Chính trị

Tổng thống Nga sẵn sàng hợp tác với phe đối lập

Báo chí Phương Tây thường hay nói quá về phe đối lập Nga - thường vẽ lên hình ảnh phe đối lập rất mạnh và bị chính quyền đàn áp. Thực hư thế nào?

Sau khi nhân vật đối lập Alexei Navalny không được đăng ký tranh cử Tổng thống Nga năm 2018 vì đang chịu án tù treo 5 năm trong một vụ án kinh tế, báo chí phương Tây đã giật những đầu đề rất “kêu”, đại loại như “Đối thủ chính của Putin đã bị loại” (?)… Liệu Alexei Navalny và nhiều nhà đối lập khác ở Nga có phải là đối thủ nặng ký của ông Putin? Phe đối lập hiện hữu ở Nga như thế nào? Kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Nga ngày 18/3 cho thấy 7 ứng cử viên đối lập đều bị ông Putin bỏ xa về số phiếu.

Nhân dịp sắp đến lễ nhậm chức của Tổng thống V. Putin (ngày 7/5/2018), cùng tìm hiểu nguồn gốc, thực trạng và thực lực của lực lượng đối lập Nga hiện nay.

                                                             Sinh ra trong buổi hoàng hôn của Liên bang Xô-viết

Nguồn gốc của lực lượng đối lập chính trị ở Nga có từ thời Xô-viết. Đó là những năm Liên Xô lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng trong điều kiện cuộc cải tổ được Mikhail Gorbachov khởi xướng gây ra  nhiều hệ lụy. Năm 1990, Điều 6 của Hiến pháp Liên Xô thể chế hóa vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô bị xóa bỏ và tháng 12/1991 siêu cường này sụp đổ. Chính trong những ngày tháng cuối thời Xô-viết, phe đối lập chính trị được hình thành - ở vị thế chống lại đường lối thân phương Tây, chống lại những chính sách làm suy yếu Liên bang của Tổng thống M. Gorbachov.

Một cuộc tuần hành của Liên minh

Một cuộc tuần hành của Liên minh "Nước Nga khác"

Vào những năm đầu nước Nga độc lập, dưới thời Tổng thống Boris Yeltsin, phe đối lập Nga bao gồm nhiều lực lượng chính trị khác nhau. Đó là những người cộng sản, cánh tả, các lực lượng dân tộc – yêu nước chống lại đường lối thân phương Tây ở thế yếu, xa rời các đối tác truyền thống của Moskva và chính sách phát triển kinh tế thị trường “dã man” với liệu pháp sốc của chính quyền Yeltsin. Phe đối lập Nga lúc đó khá mạnh, tập hợp thành đa số trong Quốc hội và bằng con đường nghị viện đã ngăn cản nhiều chính sách, biện pháp của chính quyền Yeltsin, tạo nên thế đối đầu rất quyết liệt, căng thẳng trên chính trường Nga. Tháng 10/1993, Yeltsin đã ra lệnh quân đội điều xe tăng đến nã pháo vào tòa nhà Quốc hội Nga ở trung tâm Moskva, đập tan sự thách thức công khai cứng rắn của phe đối lập. Ngay sau đó, chính quyền Yeltsin tung ra bản dự thảo Hiến pháp mới và tổ chức trưng cầu ý dân thông qua. Phe đối lập Nga được pháp luật thừa nhận, tiếp tục tồn tại dưới nhiều màu sắc.

Nhiều màu sắc, đa dạng tên gọi

Phe đối lập ở Nga –các chính đảng, phong trào, tổ chức, đoàn thể không đồng tình với đường lối, chính sách của chính quyền, thậm chí đòi thay đổi chính quyền – chưa bao giờ là một khối thống nhất và cũng chưa bao giờ có thủ lĩnh chung. Giới chính trị và học giả thường phân biệt hai khối đối lập chủ yếu ở Nga là đối lập “xây dựng” và đối lập “quyết liệt”. Vài năm gần đây thịnh hành khái niệm “đối lập trong hệ thống” để nói về những chính đảng đối lập có chân trong Đu-ma quốc gia như Đảng Cộng sản Liên bang Nga, Đảng Dân chủ Tự do Nga, Đảng Nước Nga công bằng. Phe đối lập “trong hệ thống” có điều kiện để tiến hành đấu tranh với chính quyền bằng con đường nghị trường.

G. Kasparov, A. Navalnyi và các nhân sự hàng đầu của lực lượng đối lập

G. Kasparov, A. Navalnyi và các nhân sự hàng đầu của lực lượng đối lập "ngoài hệ thống" ở Nga

Ngược lại, “đối lập ngoài hệ thống” là khái niệm để chỉ tất cả những lực lượng đối lập không vào được Quốc hội qua các cuộc bầu cử, họ chỉ có thể gây tác động đến chính quyền bằng các cuộc biểu tình, tuần hành, tuyên truyền và nhiều hoạt động bề nổi khác. Mỗi khối đối lập, dù “trong” hay “ngoài  hệ thống”, đều có rất nhiều lực lượng với quan điểm chính trị và chủ trương hành động rất khác nhau, thậm chí đối kháng nhau.

Không thể thống nhất

Suốt nhiều thập niên qua, “phe đối lập ngoài hệ thống” ở Nga không chỉ một lần tìm cách hợp nhất để tăng cường sức mạnh gây áp lực lên chính quyền. Khá nổi tiếng một thời là liên minh “Nước Nga khác”, thành lập năm 2006, bao gồm một số chính đảng lớn, như đảng PARNAS theo xu hướng tự do, đảng “Mặt trận cánh tả”, tổ chức “Ký ức” theo chủ nghĩa dân tộc cấp tiến… Tháng 10/2012, liên minh “Nước Nga khác” đã bầu ra Hội đồng điều phối nhưng Hội đồng này không tập hợp, tổ chức được những hoạt động chung.

Phân liệt sau sự kiện Crưm 

Điều đáng chú ý là các vấn đề đối ngoại thường gây bất đồng sâu sắc trong các lực lượng đối lập chính trị Nga. Nhiều phe nhóm đối lập có quan điểm ủng hộ chính quyền trong chính sách với Mỹ và phương Tây, trong việc củng cố sức  mạnh quân sự, tăng cường vị thế của nước Nga trên trường quốc tế.

Tháng 3/2014, sự kiện Crưm sáp nhập vào Nga đã gây phân liệt sâu sắc trong phe đối lập “dân chủ” Nga, dẫn tới sự hình thành ba “phe phái” chính: phe thân phương Tây lên án việc sáp nhập Crưm, trong đó có nhà vô địch cờ vua Garri Kasparov, cựu Phó Thủ tướng Nga Boris Nemtsov; phe “độc lập”, trong đó có Grigori Yavlinski và đảng Yabloko, thì sẵn sàng tôn trọng sự lựa chọn của người dân Crưm “nếu có một hội nghị quốc tế giữa các nước và tiến hành trưng cầu ý dân Crưm một cách dân chủ”; và phe ủng hộ Crưm thống nhất với LB Nga. Phe này bị các lực lượng đối lập “dân chủ” loại ra khỏi hàng ngũ của mình. Trong các lực lượng đối lập dân tộc chủ nghĩa cũng có sự phân liệt, đa số những đảng và phong trào ủng hộ sáp nhập Crưm vào Nga đã hợp tác nhiều hơn với các cơ quan bảo vệ pháp luật, ít tham gia những cuộc biểu tình phản kháng.

Mùa Xuân 2015 lực lượng đối lập “dân chủ - tự do” lại tìm cách thống nhất đội ngũ. Tháng 5/2015 đã hình thành “Liên minh dân chủ” gồm các Đảng RPR-PARNAS, Tiến bộ, Sự lựa chọn dân chủ, Cương lĩnh công dân, Tự do, Đảng “Ngày 5 Tháng Chạp”… Những phe nhóm đối lập chống chính quyền quyết liệt nhất thì chủ trương tẩy chay bầu cử vì cho rằng “chính quyền thao túng kết quả” và những nhóm này trở nên bất đồng, mâu thuẫn với nhiều nhóm đối lập dân chủ khác.

Chủ yếu là hoạt động đường phố

Những hoạt động lớn của phe đối lập dân chủ Nga trước đây thường là biểu tình, tuần hành dưới nhiều tên gọi. Như “Cuộc tuần hành của những người bất đồng” do liên minh “Nước Nga khác” tổ chức đòi dân chủ hóa nước Nga, diễn ra ở các thành phố lớn trong những năm 2005-2008; “Ngày nổi giận” là những cuộc  mít tinh phản đối chính sách kinh tế - xã hội của chính quyền, đòi tự do chính trị và tự quản ở địa phương (những năm 2009 – 2011); phong trào “Chiến lược 31” là những hoạt động phản kháng đòi tự do hội họp được tổ chức vào ngày 31 của những tháng đủ ở 40 thành phố nước Nga trong các năm 2009-2014, có lúc đã thu hút gần 2 nghìn người tham gia ở Moskva; hoạt động thu thập chữ ký dưới khẩu hiệu “Putin phải ra đi” đòi Vladimir Putin từ chức được tiến hành từ năm 2010; mít tinh đòi tổ chức bầu cử “trong sạch”; mít tinh chống tham nhũng tại 82 thành phố Nga ngày 26/3/2017; hoạt đông công bố các “hồ sơ tham nhũng” tố cáo lãnh đạo Nhà nước v.v….

“Đại hội đồng” song song với Nghị viện

Lực lượng đối lập Nga cũng từng toan tính tổ chức những “cơ quan” như kiểu nghị viện để biểu dương lực lượng và công kích chính quyền. Tháng 5/2008, không được các cơ quan hữu trách Nga đăng ký cho tham gia cuộc bầu cử Đuma quốc gia năm 2007 và bầu cử Tổng thống năm 2008, các thủ lĩnh của liên minh “Nước Nga khác” tổ chức “Đại hội đồng dân tộc Liên bang Nga” với ý tưởng lập ra một mô hình tương tự Đuma quốc gia Nga mà trong đó các phe phái dân tộc chủ nghĩa, tự do dân chủ và cực tả… cùng nhau là việc. Đại hội đồng đã có sự tham gia của 500 nhà đối lập chính trị đại diện 85 tổ chức xã hội và chính đảng đủ màu sắc ở nhiều địa phương Nga. Tuy nhiên, không lâu sau đó Đại hội đồng giải thể vì các thành viên không thể phối hợp hoạt động với nhau.

Một cuộc biểu tình công kích bầu cử của lực lượng đối lập Nga

Một cuộc biểu tình công kích bầu cử của lực lượng đối lập Nga

Sau này, trong các năm 2011 – 2013, phe đối lập dân chủ Nga đã tổ chức nhiều diễn đàn khác nhau để khuấy động hoạt động chống chính quyền nhưng vẫn không tập hợp được lực lượng đáng kể vì không có “ngọn cờ” và thủ lĩnh đủ uy tín. Những nhân vật đối lập cộm cán một thời như cựu Thủ tướng Mikhail Kasyanov, vua cờ Garri Kasparov, cựu Phó Thủ tướng Boris Nemtsov… đều “lặn mất tăm” trên vũ đài phe đối lập (Boris Nemtsov sang hoạt động tại Ukraina, trong một lần trở về Nga thì bị sát hại tại Moskva).

"Bầu sữa" nào?

Một vấn đề rất được dư luận quan tâm là nguồn tài chính của các tổ chức đối lập Nga. Về mặt chính thức, những tổ chức này công bố nhận được các nguồn tiền khác nhau, bằng sự ủng hộ, giúp đỡ của các nhà doanh nghiệp (chẳng hạn, một thời đó là các nhà tài phiệt Boris Berezovski, Mikhail Khororkovski…), hay sự đóng góp của các cá nhân… Trong khi đó, các cơ quan chức năng Nga đã nhiều lần khẳng định các tổ chức đối lập Nga đã nhận được tiền của nước ngoài.

Cho đến nay các phe nhóm đối lập “ngoài hệ thống” ở Nga không có cương lĩnh rõ ràng, không thống nhất, không có thủ lĩnh mạnh. Chống chính quyền, nhưng họ không đưa ra được chương trình hành động đáng cho dư luận quan tâm. Đây là một trong những lý do quan trọng khiến cho dư luận Nga rộng rãi không ủng hộ phe đối lập. Trong một cuộc thăm dò năm 2013 của Trung tâm điều tra dư luận “Levada”, chỉ 6% số người được hỏi ý kiến tán thành hoạt động của Alexei Navalny, người mà phương Tây cho là “đối thủ chính của Putin”, 35% không chia sẻ quan điểm của nhân vật này và 59% hoàn toàn không biết gì về Navalny.

Đối lập “trong hệ thống”

Trong Đuma quốc gia Nga khóa 7 hiện nay có đại diện của 4 chính đảng lớn, theo thứ tự số lượng ghế đại biểu là Đảng Nước Nga thống nhất, Đảng Cộng sản Liên bang Nga (KPRF), Đảng Dân chủ Tự do Nga (LDPR) và Đảng Nước Nga công bằng (SR). KPRF, LDPR và SR là ba đảng đối lập, song không phải là “đối lập triệt để” - không chống lại mọi chính sách của chính quyền. Trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2018 có 8 ứng cử viên thì ngoài đương kim Tổng thống Putin, 7 ứng cử viên khác là đại diện của các lực lượng đối lập khác nhau – đối lập với Tổng thống Putin, với Đảng Nước Nga thống nhất. Và như kết quả bầu cử cho thấy, trừ đại diện của Đảng Cộng sản Liên bang Nga là giành được trên 10% số phiếu, 6 ứng cử viên đối lập khác chỉ có sự ủng hộ rất thấp của cử tri Nga.

Phát biểu tại Hội nghị toàn thể Ủy ban Trung ương KPRF ngày 3/4/2018 xem xét kết quả cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua, Chủ tịch KPRF G. Ziuganov cho rằng “hiện nay chỉ có KPRF là lực lượng đối lập có thực lực” ở Nga, sẵn sàng thương lượng nghiêm chỉnh với chính quyền để xây dựng đường lối mới phát triển đất nước”. Ông G. Ziuganov đánh giá “vị thế của LDPR đã suy yếu hẳn, còn triển vọng của Đảng Nước Nga công bằng (SR) thì còn mờ mịt hơn nữa; SR không dám giới thiệu ứng cử viên của mình ra tranh cử Tổng thống và đã đi đến điểm cuối vòng đời của mình”.

Tổng thống Putin sẵn sàng hợp tác

Tổng thống Nga Vladimir Putin luôn luôn khẳng định Nhà nước Nga phát triển theo con đường dân chủ với những đặc điểm văn hóa, lịch sử của Nga. Đối với lực lượng đối lập, ông kêu gọi họ có lập trường xây dựng, đề xuất được những chương trình hành động vì lợi ích dân tộc, vì nhân dân, thúc đẩy hòa hợp xã hội, bảo đảm sự ổn định của đất nước. Trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Mỹ NBC ngày 10/3/2018,  Tổng thống Putin tuyên bố sẵn sàng hợp tác với phe đối lập để làm cho nước Nga mạnh hơn, có sức cạnh tranh cao hơn. Trong cuộc họp báo lớn cuối năm 2017, ông Putin cũng khẳng định nước Nga “cần có lực lượng đối lập có trách nhiệm” và nhấn mạnh ông sẽ nỗ lực để tạo ra một môi trường chính trị có cạnh tranh ở trong nước. Và ngày 19/3, ngay sau khi tái đắc cử, Tổng thống Putin đã họp với 7 ứng cử viên vừa tham gia cuộc đua vào Điện Kremlin, kêu gọi họ cùng hợp tác để xây dựng, phát triển đất nước. Trong phát biểu của mình, ông Putin nhấn mạnh, sự ủng hộ mà cử tri Nga dành cho ông vừa là sự đánh giá kết quả của những năm qua vừa thể hiện hy vọng về những chuyển biến tốt đẹp hơn trong tương lai. Ông Putin cũng khẳng định tôn trọng và quan tâm đến lập trường, nguyện vọng của những cử tri đã bỏ phiếu cho các ứng cử viên đối lập; với tư cách Tổng thống – đại diện cho lợi ích của quốc gia, của toàn dân tộc -, ông sẽ hành động vị sự ổn định và phồn vinh của nước Nga.

                                                                                   ĐỨC HÀ

Dòng sự kiện

Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn
Về khu tưởng niệm chiến tranh ở Kha-tưn, Cộng hòa Bê-la-rút.
THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI
Ngày Chiến thắng 9 tháng 5 rất đỗi thiêng liêng với mọi người dân Liên bang Nga.