Người dịch lời Việt cho Quốc ca Nga

Suốt nhiều thập kỉ, hàng trăm bài hát Nga đã được dịch sang tiếng Việt, trong đó có những tình khúc trở thành “bài ca đi cùng năm tháng” với nhiều thế hệ người Việt. Nhưng Quốc ca Nga – một trong những bản quốc ca xuất sắc trên thế giới – thì lại chưa từng phổ biến một phiên bản tiếng Việt nào.
Quốc ca Liên bang Nga hiện nay là một biểu tượng quốc gia thể hiện sự giao thoa giữa quá khứ và hiện tại. Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, Tổng thống đầu tiên của nước Nga Boris Yeltsin đã xóa bỏ các biểu tượng quốc gia thời Xô-viết, thay thế quốc ca bằng "Bài ca yêu nước" – tác phẩm nhạc không lời của nhạc sĩ Nga Mikhail Glinka. Tuy nhiên, thiếu vắng ca từ và phần nhạc có phần phức tạp, khó nhớ đã khiến bản quốc thiều này không được công chúng Nga đón nhận. Đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, Tổng thống kế nhiệm Vladimir Putin đã quyết định sử dụng lại phần nhạc của bài Quốc ca Liên Xô có từ năm 1944 do nhạc sĩ Alexander Alexandrov sáng tác làm quốc ca mới của nước Nga, với phần lời do nhà thơ Sergey Mikhalkov viết lại cho phù hợp với thời đại mới. Vào đêm giao thừa cuối năm 2000, quốc ca mới của Liên bang Nga chính thức vang lên sau bài phát biểu của Tổng thống V. Putin, tạo nên sự phấn chấn, tự hào của đông đảo người dân xứ sở bạch dương. Chính phủ Nga cho rằng bài quốc ca có giai điệu trang nghiêm và lời ca đầy chất thơ, ca ngợi lịch sử và truyền thống của nước Nga, khơi dậy lòng yêu nước và lòng kiêu hãnh, tự hào dân tộc.

Trong nhiều thập kỉ qua, hàng trăm bài hát Nga đã được dịch sang tiếng Việt, trong đó có những tình khúc đã trở thành “bài ca đi cùng năm tháng” đối với nhiều thế hệ người Việt như "Chiều Mát-xcơ-va", "Ca-chiu-sa", "Đôi bờ", "Triệu bông hồng", “Vôn-ga xinh đẹp”, “Cây thùy dương”, “Tình ca du mục”… Nhưng Quốc ca Nga – vốn được coi là một trong những bản quốc ca xuất sắc trên thế giới – thì lại chưa từng phổ biến một phiên bản tiếng Việt nào. Từ sự yêu thích giai điệu của bài quốc ca này, nhà văn Phạm Duy Nghĩa (Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội, một người chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa Nga từ nhỏ) đã nảy sinh ý tưởng tìm người dịch Quốc ca Nga sang tiếng Việt. Đầu năm 2025, qua sự giới thiệu của nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng – Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga, Phạm Duy Nghĩa đã tìm đến nhà ngoại giao Lại Ngọc Đoàn, người có kinh nghiệm dịch thuật và hiểu biết sâu sắc về âm nhạc Nga.
Lại Ngọc Đoàn, nguyên Tham tán Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, là người có tình yêu sâu đậm đối với nước Nga. Thời trẻ sang Liên Xô học tập, ông mong mỏi được ở Nga nhưng số phận đã đưa ông đến với những nước cộng hòa xô-viết khác. Rồi ông đã có những dịp công tác ở các nước Bắc Âu. Mãi tới bốn mươi năm sau mới có nhiệm kỳ làm việc tại Đại sứ quán Việt Nam ở Nga. Ông đã giãi bày tâm sự ấy trong bài thơ Trở lại nước Nga viết năm 2016 của mình:
Đã hẹn hò hơn bốn mươi năm
Mà vẫn đôi nơi phương trời cách biệt
Mang trong lòng một tình yêu thắm thiết
Nhưng chưa một lần nắm trọn bàn tay…
Về với em, với âm hưởng mùa hè
Những bản dân ca dịu dàng sâu lắng
Với con sông hiền hòa phẳng lặng
Với tình người năm tháng chẳng đổi thay…
Cuộc “hẹn hò” với “em” ở đây không phải dành cho một người con gái cụ thể nào, mà là cho “nàng Nga” – nước Nga, với một tình yêu đầy khắc khoải tựa mối tình đầu còn dang dở. Bởi yêu say đắm xứ sở bạch dương mà trong suốt nhiều năm, ông đã lặng lẽ, miệt mài dịch hàng trăm ca khúc Nga sang tiếng Việt. Nếu xác lập kỉ lục "người dịch lời Việt cho nhiều bài hát Nga nhất", danh hiệu ấy có lẽ thuộc về Lại Ngọc Đoàn.

Tại nhà anh Lại Ngọc Đoàn (chủ nhà ngoài cùng bên trái)
Cuộc gặp gỡ giữa nhà văn Phạm Duy Nghĩa và dịch giả Lại Ngọc Đoàn diễn ra vào một buổi chiều mùa xuân Hà Nội tại ngôi nhà nằm gọn trong con ngõ nhỏ gần hồ Hữu Tiệp thuộc làng hoa Ngọc Hà, nơi còn lưu giữ xác máy bay B52 bị bộ đội ta bắn rụng thuở nào. Trong căn phòng bài trí nhiều kỉ vật về nước Nga và các nhạc cụ như guitar, saxophone, dương cầm, Lại Ngọc Đoàn kể cho nhà văn quân đội nghe về con đường đến với âm nhạc của mình từ những năm tháng say mê theo các lớp dạy nhạc ở nước ngoài. Ông cũng cho biết mỗi chiều thứ năm hàng tuần, căn phòng phảng phất không khí hoài niệm này lại biến thành một điểm hẹn văn hóa, nơi gặp gỡ và thực hành của “Tashgu” – một nhóm hát nhạc Nga gồm những người bạn học cùng trường, cùng thành phố với ông thời trẻ ở Liên Xô – tên của nhóm cũng là tên ngôi trường ở thành phố đó. Mỗi buổi gặp nhau họ lại tập hát một bài mới với cả lời Nga và lời Việt do Lại Ngọc Đoàn dịch. Đã là những người cao tuổi, nhưng họ vẫn giữ được tâm hồn trẻ trung của một “Thời thanh niên sôi nổi”. Sau mỗi buổi thu âm, luyện giọng, họ rời ngôi nhà ẩn trong ngõ hẹp khi màn đêm đã buông xuống phố phường.
Lời đề nghị dịch Quốc ca Nga ra tiếng Việt của Phạm Duy Nghĩa được nhà ngoại giao kì cựu tán thành. Ba ngày sau, Lại Ngọc Đoàn nhắn nhà văn họ Phạm đến Ngọc Hà. Nhóm hát Tashgu đã có mặt ở đó. Sau khi xem bản dịch, Phạm Duy Nghĩa chỉ góp ý chỉnh sửa một vài chữ để tránh lặp từ. Và giữa buổi chiều mùa xuân se lạnh ấy, khi những mái đầu điểm bạc sát kề bên nhau trong tiếng saxophone hùng tráng, lần đầu tiên, bằng tiếng Việt, bài quốc ca của đất nước rộng lớn nhất địa cầu được vang lên.
QUỐC CA LIÊN BANG NGA
Nhạc: Alexander Alexandrov
Lời: Sergey Mikhalkov
Dịch sang tiếng Việt: Lại Ngọc Đoàn
1. Nước Nga thật rộng lớn là một quốc gia đẹp tươi, hùng mạnh, thiêng liêng và muôn ngàn yêu dấu của ta đó. Một ý chí mạnh mẽ với niềm vinh quang rạng soi còn ngời sáng xuyên thời gian là phẩm giá mãi của Người.
Điệp khúc:
Vinh quang ôi Tổ quốc ơi, ngàn đời! Đất nước ta tự do mãi, hùng cường. Bao đời liên minh của bao dân tộc anh em. Đây trí tuệ tổ tiên đã để lại. Cho dân tộc của ta mãi trường tồn. Mãi tôn vinh Người! Tự hào mãi mãi về Người!
2. Rừng biếc và bao cánh đồng rộng lớn đang trải ra từ biển Nam lên cực Bắc là đất nước của ta đó. Chỉ có duy Người thôi trên trần thế, bao mảnh đất của tổ tiên muôn đời nay đều được Chúa lo giữ gìn.
(Điệp khúc)
3. Cuộc sống và mơ ước thật rộng lớn đang mở ra đợi chờ ta ở phía trước đầy tươi sáng năm tháng tới. Lòng sắt son thủy chung với Tổ quốc bao đời nay, ngàn đời sau luôn cùng ta và tặng chúng ta sức mạnh.
(Điệp khúc)
Có thể nói, bản Quốc ca Nga lời Việt của Lại Ngọc Đoàn đã phản ánh trung thực lời Nga gốc, ý nghĩa được bảo toàn mà vẫn giữ nguyên cảm xúc, nhịp điệu. Nó thể hiện quan điểm nhất quán của ông trong dịch thuật: tôn trọng nguyên tác, "chuyển ngữ" chứ không "sáng tác lại". Nhờ bám sát văn bản gốc, nó đã gìn giữ được tinh thần của một biểu tượng quốc gia.

Nhóm hát Tashgu
Năm 2001, gần với thời điểm bài Quốc ca Nga ra đời, Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành cuốn sách Triệu triệu bông hồng – Tuyển chọn 100 bài hát Nga yêu thích (nhạc sĩ, TS. Vũ Tự Lân biên soạn). Có thể tìm thấy ở đây những ca khúc đã làm rung động trái tim hàng triệu người Việt Nam một thời, những giai điệu sâu lắng, dịu dàng đậm chất trữ tình ca ngợi Tổ quốc, thiên nhiên, ca ngợi tình người thủy chung, đôn hậu. Tiếp nối những đóng góp của Phạm Tuyên, Vương Thịnh, Hồ Bắc, Trung Kiên, Nguyễn Ngọc Thiện… cùng bao nhạc sĩ, dịch giả hữu danh và khuyết danh khác trong việc đưa âm nhạc Nga đến với tâm hồn Việt, nhà ngoại giao Lại Ngọc Đoàn đã góp phần bồi đắp mối quan hệ giao lưu văn hóa giữa hai dân tộc, gìn giữ ngọn lửa tình yêu với nước Nga, cho dù thời đại đã đổi thay với nhiều biến động trên quê hương Xô-viết.
Sự ra đời của Quốc ca Nga lời Việt cũng là việc làm ý nghĩa ở thời điểm này, khi những người yêu mến nước Nga đang có nhiều hoạt động kỉ niệm 75 năm ngày thành lập Hội Hữu nghị Việt – Xô/Ngày truyền thống Hội Hữu nghị Việt - Nga (23/5/1950 - 23/5/2025), đặc biệt là kỉ niệm 80 năm Chiến thắng trong Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại (9/5/1945 - 9/5/2025).
VŨ MINH CHÂU