Hơn 20 nước đã đặt hàng trên 1 tỷ liều vắc-xin ngừa covid-19 của Nga
Nga là nước đầu tiên trên thế giới bào chế, hoàn thành việc thử nghiệm lâm sàng và chính thức cấp phép cho sử dụng vắc-xin ngừa covid-19. Điều này đã được Tổng thống Vladimir Putin công bố ngày 11/8 trong cuộc họp trực tuyến với Chính phủ Nga.
Bào chế và thử nghiệm thành công vắc-xin ngừa covid-19 là một thành tựu xuất sắc. Mặc dù vaccine mới có "tên khai sinh" là Gam-COVID-Vac nhưng Nga đã đặt tên quốc tế cho đứa con đẻ của mình là «Спутник V» (tiếng Nga), "Sputnik V" (tiếng Anh, Pháp...) để so sánh, gợi nhớ thành tựu bước ngoặt của Liên Xô phóng lên vũ trụ vệ tinh nhân tạo đầu tiên của Trái Đất vào năm 1957. Vệ tinh nhân tạo đầu tiên, Sputnik 1, đã thúc đẩy công cuộc nghiên cứu vũ trụ trên thế giới. Nay, theo lý giải của Nga, vắc-xin ngừa covid-19 của Nga mở đầu cho công cuộc sản xuất những loại vắc-xin tiếp theo của Nga và nhiều nước khác để phòng chống virus corona thể mới rất nguy hiểm gây ra đại dịch trên toàn cầu. Chữ "V" trong tên gọi "Sputnik V" này có nghĩa là vắc-xin (vaccine), tức là Sputnik - Vaccine, hàm ý vaccine đi đầu và mở ra một kỷ nguyên mới trong lĩnh vực này!
Đây là vaccine do Trung tâm quốc gia nghiên cứu dịch tễ và vi sinh mang tên Gamaleya thuộc Bộ Y tế Nga phát triển cùng với Bộ Quốc phòng Nga. Vaccine của Nga dùng một chủng của virus adeno, một loại virus thường gây ra cảm cúm, để kích hoạt phản ứng miễn dịch. Theo Bộ Y tế Nga, vắcxin Sputnik V có hiệu quả miễn dịch với COVID-19 trong hai năm. Tổng thống Putin cho biết vaccine đã được Bộ Y tế Nga cấp phép lưu hành ngày 11/8 và ông cũng chia sẻ rằng con gái ông là một trong những người đầu tiên tiêm vaccine này trong quá trình thử nghiệm lâm sáng. Tổng thống Putin nói, hy vọng sẽ sớm tiến hành tiêm Sputnik V phòng COVID-19 rộng rãi cho toàn dân.
Hãng tin Interfax cho biết các thử nghiệm lâm sàng đã được tiến hành từ ngày 18/6 và tất cả 38 tình nguyện viên đều đã xuất hiện miễn dịch, dấu hiệu cho thấy vaccine hoạt động hiệu quả. Nhóm tình nguyện đầu tiên cũng đã xuất viện ngày 15/7 và nhóm thứ hai vào ngày 20/7.
Tổng thống Putin biểu dương tất cả những người đã nỗ lực làm việc trong suốt quá trình nghiên cứu loại vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới này. Ông đánh giá “đó là một bước tiến vô cùng quan trọng đối với thế giới”.
Trước mắt, ở Nga sẽ có hai cơ sở sản xuất vaccine Sputnik V là Trung tâm nghiên cứu mang tên Gamaleya và nhà máy của Công ty Binnofarm.
Để truyền thông rộng rãi về vaccine Sputnik V và nhằm bảo vệ thành tựu quan trọng này, Nga đã lập một trang thông tin điện tử (website) riêng về vaccine Sputnik V bằng 7 thứ tiếng tại địa chỉ: https://sputnikvaccine.com/
Phát biểu với các nhà báo, Phó Thủ tướng Nga Tatyana Golikova nói vaccine mới sẽ được tiêm cho các nhân viên y tế từ tháng 9 tới và việc tiêm đại trà cho người dân có thể sẽ bắt đầu từ tháng 1/2021.
Theo các nguồn tin Nga ngày 12/8, đã có trên 20 nước đặt hàng hơn 1 tỷ liều vaccine ngừa covid-19 mới của Nga. Nga sẽ phối hợp các đối tác nước ngoài tổ chức sản xuất vaccine này tại 5 nước với sản lượng hơn 500 triệu liều mỗi năm.
Trong khi đó, có một diễn biến đáng chú ý là ngay sau khi Nga công bố sở hữu vaccine đầu tiên trên thế giới ngừa covid-19 thì ở Mỹ và một số nước phương Tây có những tiếng nói phê phán vaccine này của Nga, cho rằng "chưa đáng tin cậy". Cách đây không lâu, khi các giới chức y tế Nga cho biết sắp hoàn thành thử nghiệm lâm sàng vaccine thì chính quyền Anh công bố thông tin cáo buộc "tin tặc Nga được Nhà nước hậu thuẫn" đã tìm cách đánh cắp thông tin bào chế vaccine ngừa covid-19 ở Anh. Mỹ và một số nước phương Tây đã ủng hộ cáo buộc của London và truyền thông những nước này đã khuấy động chiến dịch cáo buộc Nga trong cuộc chạy đua sản xuất vaccine phòng ngừa virus corona. Ngày 12/8. trả lời báo chí về sự "chê bai" của một số nước phương Tây đối với vaccine Sputnik V, Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cho rằng, chính là với động cơ cạnh tranh không lành mạnh nên "các đồng nghiệp nước ngoài" đã thể hiện thái độ như vậy.
Hiện nay trên thế giới có hơn 100 vaccine đang được phát triển, với một số vaccine đã ở giai đoạn thử nghiệm trên người. Mặc dù có tiến bộ nhanh chóng, hầu hết giới chuyên gia ở các nước cho rằng phải tới giữa năm 2021 mới có vaccine dùng rộng rãi cho mọi người.
THẢO TÙNG