Tám kỷ lục thế giới Guinness của cậu bé Việt 14 tuổi mắc chứng tự kỷ
Sự kết hợp giữa trí tuệ, sự kiên nhẫn của thế hệ trước và năng lượng, tiềm năng của thế hệ trẻ đã tạo ra một câu chuyện đầy cảm hứng về sức mạnh con người. Đó là kết quả sự liên kết đặc biệt giữa Nguyễn Khắc Hưng và TS Phan Quốc Việt - một cựu sinh viên Đại học Lomonosov Moskva.
Ngày 20/8/2024 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong cuộc đời Nguyễn Khắc Hưng, cậu bé 14 tuổi mắc chứng tự kỷ nặng, khi Hưng chính thức được cấp chứng nhận thứ ba trong tổng số 8 kỷ lục đã được Tổ chức Guinness Thế giới công nhận. Thành tựu này không chỉ là chiến thắng cá nhân của Hưng mà còn là một biểu tượng cho sức mạnh của sự liên kết thế hệ, được thể hiện qua mối quan hệ thầy trò đặc biệt giữa Hưng và Tiến sĩ Phan Quốc Việt, người thầy đã ngoài 70 tuổi của em, trước đây từng học tập tại Đại học Quốc gia Moskva mang tên nhà bác học Nga vĩ đại M.V. Lomonosov.
Hành trình từ bóng tối đến ánh sáng hải đăng
Sinh ra với chứng tự kỷ nặng, Nguyễn Khắc Hưng đã trải qua một tuổi thơ đầy khó khăn. Em không thể giao tiếp hay tương tác như những đứa trẻ bình thường. Những biểu hiện của Hưng từng khiến gia đình em đối mặt những thách thức tưởng chừng không thể vượt qua. Trước khi gặp Tiến sĩ Phan Quốc Việt, Hưng sống trong sự cô lập, không thể tự thực hiện các hoạt động sinh hoạt cơ bản hàng ngày.
Tiến sĩ Phan Quốc Việt, người sáng lập và lãnh đạo của Tâm Việt EduEco, đã mang đến một cơ hội mới cho Hưng. Ông đã dành nhiều năm nghiên cứu và phát triển các phương pháp giáo dục đặc biệt, nhằm giúp đỡ những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là trẻ tự kỷ. Bằng cách áp dụng phương pháp năng lượng rung động cộng hưởng (RVE) và thiền tự thăng bằng, Tiến sĩ Việt đã giúp Hưng không chỉ vượt qua những giới hạn của bản thân mà còn đạt được những kỳ tích không ngờ.
Những thử thách không ngờ
Điều đặc biệt về hành trình của Hưng là mọi nỗ lực, tập luyện đều diễn ra trong một căn hộ tập thể chỉ 24m², đã xuống cấp và cần phải phá dỡ. Đây là một không gian chật hẹp nhưng lại trở thành nơi khởi đầu cho những kỳ tích lớn. Trong điều kiện sống khó khăn, Hưng phải xa mẹ từ khi 2 tuổi, bố Hưng qua đời khi em 13 tuổi, và không có ai chu cấp. Dù vậy, Hưng và Tiến sĩ Việt đã biến điều kiện hạn chế đó thành nơi tạo ra những kỷ lục Guinness đáng kinh ngạc. "Khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già", khi biết kết hợp chính xác thì cái khôn của người già sức yếu với cái mạnh của tuổi trẻ rối loạn tâm trí lại trở thành sức mạnh đặc biệt để tạo nên kỳ tích.
Chỉ cần đọc qua chúng ta đã thấy mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu, sự kiên cường, sáng tạo, và dày công tu luyện của cặp bài trùng này.
Tổng số thách thức kỷ lục mà Hưng và Tiến sĩ Phan Quốc Việt đã gửi dự thi là 102. Trong đó, đã có 44 thách thức bị từ chối vì lý do "quá khó để tổ chức thi, phá kỷ lục" (Trích thư từ chối của Tổ chức Kỷ lục Guinness). Ví dụ như thách thức đứng trên bóng y tế, đồng thời tung hứng 5 bóng và đội 2 chai ngược nhau. Tuy nhiên, vẫn còn 50 thách thức để hy vọng vào những kỷ lục tiếp theo
Vượt qua giới hạn
Mối liên kết đặc biệt giữa Nguyễn Khắc Hưng và Tiến sĩ Phan Quốc Việt đã tạo nên một sức mạnh không thể tưởng tượng. Với sự dẫn dắt của Tiến sĩ Việt, Hưng đã vượt qua những giới hạn của mình và tỏa sáng với những thành tích đáng kinh ngạc. Sự kết hợp giữa trí tuệ, sự kiên nhẫn của thế hệ trước và năng lượng, tiềm năng của thế hệ trẻ đã tạo ra một câu chuyện đầy cảm hứng về sức mạnh con người.
Tám kỷ lục Guinness đáng tự hào của cậu bé tự kỷ 14 tuổi Nguyễn Khắc Hưng:
1- Thời gian lâu nhất tung ba vật thể trên bóng y tế với một vật thể trên đầu: 35 phút 09 giây (21/6/2023)
2- Thời gian lâu nhất đi xe đạp một bánh, một chân trong khi tung ba vật thể và thăng bằng một vật thể trên đầu: 33 phút 33 giây (12/4/2024)
3- Khoảng cách xa nhất di chuyển trên quả bóng y tế: 1016 mét (31/7/2024)
4- Khoảng cách xa nhất đi lùi trên quả bóng y tế: 238 mét (8/8/2024)
5- Khoảng cách xa nhất đi trên bóng y tế trong khi tung hứng ba vật thể: 7000 mét (9/8/2024)
6- Khoảng cách xa nhất đi lùi trên bóng y tế trong khi tung hứng ba vật thể: 450 mét (9/8/2024)
7- Thời gian dài nhất tung hứng ba vật thể đồng thời đứng trên bóng y tế và thăng bằng một vật trên đầu: 46 phút 8 giây (14/4/2024)
8- Thời gian dài nhất tung hứng ba vật thể đồng thời đứng trên bóng y tế và thăng bằng một vật trên đầu: 48 phút 58 giây (29/5/2024).
Hành trình của Hưng và Tiến sĩ Việt không chỉ là một minh chứng về sức mạnh của lòng kiên trì mà còn là thông điệp về tầm quan trọng của sự kết nối giữa các thế hệ. Đây cũng là một lời khẳng định cho giá trị của con người và ý nghĩa của sự phát triển nhân tài trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực "sánh vai cùng các cường quốc năm châu".
Nhận xét về Tâm Việt EduEco và bản thân thầy Việt, NSND Tâm Chính, Chủ tịch Liên chi hội Xiếc Việt Nam, nói: “Tôi rất vui mừng, ái mộ, tán phục và yêu mến thầy Việt. Tôi nghĩ rằng thầy là một con người đặc biệt. Thầy có một tài năng thật sự đặc biệt. Tôi đã bất ngờ vì tôi là một nghệ sĩ xiếc, được đào tạo ở trường xiếc và trở thành Giám đốc của Liên đoàn xiếc trong 17 năm. Bây giờ, tôi là Chủ tịch của Liên chi hội Xiếc Việt Nam. Tôi đã đứng thăng bằng trên con lăn, xếp 7, 8, 9 chồng cốc để biểu diễn cho Bác Hồ xem.
Tôi rất may mắn khi được thầy Việt mời đến để hướng dẫn các em tự kỷ. Khi đến nơi, thấy thầy Việt là một người yêu nghề cháy bỏng và có tình thương các em vô bờ bến. Thăng bằng trên con lăn chỉ 2 chiều thì dễ hơn là thăng bằng đa chiều trên quả bóng đồng thời đội bóng trên đầu và tung 5 bóng. Tôi thật sự thán phục và cảm phục bởi tài năng đặc biệt của thầy Việt. Chính đoàn xiếc chúng tôi đào tạo người bình thường mà cũng không bằng thầy Việt đào tạo các em tự kỷ. Quá giỏi! Tôi không thể tưởng tượng được! Tôi phải thừa nhận rằng tôi phải học thêm thầy Việt".
Thầy thuốc nhân dân, GS.TS Trương Việt Bình, Chủ tịch Hội Nam y Việt Nam, chia sẻ: “Theo y học cổ truyền, tự kỷ là tâm rối loạn. Y học hiện đại cho rằng tự kỷ là rối loạn tâm thần. Những bệnh do thần chí thì không thể dùng thuốc để chữa, chỉ dùng thần chí mà chữa lành. Làm việc với những người tâm thần thì rất là khó. Bức xạ của người tâm thần đó tỏa ra và lấn áp thầy thuốc. Bác sĩ tâm thần rất là vất vả. Bệnh nhân làm cho người thầy thuốc bị lây nhiễm bệnh. Cho nên người nào có căn rất tốt mới áp chế lại được tự kỷ.
Phương pháp của TS Việt không dùng thuốc và đã có hiệu quả, anh đã thành lập trung tâm trẻ huấn luyện tự kỷ. Đây là một điều hết sức kỳ diệu đối với những người thầy thuốc. Bản thân chúng tôi không làm được điều này. Rất là khó, phải rất là kiên nhẫn, phải có lòng thương người đến tột cùng mới làm được. Cần có những người tâm huyết cùng với anh Việt thì hiệu quả hơn”.
(Theo suckhoeviet.org.vn)