Tiêu điểm

Nga lên án Mỹ rút khỏi INF, khẳng định sẽ có những biện pháp đáp trả thích hợp

Nga tuyên bố sẽ đáp trả những động thái trên thực tế của Mỹ sau khi Washington rút khỏi Hiệp ước thủ tiêu tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF)

Ngày 21/10, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại thuộc Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Konstantin Kosachev cho biết Nga sẽ đáp trả những động thái trên thực tế của Mỹ sau khi Washington rút khỏi Hiệp ước thủ tiêu tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF) chứ không đáp trả hành động Mỹ đơn phương rút khỏi hiệp ước này.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Rossiya-24, ông Kosachev nói: "Chúng tôi sẽ không đáp trả việc Washington rút khỏi hiệp ước này mà sẽ nhằm vào những bước đi trên thực tế của Mỹ khi họ rảnh tay làm bất kỳ điều gì họ muốn. Như Tổng thống (Vladimir Putin) của chúng tôi từng nói, Nga có mọi điều kiện kỹ thuật quân sự cho tình huống đó, phản ứng của chúng sẽ rất nhanh chóng".

Tổng Bí thư Trung ương ĐCS Liên Xô M. Gorbachov và Tổng thống Mỹ R. Reagan ký Hiệp ước INF ngày 8/12/1987

Tổng Bí thư Trung ương ĐCS Liên Xô M. Gorbachov và Tổng thống Mỹ R. Reagan ký Hiệp ước INF ngày 8/12/1987

Trước đó, ngày 20/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ rút Mỹ ra khỏi INF với cáo buộc “Moskva vi phạm hiệp ước này” 

Tuyên bố được ông D. Trump đưa ra tại một điểm dừng trong cuộc vận động hướng tới cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở thành phố Elko, Nevada. 

Tổng thống Trump khẳng định: "Chúng tôi sẽ chấm dứt thỏa thuận này và sau đó chúng tôi sẽ phát triển vũ khí" trừ phi Nga và Trung Quốc nhất trí một thỏa thuận mới.  

Hiệp ước INF được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trước đây ký ngày 8/12/1987.

Thời điểm đó, phía Liên Xô là Tổng Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachov, phía Mỹ là Tổng thống Ronald Reagan.

Theo Hiệp ước, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 tới 5.500km). 

Phía Nga tuyên bố Mỹ không có bằng chứng để khẳng định cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước thủ tiêu tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF). Một trong những đại diện cấp cao của Nga là ông Klintsevich, ủy viên Ủy ban Quốc phòng Thượng viện Nga, đã đề cập vấn đề này với Đài Sputnik ngày 21/10.

Ông Klintsevich chỉ ra rằng quyết định của Donald Trump rút Mỹ khỏi Hiệp ước INF là không phù hợp với lợi ích của các đồng minh châu Âu. Ông Klintsevich nêu rõ: "(Mỹ) muốn đẩy chúng ta, như đối với Liên Xô trước đây, vào một cuộc chạy đua vũ trang. Mỹ sẽ không thành công. Tôi chắc chắn rằng đất nước chúng ta sẽ đảm bảo tốt an ninh của mình trong mọi trường hợp".

Trong số các đồng minh Châu Âu của Mỹ, Đức đã kêu gọi Mỹ cân nhắc việc rút khỏi INF trong khi Anh lên tiếng hoan nghênh động thái của Mỹ.

M. Gorbachov và R. Reagan sau khi ký Hiệp ước INF

M. Gorbachov và R. Reagan sau khi ký Hiệp ước INF

Ngày 21/10, Ngoại trưởng Đức Heiko Mass kêu gọi Mỹ cân nhắc những hậu quả của việc rút khỏi Hiệp ước thủ tiêu tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF) đối với châu Âu cũng như các nỗ lực giải giáp vũ khí trong tương lai. Trong một tuyên bố, ông Mass nhấn mạnh: “Hiệp ước INF đã ra đời hơn 30 năm và đóng vai trò then chốt đối với cấu trúc an ninh của châu Âu. Chúng tôi thường xuyên hối thúc Nga giải quyết những cáo buộc về việc vi phạm thỏa thuận này. Giờ chúng tôi hối thúc Mỹ cân nhắc những hậu quả có thể xảy ra”. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson cho biết nước này “hoàn toàn ủng hộ” việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước  INF. Trả lời phỏng vấn báo Financial Times, Bộ trưởng Williamson đã chỉ trích Nga gây tổn hại hiệp ước này.

Cùng ngày, cựu Tổng Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev, người đã cùng Tổng thống Mỹ Ronald Reagan ký INF, cho rằng việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước này là sai lầm.

                             (Theo TTXVN)

Dòng sự kiện

Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn
Về khu tưởng niệm chiến tranh ở Kha-tưn, Cộng hòa Bê-la-rút.
THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI
Ngày Chiến thắng 9 tháng 5 rất đỗi thiêng liêng với mọi người dân Liên bang Nga.