Chính trị

Liên bang Nga: Tăng cường biện pháp phòng chống covid-19

Lần thứ hai trong vòng một tuần, Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trước quốc dân, thông báo những biện pháp mới nhằm ngăn chặn đại dịch covid-19 và bảo đảm ổn định đời sống xã hội.

Chiều 2/4/2020, trong bài phát biểu với quốc dân được truyền hình trực tiếp, Tổng thống Nga V. Putin thông báo quyết định kéo dài thời gian nghỉ làm việc trong cả nước đến hết tháng 4/2020 nhưng vẫn hưởng nguyên lương (đối với những cơ sở và ngành nghề không thiết yếu). Như vậy, “quyết định nghỉ việc” mà nhà lãnh đạo Nga công bố ngày 25/3 được gia hạn thêm hơn 3 tuần. Ông V. Putin cũng nêu rõ, nếu tình hình bệnh dịch suy giảm thì thời hạn nghỉ việc có thể được rút ngắn.

Trong khi đánh giá hiện vẫn chưa ngăn chặn được sự lây lan dịch bệnh covid-19 ở Moskva, Tổng thống V. Putin nêu rõ các biện pháp được áp dụng đã giúp bảo vệ sức khỏe người cao tuổi và không để dịch bùng phát tại các trường học. Ông cũng cho rằng chính quyền Nga đã kịp thời có nhiều hành động ngăn ngừa covid-19.

Theo Tổng thống V. Putin, trên thế giới và ở LB Nga dịch covid-19 chưa tới đỉnh. Tại Nga, toàn xã hội cùng chung tay chống dịch là điều hết sức quan trọng, bảo đảm chế ngự những rủi ro; lúc này, sức khỏe và sự an toàn của người dân là mục tiêu hành động cao nhất.

1584864731_5444451

Kêu gọi toàn dân Nga, những người không phải thực hiện những công việc thiết yếu, cố gắng ở nhà càng nhiều càng tốt, Tổng thống V. Putin cũng tuyên bố trao thêm quyền hạn cho các nhà lãnh đạo địa phương để tăng cường biện pháp phòng chống dịch covid-19. Ngay sau bài phát biểu trước quốc dân, Tổng thống V. Putin đã ký Sắc lệnh về vấn đề này, theo đó, lãnh đạo các địa phương sẽ quyết định quy mô, mức độ áp dụng các biện pháp cách ly tùy theo tình hình thực tế tại chỗ, chẳng hạn, có thể đóng cửa ranh giới của địa phương để hạn chế phương tiện vận tải đến từ những khu vực khác; có thể cho ngừng hoạt động của một số tổ chức, doanh nghiệp và ban bố tình trạng khẩn cấp. Công tác chống dịch của các địa phương sẽ có sự điều phối của đại diện toàn quyền của Tổng thống ở các đại khu liên bang và toàn bộ mọi thông tin về hoạt động phòng chống dịch được chuyển về Ban chỉ đạo quốc gia.

Tại thủ đô Moskva và tỉnh Moskva đã ban bố tình trạng cách ly triệt để từ ngày 29/3. Nhiều khu vực khác của LB Nga sau đó cũng đã áp dụng biện pháp này.

Tính đến 9 giờ sáng ngày 3/4/2020 (giờ Hà Nội), ở Nga có 3546 người mắc covid-19, trong đó có 31 người chết, 254 người được điều trị khỏi bệnh.

Trong khi đó, trên thế giới đã có hơn 1 triệu người nhiễm nCoV và gần 53.000 người chết . Theo thống kê của Đại học John Hopskin (Mỹ), thế giới hiện ghi nhận 1.011.490 ca nhiễm và 52.863 ca tử vong do nCoV tại 204 quốc gia và vùng lãnh thổ. Có 210.186 người đã khỏi bệnh, chủ yếu ở Trung Quốc.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc dự kiến sẽ tổ chức phiên họp để thảo luận về covid-19. Đến ngày 2/4 đã có 9 nước ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, trong đó có Việt Nam, đề nghị tổ chức phiên họp này theo phương thức trực tuyến. Ngày giờ tiến hành phiên họp chưa xác định, nhưng dự kiến Tổng thư ký Liên hợp quốc sẽ tham gia họp.

lien-hop-quoc

Các nước trên khắp thế giới đang thực hiện các biện pháp quyết liệt khác nhau để ngăn chặn sự lây lan của virus corona.

Nhiều nước đã cho đóng cửa biên giới với các nước khác, trừ công dân của họ; áp đặt lệnh kiểm soát ngặt nghèo việc di chuyển trong nước, và yêu cầu mọi người ở trong nhà.

Một số biện pháp hạn chế nhập cảnh đầu tiên được áp dụng cho du khách đến từ Trung Quốc, nhưng sau đó các quốc gia khác đã được thêm vào danh sách khi virus bắt lây lan sang các nơi khác.

Nhật Bản, trước đây cấm nhập cảnh đối với du khách từ một số khu vực của Trung Quốc và Hàn Quốc, hiện đã mở rộng đến 21 quốc gia châu Âu và Iran, đồng thời yêu cầu những người đến từ Mỹ phải cách ly trong 14 ngày.

Úc và New Zealand đã cấm tất cả người nước ngoài nhập cảnh. Úc yêu cầu các công dân trở về từ nước ngoài phải cách ly trong hai tuần.

Singapore cũng không cho khách nước ngoài nhập cảnh và yêu cầu mọi công dân phải cách ly tại nhà 14 ngày.

Hàn Quốc thông báo bất cứ ai nhập cảnh vào nước này từ nước ngoài, bao gồm cả công dân của họ, sẽ phải tự cách ly trong hai tuần.

Ấn Độ đã tạm ngừng cấp thị thực cho người nước ngoài cho đến giữa tháng Tư.

Canada, Mỹ và Liên minh châu Âu cũng đã áp đặt các biện pháp hạn chế.

Liên minh châu Âu (EU) đã đóng cửa biên giới vào ngày 18/3 với bất kỳ ai ngoài EU trong ít nhất 30 ngày.

Mỹ đã đóng cửa biên giới phía bắc với Canada và ngăn chặn những người tìm cách vượt biên trái phép từ Mexico.

Trung Quốc, nơi bắt đầu bùng phát Covid-19, hiện đã cấm tất cả khách nước ngoài, lo ngại rằng các trường hợp nhiễm virus mới đang bắt đầu đến từ nước ngoài.

2603b

 Lệnh hạn chế đi lại ở các nước

Trên khắp thế giới, ngày càng nhiều quốc gia đặt ra các lệnh hạn chế di chuyển đối với công dân của mình.

Ý - nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh - bắt đầu lệnh phong tỏa toàn quốc vào 12/3, lệnh này đã được kéo dài hơn ngày kết thúc dự kiến ban đầu là 25/3, và dần dần được thắt chặt hơn.

Pháp và Tây Ban Nha cũng thông báo với người dân rằng khi cần đi đâu họ phải xin phép, và lệnh hạn chế này ngày càng được thắt chặt khi các ca nhiễm virus tiếp tục gia tăng.

Vương quốc Anh cũng tham gia cùng các nước khác trong việc áp đặt các hạn chế di chuyển trong nước, mặc dù người dân được phép ra ngoài một lần một ngày để mua sắm nhu yếu phẩm, vì lý do y tế hoặc đi làm nếu thực sự cần thiết.

Chính quyền ở Pháp, Tây Ban Nha, Ý và Anh đã công bố mức phạt cho những người không tuân thủ lệnh cấm. Tại Lombardy (Ý), mức phạt này lên tới 5.000 Euro.

Các lệnh phong tỏa ở Đức thay đổi đôi chút theo từng bang, nhưng vẫn cho phép mọi người rời khỏi nhà để hít thở chút không khí trong lành.

Hiện Mỹ đang áp các lệnh hạn chế di chuyển trên khắp các bang. California không cho phép người dân rời khỏi nhà trừ khi thực sự cần thiết và buộc các doanh nghiệp được coi là không thiết yếu phải đóng cửa.

New York, nơi có số ca mắc virus corona cao nhất ở Mỹ, cũng áp đặt lệnh phong tỏa.

Khi dịch bệnh bắt đầu ở Trung Quốc, chính quyền tại đây đã hạn chế đi lại trên toàn quốc yêu cầu người dân ở nhà, chỉ gần đây mới nới lỏng lệnh này. Tại tỉnh Hồ Bắc, nơi virus khởi phát, các hạn chế đi lại hiện đang được nới lỏng, cho phép một số người ở những nơi khác vào và ra. Thành phố Vũ Hán sẽ dỡ bỏ lệnh phong tỏa vào 8/4.

Ấn Độ đã áp đặt lệnh phong tỏa đối với 1,3 tỷ dân khi số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh.

Nga kêu gọi người dân ở trong nhà.

Nhiều quốc gia khác cũng đã hạn chế di chuyển ở các mức độ khác nhau. Thụy Điển là một ngoại lệ với ít lệnh hạn chế hơn các nước châu Âu khác.

Chỉ cần có một diện tích nhỏ trên bề mặt nào đó trong văn phòng bị lây nhiễm, virus có thể lan ra toàn bộ nơi làm việc chỉ sau vài giờ.

Trên toàn thế giới, hàng triệu người đã rời bỏ văn phòng, nơi có những chiếc bàn, ghế được sắp đặt cẩn thận, những ánh đèn huỳnh quang, những máy photocopy chạy rầm rầm, bởi Vhính phủ các nước đang yêu cầu nhân viên làm việc từ nhà.

Đây là những biện pháp nhằm nỗ lực chặn mức lây lan của virus corona chủng mới; người lao động được coi là an toàn hơn khi thực hiện cách ly tại nhà, và tránh việc gom lại thành nơi đông người nơi công sở, qua đó giảm bớt tốc độ lây lan của dịch bệnh covid-19.

Cấm làm việc ở các văn phòng tập trung đông người không phải chỉ là một biện pháp phòng ngừa - công sở từng là và hiện vẫn là những địa điểm chính làm lây lan mạnh virus và vi khuẩn.

Các nhà nghiên cứu đã cho thấy là các loại mầm bệnh, virus, vi khuẩn lân lan dễ dàng nơi văn phòng.

Krissi Hewitt, giám đốc nghiên cứu và sáng tạo chiến lược tại Trường Khọc học và Toán học North Carolina, đã nghiên cứu sự đa dạng và mức độ sinh sôi nảy nở nhanh chóng của đời sống vi sinh vật nơi công sở.

"Mọi người dành phần lớn thời gian cuộc sống hàng ngày của mình trong phạm vi làm việc, nơi họ chia sẻ khoảng không và dùng chung với nhau rất nhiều các bề mặt, làm tăng số lượng vi trùng, vi khuẩn trên bề mặt và trong không khí" - bà Krissi Hewitt cho biết.

Nói cách khác, nhiều bề mặt vật dụng ở công sở, nơi mọi người thường chạm tay vào, chính là nguồn nguy cơ cao gây lây lan virus, vi khuẩn. Càng nhiều đồng nghiệp chạm vào, nguy cơ lây lan càng cao.

Jonathan Sexton, nhà nghiên cứu tại Trường Y tế Cộng đồng thuộc Đại học Arizona, thấy rằng những vị trí như tủ lạnh, tay nắm ngăn kéo, cần gạt vòi nước, tay nắm cánh cửa và các ly cà phê thường là những điểm ô nhiễm nhất. Và virus  lan đi rất nhanh, theo nghiên cứu của Hiệp hội Vi sinh Hoa Kỳ.

Các nhà nghiên cứu đặt một mẫu phẩm virus vô hại vào một chỗ trên tay nắm cửa hoặc trên mặt bàn tại một toà nhà văn phòng. Khu vực đầu tiên bị nhiễm khuẩn này là phòng pha càphê -  Charles Gerba, nhà nghiên cứu đồng thời là nhà vi trùng học tại Đại học Arizona, cho hay. Chỉ trong vòng từ hai đến bốn tiếng đồng hồ, virus này đã được phát hiện trên từ 40% đến 60% tổng số nhân viên, khách đến thăm và các vật thể có nhiều người chạm tay vào trong toà nhà.

Luồng không khí lưu chuyển trong các văn phòng cũng làm lay lan vi trùng, vi khuẩn.

Bà Krissi Hewitt nói rằng ở môi trường trong nhà, đời sống vi trùng, vi khuẩn được lưu chuyển trong không khí và trong các hệ thống điều hoà không khí.

"Bảo dưỡng các hệ thống và các bộ lọc khí có tác động lớn trong việc các thành phần lây nhiễm bị thổi đi trong không khí như thế nào, cho nên các toà nhà không được bảo dưỡng đúng cách đối với các bộ phận lưu thông, lọc khí, hút ẩm và điều chỉnh nhiệt độ có thể sẽ khiến cho có nhiều vi khuẩn, vi trùng được thổi đi trong hệ thống điều hoà không khí".

Tình trạng kém vệ sinh từ các nhân viên văn phòng càng làm mức độ nghiêm trọng hơn: cuộc khảo sát được thực hiện tại Anh hồi 2019 cho thấy chỉ có 61% nhân viên văn phòng ở nước này rửa tay đúng cách với nước ấm và xà phòng sau khi vào nhà vệ sinh.

Virus trong không khí

Ngón tay bẩn và bàn làm việc là một chuyện, nhưng mối nguy lớn nhất trong chuyện lây lan virus là những gì bay lơ lửng trong không khí.

"Mối nguy lớn nhất không phải là đến từ toà nhà công sở mà là từ các nhân viên ốm bệnh" - Tiến sỹ Ali Khan, nhà dịch tễ học và là giáo sư Trường Y tế Công UNMC thuộc Đại học Nebraska, nói.

"Nếu như một người bị ốm bệnh, người đó có thể làm lây lan mầm bệnh khi họ ho hoặc hắt hơi, khi họ chạm vào các bề mặt hoặc tiếp xúc gần với các đồng nghiệp khác. Ngay cả khi họ ngồi ở bàn riêng thì mầm bệnh cũng có thể lây lan qua việc bay trong các hạt li ti mà họ làm bắn ra, là những hạt sẽ đậu xuống các bề mặt và gây lây nhiễm".

Những biện pháp khác

Tổ chức Y tế Thế giới đã kêu gọi các nước xét nghiệm càng nhiều càng tốt để tìm ra người bị nhiễm bệnh, từ đó có thể giúp ngăn chặn sự lây lan của virus. Nhưng đã có sự khác nhau lớn trong việc tiến hành xét nghiệm.

Hàn Quốc đã xét nghiệm nhiều nhất trong tổng dân số trong khi những nước khác xét nghiệm ít hơn nhiều, mặc dù hiện tại họ đang tăng lên.

Hoa Kỳ, nơi tương đối chậm chạp trong việc thực hiện chương trình xét nghiệm, đã mở rộng xét nghiệm trên toàn quốc.

Các nước khác đóng cửa các địa điểm tập trung đông người, ví dụ như trường học và viện.

Liên hợp quốc ước tính khoảng 87% những người đi học trên toàn thế giới đã bị ảnh hưởng do các trường học bị đóng cửa.

Cơ quan Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) cho hay tính đến 30/3, hơn 180 quốc gia đã đóng cửa trường học.

Đại dịch Covid-19 cũng có tác động lớn đến các sự kiện thể thao, vì các quốc gia đã tìm cách hạn chế các cuộc tụ họp đông người.

Đại hội Olympic mùa Hè và Paralympic Tokyo 2020 đã bị hoãn lại cho đến năm sau. Nhưng covid-19 cũng tác động lớn đến một loạt các sự kiện thể thao khác, bao gồm bóng đá, bóng bầu dục, đua xe Công thức 1, quần vợt, bóng chày, golf và những giải thể thao khác.

Nhiều sự kiện văn hóa và tôn giáo lớn trên khắp thế giới bị hủy bỏ, bao gồm các liên hoan phim, các sự kiện âm nhạc lớn và các cuộc hành hương tôn giáo.

                                                                ĐỨC HÀ   

Dòng sự kiện

Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn
Về khu tưởng niệm chiến tranh ở Kha-tưn, Cộng hòa Bê-la-rút.
THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI
Ngày Chiến thắng 9 tháng 5 rất đỗi thiêng liêng với mọi người dân Liên bang Nga.