THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI
Cách đây 75 năm, trước sức tiến công như vũ bão của Hồng quân Liên Xô ở mặt trận phía Đông và phải chịu áp lực ở mặt trận phía Tây do các nước đồng minh chống phát-xít mở ra, Đức quốc xã đã đầu hàng vô điều kiện.
Ở Châu Á - Thái Bình Dương, đầu tháng 9/1945, sau khi bị Mỹ ném bom nguyên tử và bị Liên Xô tuyên chiến, quân phiệt Nhật cũng đầu hàng. Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc.
Đây là cuộc chiến tranh tàn khốc nhất trong lịch sử, cuốn vào vòng xoáy lửa đạn 62 quốc gia, khoảng 70 triệu người chết, vô số thành phố, làng mạc, công trình bị tàn phá. Cuộc chiến tranh ghi dấu những tội ác man rợ của chủ nghĩa phát-xít chống loài người. Nhưng vượt lên tất cả là chủ nghĩa anh hùng vô song của quân và dân Liên Xô cũng như ý chí kiên cường chống phát-xít của các lực lượng dân chủ, tiến bộ ở châu Âu và trên toàn thế giới.
Ngày lễ quan trọng nhất ở LB Nga
Thực tế lịch sử cho thấy, vai trò quyết định dẫn đến chiến thắng ngày 9-5-1945 thuộc về Liên Xô. Quân đội và nhân dân Liên Xô đã đánh bại cỗ máy chiến tranh khổng lồ của phát-xít Đức, gồm 190 sư đoàn trong tổng số 214 sư đoàn của quân Đức, truy đuổi chúng từ sông Volga đến biên giới phía Tây Liên Xô, vượt qua toàn bộ vùng Đông Âu, tới tận hang ổ phát-xít ở Berlin, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc chiến của các nước đồng minh và cuộc đấu tranh giành tự do của các dân tộc. Khoảng 90% tổng thiệt hại của phát-xít Đức là ở mặt trận phía Đông, tức là trong những trận chiến với Hồng quân Liên Xô. Trong số hơn 27 triệu người Xô-viết ngã xuống thì gần 1 triệu chiến sĩ Hồng quân hy sinh trong các trận đánh giải phóng châu Âu.
Ngày Chiến thắng 9 tháng 5 đối với Liên Xô trước đây, Liên bang Nga ngày nay là ngày lễ thiêng liêng nhất. Năm 2020, kỷ niệm 75 năm Chiến thắng vĩ đại, đã được LB Nga xác định là Năm Tưởng nhớ và Vinh danh. Trong Thông điệp liên bang ngày 15/1/2020, Tổng thống Nga V. Putin khẳng định: “Kỷ niệm ngày lễ Chiến thắng không chỉ nhằm thể hiện sự tôn trọng quá khứ lịch sử mà còn là hành động vì tương lai”.
Mặc dù đại dịch covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống, buộc LB Nga phải hoãn những hoạt động quy mô lớn có đông người, như duyệt binh ở Quảng trường Đỏ Moskva và ở các địa phương, nhưng nhiều hình thức kỷ niệm Chiến thắng phát-xít vẫn được tổ chức trong các đơn vị quân đội, trong cộng đồng và mỗi gia đình đúng ngày 9/5/2020; duyệt binh lớn và một số hoạt động khác sẽ được tổ chức vào thời gian thích hợp. Trong năm Tưởng nhớ và Vinh danh, những vấn đề được Nhà nước Nga và xã hội quan tâm trước hết là tôn vinh, chăm lo đời sống các cựu chiến binh và những người đã tham gia Cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại, đồng thời triển khai những biện pháp đồng bộ, sâu rộng để gìn giữ ký ức về cuộc chiến, giúp thế hệ trẻ hiểu rõ lịch sử, trân trọng những cống hiến của các thế hệ cha ông vào sự nghiệp bảo vệ đất nước, vì hòa bình chung.
Chống lại những mưu toan xuyên tạc lịch sử
Phát-xít Đức, Ý và quân phiệt Nhật đã bị đánh tan cách đây 75 năm, nhưng những biểu hiện của chủ nghĩa phát-xít mới đang nổi lên ở châu Âu và một số nơi trên thế giới. Ngày càng có nhiều hoạt động cố tình xuyên tạc lịch sử chiến tranh thế giới lần thứ hai, đặc biệt là Cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại 1941-1945 của Liên Xô. Vào mỗi dịp kỷ niệm Chiến thắng lại có những chiến dịch bóp méo sự thật về nguyên nhân bùng nổ chiến tranh, về vai trò quyết định của Liên Xô đánh tan chủ nghĩa phát-xít, giải phóng hàng loạt nước Châu Âu, giúp thế giới ngăn chặn thảm họa diệt vong. Những chiến dịch này được tiến hành ở nhiều cấp độ, với quy mô khác nhau, bằng những phương thức khác nhau. Có khi đó là những tuyên bố đi ngược lại sự thật lịch sử mà các chính khách, lãnh đạo nhà nước hay các định chế - như Nghị viện Châu Âu - đưa ra. Có khi đó là những “công trình nghiên cứu” của các học giả, hoặc những bài vở, những “tư liệu” do các cơ quan truyền thông đại chúng, mạng xã hội đăng tải… Một ví dụ điển hình: tạp chí Politico (Mỹ) ngày 24/1/2020 đăng bài của một chính khách cấp cao Ba Lan cho rằng Liên Xô không giải phóng Châu Âu mà “đồng lõa” với Đức quốc xã gây chiến. “Lời phán” này đã nhận được sự phụ họa của nhiều chính khách ở Mỹ và Châu Âu. Một sự việc khác: nhân hoạt động tưởng niệm hàng triệu người Do Thái bị phát-xít Đức thảm sát (Holocaust) và kỷ niệm 75 năm giải phóng trại tập trung Auschwitz của Đức quốc xã ở Ba Lan, đại diện chính quyền Mỹ và một số nước Châu Âu đã cố tình “quên” vai trò của Hồng quân Liên Xô, thậm chí tuyên bố “nhầm” là quân đội Mỹ đã phá toang cánh cửa trại Auschwitz, cứu sống hàng nghìn người Do Thái, người Ba Lan và công dân nhiều nước khác!
Rất nhiều, rất nhiều hành động có tính toán, được tài trợ hậu hĩnh, được phối hợp tổ chức chặt chẽ nhằm đổi trắng thay đen, đánh đồng kẻ xâm lược gây chiến với người bảo vệ độc lập, tự do và hòa bình khiến dư luận, nhất là những người trẻ, không thể hiểu đúng về cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai. Những toan tính và hành động này vô cùng nguy hiểm, vì thời gian càng trôi xa thì nhân chứng sống của sự thật lịch sử càng ít đi; những người trẻ ra đời và lớn lên trong môi trường nhiễu thông tin không thể hiểu được những gì đã xẩy ra với cha, ông họ.
Dĩ nhiên, tư liệu lưu trữ lịch sử và nhiều bằng chứng khác vẫn hiệu hữu. Liên bang Nga, nhiều nước trong Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) và lực lượng tiến bộ trên thế giới hàng ngày, hàng giờ nỗ lực chống lại những luận điệu sai trái, nguy hiểm đó. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí Nga, Tổng thống V. Putin khẳng định: “Chúng ta phải bảo vệ sự thật về Chiến thắng. Chúng ta sẽ nói gì với con cháu mình khi những điều giả dối về cuộc chiến đang lan truyền khắp thế giới như một bệnh dịch? Chúng ta sẽ dùng sự thật để chống lại những luận điệu dối trá trắng trợn và những mưu toan viết lại lịch sử”. Tổng thống V. Putin khẳng định, Liên Xô đã hứng chịu cuộc tấn công khủng khiếp, tàn khốc của nước Đức phát-xít; Liên Xô mất 27 triệu người, không một nước nào trên thế giới phải chịu tổn thất như vậy. Ông bác bỏ những luận điệu cho rằng Liên Xô “có tội” trong việc bùng nổ chiến tranh thế giới lần thứ hai, thậm chí là những luận điệu nói Stalin và Hitler phải chịu trách nhiệm như nhau (!). Tổng thống V. Putin nêu rõ: “Cần phải nhìn vào diễn biến các sự kiện từ năm 1918-1919. Phải thấy mọi thứ đã diễn ra như thế nào, ai đã ký kết với Hitler những văn kiện gì. Dù người ta có đánh giá về Stalin như thế nào thì có thực tế là ông ấy không hề bôi đen mình bằng những cuộc tiếp xúc trực tiếp với Hitler, không hề có một văn kiện nào mà Stalin và Hitler cùng ký. Nhưng Hitler và Thủ tướng Anh, Hitler và Thủ tướng Pháp thì đã cùng ký vào nhiều văn bản. Có văn kiện do Hitler và lãnh đạo Ba Lan ký… Có tài liệu về tất cả những chuyện đó”.
Theo Tổng thống V. Putin, không ai có thể “cướp mất” Chiến thắng của Liên Xô, bởi vì sự thật là sự thật; mặc dù hiện nay một số quốc gia tìm cách “đánh cắp” chiến thắng trong Cuộc chiến tranh Giữ nước Vĩ đại, nhưng họ không thể làm được điều dó vì không ai quên hình ảnh lá cờ tung bay trên tòa nhà Quốc hội Đức quốc xã. "Ai đã tấn công Berlin? Cờ của ai đã tung bay trên nóc tòa nhà Reichstag? Không ai quên được điều đó" – Tổng thống V. Putin tuyên bố.
Ngày 7/5/2020, Đại hội đồng Nghị viên các nước tham gia Hiệp ước An ninh tập thể (ODKB) gồm Nga, Ácmênia, Bêlarút, Cadắcxtan, Kiếcghidia và Tátgikixtan đã ra Lời kêu gọi nghị viện các nước Hội đồng châu Âu có biện pháp pháp lý bảo vệ sự thật về cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai, chặn đứng những mưu toan hạ thấp vai trò của Liên Xô trong chiến thắng đánh tan phát-xít. Lời kêu gọi nhấn mạnh: “Trách nhiệm chung của chúng ta là gìn giữ ký ức về Chiến thắng vĩ đại – một Chiến thắng có sức mạnh tập hợp tất cả những dân tộc đã cùng nhau đánh bại chủ nghĩa quốc xã, tôn vinh những người đã có đóng góp quyết định vào Chiến thắng, những người đã hiến dâng đời mình cho tự do của các dân tộc, cho tương lai của nhân loại. Tình đoàn kết của toàn bộ cộng đồng quốc tế có ý nghĩa hết sức quan trọng để chống lại sự phục hồi chủ nghĩa quốc xã”.
Đóng góp to lớn của Việt Nam
Việt Nam đã có đóng góp to lớn, trước và trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai, vào thắng lợi chung của loài người tiêu diệt chủ nghĩa phát-xít và chủ nghĩa quân phiệt. Đóng góp đó thể hiện chủ yếu ở sự ủng hộ dành cho Liên bang Xô-viết và các quốc gia bị phát-xít xâm lược; trực tiếp phối hợp với lực lượng đồng minh trong cuộc chiến đấu chống phát-xít; tiến hành đấu tranh vũ trang chống ách đô hộ của quân phiệt Nhật Bản và thực dân Pháp giành độc lập dân tộc. Từ đầu năm 1940 đến mùa thu 1945, Việt Nam trở thành một chiến trường thu hút lực lượng lớn quân của quân phiệt Nhật Bản (quân số thường xuyên dao động trong khoảng từ 30 nghìn đến 35 nghìn quân, cao điểm vào năm 1945 lên tới 60 nghìn tên). Nhân dân ta trực tiếp đấu tranh chống lại sự nô dịch của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản, tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận sinh lực, phá hủy một phần phương tiện chiến tranh của chúng. Điều đó đã làm phân tán lực lượng quân sự của chúng trên một phạm vi rộng lớn ở chiến trường Thái Bình Dương, đẩy chúng lâm vào thế phải bị động đối phó khắp nơi, tạo thêm điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh chống Nhật của nhân dân các nước khu vực Thái Bình Dương cũng như cuộc đấu tranh chống phát-xít Đức, Ý ở châu Âu phát triển và thu được nhiều thắng lợi quan trọng, đẩy mạnh sự sụp đổ hoàn toàn của chủ nghĩa quân phiệt Nhật nói riêng và chủ nghĩa phát-xít nói chung.
Đặc biệt, có những chiến sĩ Hồng quân Xô-viết người Việt Nam đã tham gia Cuộc chiến tranh giữ nước Vĩ đại 1941 – 1945, tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ thủ đô Moskva năm 1941 - 1942. Năm chiến sĩ đã được xác định vào đầu những năm 80 của Thế kỷ trước; ngày 12/12/1986, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô-viết tối cao Liên Xô đã ra Sắc lệnh truy tặng năm người này là Vương Thúc Tình, Lý Thúc Chất, Lý Nam Thanh, Lý Anh Tạo và Lý Phú San Huân chương Chiến tranh giữ nước Hạng nhất. Ba chiến sĩ Lý Nam Thanh, Lý Anh Tạo và Lý Thúc Chất anh dũng hy sinh trong trận đánh ở cửa ngõ thủ đô Moskva tháng 12/1941. Ông Lý Phú San không tham gia chiến đấu mà làm công tác hậu cần tại quân y viện Moskva trong những ngày thủ đô Liên Xô bị phát-xít Đức bao vây. Các nhà nghiên cứu, nhà báo Nga cuối năm 2014 cũng công bố thêm danh tính hai chiến sĩ Hồng quân người Việt nữa là Lý Văn Minh và Lý Chí Thông. Gần đây, nhân kỷ niệm 75 năm Chiến thắng, Đại sứ quán LB Nga tại Việt Nam đã phối hợp Hội Hữu nghị Việt - Nga tìm kiếm thêm thông tin liên quan hai chiến sĩ này, quê ở Thanh Hóa và Hà Tĩnh. Qua nghiên cứu tư liệu, đã xác minh được Lý Văn Minh chính là Đinh Chương Long, sinh năm 1912, quê ở xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1941, khi đang học tập tại Đại học Phương Đông ở Moskva, Đinh Chương Long và các học viên của trường tình nguyện ra mặt trận chiến đấu bảo vệ Moskva và hy sinh ở đây. Còn Lý Chí Thông tên thật là Ngô Trí Thông, sinh năm 1910 ở làng Thạch Minh, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1927, ông thuộc nhóm thanh niên cách mạng được Nguyễn Ái Quốc cử đi học ở Trung Quốc, sau năm 1929 thì học ở Liên Xô; mùa Đông năm 1941 tham gia chiến đấu bảo vệ Moskva và anh dũng hy sinh tại đây.
Cùng với nhân dân LB Nga, Cộng đồng các quốc gia độc lập và những người tiến bộ trên thế giới, nhân dân Việt Nam kỷ niệm 75 năm Ngày Chiến thắng để tri ân những người đã đổ mồ hôi, xương máu trong cuộc chiến chống chủ nghĩa phát-xít và quân phiệt, vì hòa bình và độc lập của các dân tộc. Kỷ niệm để cùng ghi nhớ, cùng hành động ngăn chặn nguy cơ chiến tranh, gìn giữ hòa bình bền vững.
NGUYỄN ĐĂNG PHÁT