Một thời để nhớ

ẤN TƯỢNG SÂU SẮC VỀ GIA ĐÌNH NGƯỜI NGA

Chúng tôi rất tự hào được học tập và rèn luyện ở một trường quân sự nổi tiếng của Liên Xô. Tất cả mọi thứ đều mới mẻ, lúc đầu rất bỡ ngỡ và lo lắng, nhưng với bản lĩnh của người lính đã được tôi luyện qua chiến tranh, chúng tôi tiếp cận nhiệm vụ vững vàng, vượt qua mọi khó khăn

Gia đình cô giáo Zucopxkaia Vera Mikhainopna chủ nhiệm lớp tôi, trực tiếp dạy tiếng Nga năm thứ nhất và cả khóa học (1977 – 1983)  tại trường quân sự Liên Xô, để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc không thể phai nhòa.

Hơn 40 năm trước, sau ngày 30/4/1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, từ chiến trường đánh Mỹ tôi được cùng cả nước chào đón Ngày toàn thắng trong khúc khải hoàn ca “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”.  Sau đó tôi và đồng đội được trở về miền Bắc an dưỡng tại một trạm điều dưỡng, được nghỉ phép thăm gia đình, quê hương và tiếp tục đón nhận nhiệm vụ mới.

Chúng tôi đã ôn tập văn hóa dự thi đại học cùng học sinh cả nước. Mặc dù kiến thức văn hóa bị rơi rụng nhiều, nhưng ai cũng chăm chỉ, miệt mài với quyết tâm cao như người lính bước vào trận đánh lớn. Kết quả, hơn 90% số quân nhân dự thi đỗ đại học, trong đó 10 người chúng tôi đủ điểm được quân đội chọn đi đào tạo ở nước ngoài. Sau 17 ngày đêm, chuyến tàu liên vận quốc tế đưa chúng tôi đến đất nước của Lê-nin, quê hương của Cách mạng Tháng Mười Nga, khi còn  học phổ thông và ở chiến trường đã thầm mong ước được một lần đến Liên Xô – thiên đường của tự do và hòa bình. Nay ước mơ đã trở thành hiện thực, mong muốn tiếp thu được nhanh nhất, nhiều nhất những kiến thức khoa học và thực tiến cuộc sống tươi đẹp do Cách mạng Tháng Mười Nga đem lại cho nhân dân Liên Xô. Trong đó, những lý tưởng cao đẹp, những bài học kinh nghiệm quý báu của Cách mạng Tháng Mười Nga dược chúng tôi quan tâm trước hết. Riêng tôi, nhớ mãi lời dặn của lãnh đạo và thầy, cô trước lúc đi nước ngoài: Ngôn ngữ là chìa khóa vàng giúp các dân tộc hiểu biết nhau hơn, học hỏi, giúp đỡ lần nhau. Ngay từ đầu tôi đã chủ động nhớ để ngày càng hiểu sâu sắc hơn câu thành ngữ Nga: “Tiếng Nga là một trong những thứ tiếng phong phú nhất và hay nhất trên thế giới”, tạo nguồn cảm hứng, say mê, góp phần nâng cao nhận thức về sự cấp thiết phải thông thạo tiếng Nga, để hiểu biết sâu hơn về nền văn hóa, đất nước, con người, nhất là nền khoa học tiên tiến của Liên Xô.

Chúng tôi rất tự hào được học tập và rèn luyện ở một trường quân sự nổi tiếng của Liên Xô. Tất cả mọi thứ đều mới mẻ, lạ lẫm. Lúc đầu rất bỡ ngỡ và lo lắng, nhưng với bản lĩnh của người lính đã được tôi luyện qua chiến tranh, chúng tôi tiếp cận nhiệm vụ nhanh hơn, vững vàng vượt qua mọi khó khăn. Riêng với tôi, ngoài những khó khăn chung, câu chuyện dưới đây đời tôi chưa bao giờ gặp phải. Nhờ sự giúp đỡ của mọi người, nhất là sự yêu thương, giúp đỡ tận tình, chu đáo của gia đình cô giáo Vera.

Nhớ lại sự cố đến rất nhanh và chóng vánh, quá bất ngờ. Đúng vào ngày học thứ ba trên giảng đường. Khi cả lớp đang chăm chú nghe cô giáo giảng bài, bất chợt tôi cảm thấy từng cơn đau nhói trong người, như thể có lưỡi dao đang cắt vào từng thớ thịt, đoạn ruột của tôi. Không thể chịu đựng hơn, tôi gượng đứng dậy xin  ra ngoài, cả lớp chưa ai biết có sự cố gì với tôi. Sau 30 phút không thấy tôi trở vào lớp, cô giáo cho lớp nghỉ tìm tôi, họ thấy tôi đang nằm trên nền nhà vệ sinh. Theo kể lại, họ để nguyên hiện trường, gọi bác sĩ đến cấp cứu. Bác sĩ chỉ sơ cứu làm hô hấp, theo dõi nhịp tim rồi khẩn trương đưa lên xe cứu thương chuyển đến bệnh viện quân đội cách trường khoảng hơn trăm km. Các bạn tôi trở lại lớp học, có lẽ khi ấy chưa ai sõi tiếng Nga, nên họ không yêu cầu đi cùng. Ba ngày sau, khi tôi vẫn chưa thật tỉnh táo vì những cơn đau vẫn hành hạ, tôi nhận ra người cùng lớp đến thăm và mang cho tôi một số đồ dùng cùng cuốn từ điển Nga-Việt (được biết do cô giáo Vera chuẩn bị và cử đi). Trong quyển từ điển có mảnh giấy nhỏ cô giáo ghi mấy dòng căn dặn thân mật: “Tiên yêu quý! Cô và cả lớp vẫn liên tục theo dõi tình hình sức khỏa của em.  Mong em yên tâm điều trị nhanh khỏe, sớm về lớp học. Nhớ sử dụng tốt từ điển sẽ giúp em mọi việc liên quan đến chữa bệnh và đời sống.  Chúc em nhanh khỏe, vững tin vào tương lai tốt đẹp”.

Những ngày đầu ở bệnh viện tôi cảm tháy rất lạc lõng, trống trải, thấy cái gì cũng mới lạ, phải gắng chịu những cơn đau ập đến bất cứ lúc nào, rồi nằm vật xuống lịm đi vì thấm mệt. Khi ấy tôi thấy bi quan, mơ màng thấy hình ảnh sum họp của cha mẹ, vợ, anh chị em ở quê đang nhòa đi trong nước mắt của mình. Tiếc thay, ở nơi xa họ không biết cơn đau đến với tôi thế nào? Ôi, tôi buồn và tủi thân, nhưng vẫn phải chịu đựng, tự an ủi, phát huy tối đa nghị lực tiềm ẩn, tin vào chuyên môn của bác sĩ và nền y học hiện đại Xô-viết .

 Tôi suy nghĩ nhiều hơn bởi sự thật phũ phàng đã phụ lòng nhiệt tình của giáo sư, bác sĩ. Suốt ba tháng, trải qua vài chục lần khám, thăm dò, xét nghiệm, thử phản ứng, máy soi, siêu âm, chiếu, chụp …Nhưng kết quả vẫn chưa tìm thấy bệnh và nguyên nhân. Có giáo sư giỏi khi  thăm khám nói vui: “Bạn giả vờ phải không? Đau thế mà khi tỉnh nói cười to vậy? Thôi, nói thật đi nào!”.

  Bước sang tháng thứ tư, có tín hiệu khả quan. Biết quá trình công tác, chiến đấu của tôi, các giáo sư, bác sĩ đã khoanh vùng: Vết sẹo to trên người là do đâu, khi nào? Đã sống, chiến đấu ở chiến trường nào?  Tôi đã kể lại và cung cấp đầy đủ. Sau một tuần, họ liên hệ với phía Việt Nam, ghi nhận được thông tin liên quan để quyết định hướng giải quyết.

Thực tế, vết sẹo to do một mảnh đạn pháo của địch cắm vào người năm 1972, sau hơn 5 năm nay vết thương tái phát . Khi mổ lấy ra nó đã bị hoen rỉ làm thâm quầng vùng thịt xung quanh, gây nhiễm trùng, gặp thời tiết thay đổi đột ngột mảnh đạn cựa quậy xoay mạnh, tạo ra những cơn đau.

Tôi đã sống, chiến đấu tại chiến trường tỉnh Quảng Trị. Vùng Cồn Tiên - Dốc Miếu, Cam Lộ, Đường số 9 – Khe Sanh, Gio Linh, Đông Hà, Cửa Việt, Triệu Phong - Thành Cổ, Mỹ đã rải nhiều chất diệt cỏ xuống đây. Đã tìm thấy một bọc xơ xoắn quyện bám chắc vào thành ruột già, đó là sự tồn đọng tạp chất liên quan tới chất độc diệt cỏ đã xâm nhập vào cơ thể con người (nay gọi là nhiễm chất độc Dacam/Dioxin).

1890880

Sau đó tôi được chuyển đến bệnh viện chuyên khoa để phẫu thuật, điều trị theo đúng phác đồ.  Tôi điều trị tại đây gần sáu tháng. Tổng cộng tôi nằm viện hơn chín tháng.. Tôi không học trên lớp, phải chữa bệnh và tự học ngoài trường đời. Dù sao, đã may mắn, gặp thầy, gặp thuốc, tìm ra bệnh, chữa trị tốt, khỏi bệnh. Từ đó đến nay, hơn bốn mươi năm tôi không thấy đau.

Suốt thời gian nằm viện, thường xuyên được sự quan tâm, chăm sóc,  giúp đỡ tận tình của các  y, bác sĩ và nhân; sự thăm hỏi động viên của cán bộ, giảng viên, bạn bè trường tôi học. Trong đó, ấn tượng sâu sắc nhất là hình ảnh gia đình cô giáo Vera, suốt hơn chin tháng họ thường xuyên thăm hỏi, động viên, an ủi,  giúp đỡ  tôi như người ruột thịt. Bạn bè thường đến thăm tôi vào thứ bảy, chủ nhật với tấm lòng chân thành có quà bằng tiền Rúp để tiện dùng. Có lẽ gia đình cô giáo biết nên thường thăm tôi vào cuối ngày làm việc thứ tư, thứ năm hàng tuần, ở lại trong bệnh viện tới 21 giờ. Biết tôi sống xa gia đình, cô giáo đã giữ mật độ, thời gian thăm, làm bớt khoảng trống cho tôi đỡ buồn. Gia đình cô giáo có ba người (khi ấy mẹ cô giáo hơn 70 tuổi, cô giáo hơn 40 tuổi, con gái 16 tuổi). Họ khéo chia ra: tuần đầu tháng - mẹ cô giáo, tuần thứ hai - con gái, tuần thứ ba - cô giáo Vera, tuần cuối tháng -  cả nhà đến thăm để “tổng kết rút khinh nghiệm. Việc thăm hỏi đều đặn thành nếp quen làm tôi thấy nhớ và mong chiều thứ tư, thứ năm đầm ấm ấy, thâm tâm tôi đã thật sự coi họ như người thân của mình. Ngoài việc động viên thăm hỏi, gia đình cô giáo còn rất chu đáo chuẩn bị nhiều món quà đơn giản, thiết thực với người bệnh. Theo cô giáo, những thứ đó chủ yếu do ba người phụ nữ chuẩn bị, vừa rẻ, vừa sạch, vừa tiện sử dụng và còn gói trọn cả tình cảm, tình thương trong đó. Ôi, viết đến đây bỗng tôi lại trào nước mắt, một lần nữa xin cảm ơn bác sĩ, nhà trường, bè bạn, nhân dân Liên Xô, gia đình cô giáo Vera và mãi mãi nhớ về họ, người và cảnh ở xứ sở Bạch Dương.

                       PHẠM XUÂN TIÊN, Hà Nội

     (Bài tham gia cuộc thi viết “Kỷ niệm sâu sắc về nước Nga và tình hữu nghị Việt-Nga”)

Dòng sự kiện

Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn
Về khu tưởng niệm chiến tranh ở Kha-tưn, Cộng hòa Bê-la-rút.
THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI
Ngày Chiến thắng 9 tháng 5 rất đỗi thiêng liêng với mọi người dân Liên bang Nga.