Tiêu điểm

VỌNG MÃI TIẾNG CHUÔNG LÀNG KHA-TƯN

Thăm Kha-tưn, khu bảo tàng chứng tích tội ác chiến tranh ở Cộng hòa Bê-la-rút, ai cũng có cơ hội hiểu rõ thêm những ngày đau thương, những mất mát, hy sinh không gì bù đắp được của nhân dân Bê-la-rút và những người xô-viết trước đây trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Kha-tưn vốn là một làng quê yên bình ở cách thủ đô Min-xcơ khoảng 70 ki-lô-mét. Ngày 22-3-1943, một đơn vị quân phát-xít Đức ập vào làng, tìm bắt toàn bộ dân làng dồn vào một nhà kho nông trường. Chúng chất rơm rạ đầy nhà kho rồi đổ xăng, châm lửa đốt. Một số dân làng trong cơn tuyệt vọng vùng chạy ra ngoài như những cây đuốc sống thì lập tức bị lính Đức xả súng bắn chết. Toàn bộ 149 người bị thiêu sống, trong số đó có 75 trẻ em. Làng Kha-tưn cháy trụi, bị tàn phá hoàn toàn.

Tượng đồng “Người không chịu khuất phục” trong khu bảo tàng Kha-tưn. Ảnh: TÁC GIẢ

Tượng đồng “Người không chịu khuất phục” trong khu bảo tàng Kha-tưn. Ảnh: TÁC GIẢ

Nhưng đã có điều kỳ diệu lịch sử là một nhân chứng của vụ thảm sát này đã sống sót. Đó là anh thợ rèn I-ô-xíp Ca-min-xki. Khi lính Đức vừa rút đi, lẫn trong thi thể những người dân làng, Ca-min-xki tìm được đứa con trai thân yêu của mình bị bỏng rất nặng nhưng vẫn còn thoi thóp. Anh bế thốc con lên, kêu gào thảm thiết và lê bước ra khỏi cái nhà kho đã biến thành đống tro tàn. Nhưng con anh đã tắt thở ngay trên tay cha...

Chính hình ảnh đau thương đó đã được các kiến trúc sư, các nhà điêu khắc lấy làm chủ đề cốt lõi để dựng lên pho tượng đồng “Người không chịu khuất phục” sừng sững ở trung tâm khu bảo tàng Kha-tưn. Pho tượng này, cùng với nhiều công trình kiến trúc - nghệ thuật lịch sử khác trong quần thể bảo tàng, là những biểu tượng nhắc nhở người đời mãi mãi không bao giờ quên những tội ác dã man mà bọn xâm lược đã gây ra tại Kha-tưn và những làng mạc, thành phố  khác của Bê-la-rút cũng như trên đất nước xô-viết.

Vụ thảm sát Kha-tưn không phải là một vụ việc đơn lẻ. Đây  là một trong số vô vàn tội ác ghê tởm của phát-xít Đức, là biểu hiện của chính sách diệt chủng có tính toán của Đức quốc xã đối với Bê-la-rút và Liên Xô trước đây. Trong ba năm chiếm đóng Bê-la-rút, phát-xít Đức đã gây ra hàng trăm thảm họa tương tự. Có 209 thành phố và thị trấn Bê-la-rút bị tàn phá, 9200 làng bị đốt phá, trong số đó 5295 làng bị hủy diệt cả một phần hoặc toàn bộ dân. Trong những năm chiến tranh thế giới lần thứ hai, ở Bê-la-rút có 2 triệu 230 nghìn người chết.

Chuông làng Kha-tưn. Ảnh: TÁC GIẢ

Chuông làng Kha-tưn. Ảnh: TÁC GIẢ

Tại khu bảo tàng Kha-tưn không chỉ có những chứng tích và biểu tượng về những mất mát của làng này mà có cả những khu tưởng niệm nhiều miền đất khác của Bê-la-rút đã phải chịu số phận như Kha-tưn. Tại “Nghĩa trang các làng quê” có 186 ngôi mộ chôn cất nắm đất của 186 làng Bê-la-rút  bị phát-xít Đức hủy diệt cả nhà cửa và người. Trên “Bức tường đau thương” khắc tên 66 trại tập trung và những địa điểm mà bọn phát-xít tàn sát hàng loạt dân thường và tù binh. Trên ngôi mộ tập thể chôn giữ di hài những người dân Kha-tưn bị tàn sát có Vòng hoa tưởng niệm vĩnh cửu, nơi khắc đậm lời người đã khuất nhắn gửi các thế hệ mai sau. “Hỡi những người lương thiện, xin hãy nghe đây: chúng tôi yêu sự sống, yêu Tổ quốc mình, yêu quý các bạn. Chúng tôi đã bị thiêu sống. Chúng tôi có lời thỉnh cầu tất cả mọi người: hãy biến đau thương thành sức mạnh và lòng quả cảm của các bạn, để các bạn mãi mãi gìn giữ hòa bình và sự yên tĩnh trên trái đất. Để sự sống sẽ không bao giờ bị thiêu cháy ở bất kỳ nơi nào!”. Đọc những lời nhắn gửi này và rảo bước trên những con đường làng cũ, đi qua những cánh cổng, những bức tường, mái nhà kho bị sập, những giếng nước, những cột ống khói của mỗi gia đình ở làng Kha-tưn thuở nào (tất cả đều là biểu tượng tạo hình) và cứ 30 giây đồng hồ lại nghe tiếng chuông vang lên nhè nhẹ mà sâu lắng, người đến thăm Kha-tưn khó cầm được nước mắt.

Tác giả trước tượng đồng “Người không chịu khuất phục” trong khu bảo tàng Kha-tưn.

Tác giả trước tượng đồng “Người không chịu khuất phục” trong khu bảo tàng Kha-tưn.

Khu bảo tàng Kha-tưn khánh thành ngày 5-7-1969, vào dịp kỷ niệm 25 năm giải phóng Bê-la-rút. Năm 2004, Kha-tưn được trùng tu, tôn tạo và bổ sung thêm  gian trưng bày ảnh tư liệu. Ý tưởng chủ đạo của những người thiết kế, xây dựng khu bảo tàng lịch sử - nghệ thuật này là không chỉ tố cáo tội ác man rợ của chủ nghĩa phát-xít mà còn  khẳng định khát vọng sống, ý chí quật cường của người Bê-la-rút và cảnh báo về nguy cơ chiến tranh, kêu gọi mọi người xiết tay nhau hành động để ngăn chặn những thảm họa Kha-tưn trong tương lai. Hàng chục triệu người từ hơn 100 quốc gia đã đến thăm khu bảo tàng Kha-tưn.

Những người phụ trách khu bảo tàng Kha-tưn cho biết, mối quan tâm hàng đầu của họ không chỉ là gìn giữ những gì đã có để phục vụ khách  đến tham quan mà phải tìm cách tổ chức những hình thức hoạt động mới nhằm tăng cường  hợp tác, trao đổi giữa các bảo tàng cùng thể loại trên thế giới; ra sức góp phần giới thiệu sâu rộng trong nhà trường, trong các tổ chức thanh, thiếu niên truyền thống đấu tranh giữ nước của dân tộc Bê-la-rút, những nỗ lực bảo vệ hòa bình.

Ba cây bạch dương trong khu bảo tàng tưởng niệm Kha-tưn, biểu tượng sức sống của người Bê-la-rút. Ảnh: TÁC GIẢ

Ba cây bạch dương trong khu bảo tàng tưởng niệm Kha-tưn, biểu tượng sức sống của người Bê-la-rút. Ảnh: TÁC GIẢ

Trong khu bảo tàng Kha-tưn, bên cạnh ngọn lửa vĩnh cữu tượng trưng sự bất tử của những người đã ngã xuống, có ba cây bạch dương. Đó là biểu tượng về sức sống của người Bê-la-rút - trong cuộc chiến khốc liệt những năm tháng ấy, cứ bốn người dân Bê-la-rút thì một người ngã xuống, ba người sống sót. Ba cây bạch dương giờ đây đã cao, xòe cành bên nhau, rung rinh trong gió. Ngắm ba cây bạch dương này hồi lâu, lại nghe vang vang tiếng chuông làng Kha-tưn, như nhắc nhớ mãi mãi.

                                                                                                   NGUYỄN ĐĂNG PHÁT

Dòng sự kiện

Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn
Về khu tưởng niệm chiến tranh ở Kha-tưn, Cộng hòa Bê-la-rút.
THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI
Ngày Chiến thắng 9 tháng 5 rất đỗi thiêng liêng với mọi người dân Liên bang Nga.