ĐẾN VỚI QUÊ HƯƠNG “LẬT ĐẬT”
CÁC LOẠI BÚP-BÊ NGA ĐỀU RẤT ĐÁNG YÊU, TRONG ĐÓ “LẬT ĐẬT” ĐƯỢC NGƯỜI VIỆT NAM ƯA CHUỘNG TỪ LÂU. HẤU HẾT NHỮNG AI TỪNG MỘT LẦN ĐẾN NGA KHI TRỞ VỀ NƯỚC ĐỀU MANG THEO NHỮNG CON LẬT ĐẬT ĐỂ LƯU GIỮ ẤN TƯỢNG TƯƠI ĐẸP VỀ XỨ SỞ BẠCH DƯƠNG.
Từ ngụy trang cho… thuốc súng đến tượng đài lật đật
Những con lật đật (Неваляшка) vô cùng đáng yêu có quê hương là thành phố Côtốpxcơ (Котовск) ở tỉnh Tambốp (Тамбовская область). Nếu kể về nguồn gốc xuất thân của chúng thì bạn đọc sẽ thấy những điều rất lạ kỳ!
Bởi vì mặt hàng rất đỗi thân thương với cả trẻ em và người lớn này được làm ra tại một nhà máy… sản xuất thuốc súng của Liên Xô từ năm 1959. Những con lật đật có một sứ mệnh rất quan trọng là ngụy trang cho xí nghiệp công nghiệp quốc phòng nơi đây. Để giữ bí mật mục tiêu quân sự, người ta quyết định tận dụng phế thải của nhà máy để sản xuất búp bê. Búp bê thì bán ra công khai, cho nên nhà máy làm thuốc súng được mang tên là “Nhà máy chất dẻo”. Còn trong quân đội thì đạn dược xuất xưởng từ nơi đây cũng được gọi theo tiếng lóng là “lật đật”!
Hiện nay nhà máy này ở Côtốpxcơ vẫn có “chức năng kép” là vừa sản xuất chất nổ vừa làm búp bê trẻ em, chủ yếu là những con lật đật. Theo tờ “Hành tinh Nga”, trước thời cải tổ, phân xưởng sản xuất hàng dân dụng của nhà máy quốc phòng Côtốpxcơ có gần 3 nghìn công nhân, nhưng hiện chỉ có 70 người; trang thiết bị của thời kỳ giữa Thế kỷ 20 hầu như không còn nữa. Vật liệu sản xuất búp bê cũng đã thay đổi: thời trước là thứ vật liệu dễ cháy, trẻ con rất thích nhưng các bậc phụ huynh thì rất lo sợ. Còn thời nay người ta làm lật đật bằng loại chất dẻo không cháy, không giòn dễ vỡ ra từng mảnh.
Người ta nói lật đật Côtốpxcơ cùng tuổi với búp bê Barbie, nhưng công nhân nhà máy thuốc súng này khẳng định rằng lật đật của họ hay hơn, vì các bé gái khi chơi với lật đật thì không ao ước có thân hình gầy gò… như Barbie. Mỗi loại lật đật xuất xứ Côtốpxcơ đều có tên riêng. Thời xô-viết phần lớn mang tên Masa. Sau này có lật đật Varenca, Aniuta, Liza … Mỗi con lật đật đều được đăng ký bản quyền sản phẩm, những nhà máy khác có thể sản xuất lật đật nhưng không được dập khuôn hình dáng của lật đật Côtốpxcơ. Tuy nhiên, theo các nhà kinh doanh Nga, lật đật Côtốpxcơ chính hiệu lắm khi phải lao đao vì hàng nhái “made in China”.
Năm 2012 tại thành phố Côtốpxcơ người ta đã dựng lên … tượng đài lật đật. Nhà điêu khắc Alếchxanđơ Culicốp (tỉnh Tambốp) là tác giả của quần thể tượng đài có tên gọi “Tiến hóa” với ba con lật đật đặt trên bệ tượng - nhỏ, vừa và lớn. Theo báo chí Nga, nhiều người dân ở Côtốpxcơ và tỉnh Tambốp không thích công trình kiến trúc nghệ thuật này, đã có những tiếng nói phản đối, nhưng dù sao nó cũng được dựng lên ở khuôn viên trước Nhà hộ sinh thành phố.
Lật đật trong cơ chế mới
Đã có nhiều đổi thay trong mấy thập niên qua trên quê hương lật đật. Đặc biệt, vài năm gần đây, trong bối cảnh Chính phủ Nga chủ trương mạnh mẽ phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa (tính đến nay tại LB Nga đã có hơn 5,7 triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa đăng ký hoạt động) thì Côtốpxcơ cũng như nhà máy sản xuất lật đật đã có nhiều chuyển động. Chính quyền thành phố đã có nhiều giải pháp để tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động kinh doanh. Các dây chuyển sản xuất búp bê ở đây chuyển sang phương thức sản xuất theo các công ty nhỏ, công ty gia đình.
Côtốpxcơ (Котовск) là một trong những thành phố chuyên ngành (моногород) ở LB Nga. Thực chất, những thành phố loại này còn có thể gọi là “thành phố - nhà máy” («город-завод») bởi vì dân cư ở đây phần lớn là người lao động của một nhà máy quy mô lớn hoặc một vài nhà máy, xí nghiệp sản xuất một nhóm mặt hàng tương đồng. Những nhà máy này còn được gọi là “nhà máy tạo lập thành phố”. Số dân Côtốpxcơ là 30.350 người.
Tỉnh Tambốp là một trong số 85 chủ thể của LB Nga (đơn vị hành chính trực thuộc trung ương), nằm trong thành phần Đại khu liên bang trung tâm; thành lập ngày 27/9/1937. Tỉnh này có địa giới hành chính giáp với các tỉnh Riazan, Penzơ, Xaratốp, Vôrônét và Lipétxcơ. Tỉnh Tambốp có 7 thành phố cấp tỉnh (Côtốpxcơ thuộc trong số đó) và 23 huyện.
Anh Đơmitơri Daviđốp, 30 tuổi, quê ở Côtốpxcơ, vốn là chuyên viên theo dõi phòng ngừa rủi ro thị trường tại một ngân hàng thương mại ở Mátxcơva. Từ năm 2016 đanh đã rời xa cuộc sống ở thủ đô để về quê phụ trách công ty gia đình sản xuất lật đật. Đơmitơri Daviđốp cho biết, bố anh đã dành nhiều thời gian, lòng đam mê và công sức cho việc sản xuất lật đật, từ năm 2006 đã gây dựng nên công ty gia đình. “Ông cụ” thậm chí không tin tưởng ai để giao lại công việc. Vì thế Đơmitơri Daviđốp đã rời khỏi ngân hàng trở về giữ nghề cho gia đình. Điều này không hề dễ dàng với một chàng trai có 12 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực ngân hàng và đã có một thời gian khá dài sống ở thủ đô. Nhưng bây giờ anh không hề hối tiếc về quyết định của mình. Anh cho biết, mỗi năm công ty của gia đình anh sản xuất khoảng 500 nghìn sản phẩm và đã có kế hoạch tăng con số đó lên khoảng 1 triệu. Daviđốp khẳng định sản lượng đó có thể đạt được vào năm 2019. Nhưng anh sẽ không dừng lại ở mục tiêu tăng khối lượng sản phẩm, anh cho rằng sự sáng tạo, đổi mới trong kinh doanh luôn luôn cần thiết. Ngay khi mới bắt đầu kinh doanh lật đật anh đã quyết định thay đổi: bên cạnh những mẫu mã búp bê cũ với hình dáng truyền thống, anh đã cho ra đời những con lật đật hình dáng khác, ong lật đật, chó, gấu trúc, thỏ...
Vừa qua, công ty của Daviđốp đã xuất xưởng lật đật mang dáng vẻ thiếu nữ Ấn Độ, rất được đón nhận ở thị trường nước này. Theo Daviđốp, hiện đang tính đến khả năng làm những con lật đật – võ sĩ xu-mô! Và một trong những mục tiêu lớn của công ty là xuất khẩu sản phẩm sang nhiều thị trường trên thế giới.
HUẾ ĐẶNG và VIỆT NGA