Một thời để nhớ

CÓ NHỮNG NGÀY NHƯ THẾ Ở LIÊN XÔ

Ngày đầu tiên đi học... Liên Xô quả là không thể nào quên. Năm ấy, 1959-1960, tôi 18 tuổi, cùng với 16 nữ sinh và hàng trăm nam sinh lên tàu đi qua Trung Quốc để đến với xứ sở Bạch dương xa lạ.

Xe lửa chở chúng tôi băng băng qua những cánh đồng rộng mênh mông vùng Xibia, qua hồ Baican nước xanh ngắt một màu. Thế là toại nguyện những ước mong tuổi nhỏ. Đã đọc rất nhiều sách báo về nước Nga, về người Nga thì nay đã ở trên đất nước Nga! Khi tàu dừng ở một thành  phố vùng Xibia, chúng tôi xuống tàu ngắm nhìn trời đất thư thái một lát thì có một đoàn chiến sĩ xôviết chạy lại, vồn vã bắt tay chào hỏi. Họ  nói gì đó khá nhiều, chúng tôi chỉ nghe được mấy tiếng “Việt Nam”, “Hồ Chí Minh” mà cũng thấy ấm lòng, vui sướng và chúng tôi ai cũng khao khát mau chóng học thông thạo tiếng Nga để có thể giao tiếp với bè bạn. Có thể nói, cuộc gặp đơn giản đó là kỷ niệm đầu tiên của tôi trên đất nước Xôviết.

Đến Mátxcơva, chúng tôi được Đại sứ quán nước ta thông báo quyết định phân bổ đi các trường. Nhiều bạn trong đoàn tỏa đi các nước cộng hòa, còn tôi thì vẫn ở Mátxcơva, về trường Đại học Thể dục thể thao. Thế là cuộc đời sinh viên bắt đầu.

Nguyễn Thị Thu Thanh (có đánh dấu X) cùng các bạn ở ĐH Thể dục thể thao Mátxcơva sau buổi lao động công ích nhân kỷ niệm ngày sinh V.I. Lenin 22/4/1985.

Nguyễn Thị Thu Thanh (có đánh dấu X) cùng các bạn ở ĐH Thể dục thể thao Mátxcơva sau buổi lao động công ích nhân kỷ niệm ngày sinh V.I. Lenin 22/4/1985.

Khi ở trong nước chuẩn bị sang Liên Xô, tôi đang là sinh viên Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Cho nên, thú thật là tôi đã rất ngỡ ngàng, thậm chí là phát hoảng khi được phân công học ở trường thể thao. Tôi đã khóc mấy đêm liền, nhưng ý thức chấp hành sự phân công chung đã buộc tôi phải nén lại những buồn chán ban đầu để lao vào học tập.

Có điều rất đáng nói là với sinh viên Liên Xô, để vào học ở trường đại học thể thao thì phải là vận động viên, là kiện tướng thể thao hoặc là những người đã hoàn thành các bài thi tiêu chuẩn cấp I. Chúng tôi không đủ tiêu chuẩn đó, người thì “thấp bé nhẹ cân”, nên nhà trường tổ chức cho chúng tôi một lớp riêng.

Ở ký túc xá nhà trường, tôi ở cùng phòng với bảy sinh viên nữ Liên Xô. Phải nói là khá đông, chật chội, nhưng với tôi lại rất có lợi vì có nhiều điều kiện nghe, nói tiếng Nga. Tôi không rõ ở những trường khác thế nào, còn với tôi thì học ở trường thể thao vất vả quá, suốt tuần, suốt ngày ngoài những giờ học lý thuyết ra là phải tập tành ở ngoài sân bãi, trong gian thể thao, có giờ thì với huấn luyện viên, nhưng có những giờ tự tập. Không thể không nhắc lại là học bổng của sinh viên Việt Nam rất thấp (50 rúp một tháng), nên về chế độ dinh dưỡng cũng không bảo đảm mặc dù đi du học thế này là “sung sướng” hơn những người ở trong nước nhiều rồi! Ở trường thể thao cũng có những giờ học như ở đại học y khoa, có môn giải phẫu sinh lý. Nhiều lần vào phòng giải phẩu, nhìn thấy thi thể người là tôi quên hết tiếng Nga, bị giáo viên đuổi ra ngoài. Thầy giáo chỉ vào bàn tay, bàn chân xác chết kia hỏi, tôi không trả lời được vì sợ quá!

Hồi đang học, vì học bổng quá thấp không đủ tiêu, tôi đã có cách “làm thêm”. Đó là đan len! Tôi mua len tự đan mũ, đan tất cho mình. Các bạn Nga thấy vậy cũng nhờ đan cái này cái khác. Tôi lấy của họ một chút tiền công, thế là hàng tháng cũng có thêm ít rúp.

Chúng tôi rất nhớ những kỳ nghỉ Đông, nghỉ Hè trong thời gian học ở nước bạn. Theo vé đi nghỉ, trong mấy năm học tôi đã được đi đến nhiều nơi, như Biển Đen, dọc theo sông Vônga, được trượt tuyết, trượt băng, tắm biển... Những dịp đó, chúng tôi được chiêm ngưỡng cảnh đẹp tuyệt vời của nước bạn bao la.

Lần thứ hai tôi trở lại Liên Xô học tập là vào năm 1984-1985, khi được Tổng cục Thể dục thể thao cử đi học sau đại học. Tôi được về trường cũ. Người thầy đầu tiên tôi gặp lại là giáo sư môn giải phẫu sinh lý. Thầy đã già đi nhiều, tóc bạc phơ. Thầy giới thiệu tôi với các bạn sinh viên rất thân thiết và có phần “long trọng”, khen tôi từng là sinh viên “hết sức chịu khó học tập, rèn luyện”!

Sau đợt học tập đó, tôi được phân công về Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Hơn 10 năm công tác ở Vụ Thể dục – quân sự, Bộ ĐH&THCN và gần 40 năm làm công tác thể dục, thể thao ở thành phố biển Nha Trang tôi đã trải qua biết bao chuyện vui buồn. Nhưng điều để lại ấn tượng rất sâu đậm trong tôi là làm công tác đối ngoại nhân dân. Tham gia công tác của Hội Hữu nghị, chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn, về chuyên môn là vì mình chưa được học về ngoại giao, còn một số mặt khác là vấn đề kinh phí, quỹ thời gian v.v... Nhưng mỗi lúc có khó khăn, tôi lại nghĩ đến những năm tháng học tập ở Liên Xô với biết bao vất vả, đồng thời tôi cũng nhớ lại với lòng biết ơn không thể nào quên sự quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ ân cần, chu đáo của thầy cô giáo và bạn bè nước bạn. Vì thế, chúng tôi như được động viên kịp thời, thôi thúc mình cố gắng nhiệt tình hoạt động.

       NGUYỄN THỊ THU THANH

  Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Nga tỉnh Khánh Hòa

Dòng sự kiện

Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn
Về khu tưởng niệm chiến tranh ở Kha-tưn, Cộng hòa Bê-la-rút.
THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI
Ngày Chiến thắng 9 tháng 5 rất đỗi thiêng liêng với mọi người dân Liên bang Nga.