Một thời để nhớ

Sinh viên chúng tôi đã từng đóng phim ở Liên Xô !

Chuyện xảy ra lâu lắm rồi, cách đây đã hơn 50 năm. Đó là vào mùa đông năm 1973, khi ấy, chúng tôi là những chàng trai mới mười chín đôi mươi, lần đầu tiên xuất ngoại, lần đầu tiên đến Liên Xô, lần đầu tiên được nhìn thấy tuyết rơi… Nói chung là cái gì cũng “lần đầu tiên” cả.

Mà Liên Xô hồi ấy đẹp lắm! Thành phố Liên Xô đầu tiên mà nhóm lưu học sinh Việt Nam chúng tôi “đổ bộ” xuống là Voronezh (Ворoнеж), một thành phố nằm ở phần lãnh thổ châu Âu của nước Nga, trung tâm hành chính của tỉnh Voronezh. Trong trí nhớ của tôi vẫn còn in đậm hình ảnh một thành phố Voronezh không lớn nhưng lôi cuốn bởi vẻ đẹp thanh bình, sự yên tĩnh và thơ mộng nữa. Với những du học sinh Việt Nam chúng tôi, không thể có một cái nhìn nào khác thế, bởi hồi đó nước mình còn chưa có hòa bình, cuộc sống còn rất khắc nghiệt và đầy khó khăn.

Một góc thành phố Voronezh

Một góc thành phố Voronezh

Mùa đông năm ấy, khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10 tuyết đã rơi. Khi nhìn thấy những bông tuyết đầu tiên từ trên trời bay xuống, chúng tôi reo lên và ùa xuống sân trước cửa ký túc xá, lấy tay đón từng bông tuyết. “Как красиво падает снег!” (Tuyết rơi mới đẹp làm sao chứ!).

Bước sang tháng 11, khi tuyết đã rơi khá dày và chúng tôi thì đã chuyên tâm vào học tập, không còn chăm chú ngắm tuyết rơi nữa, bỗng một ngày kia có một “ông Tây” đến trường gặp các thầy cô ở bộ phận phụ trách lưu học sinh nước ngoài. Sau đó chúng tôi được mời xuống phòng sinh hoạt công cộng của sinh viên ở tầng một của ký túc xá. Tới đây thì chúng tôi mới vỡ nhẽ: “ông Tây” ấy chính là đạo diễn của một bộ phim truyện Liên Xô hợp tác với một diễn viên Nhật Bản đang được xây dựng. Biết là tại trường chúng tôi – Trường Đại học Tổng hợp Voronezh (VGU) – có một số sinh viên Việt Nam đang theo học, ông ấy đến để mời chúng tôi tham gia đóng phim với vai trò diễn viên quần chúng. Việc tuyển chọn “diễn viên” được tiến hành ngay tại phòng sinh hoạt công cộng. Kết quả, hàng chục sinh viên Việt Nam được chọn, trong đó có tôi.

Một tòa nhà ký túc xá cũ của trường Đại học tổng hợp quốc gia Voronezh

Một tòa nhà ký túc xá cũ của trường Đại học tổng hợp quốc gia Voronezh

Trong số các sinh viên Việt Nam đang học tại VGU lúc đó, ngoài Khoa dự bị Đại học, còn có các anh học ở Khoa Toán, Khoa Ngữ văn và Khoa Sử. Có một anh lớn (tầm ngoài 30 tuổi), vốn là giáo viên cấp II ở Việt Nam được cử đi học đại học ở Liên Xô. Vì có nhiều kinh nghiệm và vốn sống hơn bọn “trẻ ranh” chúng tôi, nên anh ấy được cử làm đơn vị trưởng đơn vị lưu học sinh Việt Nam học tại VGU. Nghe tin một số nam sinh Việt Nam được phía Liên Xô tuyển chọn đi đóng vai quần chúng trong phim, anh ấy lập tức cảnh giác: “Phải đề nghị phía bạn cho xem kịch bản trước nhé. Nếu là phim chống Trung Quốc thì phải kiên quyết từ chối”.

Hồi đó, Liên Xô và Trung Quốc mâu thuẫn nhau về rất nhiều vấn đề, cả trong chính sách đối nội lẫn đối ngoại. Họ công khai đăng đàn công kích lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế. Nhưng Việt Nam chúng ta thì đang tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nên chúng ta cần tập hợp sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, không thể đứng về bất cứ bên nào trong mâu thuẫn Xô-Trung lúc bấy giờ. Bởi vậy, bọn trẻ chúng tôi tâm phục khẩu phục hoàn toàn trước tinh thần cảnh giác cao độ của anh đơn vị trưởng.

Hai sinh  viên Việt Nam sắm vai lính quân phiệt Nhật trong bộ phim

Hai sinh viên Việt Nam sắm vai lính quân phiệt Nhật trong bộ phim

Ngay hôm sau, chúng tôi – những “diễn viên” được tuyển chọn – yêu cầu ông đạo diễn cho xem kịch bản. Anh Lê Văn Nhân là sinh viên năm trên của Khoa Ngữ văn VGU giỏi tiếng Nga nên được phân công nghiên cứu nhanh kịch bản để báo cáo đơn vị trưởng. Thì ra, nội dung phim chẳng liên quan gì đến quan hệ Xô-Trung của những năm 1970 cả mà lùi sâu hơn vào lịch sử – khi Hồng quân Liên Xô với tư cách là một nước trong phe đồng minh chống phát-xít hồi cuối thế chiến thứ hai tiến hành giải giáp một số đơn vị quân đội của phát-xít Nhật ở vùng Viễn Đông. Trong tư thế của người chiến thắng, quân và dân Liên Xô ở vùng Viễn Đông đã thực hiện một chính sách khoan hồng rất nhân văn đối với những người lính Nhật đã buông vũ khí. Kịch bản đã rõ và chúng tôi được phép tham gia đóng phim.

Quá trình chuẩn bị và làm phim cũng khá kỹ càng. Chúng tôi được phát trang phục lính Nhật đã được làm cũ và đã được tước bỏ mọi quân hàm, quân hiệu – đúng với những gì mà các cựu quân nhân Nhật Bản được phép mặc sau khi bị giải giáp. Sau khi hóa trang, chúng tôi được đóng thử, quay thử… Tôi còn nhớ, trong một hoạt cảnh mà theo đó, những cựu binh Nhật được phép tổ chức kỷ niệm một ngày lễ của người Nhật theo đúng phong tục và nghi thức dân tộc. Những biểu ngữ do họ tự làm bằng bìa các-tông gắn vào một thanh gỗ thô, trên đó có viết chữ Nhật bằng mực Tàu. Chúng tôi được hướng dẫn cầm biểu ngữ đưa qua đưa lại, và tung hô điều gì đó giống như là “oản-xôi!... oản-xôi!...”. Tất nhiên tiếng Nhật không hề có “oản xôi”, nhưng ông đạo diễn bảo cứ hô như vậy đi, nếu chúng tôi thấy thuận miệng, rồi bộ phận kỹ thuật âm thanh sẽ xử lý. Sau khi được tập luyện kỹ càng, quay thử kỹ càng, đạo diễn mới cho phép chúng tôi được bước vào quay thật.

"Diễn viên quần chúng" - sinh viên Việt Nam trong vai lính quân phiệt Nhật

Tập luyện và thực hành đóng phim công phu như thế, nhưng sau này lên phim (chúng tôi được mời đi xem buổi chiếu thử khi phim hoàn thành) thì té ra thời lượng mà chúng tôi xuất hiện trong phim vẻn vẹn chỉ một vài phút. Và cũng chỉ có một vài anh đứng ở hàng đầu là còn tương đối rõ mặt. Số còn lại xuất hiện ở phía xa xa trong hậu cảnh của màn hình… Diễn viên quần chúng mà! Chúng tôi chẳng hề buồn bã vì thế, ngược lại là khác: Một tuần lễ không phải lên lớp, lại được “đi chơi” ra phim trường, được cải trang làm những người lính Nhật không mang vũ khí. Quan trọng nhất là chúng tôi đã được nếm mùi làm “diễn viên điện ảnh” và cuối tuần, lại còn được đoàn làm phim trả cát-xê.

Tôi không nhớ được con số cụ thể của cát-xê, chỉ nhớ là khoảng mấy chục rúp. Hồi đó, học bổng của lưu học sinh Việt Nam ở Liên Xô chỉ có 60 rúp. Trừ đi 2 rúp tiền ký túc xá, còn lại được lĩnh có 58 rúp. Số tiền ấy vừa đủ trang trải cho sinh hoạt thường ngày. Thấy các anh sinh viên năm trên bảo rằng thường là trong các kỳ nghỉ hè, các anh ấy phải tham gia các đội lao động tình nguyện của sinh viên Liên Xô được cử đến các công trường làm lao động thời vụ trong các dịp nghỉ hè thì mới có tiền mua đài, mua xe đạp, mua máy ảnh… Chứ không thì lấy đâu ra.

Một tòa nhà ký túc xá mới của trường Đại học tổng hợp quốc gia Voronezh

Một tòa nhà ký túc xá mới của trường Đại học tổng hợp quốc gia Voronezh

Vậy là mấy chục rúp thù lao cho một tuần chịu rét mướt ngoài phim trường (bối cảnh của phim là mùa đông ở vùng Viễn Đông nên rét lắm), tôi và mấy bạn cùng học dự bị Đại học ở VGU năm đó đều đem ra mua đồng hồ đeo tay – thứ rất quan trọng đối với sinh viên. Đó cũng là chiếc đồng hồ đeo tay đầu tiên trong đời mà tôi có.

Tòa nhà chính trường Đại học tổng hợp quốc gia Voronezh

Tòa nhà chính trường Đại học tổng hợp quốc gia Voronezh

Trải nghiệm độc đáo và thú vị về việc chúng tôi tham gia đóng phim ở Liên Xô đã được anh Hoàng Văn Việt – một người bạn cùng học dự bị đại học niên khóa 1973-1974 với tôi ở Voronezh – lưu giữ lại trong hai tấm hình mà tôi, xin phép anh, đăng kèm với status này.

                                                      Tháng 3-2024                                                                  

                                                     Mai Quang Huy

Dòng sự kiện

Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn
Về khu tưởng niệm chiến tranh ở Kha-tưn, Cộng hòa Bê-la-rút.
THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI
Ngày Chiến thắng 9 tháng 5 rất đỗi thiêng liêng với mọi người dân Liên bang Nga.