TƯƠNG LAI NƯỚC NGA NĂM 2020
NĂM 2020 RẤT GẦN RỒI. NHƯNG CHÚNG TA HÃY CÙNG ĐỌC PHẦN TRÍCH TỪ MỘT CUỐN SÁCH DỰ BÁO ĐƯỢC XUẤT BẢN NĂM 2015 ĐỂ TỰ ĐỐI CHIẾU VỚI DIỄN BIẾN THỰC TẾ.
Dưới đây là phần kết cuốn sách “Nga và thế giới năm 2020. Những đường nét một tương lai đầy lo ngại” của một nhóm tác giả xuất bản tại Mátxcơva năm 2015. Phần này do Anđrây Xusenxốp viết. Ông là chuyên gia về Mỹ, tiến sỹ khoa học chính trị (2011), lãnh đạo hãng phân tích “Chính sách đối ngoại”, chuyên gia của câu lạc bộ Vanđai, bình luận viên của “Lenta.ru”, phó giáo sư bộ môn phân tích ứng dụng các vấn đề quốc tế của Học viên QHQT Mátxcơva.
Anđrây Xusenxốp viết: “Bất kỳ một nhà lãnh đạo quốc gia nào cũng mong muốn để lại di sản một đất nước thành công hơn lúc nhậm chức. 15 năm qua giới lãnh đạo Nga đã làm được điều đó. Tuy nhiên, những thành công nhanh chóng trong ngắn hạn không được làm lóa mắt và triệt tiêu triển vọng thắng lợi về chiến lược. Đối với Nga, công thức của thắng lợi là tối thiểu phải có 20 năm phát triển ổn định và liên tục.
... Kinh nghiệm lịch sử giúp cho xã hội Nga và giới tinh hoa nước Nga vững vàng trước những thử thách. Trong số tất cả các trung tâm Xlavơ thời Trung cổ thì chính Mátxcova, chứ không phải Nôvgôrốt, Kiép hay Vinna, đã trở thành trung tâm tích tụ đất đai của Nga – chế độ quản lý và quân sự - chính trị của Mátxcơva đã tỏ ra có sức sống nhất trong điều kiện đồng bằng Đông châu Âu. Nước Nga tồn tại trong các đường biên giới hiện tại (không kể Bắc Cápcadơ và khu Khabarốpxcơ) từ thời Piốt Đệ nhất đã hơn ba Thế kỷ. Sự hình thành và tồn tại Nhà nước lớn nhất hành tinh trong cuộc đấu tranh quyết liệt là thành tựu không thể phủ nhận của dân tộc Nga.
Nhưng bên cạnh những lợi thế có một không hai, Nhà nước Nga cũng có một số điểm yếu. Cần nhớ rằng, điều kiện lịch sử chủ yếu để phát huy những lợi thế của nước Nga là môi trường hòa bình và ổn định chính trị trong nước, hai yếu tố nay gắn liền nhau. Sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử Nga những Thế kỷ gần đây là luận điểm của Thủ tướng Piốt Xtôlưpin: hãy cho nước Nga 20 năm yên bình, rồi các vị sẽ không còn nhận ra nước Nga. Rất tiếc là lịch sử không phải bao giờ cũng để cho nước Nga được thảnh thơi. Hiện nay cũng vậy.
Piốt Arơcađevích Xtôlưpin - Пётр Арка́дьевич Столы́пин – sinh ngày 2/4/1862, mất ngày 5/9/1911, là một nhà lãnh đạo của đế chế Nga, từng giữ nhiều chức vụ khác nhau, từ Thống đốc tỉnh đến Bộ trưởng Nội vụ và Thủ tướng. Trong lịch sử Nga đầu Thế kỷ 20, ông được coi là một nhà cải cách. Tháng 4/1906, ông được Hoàng đế Nga Nicôlai Đệ nhị cử làm Bộ trưởng Nội vụ Nga. Không lâu sau đó, Chính phủ bị giải tán cùng với Đuma quốc gia khóa I, Xtôlưpin được cử làm Thủ tướng. Trên cương vị quan trọng này, Xtôlưpin đã thông qua một loạt dự luật để thực hiện “cải cách nông nghiệp Xtôlưpin” nổi tiếng mà nội dung cơ bản là quyền sở hữu tư nhân của nông dân vè đất đai. Nhưng đạo luật về các tòa án binh tại chỗ được Chính phủ thông qua đã trừng trị hết sức nghiêm khắc những tội nặng. Về sau Xtôlưpin bị phê phán mạnh về những biện pháp quá khắc nghiệt. Xtôlưpin cũng có tài hùng biện, nhiều câu nói của ông đã trở nên nối tiếng, như “Họ cần những chấn động ghê gớm, chúng ta cần một nước Nga vĩ đại”. Xtôlưpin bị mưu sát 10 lần và lần thứ 11, tại Kiép, ông bị bắn trọng thương, qua đời một vài ngày sau đó.
Những điểm yếu chiến lược của Nga
Trong tương lai Nga vẫn là một nước châu Âu đặc biệt. Về địa lý, trung tâm lực hút của nước Nga là ở châu Âu: 78% số dân sinh sống trên 23% diện tích cả nước và ở đây làm ra gần 70% GDP của nước Nga. Nhưng Nga có một số nét đặc biệt không giống những nước châu Âu khác.
Trong số tất cả các nước phát triển thì Nga là nước có mật độ dân số thấp nhất (8,4 người/km2 so với mức trung bình 130 người/km2 ở châu Âu). Để hiểu được tầm quan trọng của chỉ tiêu này thì chỉ cần hình dung 130 người và 8 người có thể tự làm được gì trong thời gian một năm ở trên diện tích 1 kilômét vuông.
Một nét đặc trưng của Nga từ xưa đến nay là khoảng cách giữa các vùng dân cư rất lớn; nước Nga không có những chướng ngại vật tự nhiên đối với những cuộc thâm nhập từ bên ngoài; hệ thống giao thông liên lạc khó khăn; khí hậu phương Bắc khắc nghiệt và mùa gieo trồng ngắn. Nhiều vùng nước Nga không thích hợp cho nông nghiệp, còn những trung tâm sản xuất chính thì lại ở xa các nguồn năng lượng. Mà trong điều kiện đó Chính phủ phải bảo đảm an ninh cũng như phải duy trì được tiêu chuẩn xã hội thống nhất về y tế và giáo dục tại 11 múi giờ khác nhau, từ Magađan đến Caliningrát. Thêm nữa, công cuộc công nghiệp hóa nước Nga những năm 1920-1940 không diễn ra trong điều kiện kinh tế thị trường mà dựa trên cơ sở kinh tế kế hoạch hóa. Quá trình khỏa lấp tình trạng đó ở nước Nga hiện đại được thực hiện chậm và đầy đau đớn.
Toàn bộ những yếu tố vừa nêu trên khiến cho nước Nga trở nên mong manh, khiến cho việc tạo ra sản phẩm thặng dư trở nên rất phức tạp và những thay đổi xã hội diễn ra chậm chạp. Ở Thế kỷ 19, nhà sử học Nga Vlađimia Xôlôviốp đã nhận xét rất xác đáng rằng địa lý là mẹ ghẻ của lịch sử Nga. Dạng cấu trúc nhà nước đặc biệt ở Nga đã hình thành trong nhiều Thế kỷ - hướng vào sự tập trung nguồn lực ở trung ương – khác hẳn về chất so với dạng thị trường kinh điển của châu Âu. Điều này khiến cho những khác biệt giữa Nga và các nước châu Âu trong rất nhiều vấn đề sẽ trở nên tất yếu trong tương lai.
Suốt ba Thế kỷ gần đây nước Nga đã là hạt nhân làm động lực chính cho vùng Âu Á và là trung tâm thu hút các nước láng giềng. Nga là một trong những nước đầu tiên mang thành quả văn hóa châu Âu tới vùng Cápcadơ, Trung Á và Viễn Đông. Nhưng tương lai của vùng Âu Á trong Thế kỷ 21 sẽ được định đoạt không chỉ bởi một mình nước Nga mà Nga sẽ phải cạnh tranh với Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.
Thách thức chủ yếu đối với nước Nga trong cuộc đấu tranh đó là tình trạng dân số. Cho dù kinh tế và công nghệ có phát triển tốt đẹp đến mấy thì mọi thứ cũng trở nên vô nghĩa nếu số dân của nước Nga vẫn tiếp tục giảm. Chính vì thế nên hệ thống đánh giá hiệu quả hoạt động của những người đứng đầu các địa phương Nga bao gồm cả các tiêu chí về dân số như là một trong những yêu cầu cốt yếu nhất.
Theo dự báo dân số của Cơ quan Thống kê Nga cho năm 2020, một trong ba kịch bản có thể diễn ra ở Nga: một là kịch bản “thấp” – số dân giảm xuống còn 141.736.100 người; hai là kịch bản trung bình - tăng không nhiều, lên đến 144.473.400 người; ba là kịch bản “cao” - tăng tới 146.939.400 người. Với việc Crưm đã sáp nhập vào Nga và với điều kiện xu hướng gia tăng dân số được củng cố thì “kịch bản cao” có thể trở thành hiện thực, thậm chí là vượt mức. Nhưng như thế vẫn quá ít – để đưa nước Nga phát triển thắng lợi và ổn định thì tối thiểu phải có số dân nhiều gấp đôi. Nhiệm vụ đó có thể từng bước được giải quyết nếu khôi phục được mức tăng số dân hàng năm là 0,5-1,0%. Mức tăng hiện nay chỉ là 0,2%.
Những ưu tiên then chốt của Nga đến năm 2020 là tăng tỷ lệ sinh đẻ và giảm tỷ lệ tử vong, đặc biệt trong độ tuổi lao động. Theo số liệu chính thức, 49,8% trường hợp tử vong là do bệnh tuần hoàn máu, 15,3% do ung thư, 5% do bệnh đường tiêu hóa, 4% do bệnh đường hô hấp. Tai nạn giao thông chiếm 1,5% số ca tử vong. Việc giảm tỷ lệ chết không chỉ gắn liền với việc hiện đại hóa hệ thống y tế mà còn liên quan việc tuyên truyền lối sống lành mạnh (luyện tập thể thao, ăn uống sạch, không hút thuốc lá và sử dụng rượu bia, kể cả khi lái xe).
Một nguồn quan trọng để khôi phục vốn con người là đồng hóa người nhập cư. Nga sẽ tiếp tục là trung tâm toàn cầu thứ hai sau Mỹ về thu hút người nhập cư và việc đồng hóa người nhập cư sẽ bảo đảm tới một nửa mức tăng số dân Nga đến năm 2020. Trong hai năm 2015-2016 tiến trình này có thể gia tăng do có rất đông gia đình nói tiếng Nga chuyển từ Ucraina đến Nga.
Chỉ số quan trọng cuối cùng về “sức khỏe của Nhà nước” là sự gia tăng không ngừng GDP tính theo đầu người. Năm 2015, lần đầu tiên trong lịch sử của mình nước Nga đã đạt mức tiêu thụ thịt được y học khuyến cáo (75 kg/người/năm). Không được coi nhẹ tầm quan trọng của chỉ tiêu đó và những chỉ tiêu sinh hoạt khác. Sự gia tăng không ngừng GDP tính theo đầu người ở Mỹ từ những năm 1880 đã cho phép hình thành một xã hội sung túc mẫu mực và nó chính là cơ sở cho “sức mạnh mềm” của Mỹ. GDP bình quân đầu người của Nga năm 2014 (14.612 USD) đã cao hơn hẳn tất cả các nước thuộc Liên Xô trước đây và nhiều nước Trung và Đông Âu, kể cả Ba Lan và Hunggari. Đến năm 2020 mục tiêu là khôi phục tăng trưởng GDP ở mức trên 3% và đạt mức 20.000 USD trung bình đầu người, còn về lâu dài thì đạt được mức như Italia.
Chính sách đối nội Nga đến năm 2020
Nhiệm vụ chiến lược trong chính sách đối nội và kinh tế của Nga đến năm 2020 là khôi phục nhịp độ tăng trưởng kinh tế cao – khoảng từ 3 đến 5% mỗi năm. Năm 2014 chính quyền đã đưa ra một chương trình kinh tế tự do mới nhằm khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nếu chương trình này thành công thì đến năm 2025 phần đóng góp của các doanh nghiệp nhỏ và vừa vào GDP cả nước sẽ đạt 50% (năm 2014 tỷ trọng này là 20%). Điều đó sẽ cho phép giải quyết một nhiệm vụ quốc gia rất quan trọng là tạo lập ở nước Nga mô hình kinh tế tự đáp ứng với tỷ trọng xuất khẩu dưới 20% GDP (con số đó hiện nay là 28,5%). Như vậy, sẽ giải thoát nền kinh tế khỏi sự lệ thuộc quá mức vào giá cả nhiên liệu, năng lượng.
Trong tay chính quyền vẫn còn những công cụ quan trọng chưa sử dụng. Ngoài chính sách kinh tế tự do và cơ chế chỉ huy trong một số vấn đề nhất định, Mátxcơva cho đến nay vẫn chưa khai phá một nguồn lực phát triển quan trọng nhưng nguy hiểm là tính tích cực của xã hội. Đây là phương thức động viên nguồn lực một cách mềm mại bằng cách thức tỉnh lòng nhiệt tình xã hội vì “sự nghiệp chính nghĩa”. Đối với Nga, đây là tư tưởng tự do và công bằng đã hình thành trong lịch sử. Sự diễn giải những khái niệm này trong điều kiện hiện nay có thể tạo ra những định hướng tinh thần cho xã hội Nga mà việc hướng tới đó cần phải gắn liền với những mục tiêu phát triển đất nước. Trong những năm 1990, các nước Trung và Đông Âu bằng cách đó đã tiến hành công cuộc chuyển đổi chính trị - xã hội của đất nước cốt để được “thống nhất với châu Âu” (tuy nhiên điều đó không phải ở đâu cũng thành công). Tại Trung Quốc, tư tưởng xây dựng “xã hội khá giả’ đã trở thành động lực để đông đảo người Trung Quốc lao động cật lực. “Định hướng mới” cho nước Nga có thể thể hiện ở công cuộc chinh phục Xibiri và vùng Viễn Đông, ở quyết tâm tăng tốc phát triển kinh tế và tăng gấp đôi GDP tính theo đầu người, nâng cao tỷ lệ sinh đẻ, chinh phục vũ trụ, giành vị trí dẫn đầu về công nghệ.
Lần đầu tiên trong suốt chiều dài lịch sử Nga, định hướng hành động mới phải là định hướng đối nội chứ không phải đối ngoại. Ngoài những tác động khác, việc làm sống lại tư tưởng phát triển của dân tộc sẽ cho phép khắc phục hậu quả sự chia rẽ xã hội sau cuộc Cách mạng Tháng Mười và cuộc nội chiến đầu thế kỷ 20.
Vì công cuộc phát triển, các quan điểm tiêu dùng trong văn hóa bình dân phải được điều chỉnh. Trước hết phải đề cao các giá trị của gia đình, cá nhân hài hòa trong xã hội, những mối quan hệ dựa trên sự trung thực và tin cậy. Nhà nước có nghĩa vụ bảo đảm an ninh và những quy tắc như nhau cho tất cả mọi công dân làm việc. Một ưu tiên sống còn là đấu tranh chống tham nhũng, chống sự chuyên quyền của quan chức và nhằm loại bỏ sự kiểm soát quá mức của Nhà nước. Mục tiêu chung của chính sách nhà nước là giảm bớt sự căng thẳng, ức chế đối với công dân và các tổ chức kinh tế. Những biện pháp đó cho phép làm sống lại thỏa ước xã hội và đem lại cho công dân lòng tin vào bản thân mình.
Xin nhắc lại rằng, điều kiện chính cho kịch bản đó là môi trường hòa bình và ổn định trong nước. Chỉ một chính quyền mạnh mà xã hội Nga cần mới có thể bảo đảm được những điều kiện đó. Rất có khả năng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2018 Vlađimia Putin lại sẽ giành chiến thắng. Trong trường hợp đó, cho đến năm 2024 ở nước Nga vẫn duy trì giới tinh hoa đã gắn kết với nhau và hướng vào việc giải quyết các nhiệm vụ phát triển đất nước.
Giới tinh hoa Nga hành xử như thế nào trong trường hợp tiếp tục xung đột với phương Tây? Trong trường hợp chương trình nghị sự theo chủ nghĩa tự do đã công bố đạt được thành công thì sức ép hiện nay không ảnh hưởng đáng kể đến các tiến trình nội bộ của nước Nga. Song, trong trường hợp chương trình đó thất bại thì có thể nảy sinh các vấn đề cơ cấu ở ba cấp độ.
Thứ nhất, có thể gia tăng cuộc tranh giành giữa giới tinh hoa “nguyên trạng” chủ trương duy trì mô hình kinh tế tài chính – tự do của Nga với những nhóm thiên về mô hình công nghiệp – nhà nước. Mô hình tối ưu là mô hình kết hợp được hài hòa lợi ích của hai bên và bảo đảm sự phát triển cân đối.
Thứ hai, có thể giống những năm 1990 là lại bùng lên cuộc đấu quyền lực và tranh giành ảnh hưởng kinh tế giữa giới tinh hoa kinh tế - chính trị toàn Nga với các nhóm khu vực và sắc tộc riêng biệt. Thể chế liên bang của nước Nga vẫn tiếp tục phát triển nhưng có xu hướng trao nhiều quyền hơn cho các khu vực.
Cuối cùng là trong trường hợp gia tăng đối đầu với phương Tây và đường lối kinh tế tự do của Nga không thành công thì có khả năng mô hình động viên của quá trình phát triển sẽ được khôi phục. Đây là một kịch bản không mong muốn của Mátxcơva nhưng hiện tại nó đang được coi như một trong số những khả năng.
Cho đến năm 2020 trong số những lực lượng chính trị đáng kể ở Nga sẽ chỉ nổi bật lực lượng trung dung tập hợp xung quanh Tổng thống V. Putin. Do lực lượng này tập hợp cả những lực lượng tự do và bảo thủ của Nga nên triển vọng có một phe đối lập tự do thật sự ở Nga là rất mờ ảo. Chủ nghĩa dân tộc Nga vẫn sẽ là phong trào có ảnh hưởng tiềm năng duy nhất. Nhưng chỉ trong trường hợp tình hình xã hội trong nước diễn biến xấu đi và chính quyền trung ương suy yếu thì lực lượng này mới có thể vươn lên vị trí nổi bật.
Chính sách đối ngoại Nga đến năm 2020
Nước Nga nắm trong tay những cơ hội chủ yếu quyết định sự phát triển của mình nên mục tiêu chính trong chính sách đối ngoại của Mátxcơva đến năm 2020 là ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực bên ngoài và tránh bị cuốn hút vào những cuộc đối đầu kéo dài với đối phương.
Nguồn gốc những mối đe dọa từ bên ngoài đối với Nga vẫn như cũ – Hồi giáo từ Xyri và Irắc, nạn buôn bán ma túy từ Ápganixtan, khả năng gia tăng xung đột xung quanh Nagoócnưi Carabắc, CHDCND Triều Tiên và Iran, nội chiến ở Ucraina. Ưu tiên duy trì sự ổn định chiến lược với Mỹ đòi hỏi Mátxcơva phải hiện đại hóa lực lượng vũ trang, tổ hợp công nghiệp quân sự, hệ thống định vị toàn cầu và liên lạc vũ trụ. Việc phản ứng đối với các mối đe dọa từ bên ngoài sẽ thu hút nhiều nguồn lực, nhưng nếu Nga suy giảm khả năng thể hiện sức mạnh và tác động đến các sự kiện ở những nước giáp ranh thì sẽ gây thiệt hại cho sự phát triển của đất nước.
Đến năm 2020 Nga sẽ chấm dứt những cố gắng cứu vãn “di sản xô-viết” trên lãnh thổ các nước khác thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập. Sau khi Liên Xô sụp đổ, những công trình hạ tầng hết sức quan trọng đối với Nga ở lại trên lãnh thổ Ucraina, Bêlarút và Cadắcxtan (các tuyến đường ống, đường sắt, hải cảng, căn cứ quân sự, sân bay vũ trụ và các nhà máy). Suốt 20 năm, lô-gic trong chính sách của Nga thể hiện ở chỗ phải tìm cách đưa được những cơ sở hạ tầng cốt yếu thời xô-viết thoát ra khỏi ảnh hưởng của những nước láng giềng có thái độ thù địch với Nga. Với những nước hữu nghị thì, ngược lại, Nga đã thiết lập các liên minh và dành cho họ những quan hệ ưu đãi – đó là với Bêlarút, Cadắcxtan và Ácmênia. Đồng thời, Nga đã tìm cách giảm bớt sự lệ thuộc của mình vào Ucraina: Mátxcơva đã xây dựng tuyến đường ống khác không đi qua lãnh thổ Ucraina, đã xây dựng căn cứ mới cho Hạm đội Biển Đen tại Nôvôrôxixcơ và chuyển các đơn đặt hàng quân sự từ các doanh nghiệp Ucraina về doanh nghiệp Nga. Sau khi sáp nhập Crưm thì Nga không còn những lợi ích sống còn ở ngoài biên giới của mình nữa: sân bay vũ trụ Baicônua ở Cadắcxtan, các cảng hàng hóa ở Bantích, các tuyến đường sắt qua Bêlarút đều không còn là cái cớ để cho Mátxcơva lo lắng và nêu ra yêu sách. Mátxcơva sẽ buộc phải can thiệp vào công việc của các nước hậu xô-viết chỉ trong một điều kiện – nếu các cộng đồng người Nga ở ngoài nước bị đàn áp. Còn trong tất cả những trường hợp khác nước Nga sẽ tránh bị cuốn hút vào các cuộc xung đột trong vành đai các đường biên giới của mình.
Mặc dù đến năm 2020 Nga sẽ không giữ vị trí cường quốc hàng đầu thế giới ngang hàng Mỹ và Trung Quốc nhưng việc Mátxcơva liên kết với ai sẽ quyết định số phận của tình trạng cạnh tranh quốc tế. Nước Nga sẽ trở thành một nhân tố cân bằng chiến lược mà vì sự cân bằng đó sẽ duy trì chính sách độc lập của mình và độc lập trong các đánh giá về quốc tế. Không muốn đẩy Nga ra xa trong tương lai, phương Tây sẽ phải quan tâm nhiều hơn đến lợi ích của Nga.
Trong khi tăng cường vị thế quốc tế của mình, Mátxcơva sẽ tìm cách mở rộng thành phần những nước tham gia khu vực tự do mậu dịch Âu Á – thêm các nước láng giềng và các nước thân hữu khác…Việc duy trì sự đồng thuận về các nguyên tắc phát triển toàn cầu dần dần sẽ biến BRICS thành một trung tâm sức mạnh sánh với nhóm G-7. Sự nhất trí của G-7 về các vấn đề quốc tế và kinh tế bị xói mòn dần dần cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho điều đó.
Một nguồn bên ngoài quan trọng để phục vụ sự phát triển của Nga là hợp tác với Trung Quốc. Dự án then chốt ở đây sẽ là sáng kiến về lĩnh vực vận tải của Trung Quốc “Con đường tơ lụa mới” đi qua Trung Á và Nga. Đồng thời Mátxcơva sẽ tìm cách hoàn thành dự án trung chuyển Châu Âu – Viễn Đông trên cơ sở tuyến đường sắt xuyên Xibiri và tuyến đường sắt Baican – Amua. Hai dự án vận tải này có khả năng tạo ra những nguồn thu tương đương với doanh thu từ năng lượng. Những dự báo về sự bành trướng dân số của Trung Quốc ở Xibiri và Viễn Đông không trở thành hiện thực – số người Nga di chuyển qua biên giới Trung Quốc đến năm 2020 vẫn sẽ nhiều hơn số người Trung Quốc sang Nga.
Miền Bắc Cực vẫn sẽ là khu vực ưu tiên hợp tác về công nghệ và năng lượng giữa Nga với các nước phương Tây. Việc khôi phục đối thoại đầy đủ giữa Mátxcơva và Oasinhtơn sẽ cho phép đưa trở lại chương trình nghị sự sự hợp tác giữa các công ty năng lượng hàng đầu của hai nước.
Kinh nghiệm lịch sử của các cuộc xung đột và kinh nghiệm vượt khó sẽ cho phép giới tinh hoa Nga và xã hội Nga đến năm 2020 vượt qua một bước ngoặt mới của lịch sử. Người ta thường không đánh giá hết nước Nga. Bất chấp nhiều dự báo về sự sụp đổ của Nga, nước Nga vẫn đứng vững ngay cả trong điều kiện đụng đầu trực diện với các nền kinh tế hàng đầu của phương Tây. Nước Nga vẫn mạnh, chừng nào còn tin vào sức mạnh của mình.
Một tương lai tốt đẹp nhất của nước Nga vào năm 2020 có thể được thể hiện qua những con số - không có xung đột quốc tế, chính trị ổn định, mức tăng dân số 0,5-1% mỗi năm, tỷ lệ dân số ở tuổi lao động trên 60%, tăng trưởng kinh tế hàng năm 3-5%, tỷ trọng xuất khẩu trong GDP dưới 20%. Việc đạt được những chỉ tiêu đó sẽ giúp Nga vượt qua thời kỳ 2015-2020 có tính chất bước ngoặt một cách yên ổn và bảo đảm cho nước Nga một tương lai vững chắc. Có xu hướng đó – một tương lai như vậy có thể có.