XỨ SỞ TƯỢNG ĐÀI
NÓI LIÊN XÔ, LIÊN BANG NGA LÀ ĐẤT NƯỚC CỦA NHỮNG TƯỢNG ĐÀI CŨNG CHẲNG SAI! AI ĐÃ TỪNG ĐẾN LIÊN XÔ HAY NGA ĐỀU RẤT ẤN TƯỢNG VỀ NHỮNG QUẦN THỂ TƯỢNG ĐÀI, NHỮNG PHO TƯỢNG ĐƠN LẺ, TỪ TO ĐẾN NHỎ, TỪ CỔ CHÍ KIM, RẤT KỲ VĨ, HOÀNH TRÁNG NHƯNG CŨNG CÓ THỂ RẤT TINH XẢO VÀ ĐƠN GIẢN…
Đó là tượng đài của những vị vua, các nhà lãnh đạo quốc gia, nhà quân sự, nhà khoa học, nghệ sĩ, chiến sĩ, dân quân du kích, người nông dân, anh thợ hàn, chị lao công... Cả một rừng tượng đài, đặc sắc và đầy ý nghĩa.
Một trong những tượng đài mới ở thủ đô Mátxcơva, là tượng đài Hoàng đế Alếchxanđơ Đệ nhất. Tượng đài dựng lên ở gần cổng Bôrôvítxkie, phía Tây Nam Điện Cremli, trong khu vườn Alếchxanđơ nổi tiếng. Đây chính là khu vườn được mở mang, xây dựng theo sắc lệnh của vị Hoàng đế này và về sau được mang tên ông, suốt hơn 150 năm nay. Tác giả tượng đài là nhà điêu khắc, họa sĩ nhân dân Nga Xalavát Sécbacốp. Tác phẩm của ông được lựa chọn trong cuộc thi sáng tác mẫu tượng đài có sự tham gia của năm nhà điêu khắc nổi tiếng (cả năm người đều đã có nhiều sáng tác ở hình thức này hay hình thức khác về Alếchxanđơ Đệ nhất).
Tượng đài gồm pho tượng toàn thân Alếchxanđơ Đệ nhất đứng trên bệ tượng, được đặt trên một tháp trụ cao. Trong tay Hoàng đế là thanh kiếm, dưới chân ông là vũ khí của kẻ thù bại trận. Ở đối diện tượng đài là những bức phù điêu mô tả hai trận đánh lớn, trong đó có trận quyết chiến Bôrôđinô lẫy lừng thế giới.
Hoàng đế Alếchxanđơ Đệ nhất sinh tại Xanh Pêtécbua năm 1777, ông trị vì đế chế Nga từ năm 1801 đến năm 1825 và trong thời gian này nước Nga đã tiến hành cuộc kháng chiến đánh tan đạo quân Napôlêông xâm lược.
Tham dự và phát biểu tại lễ khánh thành tượng đài này hồi tháng 11 năm 2014, Tổng thống V. Putin đã nêu bật tài năng lỗi lạc và công trạng to lớn của Alếchxanđơ Đệ nhất. Ông nói: “Alếchxanđơ Đệ nhất mãi mãi đi vào lịch sử với tư cách người đánh thắng Napôlêông, một nhà chiến lược nhìn xa trông rộng và một nhà ngoại giao, nhà lãnh đạo quốc gia ý thức được trách nhiệm của mình đối với sự phát triển trong an ninh của châu Âu và thế giới”.
Tổng thống Putin đánh giá “chính Hoàng đế Alếchxanđơ Đệ nhất là người đã tạo lập ra hệ thống an ninh quốc tế ở châu Âu thời trước và hệ thống đó hoàn toàn tương xứng với điều kiện lúc bấy giờ”.
Tổng thống Putin cũng nhắc lại thái độ của nước Nga thời đó đối với chủ quyền của nước Pháp. “Cần nhớ rằng nước Nga thắng trận đã có thái độ tôn trọng và rộng lượng như thế nào đối với chủ quyền của nước Pháp và đối với lòng tự tôn dân tộc của nhân dân Pháp” – Tổng thống Putin nhấn mạnh.
Tổng thống Putin nêu bật công lao vĩ đại của Hoàng đế Alếchxanđơ Đệ nhất trong công cuộc đổi mới và củng cố nước Nga, nhắc lại việc Alếchxanđơ Đệ nhất đã thực hiện nhiều cuộc cải cách thể chế nhà nước và luật pháp, tổ chức trang bị cho đoàn thám hiểm vòng quanh thế giới đầu tiên của Nga, thành lập 5 trường đại học mới, khôi phục và xây dựng mới nhiều công trình ở thủ đô Mátxcơva bị quân Napôlêông tấn công và đốt phá…
Bên cạnh những quần thể hoặc tượng đài đơn lẻ thể hiện những chủ đề lớn về chính trị - xã hội mang tầm quốc tế, quốc gia thì trên các đường phố, tại các vườn hoa, khu dân cư… khắp nước Nga đều hiện diện rất nhiều bức tượng bằng chất liệu và quy mô khác nhau phản ánh một cách đa dạng, đa màu muôn mặt cuộc sống thường ngày. Có thể nói, nhìn vào những tượng đài cũng cảm nhận được khá rõ nhịp đập cuộc sống ở nước Nga, có thể hiểu thêm truyền thống văn hóa và những suy nghĩ của người Nga.
Thành phố Tula ở cách thủ đô Mátxcơva khoảng 300 km nổi tiếng khắp nước Nga và thế giới không chỉ vì đây là quê hương đại văn hào Lép Tônxtôi mà còn vì nơi đây có những sản phẩm điển hình của nước Nga như ấm xamôva (Самовар) hay bánh nướng prianích (Пряник)… Mùa Hè năm nay, ở trung tâm thành phố Tula người ta đã khánh thành một tượng đài tôn vinh đặc sản bánh nướng.
Tượng đài đúc bằng đồng, hình tròn, đường kính gần 2 mét, nặng hơn 1 tấn; ở mặt chính của tượng đài khắc dòng chữ "На счастье тульский пряник, известен с 1685 года" (Xin mời thưởng thức bánh nướng Tula. Có từ năm 1685).
Cũng vào mùa Hè vừa rồi, ở thành phố Igiépxcơ (thủ phủ Cộng hòa Uđmurơtia) xuất hiện tại trung tâm thành phố bức tượng một người cung cấp Wi-Fi miễn phí! Bức tượng nhằm tôn vinh hình tượng người Nga hào hiệp thời hiện đại - thời của kỹ thuật số, của Internet: một người đàn ông đang phanh áo sơ mi ra, để lộ ra ký hiệu Wi-Fi trên ngực, còn ở túi quần sau của anh ta thì thấp thoáng chiếc điện thoại thông minh.
Ở nước Nga thời kinh tế thị trường, nhà doanh nghiệp thường rất được xã hội quan tâm, cả ở khía cạnh tích cực lẫn tiêu cực. Hình tượng doanh nhân – một người Nga giàu có, thường gọi là “người Nga mới” rất dễ bắt gặp trong văn học, nghệ thuật và lĩnh vực điêu khắc không phải là ngoại lệ. Tại nhiều thành phố Nga có tượng doanh nhân – người Nga mới. Đó thường là những người bụng hơi phệ, bận quần bò, áo véc, trên tay trên cổ đeo đầy vàng..!
NGUYỄN ĐĂNG PHÁT