ĐƯỜNG SẮT XUYÊN XIBIRI
TRƯỚC NĂM 1976, PHẦN ĐÔNG NHỮNG NGƯỜI VIỆT NAM ĐẾN LIÊN XÔ VÀ ĐI CHÂU ÂU ĐỀU LẮC LƯ GẦN MỘT TUẦN TRÊN TUYẾN ĐƯỜNG SẮT XUYÊN XIBIRI ĐỂ TỚI THỦ ĐÔ MÁTXCƠVA. THỜI ẤY, MÁTXCƠVA LÀ MỘT ĐIỂM TRUNG CHUYỂN, TỪ ĐÂY MỌI NGƯỜI TỎA ĐI MUÔN NẺO BẰNG ĐƯỜNG BỘ, ĐƯỜNG KHÔNG.
Ngày 18 tháng 10 (tức ngày 5 Tháng 10 theo lịch cũ của Nga) năm 1916, tuyến đường sắt xuyên Xibiri (Транссибирская магистраль) trên lãnh thổ đế chế Nga được hoàn thành với việc đưa vào sử dụng chiếc cầu dài 3 km bắc qua sông Amua ở gần Khabarốpxcơ.
Tuyến đường sắt xuyên Xibiri khởi công xây dựng ngày 31/5 (lịch cũ là ngày 19) năm 1891, khi vị hoàng đế tương lai, tức thái tử Nicôlai Alếchxanđrôvích lúc đó, vừa chu du Ấn Độ và Nhật Bản trở về, đặt viên đá đầu tiên vào nền móng nhà ga ở đoạn đầu “tuyến đường Xibiri vĩ đại”, gần Vlađivôxtốc. Tham gia xây dựng công trình là những người dân địa phương và những người tù khổ sai, tổng cộng đã có hơn 100 nghìn người làm việc cùng một lúc trên công trường Thế kỷ này.
Mục đích chủ yếu của dự án xây dựng tuyến đường là cải thiện khả năng tiếp cận về giao thông vận tải của vùng Xibiri và Viễn Đông Nga, đồng thời kết nối các thành phố công nghiệp lớn thành một vùng kinh tế thống nhất.
Trước khi có đường sắt, từ Mátxcơva đến Vlađivôxtốc có thể phải mất 14 tháng đi đường bộ! Đáng chú ý là nếu đi đường biển thì nhanh hơn và có thể an toàn hơn – đó là đi vòng quanh Châu Phi và qua Ấn Độ Dương, hết từ 2 đến 2 tháng rưỡi. Đối với nước Nga, nếu không có tuyến đường sắt “xương sống” này thì không thể tiến hành khai khấn, phát triển Xibiri và vùng Viễn Đông rộng lớn, nhiều tài nguyên nhưng dân cư thưa thớt và cũng không thể bảo đả điều kiện bảo vệ biên cương phía Đông.
Thực tế, những đề xuất xây dựng đường sắt từ phía Tây đi Viễn Đông đã được đưa ra từ giữa Thế kỷ 19, nhưng do điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nguồn vốn đầu tư lại quá lớn nên nước Nga chưa thể triển khai dự án này kịp thời. Tuy nhiên, sự cần thiết cấp bách của tuyến đường sắt xuyên Xibiri, không chỉ về kinh tế - xã hội mà cả về quân sự, về địa chính trị (hồi đó nước láng giềng phía Đông của Nga đã bắt đầu xây dựng đường sắt hướng đến vùng Mãn Châu Lý giáp Nga) đã thôi thúc giới cầm quyền Nga phải thực hiện dự án. Ngày 17/3/1891, Hoàng đế Alếch xanđơ Đệ tam giao cho con trai là Nicôlai Alếchxâyevích – Hoàng đế Nicôlai Đệ nhị tương lai – bắt tay vào xây dựng tuyến đường sắt xuyên Xibiri.
Nắm giữ nhiều kỷ lục
Chi phi xây dựng tuyến đường sắt xuyên Xibiri, theo những tính toán khác nhau, lên tới 1,45 tỷ rúp vàng Nga (khoảng 75 tỷ USD theo tỷ giá hiện nay).
Tuyến đường xuyên Xibiri là tuyến đường sắt dài nhất thế giới, với 9289 km. Tuyến đường chạy qua toàn bộ nước Nga, kết nối Mátxcơva và Xanh Pêtécbua với các thành phố công nghiệp lớn ở Xibiri và vùng Viễn Đông Nga.
Từ Tây sang Đông, đường sắt xuyên Xibiri đi qua lãnh thổ hai châu lục: Châu Âu (1777 km, chiếm 19,1% tổng chiều dài tuyến đường) và châu Á (7512 km – 80,9%). Điểm tiếp giáp quy ước giữa hai châu lục được xác định tại km số 1778 của tuyến đường sắt, gần thị trấn Perơvôuranxcơ.
Tuyến đường sắt xuyên Xibiri đi qua 8 múi giờ, chạy trên lãnh thổ 13 tỉnh, 4 khu, 2 nước cộng hòa, 1 tỉnh tự trị và 1 quận tự trị của Liên bang Nga. Nó đi qua 87 thành phố, trong đó có 5 thành phố hơn 1 triệu dân (Mátxcơva, Pécmơ, Ecaterinbuốc, Ômxcơ, Nôvôxibirxcơ), 9 thành phố có số dân từ 300.000 người đến 1.000.000 người và 73 thành phố với số dân dưới 300.000 người. Tuyến đường này cũng vượt qua 16 con sông lớn, trong đó có Vônga và Amua.
Trên tuyến đường sắt xuyên Xibiri trung bình hàng năm vận chuyển hơn 113 triệu tấn hàng hóa, tức là hơn 50% khối lượng hàng hóa xuất khẩu của Nga và quá cảnh nước Nga, gồm khoáng sản, gỗ, than đá, sản phẩm dầu mỏ, kim loại, máy móc, thiết bị, thực phẩm v.v… Tại những khu vực đường sắt đi qua tập trung hơn 80% tiềm năng công nghiệp của nước Nga, 65% sản lượng than, 25% gỗ và 25% sản phẩm khai thác dầu mỏ.
Giữa Mátxcơva và Vlađivôxtốc có 40 nhà ga. Hiện nay xe lửa chở khách có tốc độ cao nhất của Nga mang số hiệu ½ “Rossia” chạy từ thủ đô Mátxcơva đến Vlađivôxtốc mất 6 ngày và 1 giờ (ở chiều ngược lại mất 6 ngày và 2 giờ). Tập đoàn “Đường sắt Nga” đang triển khai dự án “Xuyên Xibiri 7 ngày đêm” nhằm vận chuyển nhanh contenơ hàng hóa từ các cảng biển ở Viễn Đông đến biên giới phía Tây nước Nga: năm 2015 tốc độ vận chuyển contenơ trên tuyến đường sắt xuyên Xibiri đã đạt 1,139 nghìn km/một ngày đêm, tăng 6,1% so năm 2014.
Đường sắt Nga chằng chịt
Đường sắt Nga là một trong những mạng lưới đường sắt lớn nhất thế giới. Độ dài khai thác của mạng lưới đường sắt đa chức năng Nga là 85,3 nghìn kilômét, trong đó có 43,4 nghìn kilômét đã được điện khí hóa (tính đến cuối năm 2013). Nhưng tổng chiều dài các tuyến đường sắt Nga là 121 nghìn kilômét - xếp thứ ba thế giới sau Mỹ (250 nghìn kilômét) và Trung Quốc (hơn 100 nghìn kilômét, và trong số này hơn 19 nghìn kilômét là đường tàu cao tốc). Tổng chiều dài đường sắt đã điện khí hóa của Nga đứng thứ hai thế giới (sau Trung Quốc - 55,8 nghìn kilômét) .
Nói về lịch sử thì đường sắt Nga ra đời từ những năm 30 của Thế kỷ 19. Năm 1834, theo lời mời của Bộ Khai thác mỏ Nga, kỹ sư người Áo Franz von Gerstner đến thăm Nga và ông đã “tham mưu” với Hoàng đế Nicôlai Đệ nhất cần phải xây dựng hệ thống đường sắt. Năm 1835, một người trong dòng tộc của Hoàng đế là bá tước Alếchxây Bôbrinski thành lập một công ty cổ phần để tài trợ cho việc xây dựng đường sắt ở Nga. Năm 1836, Hoàng đế ra lệnh xây dựng các tuyến đường sắt Hoàng Thôn, đi từ Xanh Pêtécbua tới Hoàng Thôn và tuyến đường này chính thức khánh thành ngày 30 tháng 10 theo lịch cũ (lịch mới là 11 tháng 11) năm 1837. Chuyến tàu đầu tiên từ Xanh Pêtécbua đến Hoàng Thôn mất 35 phút và quay trở lại mất 27 phút; tốc độ tối đa đạt 64 km/h, tốc độ trung bình là 51 km/h.
Tiếp tục hiện đại hóa
Thời Liên Xô tuyến đường sắt xuyên Xibiri (TXM) không những được khai thác triệt để mà cũng được quan tâm đầu tư hiện đại hóa. Đáng kể nhất là việc xây dựng vào năm 1984 tuyến đường sắt Baican – Amua (BAM), một tuyến đường song hành, “bổ sung” cho phần phía Đông của tuyến đường xuyên Xibiri. Năm 2002, TXM được điện khí hóa toàn bộ. Năm 2009, toàn tuyến trở thành tuyến đường sắt hai làn (hai đường độc lập) sau khi đoạn một đường cuối cùng trên cầu qua sông Amua (gần Khabarốpxcơ) được nâng cấp lên đường đôi.
Tháng 4-2013, Thủ tướng Nga Đ. Métvêđép đề nghị góp 260 tỷ rúp từ ngân sách liên bang vào vốn điều lệ của tập đoàn “Đường sắt Nga” để thực hiện trong thời kỳ 2013 – 2017 các dự án ưu tiên phát triển và đổi mới hạ tầng kỹ thuật của tuyến đường sắt xuyên Xibiri và BAM. Tháng 6 năm đó, Tổng thống V. Putin yêu cầu Chính phủ Nga lấy tiền từ Quỹ phúc lợi quốc dân (FNB) để hiện đại hóa TXM và BAM. Tháng 3-2015, tập đoàn “Đường sắt Nga” nhận được 50 tỷ rúp đợt đầu từ FNB. Tính chung, công cuộc hiện đại hóa TXM và BAM đã được dành 562 tỷ rúp từ ngân sách trung ương, FNB và vốn của tập đoàn “Đường sắt Nga”. Chương trình hiện đại hóa sẽ hoàn thành năm 2019, sau thời điểm đó, dự kiến hàng năm khối lượng hàng hóa vận chuyển trên hai tuyến đường này sẽ tăng lên mức 124,4 triệu tấn.
HUẾ ĐẶNG