WORLD CUP: GẤU NGA “DỄ THỞ”
HẦU HẾT CÁC NHÀ BÌNH LUẬN ĐỀU CHO RẰNG ĐỘI CHỦ NHÀ ĐÃ GẶP MAY KHI Ở MỘT BẢNG CÙNG VỚI URUGUAY, SAUDI ARABIA VÀ AI CẬP TRONG GIAI ĐOẠN ĐẦU.
Nhìn tổng quát thì không có bất cứ bảng tử thần nào ở World Cup 2018. Các ông lớn đều rơi vào những bảng đấu tương đối “nhẹ nhàng”. Cuộc chiến thực sự chỉ diễn ra trong việc tranh chiếc vé đi tiếp thứ hai ở một số bảng đấu.
Lễ bốc thăm được tổ chức tại một địa điểm vào hàng uy nghi, sang trọng, hoành tráng nhất nước Nga – Cung điện Cremli, với sự hiện diện và lời phát biểu chào mừng của Tổng thống V. Putin, Chủ tịch FIFA Gianni Infantino, của nhiều ngôi sao bóng đá, trong đó có Diego Maradona mà lúc đầu đã có tin nói vì lý do sức khỏe không thể đến Nga được.
Gấu Nga dễ thở
Đội tuyển nước chủ nhà Nga có thể thở phào khi rơi vào một bảng đấu khá “vừa sức”. Những đối thủ của đội tuyển Nga tại World Cup 2018 gồm có Uruguay, Saudi Arabia và Ai Cập. Trong số này chỉ Uruguay là khá mạnh. Các đội tuyển còn lại như Ai Cập và Saudi Arabia đều mới trở lại sân chơi World Cup sau thời gian dài vắng bóng.
Sau khi có kết quả bốc thăm, báo chí Uruguay nhận định Nga là đối thủ yếu nhất bảng. Bình luận viên của kênh truyền hình La Sexta của nước này cho rằng Uruguay rất may mắn rơi vào một bảng “ngon lành” như vậy.
Trong khi đó, giới bình luận Nga và những người hâm mộ nước này cho rằng ở VCK trên sân nhà, ở trong một bảng “nhẹ nhàng” như vậy mà nếu các tuyển thủ Nga không lọt vào vòng sau thì đó sẽ là một sự sỉ nhục, người hâm mộ xứ Bạch Dương không thể tha thứ. Báo chí Nga nhắc lại rằng, ở giai đoạn đấu bảng của World Cup tại Nhật Bản và Hàn Quốc cũng như ở Braxin năm 2014 Nga cũng đã rất vui mừng với kết quả bốc thăm phân bảng vì rơi vào những bảng “nhẹ”. Song, các tuyển thủ Nga đã phải sớm xách va li về nước khi không tự định đoạt được số phận của mình trước những đội bóng được coi là yếu hơn như Nhật Bản, Angiêri.
Sư tử và Bò tót thoát hiểmBốn năm trước, Anh, Italia và Uruguay rơi vào cùng một bảng đấu để rồi sau đó Anh và Italia dừng bước ngay từ vòng bảng của World Cup 2014.
Thế nhưng, kịch bản bảng đấu tử thần không diễn ra tại World Cup 2018. Các đội tuyển lớn về lý thuyết đều không gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm chiếc vé qua vòng bảng.
Đội tuyển Anh chung bảng với một đội bóng mạnh là Bỉ. Nhưng hai đối thủ còn lại của Tam sư là Panama và Tunisia lại không hề đáng sợ. Về lý thuyết, Anh và Bỉ mạnh hơn hẳn Panama và Tunisia. Hai đội tuyển này xem ra sẽ không quá khó để giành vé qua vòng bảng.
Một tên tuổi lớn khác từng được xem như nhân tố có thể tạo nên bảng tử thần tại World Cup 2018 là Tây Ban Nha cũng thở phào nhẹ nhõm. Tây Ban Nha cũng như Anh đều không được xếp hạt giống nên trước lễ bốc thăm có khả năng cao rơi vào một bảng đấu khó khăn. Khi lá thăm đưa đội tuyển xứ sở đấu bò vào chung bảng đấu với hạt giống Bồ Đào Nha, những người yêu mến Tây Ban Nha có lý do để lo ngại. Nhưng ở các lượt bốc sau đó, lá thăm đã đưa đến cho hai đội bóng trên bán đảo Iberia những đối thủ nhẹ ký là Morocco và Iran. Cũng như bảng đấu của Anh và Bỉ, xem ra không khó dự đoán về khả năng đi tiếp của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
Gà trống gáy vang ?
Pháp cũng có thể ăn mừng vì rơi vào một bảng đấu hết sức nhẹ nhàng với các đối thủ Australia, Peru và Đan Mạch. Về mặt duy tâm, việc chung bảng đấu với Đan Mạch có thể xem là điều thuận lợi với ĐT Pháp. Trong quá khứ, đội bóng nào giành chiến thắng ở cặp đấu này tại các giải đấu lớn sau đó thường lên ngôi. Kịch bản đó đã diễn ra ở EURO 1992, World Cup 1998 và EURO 2000. Cứ thế mà suy, World Cup 2018 sẽ là vận hội lớn cho những chú gà trống Gô-loa chăng?
Vài chuyện đáng chú ý
Tham gia tranh tài ở VCK có 32 đội tuyển và căn cứ bảng xếp hạng của FIFA, đội Nga chủ nhà là một trong những đội yếu nhất. Nếu như trong thời gian qua phải trải qua vòng đấu loại tranh vé đi World Cup thì chưa chắc Nga đã có thể được tham gia ngày hội bóng đá toàn cầu này. Nhưng vì là chủ nhà nên được miễn…in
Đội tuyển lừng lẫy chiến công nhất là Bra với 5 danh hiệu vô địch thế giới. Hai đội ít kinh nghiệm trận mạc vòng chung kết nhất là Panama và Aixlen, đều chưa từng một lần tham dự World Cup (măc dù tại Euro mới đây Aixlen thi đấu xuất sắc).
Nga xếp ở vị trí 65 trong bảng xếp hạng 211 bậc của FIFA, tức là kém nhất trong số 32 đội đi World Cup 2018. Các đại diện bóng đá xứ sở Bạch Dương còn giữ một số “danh hiệu” đặc biệt khác: họ có ít tuyển thủ khoác áo các câu lạc bộ nước ngoài nhất nhưng các cầu thủ Nga vào loại cao tuổi nhất và đồng thời có chiều cao thể hình khá vượt trội so với chiều cao trung bình của các tuyển thủ thế giới ở World Cup 2018. Về chiều cao cầu thủ thì cao nhất là đội tuyển Xécbia (185,6 cm), của đội Nga là 184,3, của đội Arập Xêút là 176,2 (thấp nhất). Về tuổi, già nhất là đội Panama (trung bình 29,4 tuổi), thứ hai là Nga (28,1) và trẻ nhất là Nigiêria (24,9).
988 tỷ rúp cho World Cup
Trong thời gian chuẩn bị và tổ chức World Cup 2018 Nga chi 678 tỷ rúp (khoảng 11,5 tỷ USD), trong đó 482 tỷ rúp từ ngân sách nhà nước. Khoảng 1/3 tổng số tiền trên (gần 200 tỷ rúp) dành cho việc cải tạo và xây dựng các sân đấu; hơn một nửa (353 tỷ rúp) – xây dựng, cải tạo đường sá.
Ngoài ngân sách nhà nước, một khoản kinh phí đáng kể trong khoản tiền trên là từ các pháp nhân – chủ yếu là các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nhà nước.
Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) đóng góp 1,95 tỷ USD (114 tỷ rúp) cho VCK, trong đó 627 triệu USD dành cho khâu tổ chức, 400 triệu USD cho các giải thưởng.
Như vậy, World Cup 2018 tiêu tốn tổng cộng 988 tỷ rúp (khoảng 16,8 tỷ USD theo tỷ giá của Ngân hàng trung ương Nga ngày 2/12/2017).
World Cup tại Braxin năm 2014 tiêu hết gần 15 tỷ USD, trong đó FIFA chi 2 tỷ USD.
Người ta đã tính ra rằng, số tiền 988 tỷ rúp có thể dành để trả lương trong một năm cho 2,2 triệu người Nga (tức là nhiều hơn số dân của những thành phố như Novosibirsk hay Ekaterinburg) hoặc bảo đảm lương hưu cho 6,6 triệu người hưu trí Nga, hay xây được thêm 5 sân bay vũ trụ “Phương Đông”!
Tranh tài ở 4 múi giờ
LB Nga là nước lớn nhất thế giới, trải rộng từ Âu sang Á. Nhằm tránh không để cầu thủ các đội tuyển và người hâm mộ của họ phải đi lại quá vất vả trên đất Nga, ban tổ chức chỉ bố trí các trận đấu ở phần lãnh thổ Nga thuộc châu Âu và một số thành phố ở phía Tây dãy núi Uran, nghĩa là không quá xa sang phần châu Á, tới Xibiri và Viễn Đông.
Mặc dù vậy, các trận đấu ở giai đoạn một của World Cup 2018 vẫn diễn ra ở 4 múi giờ. Chênh lệch thời gian giữa thành phố thi đấu ở nơi xa nhất phía Tây của Nga (Kaliningrad) và thành phố ở “cực Đông” của VCK (Ekaterinburg) là 3 giờ. Nếu đi bằng xe buýt giữa hai thành phố này (cách nhau 2500 km) phải mất 38 giờ, chưa kể thời gian nghỉ ăn uống, thư giãn nhẹ.
ĐĂNG PHÁT