Một thời để nhớ

Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" - bài học về nghệ thuật tác chiến của bộ đội PK-KQ

Trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh cách mạng Việt Nam ở Thế kỷ 20, chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” cuối tháng 12-1972 là một mốc son rực rỡ, đánh dấu bước ngoặt lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, vĩ đại của nhân dân Việt Nam.

Thắng lợi đó đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quí cho các lực l­ượng vũ trang nhân dân nói chung, trong đó có Bộ đội PK-KQ Việt Nam. Đó là bài học về nghệ thuật tác chiến PK-KQ trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Thượng tướng, TS LÊ HUY VỊNH

Thượng tướng, TS LÊ HUY VỊNH

Thứ nhất, nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh nhân dân Việt Nam đất đối không độc đáo, sáng tạo. Nắm chắc tình hình chiến trường và diễn biến cuộc đàm phán giữa Việt Nam với Mỹ tại Paris, Đảng Cộng sản Việt Nam nhận định: Mỹ sẽ đánh phá trở lại miền Bắc với mức độ ác liệt hơn, quy mô lớn hơn, nhiều khả năng chúng sẽ sử dụng máy bay ném bom B-52 đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố lớn ở miền Bắc. Vì thế, ngay từ tháng 7-1972, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam giao nhiệm vụ cho Quân chủng Phòng không - Không quân gấp rút nghiên cứu xây dựng phương án tác chiến, biên soạn tài liệu “cách đánh B-52”, làm cơ sở để huấn luyện bộ đội. Chỉ đạo quân và dân Hà Nội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ, hình thành các tổ, đội săn, bắn máy bay bay thấp đột nhập bất ngờ. Đặc biệt, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp làm việc với BTL Quân chủng PK-KQ, Tư lệnh các binh chủng rađar, tên lửa, không quân và Sư đoàn Phòng không Hà Nội để xác định phương án bảo vệ Thủ đô. Bộ Tổng Tư lệnh chỉ đạo toàn quân nghiên cứu thật kỹ, nắm chắc quy luật hoạt động của không quân địch, nhất là tính năng kỹ thuật, chiến thuật của máy bay B-52. Cục Tình báo, Viện Kỹ thuật Quân sự, Cục Quân lực, Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc phối hợp với chuyên gia Liên Xô khai thác, cung cấp thông tin, tư liệu liên quan đến máy bay B-52, giải quyết các vấn đề trinh sát kỹ thuật vô tuyến, thông tin liên lạc,… phục vụ chiến đấu.

Nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, Trung tâm bảo tồn di sản Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội) đã tổ chức triển lãm

Nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, Trung tâm bảo tồn di sản Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội) đã tổ chức triển lãm "Từ mặt đất đến bầu trời" từ ngày 14/12 đến 29/12.

Chấp hành chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh, Quân chủng PK-KQ sớm hoàn thành Bản kế hoạch đánh trả cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B-52 của Mỹ. Theo đó công tác chuẩn bị tác chiến được Quân chủng triển khai thực hiện khẩn trương, nghiêm túc. Việc tổ chức hội nghị bàn cách đánh B-52, điều chỉnh lực lượng, triển khai sở chỉ huy các cấp, biên soạn tài liệu, nghiên cứu, cải tiến vũ khí, trang bị, khí tài thế hệ cũ,… được tiến hành theo đúng kế hoạch. Khi phương án tác chiến và tài liệu “Cách đánh B-52” được hoàn chỉnh, các đơn vị tên lửa, rađar, pháo phòng không 100 mm gấp rút mở đợt huấn luyện đột kích với nội dung chủ yếu là đánh máy bay B-52. Cùng với đó, Bộ đội Không quân cũng tích cực luyện tập phương án đánh máy bay B-52 trên năm hướng vào Hà Nội - “Phương án năm cánh sao”, với quyết tâm đánh bại các đợt tiến công bằng đường không của địch ngay từ trận đầu, ngày đầu. Ngoài ra, các phương án, tài liệu đánh máy bay B-52 còn được phổ biến rộng rãi đến tất cả các đơn vị và các địa phương. Tài liệu “Cách đánh B-52” được ví như cuốn “cẩm nang đỏ” của lực lượng phòng không, không quân. Bởi nó được đúc kết từ thực tiễn chiến đấu của các trung đoàn tên lửa ở chiến trường miền Trung, Nam Lào, Bình Trị Thiên, v.v… Cách đánh đó, không chỉ vạch ra các phương án chống nhiễu, hướng dẫn cách phát hiện mục tiêu trên nền nhiễu, mà còn phổ biến cách phòng tránh tên lửa không đối đất – Sơ-rai của địch, v.v… Đây là vấn đề quan trọng, cốt yếu để Bộ đội PK-KQ bắn rơi “pháo đài bay B-52”, khiến địch phải bàng hoàng, khiếp sợ. Nét độc đáo của nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân đất đối không của Đảng Cộng sản Việt Nam còn được thể hiện khi ta chủ động triển khai xây dựng thế trận phòng không ba thứ quân vững chắc, liên hoàn, linh hoạt, rộng khắp, nhiều tầng, nhiều lớp, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với vũ khí trang bị hiện có, đảm bảo đánh địch từ nhiều hướng, nhiều tầng. Đồng thời, thực hiện tốt công tác phòng không nhân dân, hạn chế tối đa thiệt hại do bom đạn của không quân Mỹ gây ra.

Với sự chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh, quân, dân miền Bắc, đặc biệt là lực lượng PK-KQ đã đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B-52 của địch, tạo bước ngoặt quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Điều đó càng khẳng định, nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân đất đối không Việt Nam tài tình, sáng tạo của Đảng ta và Bác Hồ kính yêu.

Hình ảnh những ngày gian khổ chống chiến tranh phá hoại của không quân của Mỹ

Hình ảnh những ngày gian khổ chống chiến tranh phá hoại của không quân của Mỹ

Thứ hai, chủ động tạo lập thế trận chiến dịch vững chắc, hiểm hóc, liên hoàn chuyển hóa linh hoạt. Trong chiến dịch phòng không, tạo lập thế trận ban đầu rất quan trọng; tuy nhiên, quá trình tác chiến của lực lượng PK-KQ, thế trận luôn phải được chuyển hóa kịp thời, sáng tạo phù hợp với mọi tình huống tác chiến diễn ra trên không; nhất là khi chiến dịch tiến hành các trận then chốt, then chốt quyết định. Khi hoạt động của địch thay đổi, phương pháp tác chiến chiến dịch có sự điều chỉnh, thì thế trận PK-KQ phải được tạo lập và chuyển hóa linh hoạt cho phù hợp với cách đánh, nhằm đối phó kịp thời, hiệu quả với các biện pháp, thủ đoạn tác chiến mới của địch. Đây là nét độc đáo, sáng tạo của nghệ thuật tạo lập thế trận chiến dịch và chuyển hóa thế trận vững chắc, hiểm hóc, liên hoàn. Trong tác chiến, chiến dịch, Bộ đội PK-KQ là lực lượng nòng cốt luôn chủ động tạo lập thế trận vững chắc, hiểm hóc, liên hoàn, và có thể chuyển hóa thế trận kịp thời, mau lẹ; tập trung hỏa lực đánh máy bay B-52 là chủ yếu.

Thế trận chiến dịch vững chắc, hiểm hóc là thế trận có thể sử dụng lực lượng tên lửa phòng không (TLPK) tập trung đánh vào đối tượng chủ yếu là máy bay B-52, thế trận bố trí lực lượng bảo đảm đánh địch từ xa đến gần, đánh địch cả khi chúng bay vào và bay ra. Lập thế trận chiến dịch hiểm hóc, liên hoàn còn tạo cho không quân ta giành thế chủ động đánh địch từ xa, phá vỡ đội hình tiến công của địch. Lực lượng pháo phòng không đánh máy bay chiến thuật ở các độ cao, bảo vệ đội hình của TLPK, bảo vệ các đơn vị rađar và sân bay.

Một trong những chiếc máy bay MIG huyền thoại đã bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, hiện được trưng bày ở Hoàng thành Thăng Long

Một trong những chiếc máy bay MIG huyền thoại đã bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, hiện được trưng bày ở Hoàng thành Thăng Long

Thứ ba, cách đánh m­ưu trí, sáng tạo, linh hoạt, luôn giành và giữ quyền chủ động trong tác chiến chiến dịch. Để đánh địch đạt hiệu quả cao, trong tác chiến chiến dịch phòng không, đòi hỏi Bộ đội PK-KQ, các lực lượng tham gia chiến dịch phải rất mưu trí và sáng tạo trong cách đánh; linh hoạt lựa chon và xác định các hình thức chiến thuật, phương pháp hoạt động chiến đấu, nhằm phát huy hết khả năng, sở trường của từng đơn vị, tính năng kỹ thuật của từng lợi vũ khí, trang bị. Trong chiến dịch phòng không tháng 12-1972, việc xác định cách đánh sáng tạo, mưu trí, linh hoạt, luôn giành và giữ quyền chủ động trong tác chiến chiến dịch là nét độc đáo nổi bật về nghệ thuật tác chiến của Bộ đội PK-KQ.

Thứ tư, phát huy sức mạnh tổng hợp của lực lượng phòng không ba thứ quân, lấy lực lượng Phòng không - Không quân làm nòng cốt, tập trung lực lượng chủ yếu trên các hướng chủ yếu để đánh B-52. Trong chiến dịch phòng không tháng 12-1972, có nhiều lực lượng tham gia đánh địch, để phát huy sức mạnh tổng hợp của lực lượng phòng không ba thứ quân, lấy lực lượng PK-KQ làm nòng cốt, tập trung lực lượng chủ yếu trên các hướng chủ yếu để đánh B-52, Quân chủng đã xây dựng kế hoạch hiệp đồng cụ thể, chặt chẽ với từng lực lượng. Đây là vấn đề cốt lõi nhất và cũng là đặc thù nhất trong nghệ thuật tác chiến chiến dịch phòng không Việt Nam. Trong tác chiến, chiến dịch phòng không, ta đã tạo nên sức mạnh chiến đấu của chiến dịch bằng sức mạnh tổng hợp của lực lượng phòng không ba thứ quân. Việc phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng PK-KQ là một vấn đề quan trọng của nghệ thuật chiến dịch phòng không.

Lực lượng phòng không địa phương có vai trò quan trọng triển khai bố trí rộng khắp để thực hiện đón đánh các đường bay thấp nhỏ lẻ của địch và làm nòng cốt trong tổ chức vây bắt giặc lái.

Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972 - một sự kiện có ý nghĩa lịch sử rất quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, vĩ đại của dân tộc ta. Nhận thức sâu sắc và đầy đủ những bài học kinh nghiệm về nghệ thuật tác chiến PK-KQ trong chiến dịch phòng không cần được vận dụng sáng tạo vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Tăng cường xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân. “Xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại”[1]. Xây dựng thế trận phòng không nhân dân vững chắc, giữ gìn tình đoàn kết, gắn bó giữa nhân dân với Đảng, với Quân đội.

                                                                   Thượng tướng TS LÊ HUY VỊNH

                                                 Uỷ viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương,

                                                                        Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQG-ST, H. 2021, tr.157,158.

Dòng sự kiện

Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn
Về khu tưởng niệm chiến tranh ở Kha-tưn, Cộng hòa Bê-la-rút.
THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI
Ngày Chiến thắng 9 tháng 5 rất đỗi thiêng liêng với mọi người dân Liên bang Nga.