Liên bang Nga thông qua Định hướng chính sách đối ngoại giai đoạn mới
Ngày 31/3/2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký Sắc lệnh phê chuẩn Định hướng chính sách đối ngoại của Liên bang Nga.
Định hướng chính sách đối ngoại 2023 dày 42 trang, gồm 6 phần, với 76 tiểu mục, là văn kiện có ý nghĩa chiến lược thay thế phiên bản năm 2016, nêu ra những nguyên tắc cơ bản, phương hướng ưu tiên, mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của LB Nga trong lĩnh vực đối ngoại. Văn kiện này là “lộ trình” cho hoạt động của Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành khác của LB Nga trong những năm sắp tới.
Định hướng chính sách đối ngoại LB Nga 2023 nêu rõ: Nga là một đất nước – một nền văn minh có bản sắc, một quốc gia Âu – Á và châu Âu – Thái Bình Dương rộng lớn, là chỗ dựa của thế giới Nga. Nga có nhiệm vụ bảo vệ một cách hiệu quả các quyền và quyền tự do của người Nga ở nước ngoài, củng cố vị thế của tiếng Nga trên thế giới.
Với đóng góp quyết định vào chiến thắng trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai, Nga là một trong những trung tâm có chủ quyền của tiến trình phát triển trên thế giới, Nga giữ vai trò đặc biệt trong việc duy trì thế cân bằng lực lượng trên toàn cẩu và bảo đảm sự phát triển hòa bình của loài người.
Định hướng chính sách đối ngoại 2023 viết: Phần lớn loài người mong muốn phát triển quan hệ có tính xây dựng với Nga. Nga chống lại những hoạt động chống Nga của các nước và của các tổ chức của những nước này. Nga sẽ bảo vệ quyền được tồn tại của mình bằng tất cả mọi phương thức hiện hữu.
Văn kiện nhấn mạnh: Nga không coi mình là kẻ thù của phương Tây, không tự cô lập với phương Tây, không có những toan tính thù địch; chính sách của Mỹ là nguồn gốc chủ yếu gây ra những rủi ro về an ninh với Nga và hòa bình thế giới, Nga chú trọng việc loại bỏ những tàn dư của sự thống trị của Mỹ trên thế giới. Nga sẽ xây dựng quan hệ với các nước tùy thuộc vào chính sách của họ với Nga; Nga sẵn sàng sử dụng lực lượng vũ trang để giáng trả và ngăn chặn hành động xâm lăng chống Nga hoặc các đồng minh của Nga, chú trọng vô hiệu hóa những nguy cơ đối với an ninh từ phía các quốc gia không hữu nghị ở châu Âu và NATO
Văn kiện Định hướng mới cũng nêu rõ: làm sâu sắc quan hệ và hợp tác với Trung Quốc, Ấn Độ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Nga; mục tiêu cơ bản của Nga ở không gian Xô-viết trước đây là biến nơi đây thành khu vực hòa bình, quan hệ láng giềng tốt và phát triển phồn vinh.
Nga chủ trương củng cố tiềm lực và nâng cao vai trò của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, tổ chức hợp tác Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi (BRICS), Cộng đồng các quốc gia độc lập, tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể trên thế giới. Nga quan tâm thúc đẩy liên kết trong khuôn khổ các tổ chức ở châu Á – Thái Bình Dương, Trung Đông, châu Phi và Mỹ La-tinh; tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực và ASEAN trong các lĩnh vực kinh tế, an ninh, nhân văn và các lĩnh vực khác.
Về kinh tế, văn kiện nêu rõ: Nga sẽ chống lại sự độc quyền của những nước không hữu nghị trong nền kinh tế thế giới; Nga sẽ nỗ lực gia tăng xuất khẩu các mặt hàng phi năng lượng tới các nước thực hiện chính sách trung lập, sẽ góp phần làm cho hệ thống tiền tệ - tài chính quốc tế thích ứng với thực tế thế giới đa cực; sẽ ưu tiên quan tâm tăng cường hợp tác về kinh tế, an ninh và nhân văn tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
ĐỨC HÀ (Theo TASS)