Chính trị

Nga tuyên bố sẽ có biện pháp đáp trả tương xứng nếu Mỹ rút khỏi INF, nhưng sẵn sàng làm việc với Mỹ

Vấn đề giải trừ vũ khí giữa Nga và Mỹ đang nóng lên căng thẳng. Trong những ngày qua, sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF) ký năm 1987, các nhà lãnh đạo Nga đã nêu rõ lập trường của Nga.

Cảnh báo rủi ro nếu Mỹ triển khai tên lửa ở châu Âu

Phát biểu trong cuộc họp báo tại Moskva ngày 25/10 sau hội đàm với Thủ tướng Italia Giuseppe Conte, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố: “Nga có khả năng đáp trả nhanh chóng và hiệu quả mọi hành động có thể có của Mỹ nếu Mỹ rút khỏi INF; nếu Mỹ triển khai tên lửa ở châu Âu thì Nga sẽ buộc phải thực hiện những biện pháp đáp trả tương xứng”.

Tổng thống Nga nêu rõ Moskva lo ngại về việc Mỹ một mạch rút khỏi những hiệp định hạn chế gia tăng vũ trang, đồng thời ông khẳng định Nga sẵn sàng làm việc với Mỹ “mà không cần những tuyên bố căng thẳng ầm ĩ”.

Hội đàm cấp cao Nga - Italia

Hội đàm cấp cao Nga - Italia

Tổng thống Nga cũng nhấn mạnh “những nước châu Âu chấp thuận cho Mỹ triển khai tên lửa phải hiểu rằng, với hành động đó họ đặt lãnh thổ của mình trước nguy cơ có thể phải hứng chịu đòn đáp trả”. “Nói chung, tôi không hiểu liệu có nên đẩy châu Âu tới một mức độ nguy hiểm cao như vậy hay không, nhưng tôi nhắc lại rằng đó không phải là lựa chọn của chúng tôi, chúng tôi không mong muốn điều đó. Còn với câu hỏi liệu chúng tôi có khả năng đáp trả hay không thì tôi xin trả lời là có khả năng và sự đáp trả sẽ rất nhanh chóng, hiệu quả” – Tổng thống Vladimir Putin nói.

Tổng thống Nga cho biết rắc rối xung quanh Hiệp ước INF nảy sinh “không phải hôm qua hay mấy ngày trước”, khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút ra khỏi Hiệp ước. Ông Putin nhắc lại rằng Quốc hội Mỹ đã phê chuẩn việc tiến hành các hoạt động nghiên cứu khoa học và thiết kế - thử nghiệm tên lửa tầm trung và tầm ngắn, vấn đề này cũng đã đưa vào ngân sách quốc phòng mới của Mỹ.

Nhà lãnh đạo Nga nói thêm, Moskva lo ngại về việc loại bỏ Hiệp ước hạn chế các hệ thống đánh chặn tên lửa mà Tổng thống Bush (con) đã đơn phương rút ra từ tháng 12/2001. Còn hiện nay là INF. Và  triển vọng số phận của Hiệp ước hạn chế vũ khí tiến công chiến lược START III cũng không rõ ràng. “Nếu toàn bộ những cái đó bị phá bỏ thì trong lĩnh vực hạn chế gia tăng vũ trang chẳng còn rào cản nào nữa. Theo tôi, khi đó tình hình sẽ hết sức nguy hiểm. Sẽ chỉ còn con đường chạy đua vũ trang chứ không còn gì nữa” – Tổng thống V. Putin nhấn mạnh.

Ông Putin cũng nêu rõ, Mỹ bào chữa cho quyết định rút khỏi INF bằng cáo buộc dường như Nga vi phạm Hiệp ước. Nhưng Washington chẳng những không đưa ra được bằng chứng nào mà còn vi phạm Hiệp ước với việc triển khai tại Rumani các bệ phóng của hệ thống đánh chặn tên lửa, mà những cơ sở này có thể thay đổi phần mềm để thực hiện việc phóng tên lửa tấn công chứ không phải là đánh chặn.

Về phần mình, tại cuộc họp báo, Thủ tướng Italia Giuseppe Conte cho biết Italia lo ngại trước khả năng Mỹ rút khỏi INF; ông dự kiến sẽ khẳng định với Tổng thống Donald Trump là Italia sẽ làm hết sức mình để duy trì kênh đối thoại về vấn đề này.

Hiện đại hóa quân đội là phương hướng then chốt để bảo vệ an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ

Ngày 25/10, phát biểu tại Điện Kremli trong buổi lễ trao quyết định thăng quân hàm và bổ nhiệm chức vụ cho nhiều sĩ quan cao cấp và kiểm sát viên cao cấp, Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh: “Một trong những phương hướng then chốt trong hoạt động của chúng ta là phát triển các lực lượng vũ trang. Một lần nữa tôi tuyên bố Nga không đe dọa ai cả. Chúng ta tuân thủ nghiêm ngặt những cam kết của mình trong lĩnh vực an ninh quốc tế và kiểm soát vũ khí. Chúng ta luôn luôn cởi mở cho những hoạt động xây dựng, hợp tác vì sự ổn định trên thế giới. Nhưng nghĩa vụ của chúng ta là làm tất cả những gì cần thiết để bảo vệ vững chắc Tổ quốc chúng ta trước mọi nguy cơ tiềm tàng. Vì thế, chúng ta sẽ tiếp tục hiện đại hóa quân đội và hải quân, trước hết là trong khuôn khổ Chương trình quốc gia mới về vũ trang được triển khai thực hiện từ năm nay. Trọng tâm của chương trình là thiết kế, chế tạo và cung ứng cho quân đội những loại vũ khí, khí tài đầy triển vọng. Nhiều loại trong số đó ngay trong thời gian tới sẽ sẵn sàng cho việc sản xuất hàng loạt. Xét về đặc tính kỹ thuật – tác chiến thì những loại vũ khí đó hơn hẳn sản phẩm của nước ngoài, còn một số loại thì trên thế giới chưa có sản phẩm tương tự”.

Tổng thống V. Putin phát biểu trong buổi lễ

Tổng thống V. Putin phát biểu trong buổi lễ

Tổng thống Nga cũng nêu rõ: “Cần phải nâng cao trình độ tác chiến và mức độ sẵn sàng chiến đấu của quân đội. Ở đây cần khai thác tối đa kinh nghiệm tác chiến tại Syria, phải lưu ý tính chất của những mối đe dọa tiềm tàng, phải giải quyết những nhiệm vụ phức tạp hơn, đa dạng hơn… Tất nhiên là chúng ta sẽ phát huy những truyền thống chiến đấu vẻ vang của Tổ quốc. Trong năm nay các cơ quan quân chính đã được thành lập trong các lực lượng vũ trang. Mục đích của những cơ quan này là giáo dục thế hệ chiến sĩ trẻ tinh thần yêu nước, lòng trung thành với nghĩa vụ quân nhân, có trách nhiệm với Tổ quốc. Đã từ lâu, trong nhiều Thế kỷ qua, những giá trị đó đã làm nền tảng tinh thần, đạo đức cho quân đội Nga, nuôi dưỡng ý chí quyết thắng của quân đội Nga. Trong tương lai vẫn sẽ phải như vậy”.

 Nguy cơ chiến tranh và sẵn sàng đối phó với chiến tranh

Ngày 26/10, trong cuộc thảo luận tại Ủy ban Liên hợp quốc về kiểm soát vũ khí ở New York, các đại diện Nga và Mỹ đã tranh luận nảy lửa về số phận của Hiệp ước tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF) mà Tổng thống Mỹ vừa tuyên bố ý định rút bỏ.

Trụ sở Liên hợp quốc tại New York (Mỹ)

Trụ sở Liên hợp quốc tại New York (Mỹ)

Phía Nga đề nghị Ủy ban này của LHQ xem xét dự thảo nghị quyết do Nga đưa ra nhằm ủng hộ INF. Đại diện Mỹ phản đối và cho rằng Nga vi phạm INF, Nga “chuẩn bị chiến tranh”… Đại diện Nga, ông Andrey Belousov, Phó Vụ trưởng Bộ Ngoại giao Nga về không phổ biến và kiểm soát vũ khí, nêu rõ: “Cũng sử dụng từ “chiến tranh” nhưng giữa Nga và Mỹ chỉ khác nhau… một chút, khác nhau một giới từ. Đó là: Mỹ chuẩn bị chiến tranh với việc rút khỏi INF, còn Nga thì chuẩn bị đối phó với chiến tranh – đối phó với cuộc chiến tranh đó để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ những nguyên tắc, những giá trị của mình, bảo vệ nhân dân…”.

                                                                                                       THẢO TÙNG

Dòng sự kiện

Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn
Về khu tưởng niệm chiến tranh ở Kha-tưn, Cộng hòa Bê-la-rút.
THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI
Ngày Chiến thắng 9 tháng 5 rất đỗi thiêng liêng với mọi người dân Liên bang Nga.