Một thời để nhớ

CÔ GIÁO NGA CỦA NHỮNG SINH VIÊN VIỆT NAM ĐẦU TIÊN ĐẾN LIÊN XÔ

Bà Xôphia Corơtricôva, giáo viên tiếng Nga kỳ cựu nay đã trên 90 tuổi, là cô giáo Xô-viết đầu tiên của nhiều người Việt Nam nổi tiếng, như nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, dịch giả Hoàng Thúy Toàn...

 Suốt 60 năm liền, bà Xôphia Corơtricôva thực hiện công việc cao quí mà thầm lặng là mở cánh cửa vào thế giới tuyệt diệu và phức tạp của tiếng Nga dành cho các sinh viên đại diện ngót 50 quốc gia. Riêng với người Việt Nam thì danh tính Xôphia Corơtricôva có ý nghĩa rất đặc biệt.

Năm 1954, sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ kết thúc chiến tranh ở Đông Dương được ký kết, lần đầu tiên một nhóm thanh niên Việt Nam được cử đến Mát-xcơ-va. Họ có sứ mệnh theo học ở các trường đại học và cao đẳng kỹ thuật Liên Xô, sau đó trở thành chuyên gia trở về xây dựng nước Việt Nam mới. Nhưng trước tiên phải học cách nói và đọc bằng tiếng Nga. Dành cho việc này, Bộ Giáo dục Liên Xô đã mở các khóa học và mời những giảng viên - chuyên viên Nga học giàu kinh nghiệm của Nga đứng lớp, trong đó có Tiến sĩ Ngữ văn Xôphia Corơtricôva. Tuy nhiên, kinh nghiệm chuyên môn mà số giáo viên này tích lũy được là qua việc giảng dạy tiếng Nga cho sinh viên và học sinh Nga. Còn trong trường hợp với các sinh viên người Việt Nam thì phải bắt đầu từ con số 0 - bà Xôphia Corơtricôva cho biết.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan chào đón bà Xôphia Corơtricôva, cô giáo tiếng Nga của mình, tại cuộc gặp gỡ “Thầy trò Xô-Việt” ở Hà Nội năm 2010.      Ảnh: ĐĂNG PHÁT

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan chào đón bà Xôphia Corơtricôva, cô giáo tiếng Nga của mình, tại cuộc gặp gỡ “Thầy trò Xô-Việt” ở Hà Nội năm 2010. Ảnh: ĐĂNG PHÁT

Bà Xôphia Corơtricôva kể lại: “Các sinh viên tương lai của chúng tôi khi ấy là những bạn trẻ rất nghiêm túc và ham học hỏi, nhưng không biết bất kỳ ngôn ngữ nào khác trừ tiếng mẹ đẻ. Còn chúng tôi thì không ai biết tiếng Việt cả. Có 21 giáo viên dạy cho 100 sinh viên. Và tất cả cùng nhau vạch ra phương pháp giảng dạy tiếng Nga như một ngoại ngữ. Chúng tôi trao đổi kinh nghiệm với các đồng nghiệp từ trường Đại học Tổng hợp Mát-xcơ-va, ở đó cũng có sinh viên mới từ nhóm 100 thanh niên Việt Nam vừa sang Liên Xô. Thế là sinh ra trường Nga giảng dạy tiếng Nga như một ngoại ngữ. Hồi đó còn có các trợ lý, không chỉ giúp các sinh viên chuẩn bị bài học, mà còn đưa họ đi cửa hàng mua sắm vật dụng, giải quyết các vấn đề trong sinh hoạt hàng ngày và giúp những sinh viên nước ngoài hòa nhập vào cuộc sống Liên Xô. Một số người trong những trợ lý này, điển hình như bà Em-ma Lam, cũng đã trở thành giảng viên và là tác giả của những cuốn giáo khoa được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới”.

 
Năm 1955, sau hơn một năm học tiếng Nga tại Mát-xcơ-va, bỗng nhiên tôi được điều động ra Đại sứ quán nước ta làm việc. Miệng còn hơi sữa, ngay cả tiếng Nga cũng chưa được đào tạo tới nơi tới chốn, việc đầu tiên tôi được giao là làm đưa đón, lễ tân, phiên dịch kiêm luôn quản trị, nghĩa là thượng vàng, hạ cám…" Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan (trích trong cuốn “Chuyện nghề, chuyện nghiệp ngoại giao”, NXB Hội Nhà văn, 2013).

Bà Xôphia Corơtricôva cho đến nay vẫn giữ liên lạc với những sinh viên Việt Nam đầu tiên mà bà coi là nhóm học trò cưng nhất, yêu quí nhất.

Bà giáo già chia sẻ: “Đó là một nhóm tuyệt vời gồm các cậu bé và các cô bé, tuổi từ 15 đến 19. Tất cả đã học tập miệt mài với niềm say mê và tinh thần trách nhiệm hiếm có! Chúng tôi không chỉ đơn thuần là giáo viên và học sinh mà chúng tôi còn là đồng nghiệp, cùng nhau làm việc để tạo nên một phép mầu là thông hiểu một ngôn ngữ mới, một thế giới mới. Sau khi kết thúc khóa học tiếng ở chỗ chúng tôi, họ được phân bổ đến các trường đại học và trường kỹ thuật Nga, rồi trở về Việt Nam, trở thành những nhà khoa học, viên chức chính phủ, chuyên viên xây dựng, quân nhân, nhà thơ hay giáo viên – nói chung đều để lại dấu ấn rõ rệt trong mọi lĩnh vực đời sống của đất nước. Hàng năm cứ đến dịp Tháng Mười là họ lại hội ngộ và nhớ về thời tuổi trẻ. Và họ còn mời cả các những người thầy cũ của mình tham dự nữa. Tôi và Emma Lamm đã hai lần được mời sang Việt Nam, vào năm 2007 và năm 2010. Trong hai lần đó, chúng tôi đã đi khắp đất nước Việt Nam, các học trò cũ đã tổ chức cho chúng tôi những cuộc gặp gỡ, thăm thú thật tuyệt diệu. Tất cả các cựu sinh viên Việt Nam tốt nghiệp khóa học của chúng tôi, bất kể làm việc hay sinh sống ở đâu, đều là những người yêu nước Nga thắm thiết, là những thành viên tham gia tự nguyện và tích cực vào sự nghiệp quảng bá ngôn ngữ văn hóa Nga ở Việt Nam”.

Tiếng Nga đối với những cựu sinh viên người Việt này không chỉ là cơ sở cho nghề nghiệp, mà còn là cửa sổ mở ra thế giới, - một trong số những học trò cũ của bà Xôphia Corơtricôva, nguyên Phó Thủ tướng Việt Nam Vũ Khoan nhận xét. “Khởi đầu với những cuốn sách Nga dành cho trẻ em, sau đó chúng tôi được biết nền văn học Nga và văn hóa Nga giàu có phong phú, tác động rất lớn vào nền văn hóa thế giới. Đối với chúng tôi, tiếng Nga là cây cầu nối giữa Việt Nam và Nga với quan hệ phát triển và tăng cường mỗi ngày. Chúng tôi rất vui mừng về điều đó”.

Trong tiếng Nga có câu “sống thời tuổi trẻ thứ hai”. Về bà giáo Xôphia Corơtricôva có thể nói rằng tuổi trẻ của bà không bao giờ kết thúc. Bởi suốt cuộc đời, ở bên bà luôn có những chàng trai, cô gái trẻ quây quần.

Dòng sự kiện

Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn
Về khu tưởng niệm chiến tranh ở Kha-tưn, Cộng hòa Bê-la-rút.
THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI
Ngày Chiến thắng 9 tháng 5 rất đỗi thiêng liêng với mọi người dân Liên bang Nga.