Kinh tế

Phát triển vùng Viễn Đông là ưu tiên quốc gia của LB Nga

"Phát triển vùng Viễn Đông của Nga, củng cố tiềm năng kinh tế và đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân là một ưu tiên quan trọng, là một nhiệm vụ tầm cỡ quốc gia thật sự".

Đó là tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong thư gửi các đại biểu, những người tổ chức và khách mời của Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF) lần thứ V, dự kiến diễn ra từ ngày 4 - 6/9/2019 tại thành phố Vladivostok.

Port_Vladivostok_Investproekty_Dal_nego_Vostoka

Tổng thống Nga nêu rõ: "Trong thời gian gần đây, nhiều biện pháp lớn, chưa từng thấy, đã được thực hiện nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vùng Viễn Đông Nga, định hình các vùng lãnh thổ tăng tốc phát triển. Nhiều công trình công nghiệp, xã hội, giáo dục, hạ tầng thể thao được đưa vào sử dụng; việc xây dựng hải cảng tự do Vladivostok – một khu vực có cơ chế pháp lý đặc biệt – được quan tâm sâu sát. Quan hệ đối tác giữa giới doanh nghiệp Nga và các nước châu Á -  Thái Bình Dương được củng cố".

Tổng thống Putin nhấn mạnh: với tư cách một nước Á - Âu lớn nhất, Nga mong muốn khu vực châu Á – Thái Bình Dương phát triển năng động và luôn cởi mở sẵn sàng đối thoại bình đẳng trên cơ sở song phương cũng như trong khuôn khổ đa phương, theo kênh Liên minh kinh tế Á - Âu, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC).

Tổng thống Putin tin tưởng EEF năm nay sẽ diễn ra với tinh thần xây dựng, giúp khởi động nhiều dự án mới thúc đẩy hợp tác cùng có lợi. 

Các chủ đề thảo luận chính của EEF lần thứ V là những tiêu chí tăng trưởng kinh tế và xã hội vùng Viễn Đông cũng những vấn đề nâng cao chất lượng cuộc sống người dân ở đây. Ngoài ra, trong chương trình còn có các cuộc đối thoại doanh nghiệp liên quốc gia với Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

dalniy vostok rossii - muhina anna

Năm 2018, tại EEF lần thứ IV,  220 hợp đồng và nhiều văn bản hợp tác khác được ký kết với tổng giá trị hơn 3.000 tỷ rúp (tương đương 45 tỷ USD). Tham dự EEF 2018 có 6.002 đại biểu và 1.357 phóng viên, biên tập viên báo chí 60 nước.

Trước thềm EEF lần thứ V, ngày 21/8 tại Moskva đã diễn ra hội thảo bàn tròn “Doanh nghiệp nhỏ vùng Viễn Đông – những cơ hội, điều kiện và ưu đãi”. Hội thảo nhấn mạnh vai trò của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đối với sự phát triển của vùng Viễn Đông, cũng như một số biện pháp hỗ trợ từ chính quyền để giúp các doanh nghiệp này khắc phục những khó khăn phát sinh.  Những người tham gia hội thảo khẳng định doanh nghiệp nhỏ vẫn là một yếu tố cần thiết và hiệu quả trong sự phát triển của nền kinh tế khu vực. Thứ trưởng Bộ phát triển Viễn Đông và Bắc Cực của Nga, ông Sergey Tyrtsev nói: “Chúng tôi cho rằng sự phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ cần phải trở thành một trong những đầu tàu để phát triển Viễn Đông. Chúng tôi sẽ làm tất cả cho mục đích này”. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ phát triển Viễn Đông và Bắc Cực Alexander Kozlov khẳng định Nga hoan nghênh các nhà đầu tư châu Á, trong đó có Việt Nam, tham gia đầu tư vào khu vực Viễn Đông. Hiện ở Viễn Đông, các dự án lớn như Nhà máy xử lý khí Amur, Tổ hợp đóng tàu “Zvezda”, Tập đoàn nông nghiệp “Rusagro”... đã đóng góp đáng kể vào tổng mức đầu tư tại khu vực này. Tuy nhiên, số lượng các doanh nghiệp lớn như vậy không vượt quá 15% tổng số doanh nghiệp đăng ký hoạt động tại vùng lãnh thổ phát triển vượt trội (TOR) và cảng tự do Vladivostok. Chiếm phần lớn vẫn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

Tại hội thảo, các đại biểu có chung nhận định rằng doanh nghiệp vừa và nhỏ không chỉ cần thị trường tiêu thụ, mà còn cần có cơ hội tiếp cận các nguồn tài chính. Theo tính toán của giới chuyên gia, đến năm 2024, nước Nga cần thu hút khoảng 25 triệu người tham gia vào lĩnh vực doanh nghiệp nhỏ, trong khi hiện nay con số đó mới chỉ là 19 triệu người. Do đó, nhà nước có kế hoạch chi 178 tỷ rúp (gần 28 triệu USD) để hỗ trợ các doanh nghiệp này. Ngoài ra, khoảng 80 tỷ rúp (gần 12 triệu USD) đã được sử dụng để hỗ trợ  814 dự án đang được triển khai tại Viễn Đông. Để giải quyết bài toán giao thông, Viễn Đông đang đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó các hành lang giao thông “Primorie-1” và “Primorie-2”có thể giúp nâng cao hiệu quả vận chuyển hàng hóa với các nước châu Á – Thái Bình Dương.

Hiện nay LB Nga đang xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng Viễn Đông  đến năm 2025 và hướng tới năm 2035.

                 (Theo TTXVN và TASS, Kremlin.ru)

Dòng sự kiện

Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn
Về khu tưởng niệm chiến tranh ở Kha-tưn, Cộng hòa Bê-la-rút.
THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI
Ngày Chiến thắng 9 tháng 5 rất đỗi thiêng liêng với mọi người dân Liên bang Nga.