NGÀNH VŨ TRỤ NGA
Một thời kỳ khá dài sau khi Liên Xô tan rã và nước Nga độc lập, ngành vũ trụ Nga lâm vào khủng hoảng trầm trọng, “thương hiệu” của ngành vũ trụ, của những người làm việc trong tổ hợp vũ trụ bị mất giá.
Một thời kỳ khá dài sau khi Liên Xô tan rã và nước Nga độc lập, ngành vũ trụ Nga lâm vào khủng hoảng trầm trọng do nhiều nguyên nhân: không nhận được sự quan tâm đúng mức của lãnh đạo, thiếu kinh phí, chảy máu chất xám, “thương hiệu” của ngành vũ trụ, của những người làm việc trong tổ hợp vũ trụ bị mất giá… Trái ngược với thời Liên Xô, ngành vũ trụ Nga đã có những năm hầu như bị quên lãng, Mỹ trở thành “siêu cường duy nhất” trên thế giới trong lĩnh vực này. Tình trạng đó đã đòi hỏi chính quyền Nga, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Putin, phải có những chính sách và giải pháp hiệu quả để vực dậy lĩnh vực khoa học – kinh tế - quân sự hết sức quan trọng này. Nhưng cũng phải đến đầu năm 2016 mới có những quyết định cải tổ dứt khoát ngành vũ trụ. Bằng Sắc lệnh của Tổng thống Putin ngày 1-1-2016, Cơ quan Vũ trụ liên bang (Федеральное космическое агентство) bị giải thể. Thay vào đó đã thành lập Tập đoàn nhà nước về hoạt động vũ trụ “Roskosmos” (государственная корпорация по космической деятельности "Роскосмос”) – hoạt động theo mô hình tương tự tập đoàn năng lượng nguyên tử “Rosatom” được cho là rất hiệu quả của LB Nga.
Tập đoàn “Roskosmos” có gần 100 doanh nghiệp thành viên. Với bước cải tổ này, ngành công nghiệp tên lửa – vũ trụ hầu như được thành lập mới và có sứ mệnh giành lại cho nước Nga vị trí hàng đầu, vị trí của một cường quốc vũ trụ với nền khoa học vũ trụ và công nghiệp tên lửa – vũ trụ tiên tiến. Tổng thống V. Putin đã nhấn mạnh, “trong Thế kỷ 21 Nga phải giành được vị thế cường quốc hàng đầu về vũ trụ, những kết quả hoạt động của ngành vũ trụ phải đem lại hiệu quả thực tiễn lớn hơn nữa, phục vụ sự nghiệp sáng tạo đổi mới, giải quyết hàng loạt nhiệm vụ cụ thể của kinh tế quốc dân và đời sống xã hội, như về công nghiệp, y học, viễn thông, giao thông vận tải, tăng cường an ninh - quốc phòng, tăng cường khả năng cạnh tranh của LB Nga trên thế giới”. Tổng thống Nga khẳng định “phát triển tiềm lực vũ trụ của chúng ta sẽ tiếp tục là một trong những ưu tiên trong đường lối của Nhà nước”.
Về triển vọng ngành vũ trụ Nga, nữ phi công vũ trụ đầu tiên trên thế giới, nữ phi công vũ trụ đầu tiên của thế giới, bà V. Têrêscôva cũng rất lạc quan. Mới đây, tại một hội nghị về ngành vũ trụ Nga, bà nhận xét: “Hiện nay nhiều chuyện (trong ngành vũ trụ) đã được cải thiện. Tôi hy vọng chúng ta đang và sẽ đi đầu. Mặc dù Mỹ thực hiện chính sách cấm vận đối với chúng ta nhưng phi công vũ trụ của họ bay trên những con tàu của chúng ta và họ cũng mua động cơ tên lửa của chúng ta. Cho nên không thể nói chúng ta lạc hậu. Chúng ta đã, đang và sẽ là một cường quốc vũ trụ”.
Theo ông Igo Cômarốp, Chủ tịch Tập đoàn “Roskosmos”, Mỹ vẫn phải tiếp tục mua những động cơ tên lửa RSD-180 tốt nhất thế giới của Nga mặc dù Quốc hội Mỹ đã ban hành lệnh cấm sử dụng những động cơ này kể từ năm 2020.
Trong dự án Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), Nga đã củng cố vai trò then chốt của mình: hơn 5 năm sau khi kết thúc chương trình tàu con thoi của Mỹ, tất cả các phi công vũ trụ của những nước khác nhau đều được đưa lên trạm bằng tàu vũ trụ “Liên hợp” của Nga. Dự án ISS được gia hạn thực hiện đến năm 2024 và tiếp tục là một phòng thí nghiệm khoa học quý báu trên vũ trụ, là một “lò ấp” của hàng loạt kỷ lục vũ trụ. Hồi tháng 3-2016, đội bay Nga – Mỹ Mikhain Coócniencô và Xcốt Keli trở về Trái đất, lập kỷ lục thế giới làm việc dài ngày trên ISS (340 ngày).
Một sự kiện tô đậm thêm sự hồi sinh, phát triển và những thành công của ngành vũ trụ Nga là vào ngày 27-4-2016, từ sân bay vũ trụ quốc gia mới của Nga hiện đại bậc nhất thế giới – sân bay Phương Đông đang tiếp tục xây dựng, hoàn thiện tại tỉnh Amua – đã phóng tàu vũ trụ không người lái “Liên hợp”, tiếp tục các chương trình nghiên cứu vũ trụ của LB Nga.
Sự kiện này và nhiều bước đi khác diễn ra trong bối cảnh nước Nga có nhiều khó khăn về tài chính do giá dầu mỏ giảm sâu trong thời gian dài và do những biện pháp cấm vận của Mỹ và phương Tây. Đáng chú ý, cũng trong tháng 3-2016, Chính phủ Nga đã phê chuẩn Chương trình vũ trụ liên bang đồ sộ cho thời kỳ 2016-2025, tuy ngân sách có bị cắt giảm từ 2 nghìn tỷ rúp xuống còn 1,4 nghìn tỷ rúp nhưng những nội dung, mục tiêu của Chương trình vẫn rất ấn tượng. Riêng các hoạt động nghiên cứu khoa học cơ bản phục vụ ngành vũ trụ trong thời kỳ đó được cấp 143,2 tỷ rúp. Một cuộc thăm dò ý kiến mới của Trung tâm điều tra dư luận xã hội tòa liên bang Nga (VSIOM) cho thấy hơn 70% người Nga phản đối cắt giảm chi ngân sách cho các chương trình vũ trụ của quốc gia – niềm tự hào chính sáng của họ.
ĐỨC HÀ