Một thời để nhớ

Bố tôi và nước Nga

Mười bảy tuổi, bố xa vùng quê xứ Nghệ để đến với một đất nước xa lạ - nơi mà với vốn kiến thức có được lúc đó, bố chưa thể hình dung ra.

Vĩ đại, nhân hậu, thân ái... là những từ bố tôi dành để nói về nước Nga và con người Nga. Dường như với bố, nước Nga là một phần máu thịt mà mỗi con người bố đã gặp, đã yêu là một phần trong đó.

Mười bảy tuổi, bố xa vùng quê xứ Nghệ để đến với một đất nước xa lạ - nơi mà với vốn kiến thức có được lúc đó bố chưa thể hình dung ra. Sáu năm được trui rèn trong Trường Đại học tổng hợp Leningrad, bố dần dần hoàn thiện mình và yêu quý hơn mảnh đất đã cho bố tri thức, đào tạo bố nên người. Số tài sản mà sáu năm “đi Tây” bố mang về cho ông bà nội là bốn thùng sách và một chiếc đồng hồ để bàn xinh xắn. Có lần tôi hỏi, sao bố đi Liên Xô không mang về nhiều thứ như bác Công mà toàn là sách, sách của bố chẳng ai đọc được cả. Bố cốc yêu vào đầu tôi và bảo, lớn lên con sẽ hiểu và con sẽ đọc được.

Sinh viên Trần Duy Sơn

Sinh viên Trần Duy Sơn

Bố công tác xa, thỉnh thoảng mới về thăm nhà, mỗi lần bố về là tôi có hàng tá câu hỏi để hỏi bố - nhất là khi lần giở những quyển anbom ảnh mà bố mang về từ nước Nga xa xôi. Tôi hay thắc mắc tại sao ở nước Nga lại có nhiều tượng đài đến thế! Bố thường ôm tôi vào lòng, xoa lên mái đầu khét nắng của tôi rồi bảo vì đất nước này có nhiều anh hùng con ạ!

Rồi những khi rỗi rãi bố thường kể cho chị em tôi nghe những kỷ niệm thời bố còn là sinh viên. Bố kể ở nước Nga mùa đông lạnh lắm, đi chợ mua trứng mà đánh rơi lập tức đóng băng, lấy chân đá có khi cong cả mũi giày; rồi về căn phòng nơi bố ở có chiếc cửa sổ lớn sáng nào cũng có mấy chú chim bồ câu cúc cu bên cửa sổ chờ ăn bánh mì vụn; rồi về mùa thu hoạch nho, táo bố và các bạn bố thường đến nông trang thu hoạch cùng nông dân hay những buổi bố cùng các bạn đi xem bảo tàng, chiếu bóng... Và chị em tôi đã lớn lên với những lời giải thích của bố về thế giới quanh mình cùng những hồi ức đẹp về nước Nga...

Ông Trần Duy Sơn (bìa phải) và các đồng nghiệp

Ông Trần Duy Sơn (bìa phải) và các đồng nghiệp

Ngày tôi bắt đầu học ngoại ngữ, bố bảo: Ngôn ngữ là phương tiện hiệu quả nhất để con tiếp cận, hiểu về một đất nước hay một nền văn hóa. Nếu ví ngôn ngữ Pháp là ngôn ngữ văn học, ngôn ngữ Ý là ngôn ngữ tình yêu, ngôn ngữ Tây Ban Nha là ngôn ngữ chính trị... thì ngôn ngữ Nga là tổng hòa của các ngôn ngữ đó. Giờ thì tôi đã hiểu vì sao sau hơn 40 năm rời xa giảng đường đại học bố vẫn tự hào khi có những người thầy, người bạn, đồng nghiệp Nga chân tình đến như thế.

Năm 2010, Đài truyền hình Việt Nam thực hiện chương trình “Thầy trò Xô-Việt”, bố háo hức mong chờ làm cho cả nhà tôi cũng hồi hộp mong theo nhưng đến hôm truyền hình trực tiếp thì không thấy có cô và thầy của bố xuất hiện, bố buồn lắm, bố bảo ngành Khí tượng của bố nghèo nên  không có kinh phí để tri ân thầy cô nhân ngày lễ lớn, nhưng được gặp những người mà họ góp phần rất lớn trong việc đào tạo đội ngũ chuyên gia đầu ngành cho đất nước bố cũng thấy hạnh phúc rồi. Bố bảo họ là những người thầy lớn của dân tộc ta và chúng ta phải mang ơn  họ.

Các thầy giáo, cô giáo Nga trong chương trình

Các thầy giáo, cô giáo Nga trong chương trình "Thầy trò Xô-Việt" của VTV năm 2010

“Chất Nga” trong con người bố thể hiện rõ qua cách ứng xử trong cuộc sống. Tôi còn nhớ ngày bác Phạm Văn Đồng qua đời, khi nghe đài đưa tin, bố bảo cả nhà bỏ đũa yên lặng để tưởng nhớ bác. Lúc ấy cả nhà làm theo chứ chưa hiểu gì. Sau đó bố mới giải thích rằng: Ở nước Nga mỗi khi có một người có công lớn với đất nước ra đi, khi nghe tin thì bất kể ở đâu hay đang làm gì mọi người đều dành một phút yên lặng tưởng nhớ họ. Hay cách bày dạy cho con cái những chuẩn mực đạo đức mà sau này chúng tôi nhận thấy đó là những chuẩn mực đạo đức của các nhà tư tưởng lớn của thời đại ngày nay.

Liên Xô tan rã, nhìn thấy những giá trị mẫu mực, điển hình, văn hóa... của một chế độ tiến bộ bị vi phạm, hoen ố, bố buồn lắm. Bố đau lòng khi nhìn thấy những tượng đài về những anh hùng, vĩ nhân của nước Nga bị đào phá, xô đẩy; những người dân lao động biểu tình đòi trợ cấp lương thực, thuốc men, họ luôn sống trong tình trạng bị đe dọa khủng bố... Buồn hơn khi Quảng trường Đỏ im lìm trong ngày kỷ niệm chiến thắng phát-xít Đức. Bố đau đớn, đến phát khóc rồi trở nên trầm cảm trong một thời gian khi xem hình ảnh các thế lực phản động đối xử vô văn hoá đối với những người đã có công cứu nhân loại ra khỏi thảm hoạ phát xít... Song tình yêu, niềm tin vào nước Nga và con người Nga của bố không hề thay đổi. Đến bây giờ nhiều lúc tôi vẫn tự hỏi tại sao một đất nước xa lạ với những con người không cùng dòng máu, màu da lại để lại trong bố nhiều điều cao cả đến vậy. Bố thường nói với chị em tôi rằng vùng quê xứ Nghệ cho bố tính kiên trì, chịu khó, ham học, còn nước Nga là nơi cho bố tri thức, đào tạo bố nên người. Không chỉ bố biết ơn nước Nga, người Nga mà cả nhân loại phải ghi nhận công lao của họ.

Hàng năm, nhân Ngày chiến thắng trong Cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của nhân dân Liên Xô, hay kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga, Đài truyền hình Việt Nam thường thực hiện những chương trình như “Bài ca chiến thắng”, “Một thời để nhớ”, "Giai điệu tự hào"…, tôi lại thấy bố như được sống lại những tháng ngày mà cả đất nước Nga dồn sức cho cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Hóa ra không chỉ những tâm hồn đồng điệu mới tìm đến với nhau mà  những dân tộc cùng chung mục đích ấm no, tự do, hạnh phúc, hòa bình, phát triển... cũng trở nên gần gũi nhau trong quá trình đấu tranh để hiện thực mục tiêu cao cả của thời đại.

Chứng kiến những thăng trầm của Liên Xô, của nước Nga, bố buồn nhưng vẫn tin vào bản chất nhân hậu, vị tha, yêu lao động, kiên cường của nhân dân Nga. Bố vui khi những người đứng đầu đất nước Nga tâm huyết với sự nghiệp đưa nước Nga phát triển trở lại là một nước hùng cường.

GS, TSKH Yasen Zasurski (thứ ba từ trái sang), Chủ tịch Khoa Báo chí ĐH Tổng hợp quốc gia Moskva mang tên M.V. Lomonosov, người thầy của nhiều nhà báo Việt Nam, tham dự chương trình

GS, TSKH Yasen Zasurski (thứ ba từ trái sang), Chủ tịch Khoa Báo chí ĐH Tổng hợp quốc gia Moskva mang tên M.V. Lomonosov, người thầy của nhiều nhà báo Việt Nam, tham dự chương trình "Thầy trò Xô-Việt".

Đồng lương của một nhà khoa học trong ngành khí tượng của bố khá vất vả trong việc nuôi ba chị em tôi ăn học nên người. Lời hứa các con phải học thật giỏi bố sẽ cho các con đi du học tại Nga mãi là kỷ niệm đẹp thời thơ ấu của chị em tôi. Mặc dù vất vả do đặc thù nghề nghiệp, nhưng bố rất say mê, trách nhiệm với công việc của mình và có những cống hiến to lớn đối với đất nước. Lời dạy “người tốt là người làm được nhiều việc tốt cho mọi người” mãi là phương châm sống của chị em tôi. Giờ đã nghỉ hưu, nhưng bố vẫn miệt mài làm việc, vẫn theo dõi sát sao các sự kiện, hiện tượng diễn ra trên thế giới và đặc biệt quan tâm đến chính trường nước Nga. Bố bảo bố sống và làm việc như thế này bởi bố mang ơn những người bạn của bố đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc cho những người như bố được đi học vì lúc đó đất nước đang gồng mình chống chọi với cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ… và vì bố không bao giờ quên được lời dặn của thầy hiệu trưởng Trường Đại học Leningrad khi tiễn chân bố về nước: “Em hãy mang những kiến thức đã học ở đây về phục vụ đất nước em. Hãy nói đúng về chúng tôi và đất nước chúng tôi”.

                                                Trần Thị Bích Thủy -  Trường Chính trị Trần Phú Hà Tĩnh

(Nhân vật “Bố” trong bài viết là tiến sĩ Trần Duy Sơn - nguyên Phó giám đốc Đài Khí tượng - Cao không, cựu sinh viên Trường đại học tổng hợp Leningrad, niên khóa 1967-1973).

Dòng sự kiện

Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn
Về khu tưởng niệm chiến tranh ở Kha-tưn, Cộng hòa Bê-la-rút.
THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI
Ngày Chiến thắng 9 tháng 5 rất đỗi thiêng liêng với mọi người dân Liên bang Nga.