CUỘC GẶP THƯỢNG ĐỈNH NGA – MỸ
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump sắp đến thủ đô Helsinki tiến hành cuộc họp rất được dư luận trông đợi vào ngày 16/7. Liệu có thể hy vọng gì ở cuộc gặp này? Liệu sau đó có diễn ra những bước đi nào để hai cường quốc cải thiện quan hệ, thúc đẩy hợp tác?
Cuộc gặp Trump – Putin diễn ra sau khi nhà lãnh đạo Mỹ đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh khối NATO diễn ra từ ngày 11-12/7 tại Brussels (Bỉ) và đã thực hiện chuyến thăm làm việc 3 ngày tại nước Anh đồng minh. Những sự kiện đó tạo thêm điều kiện cho Tổng thống Trump chuẩn bị rất kỹ càng với ông chủ Điện Kremli, nhất là khi nhiều đồng minh của Mỹ trong khối NATO hoặc những “đồng minh ngoài NATO” như Ukraina đã tỏ ra lo ngại về khả năng Trump có thể có những “nhượng bộ” hay “thỏa thuận” nào đó với Nga khiến cho họ rơi vào thế bất lợi (!?).
Thông báo ấn định thời gian và địa điểm cuộc gặp thượng đỉnh được Moskva và Washington đưa ra đêm 28/6 (giờ Hà Nội) sau chuyến công du Nga của Cố vấn An ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ John Bolton. Tại thủ đô Moskva, John Bolton lần lượt hội đàm kéo dài với Phó Thư ký thứ nhất Hội đồng An ninh Nga Yuri Averyanov và Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov. Ông cũng được Tổng thống Putin tiếp. Đây là một diễn biến rất quan trọng trong quan hệ Mỹ - Nga nói chung và trong tiến trình chuẩn bị tổ chức cuộc gặp Putin – Trump nói riêng.
Để bảo đảm cho cuộc gặp thượng đỉnh Nga – Mỹ ngày 16/7 có một chương trình gồm nhiều nội dung quan trọng thuộc quan hệ song phương Nga – Mỹ và nhiều vấn đề quốc tế cấp bách, sau chuyến công du Nga của John Bolton, Moskva và Washington còn tổ chức cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Mike Pompeo và người đồng cấp Nga S. Lavrov cũng như nhiều cuộc họp ở nhiều cấp khác nhau. Theo Trợ lý đối ngoại của Tổng thống Nga, ông Yuri Ushakov, tại Helsinki, hai Tổng thống Nga và Mỹ sẽ hội đàm khoảng 2-3 giờ, có thể sẽ ra Thông cáo chung để xác nhận những vấn đề được thảo luận và các bước đi tiếp theo trong quan hệ hai nước; hai vị lãnh đạo sẽ cùng gặp gỡ báo chí sau cuộc hội đàm.
Về chủ đề thảo luận tại cuộc gặp, các quan chức Mỹ và Nga đều cho biết một danh mục rất dài những nội dung mà hai bên quan tâm, từ quan hệ kinh tế, các biện pháp cấm vận, triển vọng Nga tiếp tục tham gia nhóm G-8 đến những “hồ sơ” quốc tế nổi cộm như Ukraina, Syria, Iran, bán đảo Triều Tiên, giải trừ quân bị và những chuyện “nhạy cảm” đối với chính trị nội bộ Mỹ, chẳng hạn như cáo buộc về việc dường như Nga can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016…
Những chủ đề “ưa thích” ?
Với vai trò, vị thế của hai nước lớn, hai cường quốc hạt nhân “đáng gờm” nhất thế giới nên cặp quan hệ Nga – Mỹ có ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống quan hệ quốc tế, đến hòa bình và ổn định trên toàn cầu. Nhưng quan hệ giữa hai nước này lại đang ở trong trạng thái rất căng thẳng với nhiều biểu hiện đối đầu quyết liệt như thời “chiến tranh lạnh”. Rất nhiều vấn đề phức tạp đang tồn đọng trong quan hệ Nga – Mỹ, vì thế, chương trình nghị sự cho một cuộc gặp “căn cơ” giữa lãnh đạo cao nhất của hai nước là rất lớn, phức tạp và mỗi bên có thể có những ưu tiên khác nhau.
Theo phân tích của báo điện tử Die Presse, đối với Moskva, các chủ đề kiểm soát vũ khí, chống khủng bố, giải quyết xung đột khu vực và trở lại tham gia nhóm G-7/G-8 là quan trọng nhất. Die Press nhắc lại rằng, trước khi tái đắc cử, trong Thông điệp liên bang ngày 1/3/2018 Tổng thống V. Putin đã trình làng một loạt vũ khí mới rất hiện đại của Nga. Nhưng Moskva muốn đạt được thỏa thuận với Washington trong lĩnh vực vũ khí thông thường, liên quan lực lượng NATO ở châu Âu. Tổng thống Putin hy vọng tìm kiếm sự “phối hợp” từ phía Tổng thống Trump bởi chính nhà lãnh đạo Mỹ đã nhiều lần tuyên bố muốn cắt giảm ngân sách cho việc bảo đảm an ninh của các đồng minh ở châu Âu. Về cuộc chiến chống khủng bố, Moskva muốn có sự bảo đảm rằng, trong thời điểm khủng hoảng thì việc trao đổi thông tin giữa các cơ quan tình báo Nga và Mỹ không bị gián đoạn. Đề tài xung đột khu vực cũng rất nóng đối với Nga và quan hệ Nga-Mỹ. Tại Syria, trên thực tế Nga và Mỹ ở hai chiến tuyến khác nhau nên Moskva cho rằng Mỹ và Nga phải có những thỏa thuận, những hoạt động phối hợp cụ thể. Về cuộc khủng hoảng Ukraina, những trao đổi giữa Nga và Mỹ về khả năng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở miền Đông Ukraina là một vấn đề khó khăn nhưng có ý nghĩa quan trọng đối với cả hai bên. Liên quan nhóm G-7/G-8, Tổng thống Putin đã không chỉ một lần tuyên bố Nga không rút ra khỏi G-8, chẳng qua các nhà lãnh đạo 7 nước phương Tây đã không đến Sochi để dự Hội nghị thượng đỉnh G-8 như kế hoạch đã định; và từ năm 2014 Nga thấy việc tham gia những cơ chế hợp tác khác, như nhóm G-20, là rất hiệu quả, thiết thực nên không có nhu cầu nhất thiết phải tham gia G-8. Tuy nhiên, nếu G-7 nhất trí chấp nhận Nga trở lại tham gia G-8 thì đấy sẽ là một diễn biến rất quan trọng đối với Nga. Trong dịp diễn ra hội nghị thượng đỉnh G-7 mới đây tại Canađa, Tổng thống D. Trump cho rằng nên mời Nga trở lại tham gia G-8.
Cũng theo Die Press, đối với Tổng thống Mỹ, những chủ đề ưu tiên tại cuộc gặp Helsinki là sự phối hợp của Moskva trong “hồ sơ Iran và Syria”, trong vấn đề Triều Tiên. Một chủ đề nữa là câu chuyện Nga can thiệp vào bầu cử ở Mỹ mà các đối thủ chính trị của Trump ở trong nước ra sức khai thác. Kênh truyền hình Mỹ CNN ngày 28/6 dựa vào “các nguồn tin ngoại giao” cho biết Donald Trump tìm cách đạt được những thỏa thuận cụ thể với Vladimir Putin về Syria để Mỹ có thể sớm rút quân ra khỏi quốc gia Trung Đông này. Theo “kế hoạch” của Mỹ được CNN tiết lộ, Washington sẽ để cho Chính phủ Syria kiểm soát vùng lãnh thổ giáp biên giới Gioócđani nhằm đổi lấy sự bảo đảm của Nga là quân đội Chính phủ Syria sẽ không tấn công tiêu diệt lực lượng phiến quân được Mỹ ủng hộ ở đây mà “mở đường” cho những lực lượng này rút đi; Trump cũng trông đợi Nga sẽ thiết lập “khu vực giảm căng thẳng” ở Tây Nam Syria, không để cho lực lượng thân Iran xâm nhập vùng này. Bởi vì chế ngự Iran là một phần then chốt trong kế hoạch của Tổng thống Mỹ “rút khỏi Syria”.
Tuy nhiên, phản ứng trước thông tin của CNN, người phát ngôn của Tổng thống Nga, Dmitry Peskov tuyên bố “Moskva không biết CNN dựa vào nguồn tin nào để nói rằng Trump muốn đạt được một thỏa thuận về Syria tại cuộc gặp Helsinki”.
Theo phân tích của Die Press, không một ai, trừ Putin, có thể tác động tới ảnh hưởng của Iran ở Syria. Báo điện tử này cho rằng, nếu Putin “đẩy” được các nhóm vũ trang thân Iran ra khỏi Syria và chế ngự được những tham vọng hạt nhân của Iran thì Tổng thống D. Trump có thể bảo đảm với Moskva triển vọng dỡ bỏ cấm vận kinh tế.
Die Press cũng cho rằng nếu không có sự phối hợp hành động của Nga thì trong vấn đề bán đảo Triều Tiên không thể bảo đảm sự ổn định, bền vững của tiến trình hòa bình phi hạt nhân hóa.
Về những cáo buộc dường như Nga can thiệp bầu cử ở Mỹ, theo Die Press, bản thân Donald Trump không tin chuyện đó. Và ông muốn một lần nữa nhà lãnh đạo Nga có những tuyên bố rõ ràng bác bỏ mọi cáo buộc để ông dựa vào những lời khẳng định đó đòi chấm dứt quá trình điều tra của ủy ban Robert Muller vẫn đang được tiếp tục ở Mỹ.
Dè dặt về kết quả
Ngay sau những cuộc hội đàm với quan chức Nga tại Moskva ngày 27/6, Cố vấn An ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ, John Bolton tuyên bố rằng “Washington không trông đợi một sự đột phá lớn bởi vì hội đàm ở cấp cao nhất đã không được tiến hành kể từ cuộc gặp giữa hai Tổng thống tại Hamburg, Đức, hồi tháng 7/2017, do đó những vấn đề phức tạp tồn đọng quá nhiều”. Tuy nhiên, quan chức này cũng không loại trừ việc hai bên có thể đạt được những kết quả cụ thể.
Bản thân Tổng thống D. Trump đã chia sẻ những nhận định chung chung, qua lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ. Sau khi Moskva và Wahsington công bố thời gian, địa điểm cuộc gặp thượng đỉnh, người phát ngôn này tuyên bố: “Tổng thống (D. Trump) hy vọng cuộc gặp (ở Helsinki) có thể giúp giảm bớt căng thẳng và dẫn tới sự phối hợp hành động xây dựng góp phần củng cố hòa bình và an ninh trên toàn thế giới. Tổng thống hướng tới cuộc gặp này vì lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ và để xác định liệu Nga có sẵn sàng để đạt được tiến bộ trong quan hệ (hai bên) hay không. Tổng thống cho rằng việc cải thiện quan hệ với Nga sẽ hữu ích cho Mỹ, cho Nga, nhưng quả bóng nằm ở sân của Nga, Tổng thống tiếp tục truy cứu trách nhiệm của Nga về những hoạt động gây phương hại của Nga”.
Về phía Nga, các học giả đều bày tỏ sự thận trọng đối với khả năng cuộc gặp Putin – Trump mang lại những kết quả đáng kể. Ông Ivan Timofeev, Giám đốc Chương trình của Câu lạc bộ đối thoại quôc tế “Valdai”, cho rằng không có lý do để “chờ đợi những đột phá” từ cuộc gặp Helsinki. Theo ông, chương trình nghị sự của thượng đỉnh Nga – Mỹ bao gồm những vấn đề từ trước đến nay vẫn có ý nghĩa then chốt đối với hai bên. Đó là các vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân, kiểm soát vũ khí, ổn định chiến lược. “Các vấn đề kinh tế có lẽ sẽ được đẩy lại phía sau vì quan hệ kinh tế giữa Nga và Mỹ từ lâu vốn rất yếu; còn trong vấn đề Ukraina và một số “hồ sơ” khác thì khó mà có tiến bộ” – ông Ivan Timofeev nhận xét.
Học giả này cũng cho rằng ông chủ Nhà Trắng cần cuộc gặp thượng đỉnh với Vladimir Putin để củng cố hình ảnh, vị thế của mình. “Donald Trump là một chính khách lắm khi hành động có phần khác người. Nếu ở Mỹ người ta nói Nga là một nước rất tệ thì ông ta khẳng định “Không hẳn như vậy”. “Đối với Trump, cuộc gặp với Putin là cơ hội để kiếm thêm điểm số uy tín chính trị” - Ivan Timofeev đánh giá. Học giả này cho rằng chính với logic như vậy nên Trump đã chấp thuận tiến hành cuộc gặp gỡ với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. “Trước đây chưa nhà lãnh đạo nào của Mỹ tiếp xúc với ông ta, nhưng Donald Trump tuyên bố “Tôi sẽ thử xem sao” và thế là đã có cuộc gặp “lịch sử” – học giả Ivan Timofeev nhận xét.
Giám đốc Viện Mỹ và Cana đa thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, ông Valeri Garbuzov cũng tỏ ra thận trọng, cho rằng không nên trông đợi một sự đột phá nào. “Với cuộc gặp này, Vladimir Putin sẽ một lần nữa thấy rõ Donald Trump muốn thay đổi cái gì đó trong quan hệ Mỹ - Nga nhưng ông ta không thể làm được gì. Có lẽ hai bên sẽ không ký kết được thỏa thuận nào tại cuộc gặp đó” - Valeri Garbuzov nhận định.
Theo kết quả cuộc thăm dò ý kiến người Nga do Trung tâm nghiên cứu dư luận xã hội Nga (VSIOM) công bố ngày 9/7, có 56% người Nga không trông đợi những kết quả đáng kể của cuộc gặp Putin – Trump. Chỉ có 33% số người được hỏi ý kiến bảy tỏ đánh giá tích cực. 62% cho rằng mục tiêu chính của Putin trong cuộc gặp Helsinki là giải quyết các vấn đề thuộc quan hệ hai nước, còn 71% nhận định Trump sẽ tìm cách củng cố vị thế của nước Mỹ.
Dè dặt về khả năng đạt được kết quả quan trọng, nhưng các nhà chính trị và giới nghiên cứu đều đánh giá việc hai Tổng thống Nga, Mỹ tiến hành một cuộc gặp “đàng hoàng”, với sự chuẩn bị căn cơ, có chương trình nghị sự lớn và sâu rộng, là một diễn biến rất quan trọng, tích cực. Bởi đã lâu rồi chưa có những cuộc gặp như vậy.
Dư luận thế giới nhìn chung đều hoan nghênh thỏa thuận tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Nga tại Helsinki, cho rằng đây là cơ hội quan trọng để hai cường quốc chế ngự căng thẳng, cùng góp phần vào sự ổn định, hòa bình trên thế giới. Tuy nhiên, cũng không ít nơi đã có những tiếng nói lo ngại về sự “hòa giải” giữa Mỹ và Nga, thậm chí, cũng có những ý kiến cho rằng có thể Tổng thống Mỹ D. Trump bị nhà lãnh đạo Nga “gài bẫy” (!?).
Tờ The Independent và nhiều cơ quan truyền thông Anh cho biết Luân Đôn và một số thủ đô trong khối NATO, trong Liên minh châu Âu (EU) không giấu được sự lo ngại về triển vọng Trump – Putin có thể đạt được những thỏa thuận nào đó mà họ nói là “gây tổn hại” cho an ninh châu Âu. Theo Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Nga lần này có thể gây bực bội cho các đồng minh của Hoa Kỳ vốn muốn cô lập ông Putin. Trong số các đồng minh đó có Anh và một số nước khác lo ngại về thái độ quá thân thiện của ông Trump đối với nhà lãnh đạo Nga. VOA nhận định: Cuộc gặp thượng đỉnh ở Helsinki có khả năng vấp phải sự chống đối của những người chỉ trích vẫn hoài nghi về cam kết của ông Trump đối với liên minh NATO, và lo lắng vì ông nhất mực muốn xây dựng lại các quan hệ với Moskva, bất chấp việc Washington đang siết chặt các biện pháp trừng phạt Nga.
Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Mỹ Chris Coons nói trong một tuyên bố: “Một hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nga có tính xây dựng hoàn toàn có thể xảy ra, nhưng tôi rất lo ngại là sau những gì xảy ra hồi gần đây tại hội nghị G-7 ở Canada, Tổng thống Trump một lần nữa có thể xung khắc với các đồng minh thân thiết nhất của chúng ta tại thượng đỉnh NATO, để rồi sau đó tỏ ra nịnh nọt Tổng thống Putin, muốn chụp hình với ông ta” (!).
Hãng tin Mỹ AP dẫn lời Jorge Benitez, chuyên viên cao cấp về NATO tại Trung tâm Chiến lược và An ninh Scowcroft, nói: "Tôi nghĩ rằng người châu Âu đã lo lắng về cuộc họp này kể từ khi ông Trump chính thức trở thành Tổng thống". "Những gì xảy ra trong cuộc họp ở Singapore (giữa Trump với nhà lãnh đạo Triều Tiên) không đem lại ảnh hưởng tích cực. Tôi nghĩ nó khiến cho lãnh đạo các nước lo lắng về việc ông Trump sẽ tỏ thái độ thân mật quá mức với ông Putin tại cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới" – vị chuyên viên này nói.
Tuy nhiên, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã hoan nghênh cuộc gặp. Phát biểu tại Brussels (Bỉ) ngày 28/6, Tổng Thư ký Stoltenberg khẳng định “động thái này phù hợp với chính sách của NATO duy trì đối thoại với Nga trong khi vẫn đảm bảo tiềm lực quốc phòng mạnh. Ông nói: "Tôi hoan nghênh cuộc gặp sắp tới giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin vì tôi tin tưởng vào đối thoại. Cách tiếp cận của NATO đối với Nga là cách tiếp cận theo hai hướng, quốc phòng và đối thoại". Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO (11-12/7), Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng khẳng định rằng cuộc gặp Trump – Putin “có lợi cho tất cả các bên”.
Từ Hamburg đến Đà Nẵng và Helsinki
Cuộc gặp lần thứ nhất giữa Trump và Putin diễn ra ngày 7/7/2017 bên lề Hội nghị thượng đỉnh nhóm G-20 tại Hamburg trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Nga tiếp tục xấu nghiêm trọng. Cuộc gặp với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao hai nước S. Lavrov và R. Tillerson kéo dài 2 giờ 15 phút (trước chỉ dự kiến 30-45 phút). Trong đó, 40 phút dành cho vấn đề “Nga can thiệp vào bầu cử ở Mỹ”. Tổng thống Putin kể lại rằng Donald Trump ghi nhận những lời khẳng định của ông về việc không hề có sự can thiệp nào và “có lẽ đã đồng tình với những lời khẳng định đó”. Hai bên cũng đã thảo luận nhiều về Syria và Ukraina, vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, đấu tranh chống khủng bố và an ninh mạng. Đã có một số thỏa thuận cụ thể, chẳng hạn, đã tuyên bố ngừng bắn ở khu vực giảm căng thẳng tại Tây Nam Syria; hai Tổng thống thỏa thuận thiết lập kênh liên lạc giữa các đại diện Nga và Mỹ nhằm thúc đẩy giải pháp cho vấn đề Ukraina, thành lập nhóm công tác đặc biệt của hai nước về vấn đề an ninh mạng, vấn đề đơn giản hóa thủ tục cử Đại sứ mới của hai nước. Sau cuộc gặp Hamburg, Ngoại trưởng Mỹ lúc đó, ông R. Tillerson nhận xét giữa Trump và Putin “đã có những tố chất tích cực”.
Cuộc gặp lần thứ hai giữa Putin và Trump diễn ra tại Đà Nẵng khá đặc biệt. Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tại đây hồi tháng 11/2017, trong khi đi bộ khá nhanh để di chuyển địa điểm, trong vòng vây của nhân viên an ninh Mỹ, Nga, Việt Nam và các quan chức tháp tùng, Putin và Trump cũng đã có điều kiện trao đổi với nhau và đi đến thống nhất ra bản Tuyên bố chung Nga – Mỹ về Syria! Tại Đà Nẵng, hai nhà lãnh đạo Mỹ, Nga cũng có dịp bắt tay nhau khi lãnh đạo APEC chụp ảnh chung. Một cuộc gặp theo đúng nghĩa của nó, với nhiều nội dung liên quan mối quan hệ song phương và những vấn đề quốc tế mà hai bên có thể thảo luận, đã không được tổ chức, trái với mong đợi của chính giới và truyền thông thế giới. Trong cuộc họp báo ở Đà Nẵng, Tổng thống Nga V. Putin đã giải thích vì sao không thể diễn ra một cuộc gặp “đàng hoàng” giữa ông với Tổng thống Mỹ: là do lịch trình làm việc quá bận bịu của cả ông và Donald Trump và cũng do những vấn đề lễ tân mà hai đoàn Nga và Mỹ không giải quyết được.
Cuộc gặp thứ ba tại Helsinki ngày 16/7 đã có một quá trình chờ đợi và chuẩn bị khá dài. Sau Đà Nẵng, Putin và Trump 3 lần điện đàm trong tháng 11- 12/2017 (ngày 21/11, ngày 15 và 17/12). Sang năm 2018, hai ông có hai lần điện đàm (12/2 và 20/3). Chính trong cuộc điện đàm ngày 20/3, Trump và Putin thảo luận về vấn đề tổ chức cuộc gặp gỡ song phương. Sau đó, Nhà Trắng nhiều lần khẳng định Tổng thống Trump “hướng tới một cuộc gặp với nhà lãnh đạo Nga”. Theo CNN, Tổng thống D. Trump đã tham vấn Thủ tướng Đức Angela Merkel về “cách thức ứng xử với ông Putin”… Sau đó, đã có nhiều nỗ lực để dàn xếp cuộc gặp thượng đỉnh tại Helsinki.
ĐỨC HÀ