THÁM HIỂM VŨ TRỤ - NHỮNG ĐIỀU KỲ THÚ
KỂ TỪ KHI LIÊN XÔ PHÓNG VỆ TINH NHÂN TẠO ĐẦU TIÊN CỦA TRÁI ĐẤT (1957) VÀ ĐƯA NGƯỜI ĐẦU TIÊN TRÊN THẾ GIỚI LÊN VŨ TRỤ (12-4-1961), NHÂN LOẠI ĐÃ ĐƯỢC CHỨNG KIẾN NHIỀU KỲ TÍCH, NHIỀU KỶ LỤC TRONG LĨNH VỰC NGHIÊN CỨU, THÁM HIỂM VŨ TRỤ. DƯỚI ĐÂY LÀ MỘT VÀI SỐ LIỆU, SỰ KIỆN ĐÁNG CHÚ Ý.
537 công dân 37 nước lên vũ trụ
Người đầu tiên trên thế giới bay lên vũ trụ là công dân Xôviết, Yuri Gagarin, với chuyển bay kéo dài 1 giờ 48 phút. Con tàu “Phương Đông 1” bay một vòng theo quỹ đạo quanh Trái đất, khoảng cách xa nhất so với bề mặt Trái đất là 327 km. Hồi đó bộ phận hạ cánh của tàu vũ trụ chưa được trang bị hệ thống tiếp đất nhẹ nhàng nên Gagarin phải nhảy dù từ độ cao 7 nghìn mét, đáp xuống một vị trí gần làng Xmelốpca, tỉnh Xaratốp.
Sau Yuri Gagarin đã có 537 người của 37 nước bay lên vũ trụ, trong đó có Anh hùng Phạm Tuân của Việt Nam. Chuyến bay vũ trụ dài ngày nhất trong lịch sử là chuyến bay của nhà du hành Nga Valeri Pôliacốp (437 ngày đêm và 17 giờ 58 phút).
Tiêu chuẩn ứng viên du hành vũ trụ Nga
Ở Nga, chỉ những công dân Nga không quá 33 tuổi, đã tốt nghiệp đại học, mới có thể trở thành ứng cử viên du hành vũ trụ. Thường thì ưu tiên được dành cho những người đã hoạt động trong ngành công nghiệp hàng không và tên lửa – vũ trụ. Chiều cao phải từ 150 đến 190 cm, cân nặng từ 50 đến 90 kg, chiều dài bàn chân tối đa là 29,5 cm. Thể lực của các ứng cử viên được đánh giá theo một số tiêu chuẩn: rút xà đơn không dưới 14 lần, chạy cự ly 60 m không quá 8,5 giây, bơi 25 m không quá 19 giây và đứng tại chỗ nhảy xa 2,3 m trở lên.
“Phái đẹp” du hành vũ trụ
Người phụ nữ đầu tiên trên thế giới lên vũ trụ cũng là công dân Xôviết: Valentina Terescôva. Bà một mình bay trên tàu “Phương Đông 6” hồi tháng 6-1963. Ở thời điểm đó trên quỹ đạo cũng đang có một con tàu khác của Liên Xô là tàu “Phương Đông 5” do Valeri Bưcốpxki điều khiển. Hồi đó, dựa vào các dữ liệu của hai chuyến bay trong cùng một thời gian, các nhà khoa học Liên Xô đã tập trung nghiên cứu ảnh hưởng của môi trường vũ trụ đối với cơ thể người của hai giới nam và nữ.
Thời gian chuyến bay của Terescôva là 2 ngày đêm và 22 giờ 50 phút; bà đã bay quanh trái đất tổng cộng gần 1,97 triệu km.
Valentina Terescôva không chỉ là người phụ nữ đầu tiên lên vũ trụ mà còn là phụ nữ duy nhất trên thế giới bay vào vũ trụ một mình một tàu.
Tổng cộng đã có 59 phụ nữ bay vào vũ trụ.
Nhà du hành dân sự đầu tiên
Phi công vũ trụ dân sự đầu tiên của Nga là Cônxtantin Phêốctixtốp. Trước ông, tất cả các nhà du hành vũ trụ đều được tuyển chọn từ quân nhân.
Cônxtantin Phêốctixtốp thực hiện chuyến bay vũ trụ hồi tháng 10-1964 với tư cách nhà du hành – nghiên cứu khoa học trên tàu có người điều khiển nhiều chỗ ngồi đầu tiên mang tên “Rạng đông 1”. Cùng bay với ông là Vlađimia Cômarốp, đại tá, kỹ sư, chỉ huy tàu và Bôrít Egôrốp, đại úy quân y, phi công vũ trụ - bác sĩ đầu tiên trên thế giới.
Điều đặc biệt của chuyến bay là ở chỗ, do trong buồng lái khá chật chội nên các nhà du hành không mặc bộ áo bay theo kiểu áo giáp quen thuộc mà chỉ bận bộ đồ thể thao nhẹ; và trên con tàu cũng không có hệ thống nhảy dù như đã ứng dụng ở các tàu vũ trụ “Phương Đông”. Tàu “Rạng Đông 1” được trang bị hệ thống hạ cánh bằng dù - phản lực nên bảo đảm được khả năng tiếp đất nhẹ nhàng. Trong chuyến bay này đã kiểm nghiệm sự phối hợp hành động giữa các nhà du hành – chuyên gia trong các lĩnh vực khoa học – kỹ thuật khác nhau, đã tiến hành các công trình nghiên cứu khoa học về vật lý – kỹ thuật và y sinh học.
“Dạo chơi” trong vũ trụ
Nhà du hành Xôviết Alếchxây Lêônốp là người đầu tiên ra ngoài con tàu, hoạt động khoảng không vũ trụ. “Cuộc dạo chơi” đầu tiên trong vũ trụ được ông thực hiện ngày 18-3-1965 từ con tàu “Rạng đông 2” do Paven Beliaép điều khiển. Với cả hai ông thì đây là chuyến bay vũ trụ đầu tiên. Thời gian Alếchxây Lêônốp ở ngoài con tàu là 23 phút 41 giây.
Để phục vụ hoạt động ở ngoài con tàu, người ta đã chế tạo bộ quần áo bay đặc biệt có tên gọi “Berkut”. Alếchxây Lêônốp 5 lần rời xa tàu ở khoảng cách tới 5,35 m. Để cấp ôxy cho Lêônốp và bảo đảm liên lạc của ông với tàu “Rạng đông 2” thì phải sử dụng một dây nối. Bên ngoài con tàu ở phía trên có lắp 2 máy quay truyền hình để chuyển hình ảnh về Trái đất. Ngoài ra, chính Alếchxây Lêônốp cũng đã dùng máy quay đặc biệt C-97 để ghi hình.
Cho đến nay “cuộc dạo chơi” vũ trụ kéo dài nhất trong lịch sử du hành vũ trụ là do các phi công Mỹ Giêm Bôxơ và Xiudan Henmơ thực hiện hồi tháng 3-2001 (8 giờ 56 phút).
Người đầu tiên lên cung trăng
Ngày 21-7-1969, nhà du hành vũ trụ Mỹ Nin Amxtơroong, chỉ huy tàu “Apollo 11”, là người đầu tiên trên thế giới đặt chân lên Mặt Trăng. Khoảng 15 – 20 phút sau, một nhà du hành khác của Mỹ là Étuyn Onđrin cũng bước lên Mặt Trăng từ môđun hạ cánh của tàu “Apollo 11”. Hai nhà du hành này đã thực hiện cuộc liên lạc kéo dài 2 phút với Tổng thống Mỹ lúc đó là Risớt Níchxơn và đã chụp ảnh bề mặt Mặt Trăng, đồng thời họ đã đặt ở Mặt Trăng một thiết bị đo đạc địa chấn. Bằng thiết bị bức xạ laze, các nhà du hành và các nhà khoa học Mỹ đã đo được chính xác khoảng cách từ Mặt Trăng đến Trái Đất. Hai nhà du hành Mỹ cũng lấy 21,5 kg đất ở Mặt Trăng đem về Trái Đất nghiên cứu.
Nin Amxtơroong hoạt động trên bề mặt Mặt Trăng gần 2,5 giờ, còn Étuyn Onđrin thì khoảng 1,5 giờ. Cả hai ông đều đã di chuyển khoảng 1 km trên Mặt Trăng và địa điểm xa môđun hạ cánh nhất là 60 m.
Tổng cộng đã có 12 nhà du hành vũ trụ Mỹ đặt chân lên Mặt Trăng trong 6 chuyến bay trên tàu “Apollo” trong các năm 1969-1972.
Liên Xô từ năm 1961 cũng thực hiện các chuyến bay có người điều khiển để nghiên cứu Mặt Trăng. Năm 1963 đã tuyển chọn một nhóm nhà du hành để bay lên Mặt Trăng. Đã có hai cuộc phóng thử tàu mẫu và 5 cuộc phóng tàu nghiên cứu mặt trăng thật “L1” (bốn tàu trong số đó đã bay vòng quanh Mặt Trăng). Tên lửa đẩy siêu nặng H-1 đã được thiết kế nhưng cả bốn lần phóng thử đều xẩy ra sự cố. Tháng 5-1974, chương trình H-1 và các chuyến bay lên Mặt Trăng của Liên Xô hoàn toàn chấm dứt.
Lắp ghép hai tàu “Liên hợp”
Cuộc ghép nối đầu tiên giữa hai tàu vũ trụ của Liên Xô là “Liên hợp 4” và “Liên hợp 5” được thực hiện ngày 16-1-1969.
Sau khi được lắp ghép (điều khiển bằng tay), hai nhà du hành của hai con tàu này đã đi sang tàu bạn qua khoảng không vũ trụ vì hồi đó ở tàu “Liên hợp” không có “ngách” để đi sang ở mối lắp ghép. “Liên hợp 4” và “Liên hợp 5” hoạt động ở trạng thái ghép nối trong 4 giờ 35 phút.
Trạm vũ trụ đầu tiên
Tháng 4-1971, trạm vũ trụ đầu tiên được phóng lên quỹ đạo bằng tên lửa đẩy Proton-K từ sân bay vũ trụ Baicônua. Đó là trạm “Chào mừng 1” của Liên Xô. Tháng 10 cùng năm, trạm “Chào mừng 1” được đưa khỏi quỹ đạo, phần lớn của trạm bốc cháy trong các lớp khí quyển dày đặc, một phần mảnh vỡ rơi xuống Thái Bình Dương.
Đã có hai chuyến bay có người điều khiển lên trạm “Chào mừng 1”. Trong chuyến bay đầu, các nhà du hành không thể chuyển sang trạm do có trục trặc cơ chế lắp ghép. Sau đó, đội bay của tàu “Liên hợp 11” gồm ba nhà du hành đã trở thành những người đầu tiên và cũng là cuối cùng có mặt trên trạm này trong thời gian 22 ngày đêm. Rất tiếc là khi trở về Trái Đất, cả ba nhà du hành đều tử nạn do bộ phận hạ cánh của tàu vũ trụ bị hở.
Tổng cộng đã có 7 trạm vũ trụ “Chào mừng”, hoạt động trong thời gian 20 năm, cho đến năm 1991. Trong thời gian đó Mỹ có trạm quỹ đạo đầu tiên “Skylab”. Từ năm 1986, nhiều đoàn phi hành, trong đó có các phi hành gia nước ngoài, đã thực hiện các chuyến bay lên trạm vũ trụ “Hòa bình” của Nga. Từ năm 1998 đến nay, trạm vũ trụ quốc tế vẫn đang hoạt động trên quỹ đạo. Năm 2011, trạm vũ trụ đầu tiên của Trung Quốc mang tên “Thiên cung” đã được phóng lên quỹ đạo.
“Người ngoại đạo” lên vũ trụ
Đã có không ít người “ngoại đạo”, tức là những người không hoạt động trong lĩnh vực hàng không – vũ trụ, bay lên quỹ đạo ngoài Trái đất. Đầu tiên là Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mỹ Étuyn Gari. Tháng 4-1985 TNS này bay trên tàu Discovery cùng với 6 nhà du hành vũ trụ để thực hiện chương trình “Chính khách trên vũ trụ”.
Các tàu vũ trụ con thoi của Mỹ Space Shuttle cũng đã đưa lên quỹ đạo Hoàng tử Arập Xêút Xuntan Xanman An Xaút và Hạ nghị sĩ Mỹ Bin Nenxơn. Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã chấm dứt chương trình đưa “người ngoại đạo” lên vũ trụ sau vụ tai nạn tàu Challenger ngày 28-1-1986: tàu này bị nổ tung ngay khi vừa rời bệ phóng. Cô giáo Sarôn Macôlíp tử nạn trong vụ này là người được tuyển chọn và huấn luyện để thực hiện chương trình “Giáo viên trên vũ trụ”.
Trạm “Hòa bình” của Nga cũng đã đón tiếp Trưởng cơ quan thường trú Đài truyền hình Nhật Bản TBS tại Oasinhtơn, Tôehirô Akiama và một người Anh, nữ kỹ sư hóa chất Mác Hêlen Sácman của một nhà máy bánh kẹo.
Khách du lịch vũ trụ
Ngày 28-4-2001, doanh nhân Mỹ Đennít Titô là khách du lịch vũ trụ đầu tiên. Theo kế hoạch ban đầu thì Đennít Titô bay lên trạm “Chào mừng” của Nga, nhưng chương trình sau đó được thay đổi và ông đã chu du lên Trạm vũ trụ quốc tế, song cũng chỉ lưu trú ở phần của Nga trên trạm này vì NASA và Cơ quan vũ trụ châu Âu không đồng ý cho các nhà du hành “ngoại đạo” lên trạm. Đennít Titô đã ở trên vũ trụ 7 ngày đêm và 22 giờ 4 phút. Ông đã chi 20 triệu USD cho chuyến bay này (ký hợp đồng với Cơ quan hàng không – vũ trụ Nga).
Sau chuyến du lịch vũ trụ đầu tiên đó, các bên liên quan đã ký kết chính thức hiệp định về thương mại hóa hoạt động của Trạm vũ trụ quốc tế. Đến nay đã có thêm 6 khách du lịch vũ trụ bay lên trạm. Dự kiến, tháng 9-2015 sẽ có khách du lịch thứ tám là nữ ca sĩ Anh Cara Braiman.
Trong số những khách du lịch vũ trụ nói trên thì Sáclơ Ximôni hai lần bay lên quỹ đạo (năm 2007 và 2009). Ximôni cưới vợ năm 2008 và trong hợp đồng kết hôn có điều khoản quy định anh không được bay lên vũ trụ lần thứ ba!
Một vài con số
Bộ trang phục của các nhà du hành vũ trụ Nga trong chuyến bay có 22 “món”. Tất cả những món đồ này đều là loại sử dụng một lần và được làm bằng nguyên liệu bông 100%. Thời hạn sử dụng các món đồ này là 3 ngày.
Tiền lương trung bình của các nhà du hành vũ trụ Nga là 64 nghìn rúp; sau chuyến bay, mức lương được tăng lên tới 70 nghìn rúp; phi công vũ trụ Nga làm việc trên quỹ đạo 6 tháng được nhận 130-150 nghìn USD.
Các nhà du hành vũ trụ ăn 4 bữa một ngày trong thời gian chuyến bay; họ tiêu hao 3200 kilôcalo/ngày.
Trong chuyến bay vũ trụ, xương sống của nhà du hành giãn dài thêm 7 cm.
Đã có 94 nhà du hành kỷ niệm sinh nhật của mình trên quỹ đạo; 76 người đón năm mới khi đang bay trên vũ trụ.
65% những vật thể “trôi dạt” trong quỹ đạo là mảnh vỡ của các tên lửa đã phát nổ hoặc của những vệ tinh nhân tạo mà người ta chủ động cho nổ. Mỗi tháng có 2 - 3 mảnh vỡ của các vật thể nhân tạo bay ngang qua bên cạnh Trạm vũ trụ quốc tế.
ĐĂNG PHÁT