp đối với những gia đình  có con nhỏ, đặc biệt để mua nhà hoặc xây nhà trên đất của mình, đồng thời cũng phải có chính sách giảm nhẹ gánh nặng thuế cho các nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cũng như trường học, nhà trẻ, trường mẫu giáo, trạm xá, bệnh viện phục vụ gia đình… Tổng thống V. Putin khẳng định, “những biện pháp này chưa phải là cuối cùng, đây chỉ là những biện pháp trước mắt; do những thách thức về dân số đối với nước Nga rất nghiêm trọng nên Nhà nước sẽ tiếp tục dành nhiều nguồn lực cho lĩnh vực này”.

Nhà lãnh đạo Nga cũng đề cập nhiệm vụ khắc phục tình trạng nghèo khổ ở Nga. Ông Putin cho biết:  “Năm 2000 có hơn 40 triệu người Nga thuộc diện nghèo khổ, hiện nay con số này là 19 triệu, như vậy vẫn còn quá nhiều; đã có thời kỳ số người nghèo ở Nga giảm xuống còn 15 triệu nhưng gần đây lại gia tăng. Nhà nước phải tập trung chăm lo giải quyết nhiệm vụ giảm bớt tỷ lệ nghèo khổ”.

Các nhà lãnh đạo Nga và các đại biểu tham dự sự kiện Tổng thống đọc Thông điệp liên bang.  Ảnh: Kremlin.ru

Các nhà lãnh đạo Nga và các đại biểu tham dự sự kiện Tổng thống đọc Thông điệp liên bang. Ảnh: Kremlin.ru

Về lĩnh vực y tế ở nước Nga, Tổng thống V. Putin khẳng định tình hình đã được cải thiện nhiều “nhưng nhiều người dân vẫn chưa hài lòng”. Ông nhấn mạnh: “Đến cuối năm 2020 các cơ sở y tế phải được phát triển tại tất cả các điểm dân cư khắp nước Nga để mọi người dân ở bất kỳ đâu đều có thể tiếp cận dịch vụ y tế”. Ông Putin nói đến tình trạng thiếu cán bộ y tế, nhất là ở vùng nông thôn, do đó, Nhà nước Nga cần tiếp tục triển khai thực hiện chương trình “Bác sĩ nông thôn”, dỡ bỏ những hạn chế của chương trình này để không chỉ những bác sĩ trẻ mà những thầy thuốc trên 50 tuổi công tác ở nông thôn cũng được trợ cấp bổ sung".

Đề cập lĩnh vực kinh tế, Tổng thống V. Putin nhấn mạnh: “Để đạt được tốc độ tăng trưởng cao cần phải giải quyết các vấn đề có tính hệ thống trong nền kinh tế, với bốn ưu tiên như sau. Một là phải đạt được tốc độ tăng năng suất lao động vượt trội, trước hết dựa trên những công nghệ mới và số hóa, xây dựng những ngành kinh tế có khả năng cạnh tranh cao và nhờ đó tăng hơn 1,5 lần xuất khẩu phi nguyên liệu trong 6 năm tới. Hai là, cải thiện môi trường kinh doanh và môi trường pháp lý quốc gia để không một nhà doanh nghiệp nào phải bỏ chạy sang môi trường pháp lý khác ở ngoài nước, làm sao để mọi cơ chế kinh tế ở Nga hoạt động chuẩn xác như một chiếc đồng hồ. Vốn đầu tư năm 2020 phải tăng 6-7 phần trăm. Việc đạt được chỉ tiêu đó sẽ là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá hoạt động của Chính phủ. Ba là, phải dỡ bỏ những hạn chế về cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế, phát huy tiềm năng của tất cả các địa phương. Bốn là, phải đào tạo cán bộ hiện đại, phải xây dựng được các cơ sở khoa học – công nghệ rất mạnh”.

Tổng thống V. Putin nói tiếp: “Cạnh tranh trên thế giới ngày càng chuyển sang lĩnh vực khoa học, công nghệ, giáo dục. Mới cách đây không lâu tưởng như nước Nga không thể có được bước đột phá, đặc biệt là đột phá về công nghệ cao trong lĩnh vực quốc phòng. Bởi vì đã rất khó khăn, rất phức tạp, nhiều thứ phải khôi phục hoặc xây dựng từ số không, phải đi trên con đường chưa được khai phá, phải tìm ra những giải pháp táo bạo và độc đáo. Và chúng ta đã làm được, các kỹ sư, công nhân, bác học của chúng ta – trong đó có những người rất trẻ, trưởng thành từ những dự án - đã làm được. Có đầy đủ cơ sở để nói rằng, việc chế tạo hệ thống tên lửa có cánh siêu thanh “Avangard” cũng có ý nghĩa tương tự như việc phóng vệ tinh nhân tạo của Trái đất. Điều này rất quan trọng đối với việc nâng cao khả năng quốc phòng, bảo đảm an ninh cho đất nước và đối với việc củng cố tiềm năng nền khoa học của chúng ta, đối với việc định hình những giá trị công nghệ có một không hai.

Trước đây dự án nguyên tử phục vụ quốc phòng đã đem lại cho đất nước ngành năng lượng nguyên tử. Việc xây dựng lá chắn tên lửa, mà một trong những điểm khởi đầu là phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên của Trái đất, đã cho phép khởi đầu công cuộc nghiên cứu vũ trụ. Ngày nay, những cán bộ, những tri thức, những khả năng, những vật liệu mà chúng ta thu được trong quá trình nghiên cứu chế tạo vũ khí mới cũng phải được ứng dụng có kết quả tốt đẹp trong các lĩnh vực phục vụ dân sự.

Hiện nay chúng ta cần thực hiện những chương trình khoa học – công nghệ đầy tham vọng mới. Tôi đã ký Sắc lệnh về nghiên cứu gien, tôi cũng đề nghị triển khai một chương trình nghiên cứu cấp quốc gia quy mô như vậy trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Đến giữa thập niên tiếp theo chúng ta phải lọt vào nhóm những nước dẫn đầu về những mũi nhọn khoa học – công nghệ quyết định tương lai của toàn thế giới và tương lai nước Nga”.

Tòa nhà Gostiny Dvor , nơi Tổng thống V. Putin trình bày Thông điệp liên bang

Tòa nhà Gostiny Dvor , nơi Tổng thống V. Putin trình bày Thông điệp liên bang

Trong phần đề cập chính sách đối ngoại, Tổng thống V. Putin tuyên bố: “Nước Nga đã và sẽ là một quốc gia có chủ quyền, độc lập. Nước Nga hoặc phải như vậy, hoặc sẽ không tồn tại nữa. Tất cả chúng ta đều phải ý thức về điều đó, cần phải hiểu điều đó. Nga không thể là một quốc gia nếu không có chủ quyền. Một số nước có thể như thế, nhưng Nga thì không.

Xây dựng quan hệ với nước Nga có nghĩa là phải cùng nước Nga tìm ra những cách tháo gỡ những vấn đề phức tạp nhất, chứ không phải tìm cách áp đặt điều kiện.  Những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của chúng ta hoàn toàn rõ ràng: củng cố lòng tin, đấu tranh chống những mối đe dọa chung đối với toàn thế giới, mở rộng hợp tác kinh tế, thương mại, giáo dục, văn hóa, khoa học và công nghệ, dỡ bỏ những rào cản trong giao lưu tiếp xúc nhân dân. Chính trên cơ sở đó chúng ta tiến hành hoạt động tại Liên hợp quốc, trong Cộng đồng các quốc gia độc lập, tại các diễn đàn của G-20, BRICS, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Hoàn toàn đúng khi tích cực làm sâu sắc sự phối hợp hành động trong khuôn khổ Nhà nước liên minh Nga và Belarus, kể cả sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong lĩnh vực đối ngoại và kinh tế. Chúng ta sẽ cùng với các đối tác tiếp tục xây dựng thị trường chung và củng cố quan hệ đối ngoại của Liên minh Kinh tế Âu Á. Kể cả việc triển khai thực hiện những quyết định đã được thông qua về kết nối Liên minh Kinh tế Âu Á với sáng kiến “Vành đai – con đường” của Trung Quốc làm tiền đề cho việc xây dựng quan hệ đối tác Âu Á rộng lớn hơn.

Quan hệ cùng có lợi bình đẳng của chúng ta với Trung Quốc hiện nay là một nhân tố ổn định quan trọng trong các công việc quốc tế, trong việc bảo đảm an ninh ở khu vực Âu Á, là hình mẫu về sự hợp tác có kế quả về kinh tế. Chúng ta rất quan tâm việc phát huy tiềm năng của quan hệ đối tác chiến lược ưu tiên đặc biệt với Ấn Độ. Chúng ta tiếp tục phát triển đối thoại chính trị và hợp tác kinh tế với Nhật Bản. Chúng ta sẵn sàng cùng tìm kiếm những điều kiện cùng chấp nhận được để ký kết Hiệp ước hòa bình. Chúng ta quyết tâm làm sâu sắc sự phối hợp hành động với ASEAN. Hy vọng rằng, về phía Liên minh Châu Âu, từ phía các nước hàng đầu Châu Âu sẽ có những bước đi thực tiễn để khôi phục quan hệ bình thường về chính trị và kinh tế với Nga. Nhân dân những nước này mong muốn có hợp tác với Nga, tất nhiên là trong đó có cả những công ty lớn, nhỏ và trung bình, nói chung là giới doanh nghiệp Châu Âu, và điều này sẽ đáp ứng lợi ích chung của chúng ta.

Đây là Thông điệp liên bang đầu tiên trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ tư của V. Putin nhưng là Thông điệp liên bang thứ 15 của ông trong những năm giữ cương vị lãnh đạo cao nhất của nước Nga.

Việc Tổng thống Nga hàng năm trình bày Thông điệp liên bang được quy định tại điểm e, Điều 84, Hiến pháp LB Nga thông qua ngày 12/12/1993. Tổng thống Nga đầu tiên, ông Boris Yeltsin, trong thời gian tại chức từ 1991 đến 1999 đã 6 lần đọc Thông điệp liên bang (lần đầu vào ngày 24/2/1994). Tổng thống V. Putin đã 14 lần đọc Thông điệp liên bang (lần đầu vào ngày 8/7/2000). Tổng thống Dmitry Medvedev 4 lần đọc Thông điệp liên bang (lần đầu vào ngày 5/11/2008).

Trong những năm 1994 - 1999, bản Thông điệp liên bang mà Tổng thống Nga đọc thường ngắn hơn bản in được công bố sau đó, nhưng từ năm 2000 trở đi, văn bản Thông điệp liên bang được công bố cũng chính là Thông điệp mà Tổng thống trực tiếp đọc.

Tất cả các bản Thông điệp liên bang của Boris Yeltsin đều có đầu đề cụ thể (“Về việc củng cố Nhà nước” – năm 1994; “Về hiệu lực của chính quyền nhà nước Nga” – 1995; “Một nước Nga mà chúng ta phải có trách nhiệm” – 1996; “Trật tự trong chính quyền – trật tự trong cả nước” – 1997 v.v…).

Trong những năm 2000 – 2002, Tổng thống Vladimir Putin cũng tiếp tục truyền thống này. Ông đã đặt đầu đề cho các bản Thông điệp liên bang của mình: “Chúng ta xây dựng một nước Nga như thế nào”, “Sẽ không có cả cách mạng và phản cách mạng”, “Nước Nga phải mạnh và có sức cạnh tranh”. Từ năm 2003, Thông điệp liên bang không có đầu đề cụ thể.

Các Thông điệp liên bang của Boris Yeltsin trong những năm 1994 - 1999 chủ yếu đề cập một số chủ đề cụ thể, tương ứng với đầu đề Thông điệp. Nhưng từ năm 2000 trở đi, Thông điệp liên bang của Tổng thống Nga nêu những vấn đề bao quát hơn, liên quan phương hướng phát triển đất nước trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh – quốc phòng, đường lối đối nội, đối ngoại. Những năm đần đây, qua Thông điệp liên bang, Tổng thống Nga thường nêu ra sáng kiến luật pháp và đặt ra những nhiệm vụ cụ thể để Quốc hội liên bang và Chính phủ Nga triển khai thực hiện.

Vấn đề gay gắt nhất và được nói đến nhiều nhất hiện nay trong quan hệ Nga – Mỹ vẫn là việc Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF). Vì thế, tôi buộc phải nói kỹ hơn về điều này.

Đúng là kể từ thời điểm ký kết Hiệp ước này năm 1987 đã có nhiều thay đổi trên thế giới. Nhiều nước đã phát triển và đang tiếp tục phát triển loại vũ khí này trong khi Nga và Mỹ thì không, hai nước chúng ta đã tự nguyện hạn chế mình trong lĩnh vực này. Thật dễ hiểu là thực trạng đó đương  nhiên có thể gây ra nhiều vấn đề. Lẽ ra các đối tác Mỹ nên nói như vậy, nói một cách trung thực, chứ không phải cáo buộc Nga một cách vô căn cứ để biện bạch cho quyết định đơn phương rút khỏi Hiệp ước. Lẽ ra nên hành động tốt hơn, như năm 2002, khi họ quyết định rút khỏi Hiệp ước phòng thủ chống tên lửa, họ đã nói rất rõ ràng, trung thực. Trong vấn đề INF họ đã hành động như thế nào? Chính họ vi phạm, sau đó tìm cách biện bạch và tìm kiếm người có lỗi. Không những thế họ còn huy động cả các vệ tinh của họ cùng tham gia: các nước vệ tinh khá thận trọng nhưng vẫn phụ họa với Mỹ trong vấn đề này. Thoạt đầu họ nghiên cứu, chế tạo và ứng dụng tên lửa tầm trung, gọi những tên lửa đó là “tên lửa – bia tập bắn” dành cho hệ thống phòng thủ tên lửa nhằm đánh lạc hướng. Sau đó bắt đầu bố trí ở Châu Âu các bệ phóng đa năng Mk-41 có thể sử dụng tên lửa có cánh tầm trung “Tomahawk”.

Xuất xưởng các tên lửa – bia tập bắn tầm trung và bố trí tại Rumani, Ba Lan các bệ phóng có thể sử dụng cho tên lửa có cánh “Tomahawk”, Mỹ đã trực tiếp vi phạm thô bạo Hiệp ước tên lửa trầm trung và tầm ngắn. Họ đã làm việc đó lâu rồi. Những bệ phóng đó đã hiện diện tại Rumani nhưng họ vẫn làm như không có chuyện gì xảy ra. Chúng ta đánh giá tình hình này như thế nào? Tôi đã nhiều lần nói và nay xin nhắc lại: nước Nga không có ý định – điều này rất quan trọng, tôi nhắc lại một lần nữa, nước Nga không có ý định bố trí trước những tên lửa tương tự tại Châu Âu. Còn nếu những tên lửa đó sẽ được sản xuất và được đưa tới lục địa Châu Âu, mà Mỹ có kế hoạch như vậy và cho đến nay chúng ta chưa nghe thấy những tuyên bố ngược lại, thì điều đó sẽ làm căng thẳng nghiêm trọng tình hình an ninh quốc tế, sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với Nga, vì một số loại tên lửa đó chỉ mất 10 -12 phút là bay đến Moskva. Đó là nguy cơ rất nghiêm trọng đối với chúng ta. Trong trường hợp đó chúng ta sẽ buộc phải cân nhắc những hành động đáp trả tương xứng.

Điều đó nghĩa là gì? Hôm nay tôi nói rất thẳng thắn và rất rõ ràng để về sau không ai có thể trách cứ chúng ta không nói rõ trước. Nước Nga sẽ buộc phải chế tạo và triển khai các loại vũ khí có thể được sử dụng không chỉ nhằm vào những lãnh thổ mà từ đó xuất phát mối đe dọa trực tiếp đối với chúng ta mà còn nhằm vào những lãnh thổ có trung tâm đưa ra quyết định sử dụng các tổ hợp tên lửa đe dọa chúng ta.

Điều quan trọng là ở đây có nhiều cái mới. Xét về thông số kỹ thuật – tác chiến, kể cả thời gian bay đến các trung tâm điều khiển như được đề cập, những vũ khí này hoàn toàn tương xứng với những mối đe dọa đối với Nga.

Chúng ta biết cách làm và chúng ta sẽ thực hiện ngay lập tức những kế hoạch đó một khi những mối đe dọa đối với chúng ta trở nên hiện hữu.  Tôi không cho rằng tình hình quốc tế hiện nay cần phải gây thêm căng thẳng một cách vô trách nhiệm. Chúng ta không muốn điều đó.

Phía Mỹ đã tìm cách đạt được ưu thế quân sự tuyệt đối thông qua hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu. Cần phải chặn đứng những ảo tưởng đó. Sự đáp lại của chúng ta sẽ luôn luôn hiện hữu và hiệu quả.

Những công việc liên quan các mẫu và các hệ thống vũ khí triển vọng mà tôi đã nói trong Thông điệp liên bang năm ngoái vẫn tiếp tục – tiếp tục một cách nhịp nhàng, không ngừng nghỉ, theo kế hoạch. Tổ hợp “Avangard” đã được đưa vào sản xuất hàng hoạt. Trong năm nay, như kế hoạch đã đề ra, một trung đoàn bộ đội tên lửa chiến lược đầu tiên sẽ được trang bị vũ khí này. Tên lửa liên lục địa hạng nặng, có sức công phá mạnh chưa từng thấy “Sarmat” đang trải qua quy trình thử nghiệm. Thiết bị laze “Peresvet” và tổ hợp tên lửa siêu thanh “Kinzhal” trang bị cho máy bay được đưa vào trực chiến thử nghiệm và đã khẳng định những khả năng có một không hai của mình, bộ đội đã có kinh nghiệm sử dụng. Tháng 12 năm nay toàn bộ số thiết bị “Peresvet” đã trang bị cho các lực lượng vũ trang sẽ được đưa vào trực chiến. Tiếp tục các hoạt động nhằm mở rộng cơ sở hạ tầng làm căn cứ cho máy bay MiG-31 mang tên lửa “Kinzhal”. Đang tiến hành có kết quả tốt việc thử nghiệm tên lửa có cánh tầm bắn không giới hạn có động cơ hạt nhân “Burevesnik” cũng như tàu ngầm “Poseidon” không người lái tầm xa không giới hạn.

Nhân đây tôi muốn đưa ra một thông tin rất quan trọng. Trước đây chưa nói điều này nhưng hôm nay có thể nói: vào mùa Xuân năm nay sẽ hạ thủy chiếc tàu ngầm nguyên tử đầu tiên mang tổ hợp không người lái đó. Công việc đang tiến triển theo kế hoạch.

Hôm nay tôi có thể chính thức thông báo về một sản phẩm mới đầy triển vọng nữa. Đó là tên lửa siêu thanh “Tsirkon” với vận tốc gần 9 mach, tầm bắn hơn 1 nghìn km, có thể bắn các mục tiêu trên biển và trên đất liền. Tên lửa này có thể trang bị cho các tàu nổi và tàu ngầm, kể cả những tàu chiến đã mang tên lửa có độ chính xác cao “Kalibr”. Nghĩa là không phải chi phí thêm nhiều.

Để kết thúc phần nói về việc Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước tên lửa tầm trung và tầm ngắn, tôi muốn nêu rõ điều sau đây. Trong những năm gần đây, đối với Nga, Mỹ thực hiện một đường lối khó có thể nói là hữu nghị. Các lợi ích hợp pháp của Nga bị phớt lờ, những hành động chống Nga đủ các loại thường xuyên được tổ chức mà tuyệt nhiên không có lý do gì từ phía Nga, các biện pháp cấm vận không hợp pháp về mặt pháp lý quốc tế liên tiếp được đưa ra. Cơ sở điều ước về an ninh quốc tế đã hình thành trong nhiều thập niên trên thực tế bị đơn phương phá bỏ hoàn toàn và Mỹ gần như coi Nga là mối đe dọa chính đối với Mỹ.

Tôi xin nói rõ: không đúng như vậy. Nước Nga mong muốn có quan hệ hữu nghị đầy đủ, bình đẳng với Mỹ. Nga không đe dọa ai, tất cả những hành động của Nga trong lĩnh vực an ninh chỉ mang tính chất đáp trả, tức là chỉ mang tính chất phòng thủ. Chúng tôi không có lợi ích gì trong việc  đối đầu và không mong muốn đối đầu, nhất là với một cường quốc thế giới như Mỹ. Nhưng xem ra các đối tác của chúng ta không nhận ra thế giới đang thay đổi với nhịp độ như thế nào, thế giới đang chuyển dịch theo hướng nào. Họ vẫn tiếp tục chính sách phá hoại và hoàn toàn sai lầm của mình. Điều đó không phù hợp với lợi ích của chính nước Mỹ. Nhưng chuyện đó không phải do chúng ta quyết định.

Chúng ta sẵn sàng thương lượng về chủ đề giải trừ quân bị, nhưng chúng ta sẽ không tiếp tục gõ vào cánh cửa đóng im ỉm nữa. Chúng ta sẽ chờ cho đến khi các đối tác của mình nhận thức ra, hiểu được sự cần thiết phải đối thoại bình đẳng về chủ đề này.

Tôi muốn một lần nữa nhấn mạnh: để có thể phát triển ổn định và lâu dài, chúng ta cần có hòa bình. Toàn bộ hoạt động của chúng ta nhằm nâng cao khả năng quốc phòng chỉ nhằm một mục đích: bảo đảm an ninh của đất nước và nhân dân, để không kẻ nào tính đến việc xâm lược nước Nga và không kẻ nào có thể tìm cách sử dụng biện pháp gây sức ép đối với nước ta”.

                                                                                                      THẢO TÙNG

Dòng sự kiện

Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn
Về khu tưởng niệm chiến tranh ở Kha-tưn, Cộng hòa Bê-la-rút.
THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI
Ngày Chiến thắng 9 tháng 5 rất đỗi thiêng liêng với mọi người dân Liên bang Nga.