Tiêu điểm

NHỮNG NỖ LỰC BẢO ĐẢM AN NINH MẠNG CỦA LIÊN BANG NGA

Gần đây dư luận rất chú ý những biện pháp của LB Nga trong lĩnh vực an ninh mạng. Luật về "chủ quyền" mạng Internet quốc gia, Luật về tin tức giả và Luật về những hành vi xúc phạm các biểu tượng nhà nước đã được thông qua.

Dự luật bảo đảm ổn định của Runet

Giữa tháng 12/2018, hai Thượng nghị sĩ và một Hạ nghị sĩ Nga cùng đứng tên trình ra Duma Quốc gia dự luật “về việc bảo đảm độc lập, chủ quyền của mạng Internet” ở LB Nga. Sau 3 lần  thảo luận để xem xét dự luật,  Duma Quốc gia Nga đã thông qua. Sau đó Hội đồng Liên bang của Quốc hội Nga đã chấp thuận và Tổng thống Vladimir đã ký ban hành luật. Với việc luật mới này có hiệu lực,  hai đạo luật liên bang là “Luật Thông tin” và “Luật Truyền thông” phải sửa đổi, bổ sung một số nội dung để bảo đảm tính đồng bộ, hoàn chỉnh của những quy phạm về tổ chức, hành chính và kỹ thuật nhằm tăng cường an ninh thông tin, an ninh mạng, giữ vững sự ổn định, hiệu quả của mạng Internet quốc gia Nga là  mạng Runet (“mạng Nga”).

Một phiên họp Duma quốc gia Nga

Một phiên họp Duma quốc gia Nga

Ba nghị sĩ đưa ra sáng kiến luật pháp nói trên nhấn mạnh: mạng Internet quốc gia Nga phải được bảo vệ vững chắc trước bất kỳ mối hiểm họa nào từ bên ngoài. Trong tờ trình của mình, ba nghị sĩ Nga đã đề cập Chiến lược An ninh quốc gia Mỹ được thông qua hồi tháng 10/2018 mà trong đó nêu mục tiêu chống lại cái mà phía Mỹ cho là “những cuộc tấn công mạng của tin tặc Nga”. Theo các nghị sĩ này, nếu quan hệ Mỹ - Nga trở nên căng thẳng hơn nữa thì không loại trừ khả năng rủi ro các thế lực thù địch Nga ở Mỹ và Phương Tây sẽ bổ sung vào danh mục trừng phạt Nga biện pháp “cắt đứt” kết nối mạng Runet của Nga với mạng Internet toàn cầu. Các nghị sĩ Nga cũng chỉ rõ, trên thực tế hiện nay tên miền trong mạng Internet toàn cầu do tập đoàn ICANN đăng ký hoạt động ở Mỹ quản lý. Tuy rằng trong lịch sử mấy chục năm qua ICANN chưa thực hiện biện pháp thu hồi tên miền của quốc gia nào nhưng, theo quan điểm của các nhà lập pháp Nga, mọi chuyện rủi ro đều có thể diễn ra, kéo theo những hệ lụy nguy hiểm. Do đó, LB Nga phải bảo đảm chắc chắn có một mạng Internet quốc gia độc lập, an toàn trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Tựu trung lại, ý tưởng chính của sáng kiến luật pháp mới là LB Nga cần thực hiện một cuộc cải tổ quy mô lớn đối với mạng Internet Nga: Nhà nước sẽ phải hoàn thiện hệ thống trao đổi dữ liệu, phải nắm quyền kiểm soát các kênh truyền tải thông tin xuyên biên giới, phải trao thêm quyền hạn và mở rộng năng lực công nghệ của Roscomnadzor – là cơ quan cấp Tổng cục thuộc Bộ Thông tin Nga giám sát lĩnh vực thông tin, truyền thông và việc bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Bai tieu diem-d

Dự luật mới nêu ra những biện pháp như hạn chế tối đa tình trạng “tràn” ra nước ngoài những dữ liệu mà người Nga trao đổi với nhau qua mạng Internet; các nhà mạng Nga sẽ phải thiết lập các phương tiện kỹ thuật để chống lại những mối đe dọa trong không gian mạng; Roscomnadzor sẽ giám sát hoạt động của Internet và xác định những mối đe dọa an ninh; các nhà mạng trong trường hợp xuất hiện mối đe dọa thì phải bảo đảm có đủ khả năng quản lý dữ liệu một cách tập trung; và LB Nga phải tạo lập hệ thống tên miền quốc gia (DNS).

 Có hay không nguy cơ Runet bị cắt khỏi Internet?

Thật ra việc thảo luận về khả năng xây dựng và bảo đảm sự hoạt động độc lập của mạng Internet quốc gia Nga (Runet) đã rộ lên từ 5 năm trước. Năm 2014 Bộ Thông tin LB Nga đã tiến hành những cuộc diễn tập ứng phó với khả năng Nga bị bên ngoài ngắt kết nối Internet toàn cầu. Mục đích chính của những cuộc diễn tập là kiểm nghiệm khả năng vận hành hệ thống mạng ở Nga trong điều kiện rủi ro như vậy.

Phần lớn các chuyên gia Nga đều cho rằng khả năng bị ngắt kết nối Internet với thế giới là rất cao. Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp lãnh đạo các cơ quan truyền thông, báo chí Nga ngày 20/2/2019 sau khi ông đọc Thông điệp liên bang năm 2019 cũng nêu rõ rằng,  về lý thuyết là có khả năng Nga bị ngắt kết nối Internet toàn cầu; các cơ quan, ban ngành hữu quan Nga cần có sự chuẩn bị cần thiết đối với “kịch bản” đó.

Đề cập những lo ngại của một bộ phận dư luận Nga về việc Nhà nước gia tăng kiểm soát khiến hệ thống mạng Internet ở Nga trở thành một hệ thống “biệt lập” với thế giới, một trong ba tác giả dự luật đã được thông qua, nữ thượng nghị sĩ Lyudmila Bokova khẳng định: sáng kiến luật pháp mới này “hoàn toàn không sao chép phương án phát triển Internet của Trung Quốc”. Bà Lyudmila Bokova nói: “Điều hết sức quan trọng đối với chúng ta là bảo vệ công dân của mình, do đó phải có một hệ thống mạng bảo đảm an toàn cho hoạt động truyền dữ liệu (từ thư điện tử đến việc chuyển tiền…) thông qua lãnh thổ Nga. Với thực trạng hiện nay, khi gửi đi một bức thư điện tử chúng ta vẫn không biết liệu có người thứ ba nắm được nội dung thư tín của ta hay không”. Trong khi đó, ủy viên Ủy ban Chính sách thông tin của Duma quốc gia Nga, ông Anton Gorelkin nêu rõ: dự luật mới không hướng tới xây dựng “bức tường lửa Vạn lý trường thành” (tức là tường lửa kiểm soát Internet ở Trung Quốc từ năm 2003 thường được gọi là  “Lá chắn vàng”) và hoàn toàn không ảnh hưởng đến những người sử dụng mạng Internet bình thường.

Luật mới đòi hỏi Nhà nước Nga phải thực hiện nhiều biện pháp mới về đầu tư tài chính để phát triển hạ tầng công nghệ thông tin. Phó Thủ tướng Nga M. Akimov, phụ trách khối khoa học – công nghệ, nhận xét rằng, qua đánh giá sơ bộ, các nhà mạng ở Nga sẽ không phải gánh chịu “những chi phí quá lớn” và Chính phủ sẽ nỗ lực cao nhất để không trút “gánh nặng kinh phí” lên vai các nhà mạng. Ông M. Akimov nhấn mạnh, dự luật về hoạt động của Runet không quy định việc hạn chế khả năng của người sử dụng mạng trong trường hợp Runet bị ngắt kết nối với Internet toàn cầu mà nhằm bảo đảm sự ổn định của phân khúc Internet tại Nga.

 Những sáng kiến toàn cầu của LB Nga về Internet

Ở quy mô toàn cầu, nhiều năm nay Liên bang Nga đã chủ động đưa ra những đề nghị xây dựng nhằm thiết lập cơ chế pháp lý quản lý mạng Internet một cách minh bạch, công bằng, an toàn, an ninh, phục vụ lợi ích của tất cả các nước. Có thể điểm ra một số sự kiện sau đây.

Năm 2011, LB Nga trình ra Liên hợp quốc dự thảo Công ước “Bảo đảm an ninh thông tin quốc tế” nhằm ngăn ngừa xung đột vũ trang trong không gian mạng, đấu tranh với nạn khủng bố mạng và lừa đảo trên mạng. Nhiều nội dung của sáng kiến này của LB Nga về sau đã được thông qua ở cấp độ tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể, Cộng đồng các quốc gia độc lập và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải.

INTERNET-2

Cuối tháng 5/2017 Liên bang Nga cũng công bố dự thảo Công ước của Liên hợp quốc về việc hợp tác chống lại tội phạm thông tin, trong đó nêu ra những nguyên tắc làm cơ sở cho cuộc đấu tranh với tội phạm mạng… Bộ Thông tin – Truyền thông LB Nga cũng đã xây dựng dự thảo Định hướng cơ bản cho một Công ước của Liên hợp quốc về quản lý Internet. Nội dung cốt lõi của văn kiện này là mọi quốc gia đều phải có quyền quản lý một cách độc lập, tự chủ phân khúc mạng Internet của mình và hạ tầng mạng quốc gia của mình.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí cuối tháng 2/2019, ông Oleg Khramov, Phó thư ký Hội đồng An ninh Nga nêu rõ: LB Nga đề nghị Liên hợp quốc thông qua một Công ước để bảo đảm an ninh của mạng Internet, theo đó, các quốc gia có chủ quyền trong việc quản ký không gian mạng của mình.

 Hai đạo luật mới có hiệu lực

Luật về tin tức giả và Luật về những hành vi xúc phạm các biểu tượng nhà nước cũng vừa có hiệu lực từ ngày 29/3/2019.

Trước đó, ngày 7/3 Duma quốc gia thông qua hai dự luật trong lần xem xét thứ ba, ngày 18/3 Hội đồng Liên bang chuẩn y và ngày 18/3 Tổng thống V. Putin ký phê chuẩn.

Luật mới cấm đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng và mạng Internet “những thông tin không xác thực có tác động xã hội” nhưng lại ở dưới dạng “những tin tức xác thực” có thể gây phương hại cho cá nhân và trật tự, an toàn xã hội, có nguy cơ gây trở ngại đối với hoạt động của các công trình quan trọng, các tổ chức tín dụng…; luật cũng quy định việc ngăn chặn những thông tin, tài liệu xúc phạm nhà nước, các biểu tượng nhà nước, Hiến pháp hoặc các cơ quan chính quyền  nhà nước.

Theo hai đạo luật này, Viện kiểm sát tối cao là cơ quan có thẩm quyền xác định mức độ xác thực của thông tin và các tiêu chí nguy hại do tin tức giả gây ra. Trong trường hợp phát hiện trên mạng những thông tin, tài liệu chứa đựng thông tin giả có tác động xã hội thì lãnh đạo Viện kiểm sát tối cao sẽ yêu cầu Roscomnadzor “thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế việc tiếp cận nguồn cung cấp những thông tin đó”. Đối với tin tức giả thì Roscomnadzor yêu cầu tòa soạn gỡ bỏ ngay, nếu không, Roscomnadzor sẽ yêu cầu các nhà mạng phải hạn chế việc tiếp cận trang thông tin và gỡ bỏ tin tức giả. Đối với những thông tin, tài liệu xúc phạm xã hội, Nhà nước, Hiến pháp và các cơ quan chính quyền nhà nước thì phải bị chặn sau khi Roscomnadzor thông báo hành vi vi phạm với nhà cung cấp dịch vụ.

Luật quy định các mức xử phạt hành vi vi phạm: với lỗi phổ biến tin tức giả, công dân bình thường có thể bị phạt tiền từ 30 nghìn đến 100 nghìn rúp; người có chức vụ bị phạt từ 300 nghìn đến 600 nghìn rúp; pháp nhân bị phạt từ 200 nghìn đến 500 nghìn rúp. Nếu tái phạm thì mức phạt sẽ nặng hơn. Đối với hành vi xúc phạm xã hội, các biểu tượng nhà nước và các thiết chế chính quyền, mức phạt lần đầu là từ 30 nghìn đến 100 nghìn rúp; nếu tái phạm sẽ bị tăng mức tiền phạt hoặc bị bắt giữ 15 ngày đêm… Trong quá trình xây dựng luật, các tác giả của sáng kiến luật pháp này cho rằng mức xử phạt ở Nga đối với những hành vi vi phạm tương tự  “nhẹ” hơn so với nhiều nước châu Âu như Đức, Pháp, Italia. Chẳng hạn, theo ông Andrey Klishas, Chủ nhiệm Ủy ban của Hội đồng Liên bang về Luật hiến pháp và Xây dựng nhà nước, Bộ Luật hình sự Đức quy định hành vi xúc phạm Tổng thống có thể bị phạt tù từ 5 tháng đến 3 năm; ở Italia hành vi tương tự bị phạt tù từ 1 đến 5 năm; tại Pháp, công khai xúc phạm quốc kỳ có thể bị phạt 7,5 nghìn euro.

Trong quá trình thảo luận tại Duma quốc gia Nga, các chính đảng đối lập trong Quốc hội, như Đảng Cộng sản LB Nga, Đảng Dân chủ Tự do, Đảng “Nước Nga công bằng” không ủng hộ hai dự luật. Đại biểu những đảng này cho rằng, việc lập lại trật tự trong không gian mạng và truyền thông là cần thiết, nhưng cấm đoán công dân bày tỏ ý kiến, thái độ đối về Nhà nước, về chính quyền là trái Hiến pháp.

                                                        ĐỨC HÀ

Dòng sự kiện

Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn
Về khu tưởng niệm chiến tranh ở Kha-tưn, Cộng hòa Bê-la-rút.
THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI
Ngày Chiến thắng 9 tháng 5 rất đỗi thiêng liêng với mọi người dân Liên bang Nga.