Một thời để nhớ

Hồi ức của nhà ngoại giao Nga về buổi tiếp kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ĐSQ Liên Xô năm 1950

Cuối thập niên 90 của thế kỷ XX, Lưu trữ Lịch sử Chính trị - Xã hội quốc gia Nga bắt đầu giải mật các tài liệu liên quan chuyến công du bí mật lịch sử, hay nói cách khác là “Chuyến đi phá vỡ vòng vây đế quốc", của Chủ tịch Hồ Chí Minh đầu năm 1950 đến Trung Quốc và Liên Xô.

Vào cuối thập niên 90 của thế kỷ XX, khi Lưu trữ Lịch sử Chính trị - Xã hội quốc gia Nga bắt đầu giải mật các tài liệu liên quan chuyến công du đối ngoại bí mật lịch sử, hay nói cách khác là “Chuyến đi phá vỡ vòng vây đế quốc”[1], của Chủ tịch Hồ Chí Minh đầu năm 1950 sang Trung Quốc và Liên Xô, chúng ta có cơ hội nắm bắt thêm nhiều thông tin giá trị về chuyến đi mà trước đây còn khá mơ hồ này. 

Chuyến đi đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện đường lối đối ngoại trước sau như một của Đảng, phản ánh xu thế phát triển tất yếu của cách mạng Việt Nam. Bằng lộ trình Việt Bắc - Bắc Kinh - Moskva và tài ngoại giao xuất chúng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thiết lập được mối quan hệ tay ba Việt - Xô - Trung, một mối quan hệ chiến lược có ảnh hưởng to lớn và thường xuyên đến cách mạng Việt Nam trong nhiều thập niên sau đó.

Chân dung Hồ Chí Minh cùng bút tích lời đề tặng (viết vào mặt sau bức ảnh) ông S.L.Tikhvinsky của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bắc Kinh, ngày 7-3-1950.  Nguồn: Trích từ cuốn sách “Hồi ký của một nhà ngoại giao và ghi chép của một sử gia” của ông S.L.Tikhvinsky, Nxb. Khoa học, Moskva, 2006.

Chân dung Hồ Chí Minh cùng bút tích lời đề tặng (viết vào mặt sau bức ảnh) ông S.L.Tikhvinsky của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bắc Kinh, ngày 7-3-1950. Nguồn: Trích từ cuốn sách “Hồi ký của một nhà ngoại giao và ghi chép của một sử gia” của ông S.L.Tikhvinsky, Nxb. Khoa học, Moskva, 2006.

Nhân dịp kỷ niệm 71 năm chuyến đi bí mật lịch sử này của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1950 - 2021), 71 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Liên Xô/ Liên bang Nga (1950 - 2021), xin giới thiệu với bạn đọc nội dung một đoạn hồi ức[2] của nhà ngoại giao kỳ cựu Sergei Leonidovich Tikhvinsky[3] về việc ông đã được tiếp kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại sứ quán Liên Xô tại Bắc Kinh, Trung Quốc vào đầu tháng 2-1950 và được Người tặng hai kỷ vật. Đó là bức ảnh chân dung Người kèm lời đề tặng bằng tiếng Nga và chữ ký ở mặt sau bức ảnh[4] (gửi tặng) và đồng tiền bằng vàng mệnh giá 20 “Việt”[5] (tặng trực tiếp).

“...Vào một ngày tháng 2-1950[6], Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thông tin cho Đại sứ quán chúng tôi về việc Chủ tịch nước kiêm Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh mong muốn được tới thăm Đại sứ quán khi đang có mặt tại Bắc Kinh trong chuyến đi đến Moskva. Tôi được giao nhiệm vụ tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi đã được nghe nhiều về nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng này, người mà trước đây đã tích cực hoạt động trong Đảng Cộng sản Pháp và Đảng Cộng sản Trung Quốc, là thành viên của Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, người đã đích thân lãnh đạo phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam chống lại quân xâm lược Nhật, Pháp và quân Tưởng Giới Thạch trước thời gian Nhật đầu hàng các nước Đồng minh.

Trước mặt tôi là hình ảnh một người nông dân Việt Nam đứng tuổi với bộ quần áo giản dị, vóc dáng tầm thước, hơi gầy với chòm râu thưa thớt hình nêm và đôi mắt nhân hậu. Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đó 60 tuổi nhưng nhìn già hơn so với tuổi thực. Cuộc nói chuyện của tôi với vị Chủ tịch bên ấm trà xoay quanh việc đàm phán Xô - Trung để ký kết Hiệp ước hữu nghị, liên minh và tương trợ Xô -Trung và chuyến thăm Moskva của Đoàn đại biểu Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa do Chủ tịch Mao Trạch Đông dẫn đầu. Hai chúng tôi thảo luận về cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ sự tin tưởng chắc chắn vào thắng lợi cuối cùng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược cùng bè lũ tay sai và những kẻ tiếp tay cho chúng. 

Chân dung ông S.L.Tikhvinsky chụp năm 1950.  Nguồn: Trích từ cuốn sách “Hồi ký của một nhà ngoại giao và ghi chép của một sử gia” của ông S.L.Tikhvinsky, Nxb. Khoa học, Moskva, 2006.

Chân dung ông S.L.Tikhvinsky chụp năm 1950. Nguồn: Trích từ cuốn sách “Hồi ký của một nhà ngoại giao và ghi chép của một sử gia” của ông S.L.Tikhvinsky, Nxb. Khoa học, Moskva, 2006.

Vào cuối buổi trò chuyện, vị Chủ tịch đã tặng tôi một đồng tiền vàng đường kính khoảng 2 cm có mệnh giá là 20 “Việt”, được phát hành năm 1948. Theo lời Chủ tịch Hồ Chí Minh thì đồng tiền này là một loại mật mã thực sự ở Việt Nam. Người mang theo đồng tiền vàng này có thể yêu cầu sử dụng bất kỳ loại phương tiện vận chuyển nào, kể cả voi ở vùng rừng núi chiến khu. Trong buổi trò chuyện, chúng tôi đã trao đổi với nhau bằng cả tiếng Nga, tiếng Trung Quốc và tiếng Pháp. Tôi và các cán bộ Đại sứ quán đã nồng ấm chia tay với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến ngày 7-3, có người mang đến Đại sứ quán cho tôi thêm một món quà quý từ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là bức ảnh chân dung Hồ Chí Minh với lời đề tặng viết bằng tiếng Nga.

Tôi đã vinh dự có mặt trong buổi lễ đón Chủ tịch Mao Trạch Đông cùng Đoàn đại biểu Chính phủ Trung Quốc trở về từ Moskva được tổ chức trọng thể tại nhà ga xe lửa Bắc Kinh...”[7].

--------------------------------------------------------------------------------------------------------

[1] Tiêu đề bài viết của báo Quân đội nhân dân, số 15817, ngày 10-5-2005.

[2] Đoạn hồi ức về buổi tiếp kiến này do tác giả bài viết biên dịch từ nguyên bản cuốn sách tiếng Nga: S.L.Tikhvinsky - Tuyển tập (gồm 5 cuốn). Cuốn 5: Hồi ký của một nhà ngoại giao và ghi chép của một sử gia, Nxb. Khoa học, Moskva, 2006, tr. 243-244. 

[3] Sergei Leonidovich Tikhvinsky (1-9-1918 - 25-2-2018) là nhà sử học, nhà ngoại giao của Liên Xô trước đây và Nga sau này, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô (từ năm 1981) và Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Nga (từ năm 1991); một học giả nổi tiếng trong lĩnh vực lịch sử cận hiện đại các nước Viễn Đông (chủ yếu là Trung Quốc) và lịch sử quan hệ quốc tế với tổng số hơn 300 đầu sách và công trình nghiên cứu. Ông được tặng Giải thưởng Nhà nước của Liên Xô (1982) và Liên bang Nga (1999). Ông là Trung tá quân đội Liên Xô, Tham tán Công sứ của Liên Xô tại Bắc Kinh, Trung Quốc trong các năm 1949-1950.

[4] Với nội dung như sau: Kính tặng đồng chí Tikhvinsky, ngày 7-3-1950, Hồ Chí Minh.

[5] Ngày 8-7-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh về việc Hội đồng Chính phủ cho đúc tiền bằng vàng nguyên chất, trọng lượng 0,375g, lấy tên là đồng “Việt” và quy định đồng “Việt” là đơn vị tiền tệ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đồng vàng “Việt” có các mệnh giá: 50 “Việt”, 20 “Việt” và 10 “Việt”, được sản xuất với số lượng hạn chế và không được lưu thông rộng rãi. Theo thông tin mà tác giả bài viết có được từ  PTS. ngôn ngữ học  Anatoly Sokolov (Viện Đông phương học, Viện Hàn lâm Khoa học Nga) thì ông Tikhvinsky chắc đã không còn giữ được kỷ vật này cho đến bây giờ, vì khi đến làm việc với chủ nhân của kỷ vật, ông Sokolov không thấy ông Tikhvinsky đề cập tới việc đang lưu giữ kỷ vật do Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng năm 1950.

[6] Theo Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 324, sự kiện này rơi vào khoảng thời gian từ ngày 1 đến ngày 3-2-1950.

[7] Theo Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, tr. 322, sự kiện này xảy ra vào ngày 4-3-1950 và Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đoàn tùy tùng cũng trở về từ Moskva trên chuyến tàu này. Ngày 11-3-1950, Người rời Bắc Kinh lên đường về nước, kết thúc chuyến đi thăm Trung Quốc và Liên Xô.

                                                                               Lê Hoàng Lê

                                                                        Bảo tàng Hồ Chí Minh

                                                 (Bài  đã  đăng trên Đặc san thông tin tư liệu

                                              của Bảo tàng Hồ Chí Minh số 61, tháng 11-2020).

Dòng sự kiện

Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn
Về khu tưởng niệm chiến tranh ở Kha-tưn, Cộng hòa Bê-la-rút.
THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI
Ngày Chiến thắng 9 tháng 5 rất đỗi thiêng liêng với mọi người dân Liên bang Nga.