Tiêu điểm

NGA VÀ CUỘC CHIẾN CHỐNG BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến hầu hết các nước. Với lãnh thổ rộng nhất thế giới, trải từ Châu Âu sang Châu Á, LB Nga cũng gánh chịu nhiều hậu quả. Những năm gần đây thời tiết ở Nga diễn biến cực đoan, tác động xấu đến đời sống xã hội và gây nhiều thiệt hại về kinh tế.

Trái đất ngày càng nóng

Biến đổi khí hậu toàn cầu thể hiện rõ nhất ở sự ấm lên của Trái đất, băng giá ở các miền cực tan chảy, nước biển dâng làm ngập lụt nhiều khu vực. Các cấu trúc tự nhiên bị mất cân bằng, mưa lũ thất thường, khô hạn trái mùa, tần suất các hiện tượng thời tiết cực đoan tăng lên. Theo các nhà khoa học, nhiệt độ trung bình năm 2015 trên hành tinh chúng ta đã tăng 1,02 độ C so với mức nhiệt độ trong Thế kỷ 19 khi người ta bắt đầu ghi chép, nghiên cứu sự biến động nhiệt độ toàn cầu. Nguyên nhân chính là do hoạt động của con người trên Trái đất. Giới khoa học đã đưa ra cảnh báo, nếu các quốc gia không thực thi những biện pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường sống thì đến năm 2100 nhiệt độ Trái đất có thể tăng thêm 3,7 - 4,8 độ C. Đó sẽ là thảm họa đối với loài người, bởi nếu nhiệt độ chỉ tăng thêm 2 độ C là có thể gây ra những hậu quả khôn lường cho môi trường sinh thái.

 Hệ lụy với nước Nga

Khí hậu ở Nga cũng biến động bất thường. Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường Nga, từ năm 1990 đến 2010 số vụ thảm họa thiên tai, như lũ, lụt, bão… đã tăng gần 4 lần và tiếp tục gia tăng khoảng 6 - 7% mỗi năm. Các chuyên gia sinh thái Nga dự báo sau 10 năm nữa thảm họa thiên tai ở Nga sẽ tăng gấp đôi.

Ngân hàng Thế giới ước tính hàng năm Nga thiệt hại khoảng 30-60 tỷ rúp do tác động của các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm. Bộ trưởng Nông nghiệp Nga Alexander Tkachev mới đây đánh giá, do hậu quả biến đổi khí hậu, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga có thể “bốc hơi” mỗi năm 1-2%.

9

Cùng ở trong xu hướng chung của thế giới, nhưng nhiều chỉ số của biến đổi khí hậu ở Nga lại cao hơn các nước. Cơ quan Khí tượng Nga cho biết, nhiệt độ trung bình hàng năm ở Nga tăng nhanh hơn 2,5 lần so với mức tăng chung trên toàn thế giới. Sự ấm lên thể hiện rõ nhất ở các vùng phía Bắc của nước Nga. Tại miền Bắc Cực chẳng hạn, cuối Thế kỷ 21 nhiệt độ có thể tăng thêm 7 độ C. Đến giữa Thế kỷ 21 nhiệt độ trung bình về mùa Đông trên toàn bộ lãnh thổ Nga có thể tăng thêm 2 - 5 độ C. Về mùa Hè, mức tăng nhiệt độ có phần “mềm” hơn, khoảng 1 - 3 độ C vào giữa Thế kỷ này.

Trong điều kiện không khí chung nóng lên, Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga dự báo thời kỳ rủi ro cháy (cháy rừng và đồng cỏ) ở Nga hàng năm sẽ kéo dài hơn 30 - 40% so với trước đây, tức là kéo dài thêm gần 2 tháng. Mùa Hè và một phần mùa Thu năm 2016 ở nhiều địa phương Nga đã xẩy ra cháy rừng lớn tại 19 chủ thể liên bang (các đơn vị hành chính trực thuộc trung ương), 199 khu dân cư bị ảnh hưởng, 3,2 nghìn ngôi nhà bị thiêu rụi, 62 người chết. Tổng thiệt hại ước tính trên 12 tỷ rúp. Về triển vọng, ngay cả Mátxcơva cũng sẽ chịu nguy cơ. Theo dự báo của TS Pavel Toropov, chuyên viên khoa học cao cấp Tổ bộ môn khí tượng và khí hậu thuộc Khoa Địa lý của trường Đại học tổng hợp quốc gia Mátxcơva mang tên Lomonosov, thành phố Mátxcơva và tỉnh Mátxcơva sau 10 – 100 năm nữa xét về các điều kiện khí hậu sẽ giống như các vùng thảo nguyên rừng Kursk và Oryol, mùa Hè thì khô hạn, còn mùa Đông thì ấm hơn.

Nga là nước có nhiều vùng rất lạnh, đặc biệt, có những nơi băng giá quanh năm. Theo báo cáo của Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga, nhiệt độ trung bình lớp bề mặt của các vùng đóng băng vĩnh viễn ở Nga trong 40 năm qua đã có những thay đổi đáng kể: mạn Bắc vùng lãnh thổ Nga thuộc Châu Âu là 1,2 - 1,4 độ C, ở mạn Bắc của vùng Tây Xibiri là 1 độ C, ở vùng Đông Xibiri là 1,3 độ C, tại vùng trung tâm Yakutia là 1,5 độ C. Những biến động về nhiệt độ, về nền đất ở các vùng băng giá vĩnh viễn đó đã và đang gây ảnh hưởng xấu đến các công trình tại đây, từ nhà cửa đến cầu cống, công trình công nghiệp, đường ống dẫn dầu khí và các tuyến đường sắt, đường bộ, đường băng sân bay, đường dây tải điện v.v… Vì thế, số lượng các vụ tai nạn, hư hỏng công trình đã gia tăng đáng kể trong những năm gần đây. Theo báo cáo trên, chỉ riêng tại tổ hợp công nghiệp Norilsk (thuộc khu Krasoyarsk, là thành phố với số dân thường trú trên 150 nghìn người ở gần Bắc Cực nhất) đã có khoảng 250 công trình bị biến dạng ở mức độ khác nhau, 40 tòa nhà đã buộc phải phá dỡ.

 Lợi bất cập hại

Theo Cơ quan Khí tượng, thủy văn Nga, khí hậu ấm lên không chỉ gây hại mà cũng phần nào đem lại những lợi ích nhất định cho LB Nga. Ví dụ, ấm lên ở miền Bắc Cực thì thời kỳ tàu thuyền đi lại trên tuyến đường biển Bắc Băng Dương được kéo dài thêm và các hoạt động khai thác dầu khí ở thềm lục địa phía Bắc cũng thuận lợi hơn. Ranh giới phía Bắc của các vùng đất nông nghiệp của Nga cũng được nới rộng thêm, do đó, tại vùng Tây Xibiri và vùng Uran sẽ có thêm nhiều diên tích trồng trọt. Một lợi ích đáng kể nữa là khi thời tiết ấm hơn thì thời gian vận hành các hệ thống sưởi ấm sẽ được rút ngắn, tiết kiệm được nhiều chi phí năng lượng.

 Chế ngự hậu quả

Các nhà khoa học khẳng định loài người không thể ngăn chặn được tiến trình biến đổi khí hậu. Nhưng sự hợp tác chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau giữa các quốc gia có thể chế ngự được tốc độ gia tăng nhiệt độ Trái đất, hạn chế hậu quả xấu đối với môi trường sinh thái.

Liên bang Nga đã có nhiều chính sách và giải pháp để góp phần cùng các  nước trên thế giới thúc đẩy cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Ngày 17/12/2009, Tổng thống Nga lúc đó là D. Medvedev phê chuẩn Học thuyết khí hậu của LB Nga đến năm 2020, làm nền tảng chính sách nhà nước trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu. Trên cơ sở đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường Nga triển khai Kế hoạch tổng thể thực hiện học thuyết này với những giải pháp cụ thể. Ngày 30/9/2013, Tổng thống V. Putin ban hành Sắc lệnh về việc cắt giảm lượng khí thải, theo đó, đến năm 2020 Nga sẽ cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống bằng 75% của năm 1990. Phát biểu tại Khóa họp 70 Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2015, Tổng thống Putin tuyên bố đến năm 2030 Nga sẽ cắt giảm khối lượng khí thải xuống mức 70% của năm 1990. Để bảo đảm được mức cắt giảm đó, LB Nga thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ, từ việc tăng cường tỷ trọng sử dụng năng lượng tái tạo (chủ yếu tăng tỷ trọng điện hạt nhân, thủy điện) và sử dụng công nghệ tiết kiệm điện đến bảo vệ phát triển rừng (đây là thế mạnh của Nga, để rừng “sàng lọc” một lượng khí thải lớn)… Nước Nga nhận thức được nguy cơ do biến đổi khí hậu gây ra và đang hợp tác chặt chẽ với các nước trên thế giới trong cuộc chiến gay go này.

                                                                                    NGUYỄN ĐĂNG PHÁT

Dòng sự kiện

Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn
Về khu tưởng niệm chiến tranh ở Kha-tưn, Cộng hòa Bê-la-rút.
THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI
Ngày Chiến thắng 9 tháng 5 rất đỗi thiêng liêng với mọi người dân Liên bang Nga.