Nhịp cầu cộng đồng

THANH LƯƠNG TRÀ VÀ BÀI HÁT ‘CÂY THÙY DƯƠNG”

Có lẽ không ai trong chúng ta lại chưa một lần được nghe giai điệu dịu dàng đậm đà chất Nga của bài hát “Cây thuỳ dương”. Giai điệu ấy đã quá thân quen, đặc biệt với những người từng có những kỷ niệm với nước Nga.

Với người Nga, mặc dù đã hơn nửa Thế kỷ trôi qua kể từ khi bài hát ra đời, “Cây thuỳ dương” vẫn song hành cùng bao thế hệ, vẫn mang lại những cảm xúc tươi mới. Tuy nhiên, với không ít khán, thính giả Việt Nam, hình tượng cây thuỳ dương trong bài hát vẫn là một cái  gì đó còn mơ hồ.

Cây thanh lương trà…

Chiêm ngưỡng thiên nhiên của nước Nga vào bất cứ mùa nào trong năm, không ai có thể bỏ qua vẻ đẹp của một loài cây với những bông hoa trắng nhỏ xíu và những chùm trái tròn màu đỏ rực, màu hồng, màu da cam. Loài cây ấy đã đi vào thơ ca, nhạc hoạ, đã được coi như một phần không thể thiếu của thiên nhiên, của văn hoá, của đời sống của dân tộc Xlavơ nói chung và người dân Nga nói riêng.  Đó chính là cây thanh lương trà, tên tiếng Nga là riabina (рябина) – «nhân vật chính» trong bài hát tiếng Nga «Уральская рябинушка” (Cây thanh lương trà vùng Uran) mà các khán, thính giả Việt Nam vẫn quen gọi là bài hát «Cây thuỳ dương».

Thanh lương trà mùa Hè

Thanh lương trà mùa Hè

Trong tín ngưỡng cổ xưa, thanh lương trà được coi là loài cây sở hữu một sức mạnh ma thuật đặc biệt giúp bảo vệ những người lính trong chiến trận, bảo vệ con người trước những ảnh hưởng của thế giới âm linh và giúp chống lại mọi phép ma thuật. Lá thanh lương trà từng được dùng để tết thành những đôi giầy dành cho cô dâu và chú rể trong ngày cưới. Tục truyền rằng nếu nhổ bỏ hoặc làm gãy cành thanh lương trà mọc trong sân nhà thì đó là một điềm xấu. Nếu quan sát kỹ, bạn sẽ nhận ra rằng phía dưới trái cây có núm hình sao năm cánh – đây là một trong những biểu tượng quan trọng nhất của đa thần giáo – biểu tượng của sự bảo vệ, che chở.

Quả thanh lương trà không chỉ đơn thuần để tô điểm thiên nhiên, chúng còn được dùng để sản xuất phẩm nhuộm hữu cơ màu đỏ để nhuộm vải, được dùng để sản xuất rượu, bia, mứt, thạch... Quả thanh lương trà rất giàu vitamin C, có vị chua, hơi chát. Các bà nội trợ Nga khuyên rằng nếu bạn muốn dùng trái thanh lương trà như một món ăn thì hãy để chúng vào ngăn đá tủ lạnh, bởi sau lần đông đá đầu tiên, vị chát sẽ giảm đáng kể.

Thanh lương trả mùa Thu

Thanh lương trả mùa Thu

Đầu mùa Hè, mùi thơm của hoa thanh lương trà có sức quyến rũ đặc biệt với những bầy ong. Mùa Thu, lá cây chuyển sang màu vàng cam hoặc màu đỏ thắm, còn về mùa Đông, khi đa phần cây cối chỉ còn trơ lại những cành khẳng khiu, thì những chùm quả thanh lương trà đỏ, hồng, vàng… lại chính là những điểm nhấn khiến cho khung cảnh giá lạnh phủ một màu tuyết trắng trở nên sinh động và hấp dẫn hơn. Thanh lương trà được coi là một trong những loại cây cảnh đặc biệt của thiên nhiên nước Nga. Có thể do thanh lương trà mang nhiều vẻ đẹp khác nhau trong cả bốn mùa Xuân - Hạ - Thu –Đông nên loại cây này đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác của nhiều nghệ sĩ… Và hai tác giả của bài hát «Cây thuỳ dương» - nhạc sĩ Épgheni Rôđưghin và nhà thơ Mikhain Pilitren cô cũng không phải là ngoại lệ.

...và “Cây thuỳ dương”

Giai điệu “Cây thuỳ dương” có sức quyến rũ lạ thường. Bạn có thể nghe một lần, hai lần… nhiều lần mà vẫn còn muốn thưởng thức thêm nữa! Rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, nhiều dàn đồng ca, dàn nhạc lớn của Nga đã thể hiện bài hát này. Bạn hãy thử một lần nghe kỹ phần nhạc đệm thì sẽ nhận  ra rằng nếu có sự góp mặt của tiếng đàn balalaica – một loại nhạc cụ dân tộc của Nga, thì thì sức cuốn hút của giai điệu bài hát sẽ nhân thêm bội phần, sẽ vui nhộn hơn, gợi nhớ tới hình ảnh những chùm thanh lương trà nặng trĩu lay động trong gió và những lớp sóng lăn tăn chạy trên bề mặt những dòng sông uốn khúc quanh những cánh đồng bạt ngàn xanh.

Niềm vui với thanh lương trà !

Niềm vui với thanh lương trà !

Được sáng tác từ những năm 50 của Thế kỷ trước, bài hát “Cây thuỳ dương”  đến nay vẫn được được hàng triệu triệu người yêu thích. Không yêu sao được khi cả giai điệu và lời thơ đều đẹp. Đề cập sức sống dài lâu của “Cây thuỳ dương”, các nhà phê bình âm nhạc Nga cho rằng trong mọi thời đại bài hát không chỉ được cảm nhận bằng tâm hồn, mà bằng trái tim của cả một dân tộc. Thưởng thức bài hát, người nghe dường như đang được chiêm ngưỡng vẻ hùng vĩ , thơ mộng của thiên nhiên nước Nga, khơi gợi niềm tự hào dân tộc. Không phải ngẫu nhiên mà “Cây thuỳ dương” được đưa vào danh sách những kiệt tác âm nhạc Nga sống mãi với thời gian .

Còn với tên gọi “Cây thuỳ dương”, có thể người dịch chỉ đặt mục đích chọn một cái tên phù hợp với cách gieo vần trong thơ tiếng Việt. Tuy nhiên, điều đó không quan trọng. Bạn có thể yêu thích một bài hát được thể hiện bằng thứ tiếng mà bạn không hiểu. Âm nhạc chẳng bao giờ có biên giới ngăn cách. Và bài hát “Cây thuỳ dương” cũng vậy. Giai điệu bài hát ấy vẫn không ngừng vang lên hôm qua, hôm nay và mãi mãi về sau. Một đất nước chỉ cần có một vài giai điệu như thế cũng đủ để cho cả thế giới phải nhắc tới, phải ngưỡng mộ.

                                                                                             Bài và ảnh: HỒ THẮM

Dòng sự kiện

Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn
Về khu tưởng niệm chiến tranh ở Kha-tưn, Cộng hòa Bê-la-rút.
THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI
Ngày Chiến thắng 9 tháng 5 rất đỗi thiêng liêng với mọi người dân Liên bang Nga.