Một thời để nhớ

Một thời để nhớ: NHỮNG LẦN ĂN TẾT Ở NƯỚC NGA

MỘT THÁNG NỮA THÔI LÀ ĐẾN TẾT MẬU TUẤT ! HÁO HỨC, CHỜ ĐỢI VÀ... NHỚ! NHỚ NHỮNG CÁI TẾT TRƯỚC ĐÂY, THỜI THƠ ẤU. VÀ NHỚ CÁI TẾT MỘT THỜI Ở NGA - CỦA SINH VIÊN, CÔNG NHÂN LAO ĐỘNG, CÁN BỘ CÔNG TÁC NHIỆM KỲ... NHỚ VÀ MONG MỘT NĂM MỚI AN KHANG, MAY MẮN !

Nhớ rất nhiều Tết Nguyên đán ở nước Nga!

Thời sinh viên (tôi học đại học ở Mátxcơva trong những năm 1971-1977), Tết đến thật là buồn, nhớ nhà tủi tủi! Cận Tết, Đại sứ quán thường tổ chức một cuộc biểu diễn văn nghệ phục vụ cộng đồng người Việt Nam tại thủ đô Liên Xô mà những năm đó chủ yếu là sinh viên, nghiên cứu sinh, chưa có công nhân xuất khẩu lao động và bà con làm ăn, sinh sống đông như bây giờ. Ca múa hát thì cũng là các đội văn nghệ, các ca sĩ sinh viên. Đến đó xem, thường ở Cung văn hóa công nhân đường sắt, được gặp nhau đông đảo là vui rồi. Những ngày Tết hồi đó tất nhiên chúng tôi vẫn phải đi học. Có đôi lần cũng được bạn Liên Xô nhớ đến Tết Việt Nam (chắc là họ đọc báo nên biết), chúc mừng, an ủi. Ở lớp hay ở ký túc xã, chúng tôi mường tượng ra cảnh ăn Tết ở nhà, buồn đến phát khóc… Thời ấy chẳng có điện thoại để mà gọi về gia đình, trước Tết khá lâu ai nấy đã viết một loạt thư gửi về trong nước chúc Tết, kèm cả những cái thiếp rất đẹp có ảnh phong cảnh Mátxcơva hoặc tranh những cỗ xe tam mã, Ông già Tuyết, Công chúa Tuyết. Ở nhà, cha mẹ, thầy cô giáo, bạn bè nhận được thư “phương xa” là chuyền tay nhau đọc, còn những tấm bưu thiếp mừng Năm mới Liên Xô thì thường được lồng vào khung kính treo cao hoặc dán lên tường rất trang trọng.

Sau này, những năm công tác ở Nga trong những thời kỳ khác nhau, tôi cũng đã có nhiều dịp đón Tết, khi thì cả gia đình quây quần, khi thì độc thân… Mỗi lần một vẻ, Tết nào cũng đáng nhớ.

Một cuộc đi chơi tối 30 Tết của bà con người Việt ở Moskva. Ảnh: ĐĂNG PHÁT

Một cuộc đi chơi tối 30 Tết của bà con người Việt ở Moskva. Ảnh: ĐĂNG PHÁT

“Tết ta” ở Nga có hai đặc điểm chắc chẳng lẫn vào đâu được. Một là, Tết thường đến vào mùa Đông nước Nga, mà cái lạnh Nga thì đã lừng danh thế giới. Hai là, từ những năm 80 của Thế kỷ trước, cộng đồng người Việt ở Nga khá đông, khắp Liên bang có cả trăm nghìn người, riêng tại thủ đô Mátxcơva có lẽ cũng vài chục nghìn người. Cho nên, ngày Tết ở nước bạn tuy giá lạnh thật đấy nhưng chúng tôi vẫn được sống trong không khí Việt khá ấm áp.

4154022

Nhớ thuở hàn vi,  người đi công tác ở xứ Tây xa nhà “thiếu chất Việt” nên được gia đình và bạn bè “thương”, đôn đáo tìm mọi cách gửi sơm sớm cho một chút quà Tết. Nhưng về sau, với một cộng đồng người Việt đông đảo có rất nhiều cơ sở buôn bán các loại mặt hàng, lại mỗi tuần vài chuyến bay thẳng của “Vietnam Airlines” từ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh,  ở thủ đô Mátxcơva chẳng còn thiếu thức gì của châu Á, của Việt Nam nữa, từ hàng khô đến hàng tươi. Nếp, măng, mộc nhĩ, nước mắm, bánh đa nem, đỗ xanh, bún, miến ... bán quanh năm. Gần cuối tháng Chạp, mứt Tết, lá dong và nhiều mặt hàng đặc dụng  khác được đánh sang ồ ạt. Để làm cỗ và bày biện bàn thờ (đối với những gia đình nào ở Tây mà vẫn có bàn thờ) thì mọi cái đều đầy đủ.

Một quầy hàng khô ở trung tâm thương mại người Việt tại Moskva. Ảnh: ĐĂNG PHÁT

Một quầy hàng khô ở trung tâm thương mại người Việt tại Moskva. Ảnh: ĐĂNG PHÁT

Cay-thong

 Khi chúng tôi công tác ở Nga, chỗ ở của chúng tôi xen lẫn với một số gia đình bà con cộng đồng. Do đó, chúng tôi thường có hai chương trình đón Tết. Một chương trình “chính thức” có phần liên quan với Đại sứ quán và các cơ quan Việt Nam. Chương trình hai là chương trình hoàn toàn hòa đồng với bà con người Việt ở bên tôi.

Với chương trình “chính thức”, đơn vị tổ chức một cuộc họp mặt, chúc Tết. Rồi tham dự bữa tiệc cuối năm tại Đại sứ quán. Đây là dịp duy nhất trong năm có thể gặp mặt đông đủ cán bộ và gia đình các cơ quan Việt Nam cũng như đại biểu các đơn vị trong cộng đồng người Việt.

“Chương trình hai” mới là Tết ! Gia đình nào của bà con người Việt làm ăn, buôn bán ở Nga cũng có sự chuẩn bị riêng, nhưng bữa cơm tất niên thì làm chung, tất tật cả người lớn và trẻ con trong “xóm” đều có mặt . Chị em đã cẩn thận ngâm măng khô và chuẩn bị nhiều thứ thực phẩm khác từ mấy ngày trước. Chiều 30 Tết tập trung ở hai gian bếp nấu nướng rất rôm rả. Hầu như đủ các món như Hà Nội, chỉ có rau xanh là khan hiếm. Ăn uống xong trước 8 giờ tối, tức là gần Giao thừa ở Việt Nam (Hà Nội và Mátxcơva cách nhau 4 giờ). Cánh đàn ông và  vài đứa trẻ con xuống phố dạo một vòng, vào khu vườn cây hít thở cái không khí lạnh, rất tĩnh mịch, cho tỉnh người, cho thư thái rồi hái lộc (mùa băng tuyết nhưng vẫn có cây xanh). Quá 8 giờ tối, tức là khi ở đất  nước quê hương đã sang Năm Mới, chúng tôi pha trà ngon và chuẩn bị sẵn sâm-banh ướp lạnh, mọi người cùng tụ tập chúc Tết. Có dạo, ở “xóm” tôi, tôi là người nhiều tuổi nhất nên thường được bà con gọi là “bác”. “Chúng em sang mừng tuổi “bác” trước rồi mời bác qua xông đất cho bọn em !” – mọi người bảo vậy. Cùng cụng ly sâm-banh sủi bọt, mát lịm, chúc nhau sức khỏe, vạn sự may mắn. Nhâm nhi chén trà, hạt sen. Sau đó, tôi đi “xông đất” năm mới !

Lúc đó là sang Năm mới “ta” rồi. Kể trở lại chuyện 30 Tết ở xứ bạn một chút. Chợ 30 ở các trung tâm thương mại, các ký túc xá của người Việt tại Mátxcơva hồi đó rất nhộn nhịp (hồi ấy vẫn còn Chợ Vòm và đương nhiên là chưa khó khăn như hiện nay). Những nồi bánh chưng sôi réo rắt, khách mua bánh có lúc phải chờ. Gà trống hoa cúng giao thừa được các công ty mua từ  vùng quê Nga, rất đắt khách. Giò lụa từ Việt Nam chở sang hoặc được các cơ sở tại Nga làm ra cũng là món hàng được ưa chuộng. Tất bật, vất vả bốn mùa rồi, năm hết, Xuân sang bà con ai cũng muốn ăn Tết như bình thường, đầy đủ, ấm cúng, vui vẻ. Ngày Tết, ai cũng hy vọng mọi sự may mắn, thành đạt cho mỗi nhà và toàn thể cộng đồng người Việt ở xứ Bạch Dương.

Chuyện xuất hành và mở hàng đầu năm cũng rất đáng nhớ! Bà con buôn bán thì chọn ngày, chọn giờ xuất hành đầu năm và ngày mở hàng theo cách của bà con. Còn tôi, công chức làm việc ở Nga,  lại có cách riêng, theo nghề chuyên môn của mình. Những giờ đầu của ngày mồng Một Tết, chuyện trò, chúc tụng mọi người xong,  tôi trở về phòng để “khai bút đầu Xuân”.

Tết năm nay (2018 – Mậu Tuất), chắc hẳn bà con người Việt ở Nga ăn Tết không được “rôm rả” như những năm trước. Nhưng tôi nhớ lại, cũng đã có những năm, những cái Tết đầy khó khăn, đầy lo âu của bà con cộng đồng người Việt ở Nga. Như Tết Đinh Hợi (2007) chẳng hạn.

Nhìn bề ngoài, dường như Tết Đinh Hợi năm đó chẳng khác gì nhiều so với những năm trước. Cũng vào dịp lạnh giá mùa Đông Nga (chiều cuối năm, ở Mátxcơva lạnh âm 12 độ C). Nhà nào cũng có bánh chưng, giò lụa. Nhưng ai cũng cảm nhận Tết lần này kém vui. Không ai giấu được sự lo lắng. Truyền thống của người Việt là cứ sắm sửa, chuẩn bị cho ba bữa Tết tươm tất, chu toàn, cố gắng sum vầy gia đình, người thân. Nhưng trong câu chuyện ngày Tết chẳng ai tránh được những vấn đề thiết thân với mỗi người ở nước Nga lúc đó. Công việc làm ăn của bà con người Việt trong năm Bính Tuất (2006) đã gặp rất nhiều khó khăn, năm Đinh Hợi được tiên liệu có nhiều thử thách cam go hơn nữa. Số là vào năm 2006, Chính phủ Nga ban hành một số chính sách mới trong lĩnh vực nhập cư lao động và hoạt động của các chợ.  Người nước ngoài bán lẻ ở chợ đã bị hạn chế trong quý một năm 2007 và có nguy cơ bị cấm hẳn kể từ quý hai. Điều đó lập tức tác động rất mạnh đến cộng đồng người Việt Nam. Ngày 14-2 (tức 28 Tết), tin Thị trưởng Mátxcơva hồi đó là Yuri Luscốp chính thức ký quyết định đóng cửa chợ chợ Vòm bắt đầu từ đầu tháng 7-2007 đã nhanh chóng dội đến cộng đồng người Việt ở Mátxcơva và các thành phố khác. Tin này khiến cho bà con người Việt choáng vàng. Chợ Vòm là một trung tâm buôn bán hàng dệt may, giày dép lớn nhất nước Nga và Đông Âu. Ở đây có hàng nghìn người Việt trực tiếp bán hàng và tổ chức các dịch vụ khác. Đây là nguồn hàng quan trọng cho hàng trăm chợ lớn nhỏ khắp Liên bang Nga, trong đó có hàng chục nghìn người Việt buôn bán. Quyết định đóng cửa chợ Vòm chẳng khác gì một “quả bom” đối với người Việt ở nước bạn lúc đó.

… Ấy thế nhưng rồi bà con người Việt đã giúp nhau chuyển đổi phương thức kinh doanh, từng bước thích ứng với điều kiện mới. Chịu thương chịu khó và tần tảo là đức tính quý báu của người Việt, dù ở đâu cũng vậy. Năm Đinh Hợi ấy đã rất khó khăn. Những năm sau này cũng không dễ dàng. Song bà con người Việt ở Nga luôn luôn nỗ lực mạnh mẽ, vượt qua cơ bão này đến cơn bão khác.

                                                                  ĐỨC HÀ

Dòng sự kiện

Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn
Về khu tưởng niệm chiến tranh ở Kha-tưn, Cộng hòa Bê-la-rút.
THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI
Ngày Chiến thắng 9 tháng 5 rất đỗi thiêng liêng với mọi người dân Liên bang Nga.